Trật Khớp Vai

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Trật khớp vai xảy ra khi cánh tay bị kéo hoặc vặn với lực cực mạnh hướng ra sau, ra ngoài hoặc lên trên. Phần trên của xương cánh tay bật ra khỏi ổ cắm khiến người bệnh đau đớn dữ dội và biến dạng một bên vai.

Tổng quan

Trật khớp vai là tình trạng chỏm xương cánh tay bị đẩy hoặc bật ra khỏi ổ chảo (một phần của xương bả vai). Tình trạng này gây biến dạng rõ rệt, đau vai đột ngột và dữ dội kèm theo sưng tấy và khó cử động.

Trật khớp vai
Trật khớp vai xảy ra khi chỏm xương cánh tay bị đẩy hoặc bật ra khỏi ổ chảo

Vai là khớp linh hoạt nhất của cơ thể, có thể quay theo nhiều hướng. Tuy nhiên điều này khiến khớp vai trở thành một khớp dễ bị trật. Trật khớp vai có thể là một phần hoặc hoàn toàn. Chấn thương này cũng có thể làm hỏng những mô xung quanh khớp vai, bao gồm:

  • Dây thần kinh
  • Mạch máu
  • Cơ bắp
  • Gân
  • Dây chằng

Ngay khi nhận thấy bị trật khớp hoặc không thể cử động vai, đừng cố gắng ép vai về đúng vị trí. Thay vào đó hãy chườm đá, bất động vai và di chuyển đến bệnh viện để được xử lý đúng cách.

Phân loại

Trật khớp vai được phân thành nhiều loại dựa trên mức độ trật khớp và vị trí của xương cánh tay so với ổ chảo.

1. Phân loại theo mức độ trật khớp 

Trật khớp vai được phân thành 2 loại dựa trên mức độ trật khớp. Cụ thể:

  • Trật khớp một phần: Bán trật khớp có nghĩa phần đầu của xương cánh tay trên bị lệch một phần ra khỏi ổ cắm (khớp chảo) ở vai, các xương vẫn chạm vào nhau. Điều này xảy ra khi có thứ gì đó kéo khớp ra khỏi vị trí bình thường.
  • Trật khớp hoàn toàn: Điều này có nghĩa phần đầu của xương cánh tay trên bị lệch hoàn toàn ra khỏi ổ cắm, các xương tách rời hoàn toàn. Trật khớp hoàn toàn gây biến dạng rõ rệt.

Cả trật khớp một phần và trật hoàn toàn đều gây mất vững ở vai và đau đớn dữ dội.

2. Phân loại theo vị trí của xương cánh tay

Dựa vào vị trí của xương cánh tay so với ổ chảo, trật khớp vai được phân thành 3 loại, bao gồm:

  • Trật ra trước

Dạng này chiếm 95% trường hợp trật khớp vai. Chấn thương xảy ra khi chỏm xương (phần trên của xương cánh tay) bị lật ra trước ổ chảo của xương vai, hướng vào trong hoặc xuống dưới.

Kiểu trật ra trước thường liên quan đến những tổn thương kết hợp như gãy ổ chảo, rách sụn viền, tổn thương thần kinh, gãy sụn viền hoặc/ và gãy chỏm xương cánh tay.

Trật ra trước
Trật ra trước chiếm 95% trường hợp trật khớp vai, xảy ra khi chỏm xương bị lật ra trước ổ chảo

Dựa trên mức độ di lệch của chỏm xương cánh tay mà trật khớp vai ra trước được phân thành các thể sau:

    • Chỏm dưới mỏm quạ (chiếm 90% trường hợp)
    • Chỏm ngoài mỏm quạ (bán trật, chiếm 7% trường hợp)
    • Chỏm trong mỏm quạ (thể trong ngực)
    • Chỏm dưới xương đòn
  • Trật ra sau

Trật ra sau chiếm khoảng 5% trường hợp trật khớp vai. Tình trạng này thường liên quan đến ngã chống tay trong tư thế khép vai. Một số trường hợp khác liên quan đến điện giật và động kinh.

Những người bị trật ra sau thường có những tổn thương đi kèm như mấu động xương cánh tay, gãy cổ phẫu thuật, tổn thương Hill-Sachs...

  • Trật xuống dưới

Trật xuống dưới là dạng trật khớp vai ít gặp nhất, xảy ra khi chỏm xương cánh tay bật ngược lên phía trên. Tình trạng này thường có một số tổn thương kèm theo như: Rách bao khớp, tổn thương chóp xoay, tổn thương thần kinh, tổn thương bó mạch - thần kinh mũ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Vì có khả năng di chuyển theo nhiều hướng nên khớp vai là khớp dễ bị trật nhất của cơ thể. Bất kỳ lực nào đủ mạnh đẩy khớp vai ra khỏi vị trí của nó đều có thể dẫn đến trật khớp vai. Chẳng hạn như:

  • Ngã chống bàn tay xuống đất với cánh tay khép và đưa ra trước dẫn đến trật khớp vai thể ra sau
  • Ngã chống khuỷu tay hoặc bàn tay xuống nền cứng trong khi tay dạng, xoay ngoài và đưa ra sau dẫn đến trật khớp ra trước.
  • Chấn thương trực tiếp vào vai từ phía sau, chẳng hạn như:
    • Tai nạn xe
    • Một cú đánh mạnh trực tiếp từ sau vai khiến phần trên của xương cánh tay bị trật ra khỏi ổ chảo
  • Chấn thương trong thể thao hoặc trong lao động. Chẳng hạn như ngã đập bàn tay hoặc khuỷu tay xuống sân với cánh tay dạng, trước - trên dẫn đến trật chỏm xương cánh tay xuống dưới.
  • Một cơn co giật.
  • Một cú điện giật nghiêm trọng.

Ngã chống khuỷu tay hoặc bàn tay xuống nền cứng
Ngã chống khuỷu tay hoặc bàn tay xuống nền cứng là nguyên nhân gây trật khớp vai phổ biến

Động kinh và sốc tạo ra sự co cơ cực độ và không cân bằng. Điều này kéo xương cánh tay ra khỏi vị trí và gây ra tình trạng trật khớp.

Trong nhiều trường hợp, trật khớp xảy ra khi cánh tay bị kéo hoặc vặn với lực cực mạnh hướng ra sau, ra ngoài hoặc lên trên. Các lực kéo này bật phần trên của xương cánh tay ra khỏi ổ chảo của xương bã vai.

Bất kỳ ai cũng có khả năng trật khớp vai. Tuy nhiên một số người sẽ có nhiều nguy cơ hơn do những yếu tố dưới đây:

  • Trật khớp vai phổ biến hơn ở những người có độ tuổi từ 15 - 30 tuổi, đặc biệt là khi tham gia vào các môn thể thao
  • Các vận động viên chơi thể thao tiếp xúc
  • Nam giới có nhiều nguy cơ hơn so với nữ
  • Có tiền sử trật khớp vai trước đó.

Triệu chứng và chẩn đoán

Trật khớp vai có những triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng, bao gồm:

  • Đột ngột đau vùng vai tổn thương sau khi ngã
  • Biến dạng một bên vai
  • Sưng nề
  • Bất lực, không thể vận động trong trật khớp vai hoàn toàn
  • Khó cử động hoặc hạn chế vận động khớp vai trong trật khớp một phần (bán trật khớp)
  • Bầm tím (tụ máu do tổn thương mạch).

Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được kiểm tra thể chất, xem xét các triệu chứng và cơ chế chấn thương. Thông báo với bác sĩ nếu có tiền sử trật khớp trước đó.

Nếu nghi ngờ trật khớp vai, bác sĩ tiến hành tìm kiếm các dấu hiệu liên quan đến biến dạng điển hình, sau đó thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh, cụ thể:

+ Nhìn

Quan sát khớp vai nhìn thấy ngay biến dạng điển hình, cụ thể:

  • Nhìn hướng trước sau nhận thấy các dấu hiệu gồm:
    • Gù vai, mỏm cùng vai tụt xuống gần như vuông góc. Dấu hiệu cho thấy cơ delta sụp đổ
    • Mỏm cùng vai đưa lên, chỏm xương cánh tay không đỡ cơ delta nữa
    • Bờ ngoài phần trên cánh tay có bất thường, không thẳng mềm mại mà có dấu hiệu gãy thành góc mở ra ngoài liên quan đến cánh tay dạng
  • Cánh tay xoay ra ngoài và dạng khoảng 30°- 40° (dấu hiệu trật kiểu ra trước)
  • Cánh tay khép và xoay trong (dấu hiệu trật kiểu ra sau)
  • Cánh tay dạng cao và xoay ngoài nhẹ (thể xuống dưới)
  • Nhìn phía nghiêng có các dấu hiệu:
    • Thể ra trước: Rãnh delta ngực không rõ, quan sát thấy chỏm xương cánh tay gồ lên ở phía trước.
    • Thể ra sau: Có thể nhìn rõ rảnh delta ngực, quan sát thấy chỏm xương cánh tay gồ lên phía sau, đường kính trước sau vai dày ra.
    • Thể xuống dưới: Chỏm xương cánh tay gồ lên tại hõm nách.

Quan sát khớp vai nhìn thấy ngay biến dạng điển hình
Quan sát thấy gù vai, mỏm cùng vai tụt xuống gần như vuông góc hoặc đưa lên

+ Sờ nắn

  • Sờ thấy hõm khớp rỗng
  • Thể ra trước: Chỏm xương cánh tay di lệch ra trước, sờ thấy lồi lên phía rãnh delta ngực
  • Thể ra sau: Chỏm xương cánh tay ở phía sau
  • Thể xuống dưới: Chỏm tại hõm nách
  • Mất cơ năng cử động của khớp vai
  • Dấu hiệu Berger
    • Cánh tay dạng chừng 30°
    • Không thể khép khuỷu vào thân mình được
    • Có dấu hiệu kháng cự đàn hồi (dấu hiệu lò xo) khi ấn khuỷu khép vào thân mình sau đó thả ra
  • Tổn thương thần kinh nách, thường gặp trong thể ra trước. Bệnh nhân mất cảm giác mặt ngoài khoảng 1/3 trên cánh tay (dấu hiệu Regiment Badge)
  • Tay trật ngắn hơn bên lành.

+ Xét nghiệm hình ảnh

  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang cho thấy rõ thể trật, vị trí của chỏm xương cánh tay và những tổn thương kèm theo. Chẳng hạn như gãy cổ xương cánh tay, gãy mấu động lớn...
  • Siêu âm: Siêu âm kiểm tra tổn thương kèm theo liên quan đến mô mềm quanh khớp, điển hình như căng cơ và rách chóp xoay khớp vai...
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI được chỉ định khi có chấn thương phức tạp, trật khớp gây ra nhiều tổn thương cho mô mềm. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh đa chiều giúp quan sát kỹ lưỡng hơn về cấu trúc vùng ảnh hưởng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT tạo ra hình ảnh chi tiết về xương, giúp phát hiện những tổn thương khó thấy và đánh giá chi tiết tình trạng.

Biến chứng và tiên lượng

Trật khớp vai có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Gãy xương
    • Gãy rời mấu động to (chiếm 30% trường hợp). Mảnh gãy thường trở lại vị trí giải phẫu sau khi nắn trật khớp
    • Vỡ bờ ổ chảo
    • Gãy cổ xương cánh tay
    • Biến dạng chỏm xương cánh tay dạng Hill- Sachs
  • Rách cơ, gân và dây chằng cung cố khớp vai, điển hình như căng cơ, tổn thương đai xoay vai (chiếm 55% - 80% trường hợp)
  • Tổn thương dây thần kinh, chẳng hạn như liệt dây thần kinh mũ
  • Tổn thương mạch máu trong và xung quanh khớp vai, chẳng hạn như tắc động mạch nách (chiếm 1% trường hợp)
  • Biến dạng Hill-Sachs
  • Trật khớp lặp lại

Thường mất 3 - 4 tháng để phục hồi sau khi trật khớp vai. Nguy cơ trật khớp tái phát là 20% đối với trật khớp vai ra trước. Nguy cơ này thường phổ biến hơn ở nam giới.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị trật khớp vai:

  • Cần nắn chỉnh sớm. Nên dùng thuốc an thần hoặc gây mê cho cơ mềm, giữ thoải mái để dễ nắn. Không để tổn thương kéo dài để tránh biến dạng chỏm (biến dạng Hill-Sachs).
  • Trong khi điều trị, nắn nhẹ nhàng và chống co cơ. Không dùng lực mạnh hoặc thô bạo để cố nắn cho được. Điều này có thể dẫn đến những thương tổn kèm theo.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, cố định, dùng thuốc và phục hồi chức năng sau nắn chỉnh.

Các phương pháp điều trị cụ thể:

1. Nắn chỉnh kín

Khi bị trật khớp vai, điều quan trọng là đưa cánh tay trở lại vào trong ổ khớp. Tuy nhiên không cố gắng tự đẩy khớp vai trở lại vị trí ban đầu. Điều này có thể làm cho vết thương tồi tệ hơn và hỏng các mô mềm quanh khớp. Kỹ thuật nắn chỉnh phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn cao.

Hầu hết các trường hợp được nắn chỉnh kín, còn gọi là giảm hoặc thao tác khép kín. Trong quy trình này, bác sĩ thực hiện một số thao tác nhẹ nhàng để căng chỉnh vai, đưa chỏm xương cánh tay trở về ổ chảo.

Trước khi thao tác, người bệnh được sử dụng thuốc an thần, gây mê hoặc gây tê cục bộ để làm tê khu vực xung quanh vai. Điều này giúp cơ mềm và dễ nắn hơn.

Nắn chỉnh kín
Nắn chỉnh kín gồm một số thao tác nhẹ nhàng để căng chỉnh vai, đưa khớp vai về vị trí ban đầu

Có nhiều phương pháp nắn chỉnh, được chia làm 2 nhóm bao gồm:

  • Nắn bằng lực kéo
    • Phương pháp Hypocrates
    • Phương pháp Stimson
    • Phương pháp Traction Countertraction...
  • Nắn bằng nâng tay lên cao
    • Phương pháp Stimson
    • Phương pháp Traction Countertraction
    • Phương pháp Hippocrates
    • Phương pháp Kocher

2. Chăm sóc sau nắn chỉnh

Sau khi đặt khớp trở lại vị trí ban đầu, người bệnh được chỉ định thêm một số phương pháp khác có thể vai phục hồi hoàn toàn.

  • Cố định: Sau khi nắn chỉnh, vai bị thương được giữ cố định bằng dây đeo hoặc thanh nẹp. Phương pháp này giúp giữ khớp vai ở vị trí đúng, giảm căng thẳng và cho phép chữa lành. Hầu hết bệnh nhân cần cố định vai trong vài tuần.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh vài lần một ngày để giảm đau và sưng. Chú ý bọc đá lạnh trong túi vải, chườm tối đa 20 phút. Tránh đặt đá trực tiếp trên da.
  • Duy trì phạm vi chuyển động của vai: Trong thời gian cố định khớp vai, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập nhẹ nhàng. Điều này giúp vai không bị cứng hoặc căng. Tham khảo ý kiến bác sĩ về tần suất luyện tập cho vai.
  • Thuốc: Cơn đau thường biến mất sau nắn chỉnh khớp vai. Tuy nhiên một vài trường hợp có cơn đau dai dẳng và được chỉ định những loại thuốc sau:
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID thường được dùng để giảm đau do trật khớp. Thuốc có tác dụng giảm đau, phòng ngừa và trị viêm.
    • Thuốc giãn cơ: Loại thuốc này được dùng để giảm đau và giảm co thắt cơ.
  • Nghỉ ngơi: Tránh bất kỳ hoạt động nào có thể gây căng thẳng cho vai. Nên nghỉ ngơi đầy đủ để vai được phục hồi đúng cách.
  • Vật lý trị liệu: Khi vai lành lại, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn một số bài tập thích hợp. Bệnh nhân thường bắt đầu với những bài tập giãn cơ nhẹ nhàng để nới lỏng vai, giữ cho vai không quá chật và không bị cứng. Sau cùng các bài tập tăng cường được thực hiện nhằm cải thiện cơ bắp, lấy lại khả năng di chuyển và sức mạnh của vai. Hầu hết các trường hợp cần vật lý trị liệu sau khi trật khớp vai vài tháng để giảm nguy cơ trật khớp tái phát trong tương lai.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu khi vai lành lại với các bài tập lấy lại khả năng di chuyển và sức mạnh của vai

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật trật khớp vai được chỉ đinh cho những trường hợp sau:

  • Nắn trật thất bại
  • Có biến chứng mạch máu thần kinh hoặc tổn thương dây thần kinh
  • Trật khớp kèm theo gãy xương cánh tay hoặc ổ chảo
  • Tiền sử trật khớp vai trong quá khứ.

Phẫu thuật bao gồm việc đưa chỏm xương cánh tay trở lại ổ chảo, phục hồi mạch máu, sửa chữa và cố định các mảnh xương gãy. Nếu có trật khớp vai tái lại nhiều lần, người bệnh được phẫu thuật sửa chữa hoặc thắt chặt các dây chằng quanh khớp. Phương pháp này giúp giữ cho chỏm xương cánh tay gắn vào xương bả vai, ngăn ngừa trật khớp trong tương lai.

Phòng ngừa

Trật khớp vai không được ngăn ngừa hoàn toàn do thường liên quan đến tai nạn và chấn thương bất ngờ. Tuy nhiên các bước dưới đây có thể hạn chế tối đa nguy cơ. Cụ thể:

  • Thận trọng để tránh té ngã, va đập và những chấn thương vai khác.
  • Giữ cho không gian làm việc và nhà ở gọn gàng. Không gian bừa bộn có thể gây vấp ngã.
  • Nếu có nguy cơ té ngã (chẳng hạn như gặp khó khăn khi đi lại), hãy sử dụng gậy hoặc khung tập đi để hỗ trợ.
  • Đừng cố gắng với lấy đồ vật, leo trèo hoặc đứng trên những vật dụng không chắc chắc như ghế, bàn... Tốt nhất nên sử dụng những thiết bị hoặc công cụ thích hợp để tiếp cận mọi thứ.
  • Mặc đồ bảo hộ phù hợp khi tham gia vào các môn thể thao tiếp xúc.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự linh hoạt và sức mạnh cho cơ và khớp. Điều này giúp giảm nguy cơ trật khớp vai.
  • Sau khi hoạt động với cường độ cao, hãy cho cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.
  • Nghỉ ngơi khi cảm thấy khó chịu hoặc đau vai trong hoặc sau khi hoạt động thể chất. Đừng cố gắng vượt qua cơn đau vì có thể dẫn đến trật khớp vai và những tổn thương mô mềm.
  • Luôn khởi động, thực hiện các động tác giãn cơ phù hợp trước khi chơi thể thao hoặc tập thể dục.
  • Hạ nhiệt và thực hiện những động tác kéo dài sau khi hoạt động thể chất. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương.

Khởi động trước khi luyện tập, hạ nhiệt và kéo dài sau luyện tập
Khởi động trước khi luyện tập, hạ nhiệt và kéo dài sau luyện tập để phục hồi cơ, phòng ngừa trật khớp vai

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị trật khớp vai hay có một tình trạng y tế khác hay không?

2. Phương pháp điều trị nào hữu hiệu nhất?

3. Có các tổn thương kèm theo hay không?

4. Mất bao lâu để phục hồi hoàn toàn?

5. Tôi cần luyện tập như thế nào?

6. Tôi có thể tiếp tục chơi thể thao hay không?

7. Làm gì để ngăn trật khớp vai tái diễn?

Trật khớp vai là một chấn thương thường gặp, chủ yếu xảy ta do tai nạn và chấn thương bất ngờ. Tình trạng này gây biến dạng khớp rõ rệt, đau đớn kèm theo nhiều vấn đề khác. Cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ. Tuyệt đối không tự mình nắn chỉnh khớp.