Trật Khớp Thái Dương Hàm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Trật khớp thái dương hàm xảy ra khi xương hàm dưới bị kéo ra khỏi khớp thái dương hàm (TMJ). Chấn thương này khiến người bệnh không thể ăn hoặc nói, cần được điều trị y tế.

Tổng quan

Trật khớp thái dương hàm còn được gọi là trật khớp hàm hoặc hàm lệch. Đây là tình trạng xương hàm dưới di chuyển ra khỏi vị trí bình thường của nó. Bất kỳ điều gì khiến xương hàm dưới bị kéo ra khỏi khớp thái dương hàm (TMJ) cũng có thể gây trật khớp.

Trật khớp thái dương hàm
Trật khớp thái dương hàm là tình trạng xương hàm dưới di chuyển ra khỏi vị trí bình thường

Khớp thái dương hàm gồm cơ hàm, các khớp, dây chằng nối hàm dưới với hộp sọ. Chúng hoạt động cùng nhau để giúp bạn mở và ngậm miệng.

Khi bị trật khớp hàm, xương hàm di chuyển ra khỏi TMJ, các bộ phận giúp hàm di chuyển hoạt động không bình thường. Điều này khiến người bệnh không thể nhai, ăn hoặc/ và nói. Để điều trị, bác sĩ thực hiện một số thao tác nhẹ nhàng để đẩy hàm dưới trở lại vị trí ban đầu.

Phân loại

Trật khớp thái dương hàm được phân thành 2 loại dựa trên mức độ di lệch của xương hàm dưới. Cụ thể:

  • Trật hoàn toàn: Xương hàm dưới di lệch nặng, tách hoàn toàn ra khỏi khớp thái dương hàm.
  • Trật một phần: Xương hàm dưới di lệch nhưng vẫn còn dính với các xương khác trong khớp thái dương hàm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chấn thương vùng mặt là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn bị trật khớp thái dương hàm. Chấn thương mạnh khiến xương hàm buộc phải di chuyển khỏi bị trí bình thường. Tình trạng này thường kèm theo gãy xương hàm.

Một số nguyên nhân gây chấn thương vùng mặt gồm:

  • Một cú đánh mạnh vào mặt
  • Té ngã
  • Tai nạn xe cộ
  • Chấn thương thể thao
  • Chấn thương trong lao động

Trật khớp hàm cũng có thể là kết quả của một số hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như:

  • Ngáp rộng
  • Cười lớn
  • Cắn một miếng bánh quá khổ
  • Trật khớp do có vật gì đó đập vào hàm
  • Há miệng đột ngột
  • Nghiến răng lúc ngủ
  • Nhai kẹo cao su quá nhiều
  • Sau nhổ răng hoặc dị tật đĩa khớp, đặc biệt là sau khi nhổ răng số 7 và số 8 mọc lệch

Ngáp rộng
Ngáp rộng là một trong những nguyên nhân gây trật khớp thái dương hàm phổ biến

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Mắc một số hội chứng mô liên kết khiến các khớp siêu linh hoạt hoặc trở nên lỏng lẻo một cách bất thường, chẳng hạn như hội chứng Ehlers-Danlos
  • Co giật
  • Căng thẳng hoặc nhiễm khuẩn
  • Những hoạt động cần há miệng to trong thời gian dài, chẳng hạn như điều trị y tế hoặc nha khoa.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tương tự như các khớp khác trên cơ thể, trật khớp thái dương hàm gây ra những triệu chứng đột ngột. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, những triệu chứng và dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Một tiếng lạo xạo lớn xảy ra ngay trên màng nhĩ
  • Đau đớn dữ dội không thể chịu nổi, đặc biệt là ở bên xảy ra trật khớp
  • Không thể đóng miệng
  • Khó cử động hàm
  • Hàm dưới bị lệch
  • Khó chịu khi nhai hoặc không thể ăn và nói
  • Đột nhiên lệch khớp cắn hoặc có cảm giác bất thường, hàm trên và hàm dưới không gặp nhau ở vị trí bình thường
  • Không thể ngậm miệng hoàn toàn dẫn đến chảy nước dãi

Những triệu chứng ngắn hạn có thể bao gồm:

  • Nhức đầu từ nhẹ đến mãn tính
  • Căng cơ hoặc đau ở mặt, cổ và hàm.

Đau đớn dữ dội
Đau đớn dữ dội, không thể đóng miệng, khó cử động hàm là những triệu chứng thường gặp

Để chẩn đoán trật khớp thái dương hàm, bác sĩ tiến hành khám sức khỏe, kiểm tra bệnh sử và xét nghiệm hình ảnh. Trong khi thăm khám, bệnh nhân được kiểm tra thời điểm và cơ chế chấn thương, xem xét các triệu chứng và mức độ di lệch hàm dưới.

Nếu có chấn thương phức tạp, bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Sử dụng tia X tạo ra hình ảnh chi tiết của xương. Điều này có thể cho thấy mức độ trật khớp thái dương hàm, có gãy xương kèm theo hay không.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT hiện thị hình ảnh đa chiều của bộ phận cần kiểm tra. Điều này giúp bác sĩ nhìn rõ khu vực hơn, đánh giá tình trạng trật khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ nếu có nghi ngời trật khớp hàm kèm theo những tổn thương của mô mềm. Kỹ thuật này hiển thị hình ảnh chi tiết của các mô, giúp phát hiện nhanh những bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Trật khớp thái dương hàm có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Dính khớp
  • Thủng đĩa khớp dẫn đến phá hủy đầu xương, xơ cứng khớp, sau cùng khiến người bệnh không thể há miệng được
  • Viêm khớp thái dương hàm
  • Căng cơ hàm
  • Đau khớp hàm mãn tính
  • Gãy xương kèm theo
  • Tổn thương mạch máu và dây thần kinh
  • Khó ngậm và há miệng như bình thường.

Ngoài ra những triệu chứng lâu dài có thể dẫn đến những vấn đề sau:

  • Thiếu ngủ
  • Mệt mỏi hoặc thờ ơ
  • Thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt và tức giận
  • Khó thực hiện những công việc hàng ngày
  • Lo lắng và trầm cảm
  • Ù tai
  • Đau khi ngồi đọc sách hoặc ngồi trước máy tính. Những hoạt động này khiến người bệnh nghiêng đầu xuống hoặc ngửa đầu lên làm tăng áp lực lên hàm và cơ mặt.

Điều trị

Dựa vào mức độ nghiêm trọng, điều trị trật khớp thái dương hàm thường bao gồm những phương pháp sau:

1. Sơ cứu

Cần chườm lạnh từ 15 - 20 phút ngay khi bị trật khớp. Đặt túi đá lạnh lên khớp thái dương hàm có thể giúp giảm sưng và đau hiệu quả. Biện pháp này nên được thực hiện mỗi 2 - 3 giờ 1 lần.

Sau khi chườm lạnh, giữ cho khớp ở vị trí cố định, không cố gắng ngậm hoặc há miệng, nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được xử lý.

2. Nắn chỉnh kín

Nắn chỉnh kín là một thủ thuật giúp đưa hàm trở lại vị trí bình thường mà không cần phẫu thuật. Thủ thuật này gồm một vài thao tác nhẹ nhàng giúp đưa xương hàm dưới trở về vị trí đúng.

Nắn chỉnh kín
Nắn chỉnh kín gồm các thao tác đơn giản giúp đưa xương bị lệch trở về vị trí đúng

3. Cố định

Sau khi nắn chỉnh xong, bác sĩ có thể sử dụng thiết bị cố định (chẳng hạn như dây thun hoặc dây) để giữ cho hàm ở vị trí thích hợp. Điều này giúp hạn chế các chuyển động không cần thiết, tránh di lệch trở lại. Thiết bị cố định thường được sử dụng cho đến khi phục hồi hoàn toàn.

4. Thuốc

Cơn đau thường biến mất ngay sau khi khớp lệch được điều chỉnh. Nếu đau vẫn còn, những loại thuốc dưới đây có thể được chỉ định:

  • Thuốc giãn cơ: Thuốc này có tác dụng thư giãn các cơ hàm, giảm đau và co thắt cơ.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen thường được dùng để giảm sưng và đau.
  • Tiêm thuốc: Một loại thuốc đặc biệt có thể được tiêm vào khớp thái dương hàm. Thuốc này giúp siết chặt hàm, ngăn khớp di chuyển quá nhiều. Thông thường người bệnh sẽ được cố định sau khi tiêm.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện khi khớp thái dương hàm bị trật nghiêm trọng, không thể nắn chỉnh kín hoặc thường xuyên tái phát. Dựa vào tình trạng, bác sĩ tiến hành đưa khớp lệch trở lại vị trí đúng, sửa chữa hoặc thắt chặt dây chằng xung quanh khớp thái dương hàm. Sau phẫu thuật, khớp hàm ổn định hơn và giảm nguy cơ trật khớp tái phát.

Phẫu thuật
Phẫu thuật đưa khớp lệch trở lại vị trí đúng, thắt chặt dây chằng xung quanh khớp thái dương hàm

6. Chăm sóc tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của trật khớp thái dương hàm, bao gồm:

  • Hỗ trợ hàm: Cố gắng không mở rộng miệng cho đến khi bác sĩ cho phép, chẳng hạn như ngáp hoặc cắn một miếng bánh quá cỡ. Điều này có thể gây trật khớp trở lại. Để tránh hạn chế chấn thương tái diễn, cần sử dụng thiết bị hỗ trợ hàm cho đến khi phục hồi hoàn toàn, chẳng hạn như băng hoặc dây đeo hàm.
  • Ăn thức ăn mềm: Người bệnh nên ăn thức ăn mềm cho đến khi trật khớp thái dương hàm được chữa lành hoàn. Không nên ăn thực phẩm cứng và dai.
  • Chườm đá: Chườm đá mỗi 2 - 3 giờ/ ngày. Đặt gel lạnh hoặc túi đá lên khu vực ảnh hưởng trong 20 phút. Biện pháp này có tác dụng giảm sưng và đau hiệu quả, ngăn ngừa tổn thương mô. Đừng đặt trực tiếp đá lạnh lên da.
  • Bài tập: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn những bài tập giúp cơ hàm khỏe hơn, phục hồi chuyển động linh hoạt. Từ đó giúp ngăn trật khớp trở lại.

Phòng ngừa

Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp phòng ngừa trật khớp thái dương hàm:

  • Tránh mở rộng hàm quá mức hoặc đột ngột, chẳng hạn như ngáp quá rộng, cười lớn, cố gắng nhai nhiều thức ăn trong một lần hoặc cắn một miếng bánh quá khổ.
  • Trong khi ngáp, hãy giữ cho lưỡi chạm vào vòm miệng. Điều này giúp giữ cho miệng khép lại một phần, tránh ngáp quá mức.
  • Nếu có tiền sử bị trật khớp hàm, hết sức cẩn thận để tránh ngáp quá rộng.
  • Thận trọng khi chơi thể thao, phòng ngừa té ngã, va đập hoặc có vật đập vào hàm.
  • Không há miệng đột ngột.
  • Loại bỏ thói quen nghiến răng lúc ngủ.
  • Không nhai kẹo cao su quá nhiều.
  • Sử dụng những thiết bị an toàn trong khi chơi thể thao để phòng ngừa chấn thương. Chẳng hạn như mũ bảo hiểm, các dụng cụ bảo vệ miệng.

Sử dụng những thiết bị an toàn trong khi chơi thể thao
Phòng ngừa trật khớp hàm bằng cách sử dụng những thiết bị an toàn trong khi chơi thể thao

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Khớp thái dương hàm của tôi bị trật một phần hay hoàn toàn?

2. Phương pháp nào được thực hiện và đảm bảo hiệu quả?

3. Có nguy cơ tái phát trong tương lai hay không?

4. Nên tránh những gì để ngăn tái phát?

5. Tôi nên làm gì trong quá trình hồi phục?

6. Mất bao lâu để chữa lành hoàn toàn?

7. Tôi có cần phẫu thuật hay không? Chi phí?

Trật khớp thái dương hàm là một chấn thương thường gặp, thường do những hoạt động hàng ngày và va đập.Thông thường, một số thao tác nhẹ nhàng có thể giúp điều chỉnh khớp, kết hợp giữ khớp ở vị trí đúng cho đến khi phục hồi. Tuy nhiên một số trường hợp khác có thể cần phẫu thuật. Hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn.