Trật Khớp Ngón Tay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Trật khớp ngón tay là một chấn thương thường gặp, trong đó các đầu xương xương ngón tay lệch ra khỏi ổ khớp, có thể sang một bên hoặc ra xa. Điều này khiến chúng không còn thẳng hàng như bình thường, ngón tay bị biến dạng và đau đớn.

Tổng quan

Trật khớp ngón tay là thuật ngữ chỉ tình trạng các xương ngón tay di chuyển ra xa hoặc sang một bên so với ổ khớp. Tình trạng này khiến những đầu xương không còn thẳng hàng như bình thường.

Trật khớp ngón tay
Trật khớp ngón tay xảy ra khi các đầu xương xương ngón tay lệch ra khỏi ổ khớp

Mỗi ngón tay có ba khớp và ngón cái có hai khớp. Các khớp cho phép ngón tay duỗi thẳng, uốn cong và thực hiện các hoạt động một cách linh hoạt. Bất kỳ điều gì khiến hai xương bị lệch ra khỏi khớp cũng đều dẫn đến trật khớp ngón tay.

Khi một ngón tay bị trật khớp, các xương không còn liền với nhau và không thẳng hàng. Điều này gây biến dạng ngón tay rõ rệt kèm theo đau đớn và không thể sử dụng khớp.

Phân loại

Có ba kiểu trật khớp ngón tay, cụ thể:

  • Trật khớp ra sau: Kiểu trật này thường liên quan đến tổn thương đĩa sụn. Khi chụp X-quang có thể nhìn thấy mảnh xương nhỏ bị lệch ra khỏi khớp ngón tay.
  • Trật khớp sang bên: Ngón tay vẹo sang một bên kèm theo mất vững và sưng tấy. Tình trạng này xảy ra khi có lực tác động ở phía bên.
  • Trật khớp ra trước: Trật khớp ngón tay ra trước xảy ra khi có lực tác động vào phía trước của ngón tay kèm theo di lệch xoay.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trật khớp ngón tay xảy ra khi có một lực đủ mạnh khiến các ngón tay bị uốn cong về phía sau hoặc phía trước, vượt khỏi giới hạn chuyển động bình thường. Điều này thường liên quan đến những nguyên nhân dưới đây:

  • Ngã: Ngã chống bàn tay xuống đất khiến các ngón tay bị đẩy ra khỏi phạm vi chuyển động bình thường, các xương lệch ra khỏi khớp.
  • Chấn thương trong thể thao: Trật khớp ngón tay thường gặp ở những người cố bắt hoặc chặn một quả bóng. Khi bắt bóng, quả bóng đập vào một ngón tay với lực cực mạnh khiến các ngón tay bị kéo căng quá mức về phía sau, các xương bị đẩy hoặc bật ra khỏi khớp.
  • Tai nạn: Một cú đập mạnh vào ngón tay có thể khiến xương tách ra khỏi khớp.
  • Di truyền: Một số người sinh ra với dây chằng yếu. Điều này là giảm tính ổn định của khớp và tăng nguy cơ chấn thương.

Triệu chứng và chẩn đoán

Trật khớp ngón tay có những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết dưới đây:

  • Khớp ngón tay không thẳng hàng, bị biến dạng hoặc cong vẹo sang một bên
  • Xương ngón tay nhô ra khỏi khớp hoặc chìa sang một bên
  • Sưng và bầm tím quanh khớp
  • Đau quanh khớp, cơn đau thường đột ngột và nghiêm trọng
  • Không thể sử dụng và di chuyển ngón tay

Các triệu chứng nghiêm trọng và ít gặp hơn:

  • Tê hoặc ngứa ran
  • Đôi khi ngón tay bị thương có màu nhợt nhạt
  • Có vết nứt trên da ngay tại vùng bị thương.

Khớp ngón tay không thẳng hàng
Khớp ngón tay không thẳng hàng, xương ngón tay nhô ra hoặc chìa sang một bên khi bị trật khớp

Kiểm tra vùng ảnh hưởng có thể phát hiện nhanh tình trạng trật khớp ngón tay. Trong quá trình này, bệnh nhân được hỏi về cơ chế chấn thương, tiền sử trật khớp và triệu chứng.

Nếu có nghi ngờ trật khớp, bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm dưới đây:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang bàn tay và các ngón cho thấy sự di lệch của các xương ngón tay so với ổ khớp. Kỹ thuật này cũng giúp xác định gãy xương đi kèm.
  • Siêu âm: Đôi khi siêu âm được thực hiện nhằm kiểm tra các mô quanh khớp, chẳng hạn như gân và cơ. Từ đó định hướng điều trị.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu nghi ngờ tổn thương mô đáng kể gần khớp bị trật, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ xác định chẩn đoán. Kỹ thuật này sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh đa chiều và chi tiết của các mô trong cơ thể.

Biến chứng và tiên lượng

Trật khớp ngón tay ít gây biến chứng và có thời gian phục hồi nhanh hơn so với các khớp lớn. Hầu hết mọi người mất từ 1 - 2 tháng để khắc phục hoàn toàn. Nếu có gãy xương hoặc tổn thương mô (chẳng hạn như tổn thương gân), cần mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Một số biến chứng có thể gặp khi bị trật khớp ngón tay:

  • Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh
  • Hỏng gân gấp ngón tay
  • Biến dạng khớp vĩnh viễn
  • Cứng khớp

Điều trị

Hầu hết trường hợp trật khớp ngón tay được điều trị bảo tồn. Các phương pháp thường được chỉ định gồm:

1. Nắn chỉnh kín

Cẩn thận nắn xương trở lại khớp là bước đầu tiên trong điều trị trật khớp ngón tay. Thông thường người bác sĩ sẽ thực hiện một thủ tục được gọi là nắn chỉnh kín. Trong đó các thao tác nhẹ nhàng được thực hiện nhằm giúp các xương ngón tay bị lệch được đưa trở vị trí đúng, phục hồi khớp ảnh hưởng.

Trước khi thực hiện thủ tục, thuốc an thần hoặc thuốc gây tê cục bộ được sử dụng để làm tê liệt vùng ảnh hưởng. Điều này giúp các cơ thư giãn, nắn khớp dễ dàng và giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân.

Sau thủ thuật, bệnh nhân được yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra lại sự liên kết của các xương trong khớp.

2. Cố định

Ngón tay ảnh hưởng được cố định bằng nẹp hoặc dây cố định K sau khi nắn chỉnh xong.

Cẩn thận nắn xương trở lại khớp và cố định
Cẩn thận nắn xương trở lại khớp và cố định bằng nẹp để bảo vệ và giữ cho ngón tay ở vị trí thích hợp

  • Cố định bằng nẹp: Thanh nẹp có dải kim loại cứng giúp hỗ trợ xương, bảo vệ và giữ cho ngón tay ở vị trí thích hợp trong khi lành lại. Điều này giúp ngăn tổn thương hoặc trật khớp một lần nữa.
  • Dây cố định K (K-wire fixation): Thiết bị này gồm các thanh kim loại nhỏ giúp cố định bên trong ngay trong quá trình phẫu thuật. Cố định dây K có khả năng cố định các mảnh xương cho đến khi chúng lành lại hoàn toàn. Thiết bị này phù hợp với những bệnh nhân bị trật khớp ngón tay kèm theo gãy xương.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật trật khớp ngón tay (nắn chỉnh hở) được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Trật khớp ngón tay kèm theo tổn thương khác như rách dây chằng, gãy xương
  • Nắn kín không thành công

Quy trình phẫu thuật giúp làm giảm trật khớp, sửa chữa các mô, ổn định và khôi phục khả năng vận động bình thường của ngón tay. Phương pháp này có thể giúp nắn chỉnh mà không làm tổn thương những cấu trúc xung quanh.

4. Vật lý trị liệu

Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn các bài tập sau khi ngón tay lành lại. Các bài tập có khả năng cải thiện phạm vi chuyển động, phục hồi chức năng và sức mạnh của ngón tay.

5. Chăm sóc tại nhà

Cho đến khi ngón tay lành lại hoàn toàn, người bệnh cần áp dụng một số biện pháp giúp thúc đẩy phục hồi, giảm nguy cơ tái phát.

  • Giữ cho nẹp luôn khô ráo và sạch sẽ.
  • Trong khi nghỉ ngơi, nâng ngón tay cao hơn mức tim để giảm tích tụ chất lỏng và giảm sưng.
  • Chườm lạnh mỗi 3 - 4 giờ 1 lần. Đặt túi chườm lên ngón tay ảnh hưởng trong 20 phút. Biện pháp này giúp giảm sưng và đau hiệu quả.
  • Nghỉ ngơi và tránh di chuyển trong quá trình chữa bệnh. Điều này giúp ngón tay có thời gian lành lại hoàn toàn.
  • Duy trì vận động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp giữ cho khớp ngón tay không bị cứng và căng.
  • Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định. Chẳng hạn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen.

Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định
Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định để giảm nhẹ các cơn đau do trật khớp ngón tay

Phòng ngừa

Những bước dưới đây có thể giúp ngăn ngừa trật khớp ngón tay:

  • Thận trọng khi chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao cần bắt bóng.
  • Ngăn ngừa té ngã bằng cách:
    • Giữ nhà cửa và nơi làm việc gọn gàng, loại bỏ những vật dụng có thể gây vấp ngã trên sàn.
    • Sử dụng thảm chống trượt trong nhà tắm và những nơi ẩm ướt khác.
    • Không đứng trên những vật dụng không chắc chắn.
    • Nếu gặp khó khăn khi đi lại, hãy sử dụng gậy hoặc khung tập đi để hỗ trợ.
  • Sử dụng thiết bị bảo hộ khi chơi thể thao.
  • Không mang nhẫn khi chơi thể thao. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chấn thương.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi để các khớp xương và mô quanh khớp có thể phục hồi sau một buổi luyện tập cường độ cao.
  • Thường xuyên tập thể dục, thực hiện những bài tập tốt cho bàn tay và các ngón. Các bài tập có thể giúp tăng cường các cơ hỗ trợ, tăng sự linh hoạt cho khớp và giảm nguy cơ chấn thương.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị trật khớp ngón tay hay một tình trạng y tế khác?

2. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?

3. Lợi ích và rủi ro từ các phương pháp là gì?

4. Ngón tay ảnh hưởng có khả năng phục hồi hoàn toàn hay không?

5. Cần tránh những gì trong quá trình phục hồi?

6. Tôi nên làm gì để ngăn trật khớp tái phát?

7. Tôi có khả năng gặp biến chứng lâu dài hay không?

Trật khớp ngón tay thường nhẹ, chủ yếu được điều trị bảo tồn. Tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không cố gắng ép khớp trở lại vị trí cũ. Khi có chấn thương, cần bất động ngón tay ảnh hưởng, sau đó di chuyển đến bệnh viện và nhờ sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa.