Trật Khớp Khuỷu Tay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Trật khớp khuỷu tay là một chấn thương phổ biến, xảy ra khi các bề mặt khớp của khuỷu tay bị buộc phải di chuyển ra khỏi vị trí bình thường. Sau chấn thương, khớp khuỷu có thể bị trật hoàn toàn hoặc một phần, biến dạng và đau đớn.

Tổng quan

Trật khớp khuỷu tay (hay trật khớp khuỷu) là thuật ngữ chỉ tình trạng các xương ở khớp khuỷu tay bị đẩy hoặc bật ra khỏi vị trí của nó. Điều này gây ra cảm giác đau đớn dữ dội, khiến bạn không thể hoặc khó cử động khuỷu tay.

Trật khớp khuỷu tay
Trật khớp khuỷu tay xảy ra khi các xương ở khớp khuỷu tay bị đẩy hoặc bật ra khỏi vị trí của nó

Khớp khuỷu tay là nơi ba xương trong cánh tay kết hợp lại với nhau, bao gồm: Xương cánh tay trên và hai xương từ cẳng tay (đầu trên của xương trụ và xương quay). Các dây chằng quanh khớp nối với xương, giúp giữ các xương lại với nhau và thẳng hàng, khớp khuỷu tay ổn định.

Trật khớp khuỷu tay xảy ra khi hai xương cẳng tay dịch chuyển khỏi vị trí, lệch so với bề mặt khớp và xương của cánh tay trên. Điều này làm ảnh hưởng đến những chuyển động của khuỷu tay, gây đau và biến dạng.

Trật khớp khuỷu cũng có thể làm căng và tổn thương các mô xung quanh khớp, bao gồm:

  • Dây chằng
  • Cơ bắp
  • Gân
  • Mạch máu
  • Dây thần kinh.

Phân loại

Dựa trên mức độ di chuyển của xương trong khớp, trật khớp khuỷu tay được phân thành 2 loại, bao gồm:

  • Trật khớp hoàn toàn: Dạng này xảy ra khi xương trong khớp khuỷu tay bị tách rời hoàn toàn ra khỏi vị trí của nó.
  • Trật khớp một phần (Subluxation): Trật khớp một phần xảy ra khi có thứ gì đó kéo khớp ra khỏi vị trí của nó và các xương vẫn chạm vào nhau nhưng không hoàn toàn bình thường.

Phân loại dựa trên tổn thương khớp

  • Trật khớp đơn giản: Trật khớp khuỷu tay kèm theo tổn thương dây chằng hỗ trợ khớp nhưng không kèm theo gãy xương.
  • Trật khớp phức tạp: Dây chằng và gân bị rách một phần hoặc hoàn toàn kèm theo gãy xương.
  • Trật khớp nghiêm trọng: Có tổn thương dây thần kinh và mạch máu xung quanh khuỷu tay bị trật.

Phân loại dựa trên vị trí của chỏm quay, mỏm khuỷu với đầu dưới của xương cánh tay:

  • Trật khớp ra sau

Trật ra sau chiếm khoảng 90% trường hợp trật khớp khuỷu tay. Tình trạng này xảy ra khi đầu trên của hai xương cẳng tay (xương trụ và xương quay) bật ra khỏi khớp khuỷu tay. Các xương bị kéo lên trên ở mặt sau đầu dưới của xương cánh tay trên.

Nếu xương trụ và xương quay không bị kéo lên trên mà lệch sang một bên, chấn thương sẽ trở thành kiểu trật ra sau, lệch bên ngoài hoặc bên trong.

Trật khớp ra sau
Trật khớp ra sau xảy ra khi đầu trên của hai xương cẳng tay bật ra khỏi khớp khuỷu tay

Trật khớp khuỷu ra sau thường kèm theo rách dây chằng, không bao gồm dây chằng vòng. Tuy nhiên nếu dây chằng vòng bị đứt, chỏm xương quay sẽ bật hẳn ra xa. Điều này khiến trật khớp trở nên phức tạp hơn.

  • Trật ra trước

Trật khớp khuỷu tay ra trước thường xảy ra khi mỏm khuỷu bị gãy, các dây chằng (không bao gồm dây chằng vòng) bị đứt, đụng giập hoặc rách cơ bám vào mỏm trên lồi cầu và các cơ nhị đầu. Những trường hợp bị trật ra trước có thể có thần kinh trụ bị tổn thương.

Phân loại theo Stimson như sau:

  • Khớp quay trụ trên không bị đứt rời
    • Trật ra sau chiếm 90% trường hợp
      • Sau ngoài
      • Sau trong.
    • Trật ra trước
    • Trật vào trong
    • Trật ra ngoài
  • Khớp quay trụ trên bị đứt rời
    • Trật trước sau
      • Đầu xương trụ trật ra sau
      • Đầu xương quay trật ra trước
    • Trật trong ngoài (mặt phẳng ngang)
      • Đầu xương trụ vào trong
      • Đầu xương quay ra ngoài

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bất kỳ lực nào đủ mạnh khiến một trong các xương ở khuỷu tay bị đẩy hoặc bật khỏi vị trí ban đầu đều có thể dẫn đến trật khớp khuỷu tay. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Ngã: Đây là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp trật khớp khuỷu tay. Chấn thương xảy ra khi ngã chống bàn tay xuống đất trong khi khuỷu tay duỗi. Chẳng hạn như dùng hai cánh tay duỗi thẳng ra trước mặt để đỡ lấy bản thân khi ngã hoặc chuẩn bị va chạm. Điều này tạo ra một lực đủ lớn khiến đầu trên của hai xương cánh tay bị bật ra khỏi khớp, trật ra sau so với đầu xương dưới của xương cánh tay trên.
  • Va đập trực tiếp: Có lực tác động trực tiếp lên khuỷu tay khiến đầu trên của xương quay và xương trụ bị bật ra ngoài
  • Nâng trẻ thường xuyên: Nắm hoặc nâng một đứa trẻ bằng cánh tay. Trọng lượng lớn và lặp đi lặp lại chuyển động có thể tạo một lực đòn bẩy. Điều này khiến các xương cẳng tay bật ra khỏi khớp khuỷu. Trật khớp khuỷu khi nâng trẻ thường gây trật khớp một phần, còn được gọi là khuỷu tay y tá.

Nguyên nhân gây trật khớp khuỷu tay ở trẻ:

  • Nâng không đúng cách: Việc cố gắng nâng hoặc vung cánh tay của trẻ nhỏ có thể khiến các xương cẳng tay bị bật ra ngoài dẫn đến khuỷu tay bị trật khớp.
  • Kéo đột ngột: Đột ngột kéo tay trẻ hoặc trẻ đột ngột đi nhanh, bước ra khỏi lề đường hay bậc cầu thang trong khi đang nắm tay có thể khiến khuỷu tay bị kéo, rời khỏi vị trí thẳng hàng.

Nâng không đúng cách và đột ngột kéo tay trẻ
Nâng không đúng cách hoặc đột ngột kéo tay có thể dẫn đến trật khớp khuỷu tay ở trẻ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:

  • Trẻ em dưới 16 tuổi và người lớn trên 65 tuổi
  • Vận động viên hoặc những người thường xuyên chơi các môn thể theo tiếp xúc
  • Có các tình trạng sức khỏe khiến dây chằng khớp bị suy yếu, chẳng hạn như hội chứng tăng động khớp và hội chứng Ehlers-Danlos
  • Sử dụng khuỷu tay quá mức, đặc biệt là khi ném vật trong khi chơi thể thao hoặc lặp đi lặp lại một vài chuyển động khi làm việc.

Biến chứng và tiên lượng

Khi bị trật khớp khuỷu tay, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

  • Đau vùng khuỷu
  • Khuỷu sưng to và sưng rất sớm (do các dây chằng bị rách dẫn đến tụ máu)
  • Bầm tím
  • Khuỷu tay trong khác hẳn và không đúng chỗ
  • Cánh tay trông như dài ra và cẳng tay bị ngắn
  • Khó hoặc không thể di chuyển và sử dụng khuỷu tay
  • Có cảm giác không ổn định, khuỷu tay yếu hơn so với bình thường.

Để chẩn đoán trật khớp khuỷu tay, bác sĩ đặt một số câu hỏi liên quan đến chấn thương. Sau đó khám kỹ lưỡng vùng ảnh hưởng và tìm kiếm những dấu hiệu liên quan, cụ thể:

  • Nhìn thấy đau quanh khuỷu tay kèm theo sưng tấy và tụ máu
  • Cẳng tay ở tư thế gấp 40 độ, hơi sấp, trông cẳng tay như ngắn lại và cánh tay dài ra
  • So với trục cánh tay, trục cẳng tay lệch vào trong hoặc ra ngoài
  • Mất cơ năng hoàn toàn. Làm động tác thụ động thấy khả năng gấp bị hạn chế
  • Có dấu hiệu lò xo khi gấp khuỷu tay nhẹ và thả ra
  • Chuyển động khớp thấy động tác duỗi bình thường, nhất là khi có những động tác bên
  • Sờ thấy được rõ ba đầu xương gồm:
    • Đầu xương cánh tay trên nhô ra phía trước tại nếp gấp khuỷu
    • Mỏm khuỷu nhô ra sau
    • Đầu trên xương quay lồi ra sau hoặc ra ngoài
    • Đường Hueter và tam giác Hueter thay đổi
  • Kiểm tra thần kinh và mạch máu có thể có bất thường hoặc không.

Nếu có nghi ngờ trật khớp phức tạp hoặc nghiêm trọng, bệnh nhân được thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung, bao gồm:

Hình ảnh X-quang cho thấy khuỷu tay bị trật khớp
Hình ảnh X-quang cho thấy khuỷu tay bị trật khớp

  • Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang khuỷu khớp thẳng và nghiêng. Hình ảnh thu được giúp xác định loại và mức độ trật khớp. Đồng thời tìm kiếm những thương tổn phối hợp ở xương, chẳng hạn như gãy vỡ xương khuỷu tay.
  • Chụp CT- Scanner: Chụp CT- Scanner khuỷu tay có thể tạo ra hình ảnh chi tiết hơn của tổn thương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI hiếm khi cần thiết. Tuy nhiên kỹ thuật này có thể được thực hiện để đánh giá dây chằng, mạch máu và dây thần kinh cho những trường hợp phức tạp. Đôi khi bệnh nhân được nắn khớp mà không cần chờ chụp MRI và CT. Những kỹ thuật này sẽ được thực hiện sau khi khuỷu tay bị trật được đưa trở lại vị trí cũ.

Biến chứng và tiên lượng

Trật khớp khuỷu tay có thể gây ra những biến chứng thần kinh và mạch máu, cần khám kỹ để xác định và xử lý sớm.

  • Tổn thương và liệt thần kinh trụ
  • Chèn ép động mạch cánh tay, động mạch có thể bị co thắt hoặc rách

Một số biến chứng khác:

  • Gãy xương
  • Rách dây chằng
  • Căng cơ
  • Khuỷu tay không di chuyển hoặc xoay bình thường
  • Sự liên kết của xương không tốt có thể dẫn đến viêm khớp.

Dựa vào mức độ nặng nhẹ và các phương pháp điều trị, trật khớp khuỷu tay có thể khỏi sau 6 - 12 tuần điều trị và phục hồi. Một số trường hợp phức tạp có thể có thời gian phục hồi lâu hơn.

Điều trị

Trật khớp khuỷu tay được xem là một tình trạng cấp cứu. Khớp trật cần được nắn chỉnh càng sớm càng tốt, hạn chế phát triển các biến chứng. Tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không tự mình ép khớp trở lại vị trí ban đầu. Điều này có thể dẫn đến những thương tổn nghiêm trọng hơn.

1. Nắn kín

Ngay sau chấn thương, giữ khuỷu tay bất động và di chuyển đến bệnh viện. Có thể chườm lạnh 20 phút để giảm sưng, đau và tụ máu.

Trước khi can thiệp, bệnh nhân được gây mê hoặc gây tê cục bộ vùng khuỷu tay. Điều này giúp giảm bớt đau đớn khi nắn chỉnh, dây chằng thư giãn giúp dễ nắn hơn.

Trong khi nắn chỉnh, bác sĩ thực hiện một số thao tác đơn giản và nhẹ nhàng, đưa các xương bị lệch trở về vị trí đúng trong khớp.

Nắn kín
Nắn kín gồm việc thực hiện các thao tác đưa các xương khuỷu bị lệch trở về vị trí đúng trong khớp

Các bước trong nguyên lý nắn chỉnh kín Stimson:

  • Hướng dẫn bệnh nhân nằm ngửa và gây mê
  • Luồn một băng vải chắc chắn vòng qua giữa cánh tay, móc vào tường hoặc giao cho người phụ kéo lại
  • Người phụ dùng tay phải nắm ngón tay cái, tiếp tục dùng tay trái nắm các ngón tay còn lại ngửa nhẹ, sau đó kéo thẳng theo trục cánh tay. Dùng lực vừa đủ và tăng dần để thắng lực của cơ nhị đầu, cơ tam đầu cùng với cơ cánh tay trước
  • Người nắn dùng ngón tay cái đẩy đồng thời chỏm xương quay và mỏm khuỷu ra trước, dùng lực từ những ngón tay giữa từ từ kéo đầu dưới của xương cánh tay ra sau.

2. Cố định

Bệnh nhân được cố định bằng bột sau khi nắn trật khớp khuỷu tay. Bác sĩ bó bột cánh - cẳng - bàn tay rạch dọc với cẳng tay để ngửa, khuỷu gấp góc 90 độ. Cố định bằng bột trong 3 tuần. Chụp X-quang kiểm tra khuỷu tay bởi một số trường hợp có thể bị trật khớp trở lại trong bột.

3. Vật lý trị liệu

Sau tháo bột, người bệnh được hướng dẫn một số bài tập chủ động giúp lấy lại chức năng, sức mạnh và linh hoạt của khuỷu tay. Chẳng hạn như các bài tập gấp duỗi khuỷu.

Khi khớp khuỷu tay đã ổn định, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn các bài tập tăng cường. Những bài tập này giúp làm mạnh cơ và gân cho vùng khuỷu, tăng phạm vi chuyển động và phục hồi hoàn toàn, ngăn trật khớp tái phát trong tương lai.

Lưu ý: Tuyệt đối không được xoa nắn vùng khuỷu bởi điều này có thể gây vôi hóa cạnh khớp.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật trật khớp khuỷu tay được thực hiện cho những trường hợp sau:

  • Trật khớp phức tạp, có rách dây chằng, bao khớp hoặc gân
  • Có tổn thương thần kinh và mạch máu
  • Đã nắn trật nhưng không hiệu quả.

Phẫu thuật
Phẫu thuật nếu bị trật khớp khuỷu phức tạp, đã nắn trật nhưng không hiệu quả

Trong quá trình này, bệnh nhân được mổ nắn trật, đưa các xương di lệch trở về vị trí ban đầu. Nếu có tổn thương đi kèm, bác sĩ có thể tiến hành cấy ghép mô hoặc khâu sửa dây chẳng, gân hoặc/ và bao khớp rách. Điều này giúp tăng tính ổn định, khớp vững và giảm nguy cơ chấn thương tái phát.

Nếu trật khớp khuỷu tay gây gãy xương, chấn thương mạch máu hoặc dây thần kinh, bệnh nhân được phẫu thuật bổ sung để sửa chữa các mạch máu và dây thần kinh, cố định mảnh xương gãy.

5. Chăm sóc tại nhà

Áp dụng các bước chăm sóc trong thời gian phục hồi có thể giảm bớt các triệu chứng. Cụ thể:

  • Nghỉ ngơi: Bệnh nhân được khuyên nghỉ ngơi, tránh thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào có khả năng gây căng thẳng cho khuỷu tay.
  • Dùng thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) để giảm viêm (sưng) và đau.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh 20 phút, mỗi ngày vài lần để giảm sưng và đau.
  • Nâng cao: Giữ khuỷu tay được nâng lên có thể giúp giảm sưng hiệu quả.

Phòng ngừa

Những bước dưới đây có thể giảm nguy cơ trật khớp khuỷu tay:

  • Mang thiết bị bảo hộ phù hợp trong khi chơi thể thao hoặc tham gia vào những hoạt động thể chất khác
  • Luôn giãn cơ và khởi động trước khi tập thể dục và chơi thể thao.
  • Hạ nhiệt và thực hiện những bài tập kéo dài sau khi hoạt động thể chất
  • Dành thời gian cho cơ thể để nghỉ ngơi và phục hồi hoàn toàn sau buổi luyện tập cường độ cao.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, đừng cố gắng vượt qua cơn đau nếu bị đau khuỷu tay trong hoặc sau khi hoạt động thể chất.
  • Đừng ngã trên cánh tay dang ra.
  • Loại bỏ nguy cơ té ngã bằng cách:
    • Sử dụng thảm chống trượt
    • Không leo trèo
    • Không đứng trên ghế, bàn hoặc những thiết bị không chắc chắn khác
    • Dùng khung tập đi hoặc gậy nếu khó khăn khi đi lại
    • Không đi trên sàn nhà trơn trượt hoặc đi bộ vào ban đêm.

Đừng ngã trên cánh tay dang ra
Đừng ngã trên cánh tay dang ra và loại bỏ nguy cơ té ngã để ngăn ngừa trật khớp khuỷu tay

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị trật khớp khuỷu tay hay một tình trạng y tế khác?

2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?

3. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?

4. Điều trị và phục hồi kéo dài trong bao lâu?

5. Tôi có nguy cơ gặp biến chứng gì?

6. Có khả năng phục hồi hoàn toàn hay không?

7. Khi nào có thể trở lại hoạt động thể chất?

Trật khớp khuỷu tay được xem là một tình trạng y tế khẩn cấp. Tình trạng này cần được đánh giá và điều trị ngay lập tức để tránh phát triển các biến chứng không mong muốn. Lưu ý không cố gắng nắn chỉnh trật khớp tại nhà để tránh tổn thương thêm.