Bệnh Tràn Dịch Màng Tinh Hoàn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Tràn dịch màng tinh hoàn là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, có thể biến mất mà không cần điều trị. Người lớn và những trẻ lớn hơn có thể bị ảnh hưởng do một số bệnh lý hoặc chấn thương ở bìu. Tùy thuộc vào tình trạng, những phương pháp điều trị có thể khác nhau.

Tổng quan

Tràn dịch màng tinh hoàn (Hydrocele) còn được gọi là tràn dịch tinh mạc. Đây là tình trạng tích tụ chất lỏng xung quanh tinh hoàn và khiến bìu sưng lên. Tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh (chiếm 10% trẻ em sau sinh), không gây đau và thường tự biến mất khi trẻ lên 1 tuổi.

Tràn dịch màng tinh hoàn
Tràn dịch màng tinh hoàn là tình trạng tích tụ chất lỏng xung quanh tinh hoàn khiếu bìu sưng và căng

Tuy nhiên tràn dịch màng tinh hoàn cũng có thể ảnh hưởng đến những trẻ lớn hơn và người lớn (chiếm khoảng 1% nam giới trưởng thành). Những trường hợp này thường có chất lỏng tích tụ do chấn thương ở bìu hoặc một bệnh lý, chẳng hạn như nhiễm trùng.

Phân loại

Bệnh tràn dịch màng tinh hoàn được phân thành 4 loại, bao gồm:

  • Tràn dịch màng tinh hoàn đơn thuần: Loại này có chất lỏng tích tụ giữa hai lá của màng tinh hoàn.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn thông thương với ổ bụng: Bệnh xảy ra khi chất lỏng tích tụ ở khoang tinh mạc tiếp xúc (thông) với khoang ổ bụng qua ống phúc tinh mạc.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn - ống thừng tinh: Bệnh lý này có ống phúc tinh mạc bị tắc nghẽn ngay đoạn trên cao phía lỗ bẹn sâu, chất lỏng tích tụ ở màng tinh hoàn của nam giới và ống phúc tinh mạc đoạn thừng tinh.
  • Nang nước thừng tinh: Dạng này có ống phúc tinh mạc bị tắc nghẽn ngay đoạn phía sau màng tinh hoàn và ở hai đầu phía lỗ bẹn sâu. Những trường hợp bị nang nước thừng tinh sẽ có chất lỏng tích tụ ở đoạn thừng tinh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tràn dịch màng tinh hoàn có thể xảy ra mà không có bất kỳ nguyên nhân nào. Tuy nhiên tình trạng này có thể liên quan đến một số dạng chấn thường và bệnh lý.

Ở trẻ sơ sinh, tinh hoàn từ bụng đi xuống và vào bìu trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Trong mỗi tinh hoàn có những túi chứa đầy chất lỏng bao quanh. Ở giai đoạn phát triển bình thường của trẻ, túi chất lỏng sẽ tự đóng lại, chất lỏng bên trong được cơ thể hấp thụ trong năm đầu đầu đời.

Tuy nhiên ở những trẻ sơ sinh bị tràn dịch màng tinh hoàn, quá trình hấp thụ chất lỏng của cơ thể không diễn ra. Điều này thường phổ biến hơn và có nguy cơ tái phát ở trẻ sinh non.

Ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, tràn dịch màng tinh hoàn thường liên quan đến những vấn đề sau:

  • Viêm tinh hoàn hoặc viêm màng tinh hoàn do những loại vi khuẩn không đặc hiệu
  • Ung thư tinh hoàn
  • Viêm tinh hoàn hoặc/ và viêm mào tinh hoàn đặc hiệu, cụ thể như nhiễm trùng lao và lậu
  • Bệnh giang mai
  • Bệnh xơ gan cổ trướng bẩm sinh
  • Tràn dưỡng chấp màng tinh hoàn (giun chỉ)
  • Chấn thương tinh hoàn gây tràn máu

Các tình trạng nhiễm trùng và chấn thương là những nguyên nhân gây tràn dịch
Các tình trạng nhiễm trùng, chấn thương bìu và tinh hoàn là những nguyên nhân gây tràn dịch

Những yếu tố nguy cơ:

  • Trẻ sơ sinh và nam giới trên 40 tuổi
  • Trẻ sinh non, được sinh trước ngày dự sinh khoảng 3 tuần
  • Chấn thương hoặc viêm trong bìu
  • Nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng thông thường và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của tràn dịch màng tinh hoàn gồm:

  • Sưng không đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn
  • Sưng tăng khiến cơn đau xảy ra và trở nên tồi tệ hơn
  • Đau khi đi lại nhiều, gây khó khăn cho những hoạt động
  • Bìu to và căng
  • Có cảm giác nặng tức và khó chịu ở bìu
  • Bìu bên bệnh thấp hơn bên lành
  • Vùng bị sưng có thể nhỏ hơn vào buổi sáng, tăng kích thước vào buổi chiều.

Bệnh tràn dịch màng tinh hoàn có thể được chẩn đoán thông qua kiểm tra lâm sàng. Bệnh nhân được hỏi về triệu chứng cơ năng (như đau, khó chịu và căng tức), tiền sử bệnh và chấn thương.

Ngoài ra người bệnh sẽ được kiểm tra bìu. Trong quá trình này, bác sĩ có thể nhìn hoặc sờ thấy bìu sưng và căng tức, mất nếp nhăn, không sờ thấy mào tinh hoàn (dấu hiệu Chevasu âm tính) hoặc/ và không bấu được màng tinh hoàn (dấu hiệu Sebileau âm tính).

Nhìn và sờ bìu còn thấy bên bìu bên bệnh thấp hơn bìu bên lành, dấu hiệu ba động (sóng vỗ) dương tính.

Để chẩn đoán xác định, những xét nghiệm dưới đây cũng được thực hiện:

  • Soi đèn pin: Soi đèn pin có thể thấy tinh hoàn mờ, nằm sâu và thấp, những vùng xung quanh màu hồng đều.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Bệnh nhân có thể được xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng.
  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm có thể giúp phát hiện tình trạng tích tụ chất lỏng, khối u và thoát vị. Từ đó chẩn đoán phân biệt tràn dịch màng tinh hoàn với những tình trạng khác có thể gây sưng bìu.

Biến chứng và tiên lượng

Tràn dịch màng tinh hoàn thường không nguy hiểm, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Ở người trường thành, tình trạng này hầu như không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh con.

Tuy nhiên nếu tràn dịch màng tinh hoàn liên quan đến viêm nhiễm, chấn thương hoặc một tình trạng sức khỏe khác, nam giới sẽ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng dưới đây:

  • Nhiễm trùng
  • Khối u trong tinh hoàn
  • Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do tinh hoàn hoạt động không bình thường hoặc tạo ra ít tinh trùng hơn
  • Thoát vị bẹn. Biến chứng này không được điều trị có thể gây ra nhiều vấn đề đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn là biến chứng của tràn dịch màng tinh hoàn nếu không được điều trị sớm

Điều trị

Ở trẻ em, bệnh thường tự khỏi mà không cân điều trị. Thanh thiếu niên và người lớn có thể cần phải phẫu thuật hoặc áp dụng phương pháp điều trị khác.

1. Phẫu thuật

Tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ sơ sinh không được điều trị. Tình trạng này có thể khỏi khi trẻ được 6 tháng đến 1 tuổi. Nhưng nếu chất lỏng còn tích tụ khi trẻ lớn hơn hoặc liên quan đến một vấn đề với tinh hoàn, phẫu thuật có thể được chỉ định khi trẻ được 2 tuổi.

Ở thanh thiếu niên và người lớn, tràn dịch màng tinh hoàn không thể tự biến mất. Hầu hết bệnh nhân đều được phẫu thuật vào thời điểm thích hợp. Phương pháp này giúp sửa chữa để ngăn những biến chứng nặng hơn.

Những lựa chọn phẫu thuật cho nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn:

  • Phương pháp Wilkelman: Phương pháp này bao gồm việc lộn màng tinh hoàn để sửa chữa.
  • Phương pháp Bergman: Đây là phương pháp cắt bỏ màng tinh hoàn.
  • Phương pháp Lord: Đây là một phương pháp phẫu thuật sửa chữa thông qua vết rạch da ngay trên bìu. Trong khi thực hiện, bác sĩ rạch một đường trên bìu tới màng tinh hoàn, sau đó tiến hành mở màng tinh hoàn và thực hiện khâu màng tinh hoàn cuộn. Điều này có thể giúp sửa chữa tình trạng.
  • Phẫu thuật thắt ống tinh mạc: Phương pháp phẫu thuật thắt ống tinh mạc được thực hiện cho trẻ nhỏ. Trong đó, ống phúc tinh mạc ở lỗ bẹn sâu được thắt lại và mở cửa sổ màng tinh hoàn để khắc phục tình trạng.

2. Dẫn lưu dịch (hút dịch)

Bác sĩ sử dụng ống tiêm để hút (thông dẫn) lượng dịch tràn trong màng tinh hoàn ra ngoài. Điều này giúp giảm nhanh các triệu chứng.

Dẫn lưu dịch (hút dịch)
Dẫn lưu dịch là cách dùng kim bơm hút hết lượng dịch tràn trong màng tinh hoàn ra ngoài

Tuy nhiên dẫn lưu dịch thường là một phương pháp điều trị tạm thời, được chỉ định cho những bệnh nhân không thể hoặc chưa thể phẫu thuật do một số nguyên nhân. Ở một số trường hợp, tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn có thể quay trở lại sau hút dịch.

3. Liệu pháp xơ hóa

Liệu pháp xơ hóa được chỉ định cho những bệnh nhân không đáp ứng với phẫu thuật hoặc tràn dịch màng tinh hoàn quay trở lại. Sau khi dẫn dịch trong màng tinh (hút dịch), một chất đặc biệt (với lượng thích hợp) sẽ được đưa vào trong để ngăn cản tràn dịch quay trở lại.

Phòng ngừa

Không có cách để ngăn ngừa tràn dịch màng tinh hoàn cho trẻ sơ sinh. Ở thanh thiếu niên và nam giới trưởng thành, những biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa:

  • Giữ cho tinh hoàn và bìu không bị tổn thương bằng cách thận trọng trong những hoạt động, sử dụng đồ bảo hộ khi chơi thể thao.
  • Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thường xuyên thay đồ lót, không mặc quần lót quá chật hoặc ẩm ướt để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy với một bạn tình không bị nhiễm bệnh và dùng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Điều trị nhiễm trùng và chấn thương nếu có. Nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để các tình trạng nhanh chóng qua đi, tránh dẫn đến tràn dịch màng tinh hoàn.

Điều trị nhiễm trùng và chấn thương
Tích cực điều trị nhiễm trùng và chấn thương để tránh dẫn đến tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp điều trị phù hợp cho tình trạng của tôi là gì?

2. Tôi có thể quan hệ bình thường được hay không?

3. Những lưu ý và điều cần tránh trong khi điều trị là gì?

4. Mất bao lâu để điều trị khỏi?

5. Có phương pháp điều trị thay thế cho phẫu thuật hay không?

6. Tôi có thể gặp phải những rủi ro nào từ phương pháp điều trị?

7. Có cách nào giúp tôi ngăn ngừa tái phát?

Bệnh tràn dịch màng tinh hoàn ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh và có thể tự khỏi. Những trường hợp tràn dịch do chấn thương hoặc bệnh lý cần nghe theo chỉ định của bác sĩ, áp dụng phương pháp thích hợp có thể giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn.