Bệnh Tinh Trùng Yếu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Tinh trùng yếu là những tinh trùng bị suy giảm chất lượng, có tỉ lệ không di động và chết hơn 25%. Tình trạng này làm suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới, nữ giới khó đậu thai tự nhiên.

Tổng quan

Tinh trùng yếu là tình trạng suy giảm chất lượng tinh trùng. Trong đó nam giới có dưới 75% tinh trùng di động (50% di động được, < 25% di động nhanh), > 25% tinh trùng không di động và chết.

Tình trạng này thường xuất hiện đồng thời với tinh trùng ít. Khi xuất tinh, nam giới thường có lượng tinh dịch ít hơn 2ml, tinh trùng trong tinh dịch ít hơn 40 triệu con.

Tinh trùng yếu
Tinh trùng yếu xảy ra khi có một số yếu tố làm suy giảm chất lượng tinh trùng

Tinh trùng yếu làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Hầu hết những người có tình trạng này gặp khó khăn trong việc thu thai cho bạn tình.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Quá trình sản xuất tinh trùng cần sự ổn định của những bộ phận khi hoạt động. Cụ thể như tuyến yên, tinh hoàn và vùng dưới đồi. Bất kỳ bộ phận nào hoạt động không ổn định đều có khả năng làm giảm chất lượng tinh trùng và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh binh.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Bệnh lý: Nhiều bệnh lý có khả năng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tinh trùng. Đồng thời làm giảm chất lượng của tinh binh. Cụ thể như:
    • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Bệnh lý này là tình trạng giãn nở những tĩnh mạch thừng tinh và đám rối tĩnh mạch sinh tinh. Đây là nguyên nhân gây yếu tinh trùng phổ biến.
    • Viêm và nhiễm trùng: Một số tình trạng nhiễm trùng và viêm như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục... có thể làm hoại tử hoặc làm teo tinh hoàn. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tinh binh.
    • Khối u: Khối u lành tính hoặc ung thư làm mất cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng khỏe mạnh.
    • Bệnh lý tự miễn / rối loạn di truyền: Mặc dù ít gặp nhưng sự rối loạn của hệ thống miễn dịch có thể tấn công vào tinh trùng. Ngoài ra tinh trùng yếu cũng có thể xảy ra ở những người có rối loạn di truyền.
  • Mất cân bằng nội tiết tố: Sự suy giảm nồng độ hóc môn nam giới hoặc mất cân bằng nội tiết tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất tinh trùng của nam giới.
  • Thuốc điều trị: Chất lượng tinh trùng có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thuốc điều trị. Chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và thuốc kháng sinh.
  • Phơi nhiễm kim loại nặng: Nam giới phơi nhiễm kim loại nặng (chẳng hạn như chì) không chỉ có tinh trùng yếu mà còn có khả năng vô sinh cao.
  • Xạ trị: Khả năng sinh tinh có thể giảm hoặc mất hoàn toàn khi phơi nhiễm với tia xạ.
  • Tiếp xúc hóa chất công nghiệp: Có môi trường sống hoặc công việc thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu, vật liệu sơn, thuốc diệt cỏ, benzene, xylene, toluene... đều có khả năng tác động tiêu cực đến tinh trùng.
  • Lối sống kém lành mạnh: Tinh trùng yếu cũng có thể xảy ra ở những có lối sống kém lành mạnh. Bao gồm:
    • Lạm dụng rượu bia
    • Cẳng thẳng quá mức hoặc trầm cảm
    • Hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng
Hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng, giảm tính di động và số lượng tinh binh

Những yếu tố nguy gồm:

  • Thừa cân béo phì do ăn uống kém lành mạnh và thiếu vận động
  • Thường xuyên tiêu thụ những loại thực phẩm chế biến sẵn
  • Thường xuyên tiếp xúc với những chất độc hại, bao gồm cả chất bảo quản
  • Tập thể dục quá nhiều làm suy giảm hormone sinh dục nam và số lượng tinh trùng
  • Thường xuyên đạp xe đạp hoặc đạp xe đạp đường dài làm tổn thương tần sinh môn và tinh hoàn.
  • Thường xuyên sử dụng điện thoại di động. Một vài nghiên cứu cho thấy bức xạ và nhiệt tỏa ra từ điện thoại di động có khả năng làm nóng tinh hoàn, giảm chất lượng và tính di động của tinh trùng. Điều này xảy ra ở những người thường xuyên sử dụng điện thoại di động, thói quen đeo điện thoại ở thắt lưng hoặc cho vào túi quần.
  • Mặc quần quá chật.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tinh trùng của nam giới được sản xuất từ những ống sinh tinh. Ống này nằm trong tinh hoàn, thực hiện quá trình sản xuất tinh trùng đến khi nam giới già đi.

Thông thường nam giới khỏe mạnh có hơn 100 triệu con tinh trùng được sản xuất trong một ngày, trung bình 72.000 tinh trùng được tạo ra trong 1 phút.

Khi xuất tinh, từ 2 - 5ml tinh dịch được phóng ra, 60 - 80 triệu tinh trùng/ ml. Trong đó có > 75% tinh trùng di động, >30% tinh trùng có hình dạng bình thường, > 25% tinh trùng di động nhanh. Tinh dịch có bạch cầu chiếm ít hơn 1 triệu/ml, không có hồng cầu.

Tuy nhiên khi bị tinh trùng yếu, nam giới sẽ có những hiểu hiện sau:

  • Tinh trùng di động < 75%, tinh trùng chết và không di động > 25%
  • Tinh dịch < 2ml, loãng, không dính và tương tự như nước vo gạo
  • Tinh dịch vón cục và có những hạt trắng nhỏ
  • Số lượng tinh trùng ít hơn 40 triệu con
  • Tinh dịch không hóa lỏng sau xuất tinh 15 - 30 phút
  • Tinh dịch có màu vàng xanh hoặc màu xanh
  • Tinh dịch có màu nâu do lẫn máu

Tinh dịch ít, loãng, không dính và tương tự như nước vo gạo
Tinh dịch ít, loãng, không dính và tương tự như nước vo gạo là dấu hiệu của tinh trùng yếu

Để chẩn đoán tinh trùng yếu, nam giới được khám cơ quan sinh dục ngoài kết hợp kiểm tra triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra nam giới được thực hiện tinh dịch đồ để đánh giá chính xác tình trạng.

Trong xét nghiệm tinh dịch đồ, mẫu tinh dịch sẽ được mang đi phân tích. Điều này giúp xác định số lượng và chất lượng tinh trùng (khả năng di động và hình thái).

Tùy thuộc vào tình trạng, một số xét nghiệm khác cũng được chỉ định, bao gồm:

  • Siêu âm tinh hoàn và tuyến tiền liệt
  • Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra nhiễm trùng, tình trạng xuất tinh ngược
  • Định lượng hormone nam giới và hormone tuyến yên
  • Phân tích gen
  • Sinh thiết tinh hoàn

Biến chứng và tiên lượng

Tinh trùng yếu (bao gồm giảm tính di động và số lượng) làm giảm khả năng thụ thai của nam giới, tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn. Tuy nhiên việc giải quyết nguyên nhân có thể cải thiện quá trình sản xuất tinh binh. Đồng thời tăng số lượng và chất lượng tinh trùng trong tương lai.

Chính vì thế những nam giới có tinh trùng yếu và khó thụ thai nên sớm kiểm tra và áp dụng những chỉ định điều trị của bác sĩ.

Điều trị

Điều trị tinh trùng yếu dựa vào nguyên nhân. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, nam giới có thể được hướng dẫn cải thiện lối sống, điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật khi cần thiết.

1. Thay đổi lối sống

Lối sống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tinh trùng yếu. Để cải thiện chất lượng tinh trùng, nam giới cần điều chỉnh lối sống và thói quen. Cụ thể:

  • Ngừng hút thuốc lá.
  • Tránh chất kích thích.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Tránh tiếp xúc với kim loại và những loại hóa chất độc hại.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với cường độ thích hợp. Nên thực hiện những bài tập hoặc những môn thể thao không làm ảnh hưởng đến tinh hoàn. Chẳng hạn như yoga, bơi lội, đi bộ, chạy bộ...
  • Tránh ăn đậu nành, thức ăn chế biến sẵn, rượu bia để không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và chất lượng của tinh trùng.
  • Thường xuyên ăn những loại thực phẩm giúp cho tinh trùng khỏe mạnh. Bao gồm: Thực phẩm chứa nhiều kẽm, folat, vitamin B12, vitamin C, vitamin D, vitamin E, coenzyme Q10, axit aspartic, axit béo Omega-3, L-arginine. Những nhóm thực phẩm này có khả năng cải thiện tính di động, cấu trúc (hình thể) và số lượng của tinh trùng.

Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm, các vitamin và axit béo lành mạnh
Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm, các vitamin và axit béo lành mạnh để nâng cao chất lượng tinh trùng

2. Điều trị nội khoa

Thuốc là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị tinh trùng yếu. Phương pháp này chủ yếu được thực hiện để khắc phục nguyên nhân và cải thiện chất lượng tinh trùng.

Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Nếu tinh trùng yếu do nhiễm trùng vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng để điều trị. Thuốc có tác dung điều trị vi khuẩn gây nhiễm trùng hiệu quả.
  • Liệu pháp hormon và thuốc nội tiết: Nếu tinh trùng yếu gây mất cân bằng nội tiết tố, nam giới được sử dụng liệu pháp hormon và thuốc nội tiết. Thuốc này có tác dụng cải thiện nội tiết tố và duy trì quá trình sản xuất tinh binh.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân có tinh trùng yếu do những nguyên nhân sau:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh
  • Tắc ống dẫn tinh

Phẫu thuật cho bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Phẫu thuật cho bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh nhằm khắc phục nguyên nhân và cải thiện tinh trùng

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ nhanh chóng loại bỏ bất thường, cải thiện cấu trúc của hệ thống tiết niệu - sinh sản. Từ đó giúp cải thiện quá trình sản xuất tinh trùng khỏe mạnh.

Phòng ngừa

Tinh trùng yếu không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm thiểu nguy cơ:

  • Duy trì cân nặng hợp lý. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa thừa cân béo phì.
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia và dùng chất kích thích.
  • Phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục bằng cách dùng bao cao su, quan hệ tình dục an toàn với 1 bạn tình. Không quan hệ tình dục với những người có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ thịt, cá, rau xanh, trái cây, hoa quả tươi... Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, axit béo omega-3 và kẽm.
  • Duy trì tâm trạng ở mức hợp lý. Không nên lo âu và căng thẳng kéo dài.
  • Tránh đạp xe đạp đường dài hoặc quá thường xuyên.
  • Làm việc và sinh sống ở những nơi có môi trường trong lành, sạch sẽ. Tránh tiếp xúc với những chất hóa học và kim loại nặng.
  • Không nên sử dụng điện thoại di động quá mức hoặc thường xuyên mang theo bên mình.
  • Điều trị những bệnh lý có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và chất lượng tinh trùng. Ngoài ra nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng những loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh binh.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách và sạch sẽ, giữ vùng kín luôn khô ráo.
  • Mặc quần áo thoáng mát. Tránh mặc quần và đồ lót quá chật.
  • Duy trì thói quen vận động và tập thể thao đều đặn mỗi ngày. Hoạt động thể chất với cường độ thích hợp giúp cải thiện sức khỏe sinh sản, tăng hoạt động chống oxy hóa và bảo vệ tinh trùng.

Vận động và tập thể thao đều đặn mỗi ngày
Vận động và tập thể thao đều đặn mỗi ngày với cường độ thích để bảo vệ tinh trùng

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi có tinh trùng yếu?

2. Tinh trùng yếu quan hệ có mang thai được không?

3. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?

4. Tinh trùng yếu nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện?

5. Điều gì cần tránh khi có tinh trùng yếu?

6. Tinh trùng yếu có thụ tinh nhân tạo được không?

7. Loại thuốc giúp cải thiện nhanh tình trạng là gì?

Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng và khiến tinh trùng yếu. Tình trạng này thường được cải thiện bằng cách thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc điều trị nguyên nhân. Những trường hợp nghiêm trọng có thể được can thiệp phẫu thuật.