Bệnh Tinh Hoàn Ẩn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Tinh hoàn ẩn xảy ra khi tinh hoàn không nằm ở đúng vị trí trong bìu. Tình trạng này xảy ra trước khi sinh, thường chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn và phổ biến ở những bé trai sinh non.

Tổng quan

Tinh hoàn ẩn là tình trạng một hoặc hai tinh hoàn không di chuyển vào vị trí đúng trong bìu (túi da treo bên dưới dương vật) trước khi sinh. Hầu hết trường hợp chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn, một số khác ảnh hưởng đến cả hai (chiếm 10% trường hợp).

Tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn của trẻ em nam không di chuyển vào vị trí đúng trong bìu

Tinh hoàn là một cơ quan quan trọng trong hệ thống sinh sản, được chứa trong một túi da được gọi là bìu. Cơ quan này hình thành trong bụng trong quá trình phát triển của bào thai. Ở tháng cuối cùng của quá trình phát triển, tinh hoàn của thai nhi dần đi xuống bìu từ bụng và thông qua ống bẹn.

Tuy nhiên những trẻ có tinh hoàn ẩn, quá trình di chuyển của tinh hoàn từ bụng đến bìu bị trì hoãn hoặc dừng lại. Thông thường tinh hoàn ẩn sẽ được phát hiện ngay khi được kiểm tra sau sinh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chưa thể xác đinh nguyên nhân chính xác của tinh hoàn ẩn. Tuy nhiên sự tác động của nhiều yếu tố như môi trường, di truyền và sức khỏe của mẹ trong thai kỳ có thể gây ra tình trạng này.

Khi có những yếu tố ảnh hưởng, nội tiết tố sẽ bị rối loạn, hoạt động thần kinh và thể chất thay đổi khiến quá trình phát triển của tinh hoàn không diễn ra hoặc trì hoãn.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng tinh hoàn ẩn gồm:

Sinh non
Sinh non làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hệ sinh dục và tăng nguy cơ tinh hoàn ẩn

  • Sinh non (trước tuần thứ 37 của thai kỳ)
  • Nhẹ cân
  • Tiền sử gia đình có tinh hoàn ẩn hoặc một số vấn đề làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ phận sinh dục
  • Người mẹ sử dụng rượu bia khi mang thai
  • Những tình trạng của thai như dị tật thành bụng, hội chứng Down... làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng
  • Người mẹ tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc hút thuốc lá
  • Cha mẹ tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng chính của tinh hoàn ẩn là không nhìn thấy hoặc không sờ thấy tinh hoàn ở vị trí đúng trong bìu. Những trẻ có tình trạng này hoàn toàn khỏe mạnh.

Thông thường tinh hoàn ẩn sẽ được chẩn đoán ngay khi khám sức khỏe ở trẻ sau sinh. Trong quá trình này, bác sĩ có thể tiến hành quan sát hoặc/ và sờ nắn nhẹ để tìm kiếm sự có mặt của tinh hoàn trong bìu.

Bác sĩ có thể không thể cảm nhận được tinh hoàn (không thể sờ thấy tinh hoàn) hoặc cảm nhận tinh hoàn gần bìu (có thể sờ thấy).

Nếu cảm nhận được tinh hoàn, không cần xét nghiệm hoặc quét thêm. Nếu không cảm nhận được tinh hoàn, nội soi chẩn đoán có thể được thực hiện để xem tinh hoàn có trong bụng hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Tinh hoàn ẩn có thể tự khắc phục trong những tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên điều này sẽ không xảy ra nếu như tinh hoàn chưa di chuyển vào bìu khi trẻ được 4 tháng tuổi.

Khi không ở đúng vị trí trong bìu, tinh hoàn không được làm mát so với nhiệt độ cơ thể bình thường. Ngoài ra tình trạng này còn gây ra những biến chứng nghiêm trọng sau:

Biến chứng ung thư tinh hoàn
Tinh hoàn ẩn không được phẫu thuật điều trị sớm có thể làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn

  • Ung thư tinh hoàn
  • Số lượng và chất lượng tinh trùng thấp, giảm khả năng sinh sản
  • Xoắn tinh hoàn
  • Tổn thương tinh hoàn. Tinh hoàn nằm ở háng có thể chịu áp lực từ xương mu dẫn đến tổn thương
  • Thoát vị bẹn. Biến chứng này xảy ra nếu lỗ thông giữa ống bẹn và bụng quá lỏng lẻo.

Điều trị trước 1 tuổi có thể giảm nguy cơ phát sinh biến chứng vô sinh và ung thư tinh hoàn.

Điều trị

Điều trị tinh hoàn ẩn nhằm vào mục đích đưa tinh hoàn trở lại vi trí đúng trong bìu. Thông thường quá trình điều trị sẽ diễn ra trước khi trẻ được 1 tuổi nhằm giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.

Dưới đây là những phương pháp điều trị cụ thể:

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị tinh hoàn ẩn. Phương pháp này giúp đưa tinh hoàn ẩn trở lại vị trí đúng trong bìu. Tùy thuộc vào tình trạng, trẻ có thể được phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi.

Thời điểm phẫu thuật:

Phẫu thuật nên được thực hiện trước khi trẻ được 18 tháng tuổi, càng sớm càng tốt. Thời điểm cụ thể sẽ dựa vào một số yếu tố, điển hình như mức độ khó của thủ thuật và tình trạng sức khỏe tổng thể của trẻ. Hầu hết trường hợp được yêu cầu phẫu thuật khi trẻ được 6 tháng tuổi và trước 12 tháng tuổi.

Lựa chọn phẫu thuật:

Những lựa chọn phẫu thuật thường bao gồm:

Orchiopexy
Phương pháp Orchiopexy giúp tinh hoàn ẩn được đưa vào bìu và ở vị trí đúng

  • Orchiopexy: Đây là một phẫu thuật hạ thấp tinh hoàn vào bìu. Trong quá trình này, tinh hoàn ẩn sẽ được đưa vào bìu một cách cẩn thận, sau đó khâu lại.
  • Phẫu thuật loại bỏ mô tinh hoàn: Phương pháp phẫu thuật này được chỉ định cho những trẻ có tinh hoàn kém phát triển, mô chết hoặc bất thường.
  • Phẫu thuật thoát vị bẹn: Trong quá trình phẫu thuật, khối thoát vị sẽ được sửa chữa nếu tình trạng thoát vị bẹn liên quan đến tinh hoàn ẩn.

Chăm sóc sau phẫu thuật:

Sau khi thực hiện phẫu thuật, trẻ sẽ được chăm sóc vết thương, khám siêu âm bìu và thể chất nhằm kiểm tra vị trí tinh hoàn. Ngoài ra trẻ còn được xét nghiệm nồng độ hormone để theo dõi sự phát triển và hoạt động bình thường của tinh hoàn.

Kết quả:

Phương pháp phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn có tỉ lệ thành công gần 100%. Sau phẫu thuật khả năng sinh sản của nam giới gần như bình thường nếu chỉ có một tinh hoàn ẩn. Nếu có 2 tinh hoàn ẩn, khả năng sinh sản giảm xuống còn 65%.

Phẫu thuật tinh hoàn ẩn có thể làm giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn ở những nam giới có bệnh lý này. Tuy nhiên không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.

2. Điều trị nội tiết tố

Điều trị nội tiết tố thường chỉ được chỉ định khi quá trình phẫu thuật bị trì hoãn do một số nguyên nhân. Trong khi điều trị, trẻ sẽ được tiêm gonadotropin màng đệm ở người (HCG). Hormone này có khả năng thúc đẩy tinh hoàn di chuyển đến bìu.

3. Cấy tinh hoàn giả vào bìu

Nếu tinh hoàn bị hỏng khiến trẻ không có một hoặc cả hai tinh hoàn, bác sĩ có thể cân nhắc cấy tinh hoàn giả vào bìu bằng cách sử dụng nước muối. Phương pháp này giúp bìu có một diện mạo bình thường.

Cấy tinh hoàn giả vào bìu thường được thực hiện khi trẻ vào độ tuổi thanh thiếu niên hoặc cuối thời thơ ấu.

Phòng ngừa

Không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn cho chứng tinh hoàn ẩn. Tuy nhiên việc loại bỏ những yếu tố rủi ro có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể:

Không hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thụ động trong thời kỳ mang thai
Không hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thụ động trong thời kỳ mang thai để ngăn tinh hoàn ẩn ở trẻ

  • Không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thụ động trong thời kỳ mang thai.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh trong thời kỳ mang thai để thai nhi phát triển khỏe mạnh, đầy đủ, đảm bảo cân nặng sau sinh.
  • Tránh căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực. Nên giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ.
  • Vận động nhẹ nhàng nhằm duy trì sức khỏe của mẹ và thai nhi.
  • Kiểm tra tình trạng sức khỏe và điều trị bệnh lý trước khi mang thai. Từ đó ngăn những tình trạng sức khỏe của mẹ làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
  • Không tiếp xúc với thuốc trừ sâu và những chất độc hại khác. Nên sinh sống và làm việc trong môi trường có không khí trong lành.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng hiện tại của con tôi là gì?

2. Có những lựa chọn điều trị nào? Rủi ro và lợi ích?

3. Vì sao cần phẫu thuật tinh hoàn ẩn?

4. Chi phí phẫu thuật là bao nhiêu?

5. Điều gì xảy ra nếu con tôi không phẫu thuật?

6. Sau phẫu thuật bao lâu phục hồi?

7. Những rủi ro khi phẫu thuật là gì? Cách phòng tránh?

Bệnh tinh hoàn ẩn thường được phát hiện ngay sau khi sinh và điều trị trước 12 tháng tuổi. Tình trạng này có thể gây biến chứng vô sinh và ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên phẫu thuật sớm có thể đưa tinh hoàn lạc vào vị trí đúng trong bìu và ngăn phát triển các biến chứng.