Bệnh Tiêu Chảy

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Tiêu chảy là tình trạng đại tiện lỏng, nhiều nước và đi ngoài thường xuyên hơn. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và xảy ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên tiêu chảy có thể kèm theo nôn hoặc kéo dài do một số bệnh lý.

Tổng quan

Tiêu chảy là thuật ngữ chỉ tình trạng đi ngoài ít nhất 3 lần/ ngày, phân lỏng và nhiều nước. Tình trang này xảy ra do nhiều nguyên nhân, thường kéo dài từ 1 - 2 ngày, có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc.

Tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước, xảy ra trên 3 lần/ ngày

Tuy nhiên triệu chứng có thể xảy ra lâu hơn dẫn đến mất nước. Điều này thường liên quan đến hội chứng ruột kích thích, nhiễm trùng và một số rối loạn nghiêm trọng hơn.

Tùy thuốc vào tình trạng, tiêu chảy có thể xảy ra đơn lẻ hoặc xuất hiện đồng thời với những triệu chứng khác. Chẳng hạn như buồn nôn và nôn.

Phân loại

Dựa vào đặc điểm, bệnh tiêu chảy được phân thành 4 loại dưới đây:

  • Cấp tính: Tiêu chảy cấp tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh chủ yếu liên quan đến nhiễm khuẩn thực phẩm và tiêu thụ thức ăn không phù hợp. Thể cấp tính có những triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng, trẻ đi ngoài trên 3 lần phân lỏng nhiều nước mỗi ngày. Những triệu chứng thường kéo dài 1 tuần hoặc lâu hơn. Trẻ dưới 2 tuổi bị tiêu chảy nặng do nhiễm virus rota có thể gặp nguy hiểm.
  • Mãn tính: Tiêu chảy kéo dài 2 - 4 tuần hoặc lâu hơn được gọi là tiêu chảy mãn tính hoặc dai dẳng. Bệnh thường gặp ở những người có hệ miễn dịch yếu.
  • Thẩm thấu: Tiêu chảy thẩm thấu là bệnh tiêu chảy xảy ra do giảm khả năng hấp thu dịch, dinh dưỡng và chất điện giải có trong một loại thực phẩm. Chẳng hạn như lactose. Bệnh có những triệu chứng từ nhẹ đến vừa, lượng phân dao động trong khoảng 250ml - 1 lít/ ngày. Khi ngừng sử dụng thực phẩm không dung nạp, những triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng.
  • Xuất tiết: Tiêu chảy xuất tiết là một dạng rối loạn chuyển tải ion xảy ra trong những tế bào biểu mô của ruột. Điều này làm tăng sự bài tiết hoặc giảm hấp thu. Khác với tiêu chảy thẩm thấu, tiêu chảy xuất tiết có những triệu chứng không giảm mặc dù đã ngưng sử dụng loại thực phẩm gây kích thích.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh tiêu chảy thường xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Không dung nạp Lactose

Lactose là một loại đường được tìm thấy trong sữa và những sản phẩm từ sữa. Một số người không dung nạp Lactose sẽ bị đau bụng và tiêu chảy sau khi tiêu thụ sữa. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở những người lớn tuổi.

  • Fructose

Fructose gây tiêu chảy ở những người không dung nạp hoặc gặp khó khăn trong việc tiêu thụ chất này. Fructose thường được dùng để làm chất tạo ngọt cho một số loại đồ uống.

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng

Nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn E. coli hoặc Salmonella trong thực phẩm và nước ô nhiễm là nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp. Nhiễm trùng khiến người bệnh đi ngoài phân lỏng kéo dài kèm theo đau bụng và nôn.

Bệnh cũng có thể xảy ra do sự tăng sinh quá mức của vi khuẩn Clostridioides difficile trong đường ruột sau một đợt kháng sinh. Tình trạng này được gọi là viêm đai tràng giả mạc.

Nhiễm vi khuẩn E. coli là nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp
Nhiễm vi khuẩn E. coli là nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp, cần điều trị bằng kháng sinh

  • Nhiễm virus

Những loại virus có thể gây tiêu chảy gồm:

    • Adenovirus đường ruột
    • Norwalk
    • Cytomegalovirus
    • Virus viêm gan
    • Rotavirus

Trong đó Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp ở trẻ em.

  • Thuốc

Kháng sinh có thể gây tiêu chảy. Khi dùng kéo dài hoặc liều cao, kháng sinh có khả năng làm mất sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong đường ruột. Từ đó dẫn đến nhiễm trùng bội nhiễm (viêm đại tràng giả mạc) và tiêu chảy.

Ngoài thuốc kháng sinh, một số loại thuốc khác cũng có thể gây tiêu chảy, chẳng hạn như:

    • Thuốc kháng axit có magie
    • Thuốc chống ung thư
  • Hậu phẫu thuật

Một phần ruột hoặc túi mật bị cắt bỏ trong khi phẫu thuật có thể dẫn đến tiêu chảy. Tuy nhiên nguyên nhân này ít xảy ra hơn.

  • Rối loạn tiêu hóa

Tiêu chảy là triệu chứng thường gặp của một số rối loạn tiêu hóa dưới đây:

    • Hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt)
    • Viêm loét đại tràng
    • Bệnh Crohn
    • Bệnh celiac
    • Viêm đại tràng vi thể
    • Sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non (SIBO).
  •  Vệ sinh kém

Không rửa tay trước khi ăn hoặc trước và sau khi đi vệ sinh... làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn gây tiêu chảy.

  • Ngộ độc thực phẩm

Tiêu chảy và nôn ói thường gặp ở những người sử dụng thức ăn ôi thiu, chứa những chất phụ gia độc hại hoặc nhiễm độc. Ở những trường hợp nặng, người bệnh có thể có dấu hiệu sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài dữ dội, co giật và tử vong.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh tiêu chảy gồm:

  • Đi ngoài hơn 3 lần/ ngày
  • Chuột rút hoặc đau thắt ở bụng
  • Phân lỏng và nhiều nước.

Đi ngoài hơn 3 lần/ ngày, đau bụng dữ dội, phân lỏng, nhiều nước
Đi ngoài hơn 3 lần/ ngày, đau bụng dữ dội, phân lỏng, nhiều nước là những triệu chứng chính của bệnh

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây có thể xảy ra đồng thời:

  • Đầy hơi
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Có máu trong phân
  • Sốt
  • Có chất nhầy trong phân
  • Cần đi tiêu gấp
  • Đầy bụng
  • Mất nước
  • Có một lượng lớn phân

Khi thăm khám, người bệnh sẽ được kiểm tra tần suất và đặc điểm của phân khi đi tiêu, những triệu chứng đi kèm và tiền sử bệnh. Để xác định nguyên nhân (chẳng hạn như nhiễm trùng), một số xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được kiểm tra công thức máu, xét nghiệm chức năng thận và đo điện giải. Xét nghiệm này giúp tìm kiếm nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Xét nghiệm phân: Phân tích mẫu phân của người bệnh có thể giúp phát hiện vi khuẩn hoặc một loại ký sinh trùng gây bệnh.
  • Nội soi đại tràng: Đại tràng được kiểm tra bằng ống nội soi (ống mỏng, linh hoạt, đầu có gắn camera). Điều này giúp phát hiện những vấn đề bên trong.
  • Kiểm tra hơi thở hydro: Chứng không dung nạp đường sữa có thể được phát hiện bằng cách kiểm tra hơi thở hydro. Sau khi tiêu thụ chất lỏng có hàm lượng đường sữa cao, bệnh nhân sẽ được đo lượng hydro trong hơi thở. Những người không hấp thụ hoàn toàn hoặc không tiêu hóa đường sữa sẽ có quá nhiều hydro.

Biến chứng và tiên lượng

Ở những trường hợp nhẹ, tiêu chảy thường xảy ra trong vòng 1 - 2 ngày, có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Ở những trường hợp nặng hơn, loại thuốc điều trị phù hợp có thể giúp giảm nhanh những triệu chứng của bệnh.

Mất nước là biến chứng thường gặp của tiêu chảy không được điều trị. Biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.

Khi có dấu hiệu mất nước do tiêu chảy nhiều, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Một số dấu hiệu gồm:

+ Người lớn

  • Khát
  • Khô miệng
  • Khô da
  • Đau đầu
  • Tăng nhịp tim
  • Giảm đi tiểu
  • Yếu
  • Chóng mặt hoặc lâng lâng
  • Ít hoặc không đi tiểu
  • Mệt mỏi
  • Nước tiểu sẫm màu

+ Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Khô miệng và lưỡi
  • Không có tã ướt trong vòng 3 giờ trở lên
  • Sốt trê 39 độ
  • Khóc không ra nước mắt
  • Hóp bụng
  • Hóp mắt hoặc má
  • Buồn ngủ
  • Không phản ứng hoặc khó chịu.

Ngoài ra tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và hăm loét đỏ ở vùng quanh hậu môn.

Điều trị

Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể áp dụng những phương pháp dưới đây để điều trị tiêu chảy:

1. Điều trị tại nhà

Tiêu chảy cấp tính thường tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Để các triệu chứng giảm nhanh, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà, bao gồm:

Uống nhiều nước
Uống nhiều nước để bổ sung điện giải và phòng ngừa tình trạng mất nước do tiêu chảy

  • Uống nhiều nước: Khi bị tiêu chảy, người bệnh cần uống nhiều nước và những chất lỏng có khả năng cân bằng điện giải khác. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước khi tiêu chảy.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Thực hiện chế độ ăn kiêng BRAT (B: Chuối, R: Gạo, A: Sốt táo, T: Bánh mì trắng) có thể giúp giảm bớt những triệu chứng liên quan đến tiêu chảy. Không nên ăn những loại thực phẩm chiên, có nhiều chất béo hoặc dầu mỡ. Ngoài ra những người không dung nạp đườn sữa cần tránh tiêu thụ nhóm thực phẩm này.
  • Cắt giảm caffein: Những người bị tiêu chảy cần tránh những thực phẩm và đồ uống có caffeine, chẳng hạn như trà, cà phê... Bởi caffeine có tác dụng nhuận tràng nhẹ. Khi tiêu thụ có thể khiến bệnh tiêu chảy của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Tránh thực phẩm và đồ uống tạo khí: Nếu bị đau quặn bụng do tiêu chảy, người bệnh cần tránh tiêu thụ những loại thực phẩm và đồ uống tạo khí. Cụ thể như đồ uống có ga, bia, đậu, bắp cải, cải Brussels...
  • Thêm thức ăn bán rắn và ít chất xơ: Thêm vào chế độ ăn uống những loại thức ăn bán rắn và ít chất xơ cho đến khi nhu động ruột trở lại bình thường. Tránh ăn thực phẩm giàu chất xơ để không làm nặng hơn bệnh tiêu chảy.
  • Bổ sung men vi sinh: Bổ sung men vi sinh từ sữa chua và một số loại thực phẩm khác có thể làm tăng mức độ vi khuẩn tốt. Điều này giúp khôi phục lại sự cân bằng lành mạnh cho đường ruột, chống nhiễm trùng và làm giảm những triệu chứng của bệnh.
  • Thoa dầu khoáng hoặc ngồi trong nước ấm: Tiêu chảy nhiều thường gây ngứa, đau khi đi tiêu, cảm giác nóng rát. Những trường hợp này nên thoa dầu khoáng hoặc kem bôi trĩ vào hậu môn để giảm triệu chứng. Ngoài ra ngồi trong nước ấm cũng có thể giúp giảm cảm giác khó chịu.

2. Điều trị y tế

Nếu có những triệu chứng nặng và không giảm khi chăm sóc, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Những loại thuốc thường được sử dụng:

Dùng thuốc kháng sinh
Dùng thuốc kháng sinh cho những trường hợp bị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng

  • Thuốc kháng sinh: Nếu bị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống ký sinh trùng. Khi nguyên nhân gây bệnh bị loại bỏ, các triệu chứng sẽ nhanh chóng dịu đi.
  • Truyền dịch IV: Truyền dịch IV khi uống chất lỏng gây nôn hoặc làm rối loạn dạ dày. Sau đó uống nước ép trái cây, nước hầm xương, ăn súp... để duy trì mức điện giải và bổ sung các khoáng chất cần thiết.
  • Thuốc điều trị tình trạng cụ thể: Nếu tiêu chảy là triệu chứng của bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm đại tràng vi khuẩn... một loại thuốc thích hợp sẽ được đùng dể khắc phục nguyên nhân.

Nếu thuốc là nguyên nhân gây bệnh, hãy điều chỉnh loại thuốc đang dùng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Phòng ngừa

Bệnh tiêu chảy có thể được ngăn ngừa bằng một số biện pháp dưới đây:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Đặc biệt nên rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Rửa tay sau khi ho, hắt hơi, xì mũi, xử lý thịt chưa nấu chín... Khi rửa tay, nên tạo bọt với xà phòng ít nhất 20 giây.
  • Nếu không thể rửa tay, hãy sử dụng chất khử trùng để thay thế.
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm
    • Ăn thức ăn nóng và nấu chín kỹ. Tránh ăn thịt còn sống hoặc tái.
    • Không ăn trái cây và rau sống chưa được rửa kỹ. Để phòng ngừa nhiễm trùng và tiêu chảy, nên tự gọt vỏ trái cây, ngâm rau sống trong nước muối ít nhất 5 phút.
    • Không uống và sử dụng nguồn nước ô nhiễm hoặc không đảm bảo vệ sinh.
    • Đồ uống như cà phê và trà nên được pha bằng nước đun sôi để đảm bảo an toàn.
  • Tránh tiêu thụ sữa và những sản phẩm từ sữa nếu không dung nạp Lactose.
  • Xử lý đúng cách khi bị tiêu chảy cấp.
  • Bảo quản thực phẩm đúng cách ở nhiệt độ thích hợp. Ngoài ra nên xử lý thực phẩm một cách an toàn, nấu thức ăn ở nhiệt độ được khuyến nghị.
  • Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh để phòng ngừa tiểu chảy cấp do virus Rota.

Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh để phòng ngừa tiểu chảy cấp do virus Rota
Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh là cách tốt nhất để phòng ngừa tiểu chảy cấp do virus Rota

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiêu chảy của tôi?

2. Bệnh lý của tôi là tạm thời hay mãn tính?

3. Phác đồ điều trị của tôi là gì?

4. Có những hạn chế nào tôi cần tuân theo không?

5. Mất bao lâu để các triệu chứng thuyên giảm?

6. Tôi cần làm gì để ngăn mất nước?

7. Loại thuốc nào được đề nghị?

Tiêu chảy xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này thường nhẹ, ngắn hạn và có thể giảm mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên tiêu chảy có thể là triệu chứng của nhiễm trùng hoặc một rối loạn tiêu hóa khác. Vì vậy cần thăm khám nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 1 ngày.