Bệnh Thuỷ Đậu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh thủy đậu (Chickenpox) được đặc trưng bởi những nốt mụn nước đỏ khắp cơ thể kèm theo ngứa. Tình trạng này xảy ra do nhiễm virus varicella zoster (VZV), lây lan từ người sang người. Bệnh thường có đáp ứng tốt với thuốc và khỏi sau 1 tuần.

Tổng quan

Bệnh thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster. Đây là loại virus gây thủy đậu ở trẻ và zona thần kinh ở người. Bệnh gây phát ban ngứa ở dạng mụn nước nhỏ, bên trong chứa đầy chất lỏng và rải rác khắp cơ thể.

Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là bệnh nhiễm trùng gây phát ban ngứa do virus varicella-zoster

Khi được điều trị, mụn nước có thể khô dần và không để lại sẹo. Tuy nhiên tình trạng gãi ngứa có thể khiến mụn nước vỡ, để lại nhiều sẹo lõm.

Virus gây bệnh thủy đậu dễ dàng lây lan cho những người chưa được tiêm phòng hoặc chưa mắc bệnh. Để ngăn ngừa, việc tiêm vắc xin cho trẻ là điều cần thiết.

Phân loại

Bệnh thủy đậu không được phân loại. Tuy nhiên bệnh có 4 giai đoạn tiến triển với nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm:

  • Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh của bệnh thủy đậu là giai đoạn nhiễm virus varicella-zoster. Giai đoạn này thường kéo dài từ 10 - 20 ngày, bệnh nhân không có triệu chứng.

  • Giai đoạn phát bệnh (khởi phát)

Bênh nhân phát bệnh với những triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu và sốt nhẹ. Sau 24 - 48 tiếng, một hoặc vài nốt mụn nước đầu tiên xuất hiện trên da. Nhiều trường hợp bị phát ban đỏ với đường kính từ 1 - 2mm.

  • Giai đoạn toàn phát

Trong giai đoạn toàn phát, những triệu chứng xuất hiện nhiều hơn, rải rác hoặc mọc kín khắp cơ thể kèm theo biểu hiện ngứa ngáy, hoặc rát bỏng khó chịu.

Những nốt phỏng nước chứa đầy dịch, có đường kính từ 1 - 3mm, hình tròn, bị vỡ khi gãi. Dịch tiết trong mụn nước có thể gây lây lan virus thủy đậu cho người khác khi tiếp xúc.

Nhiều trường hợp có mụn nước mọc trong niêm mạc miệng dẫn đến khó khăn trong việc ăn uống. Ngoài ra người bệnh còn có những dấu hiệu sau:

    • Sốt cao
    • Nổi hạch sau tai
    • Buồn nôn
    • Chán ăn
    • Cơ thể mệt mỏi
    • Đau đầu
    • Đau cơ

Những trường hợp bị nhiễm trùng / bội nhiễm sẽ có mụn nước lớn hơn, bên trong chứa đầy dịch mủ.

  • Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn hồi phục thường bắt đầu sau 7 đến 10 ngày khởi phát bệnh. Trong giai đoạn này những nốt mụn nước sẽ tự vỡ ra, sau đó khô lại, bong vảy và phục hồi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Virus varicella-zoster là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu. Hầu hết trường hợp lây lan thông qua tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Cụ thể:

  • Tiếp xúc trực tiếp với phát ban
  • Hít phải những giọt bắn trong không khí từ người thủy đậu hắt hơi hoặc ho

Virus varicella-zoster có thể lây lan cho những người xung quanh trước khi mụn nước xuất hiện từ 1 - 2 ngày cho đến khi những mụn nước đã đóng vảy.

Virus varicella-zoster
Nhiễm virus varicella-zoster là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu

Nguy cơ mắc bệnh thủy đậu sẽ cao hơn ở những người chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu. Những người được chủng ngừa hoặc đã từng bị thủy đậu đều miễn dịch với bệnh lý này.

Đôi khi bệnh thủy đậu xảy ra ở những người đã được tiêm phòng. Những trường hợp này thường có triệu chứng nhẹ, không sốt hoặc sốt nhẹ, có ít mụn nước hơn.

Ngoài ra bệnh cũng phổ biến hơn ở những nhóm đối tượng dưới đây:

  • Trẻ dưới 12 tuổi
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu (do dùng thuốc hoặc bệnh lý)
  • Phụ nữ mang thai chưa bị thủy đậu
  • Trẻ sơ sinh có mẹ chưa được tiêm chủng hoặc chưa bao giờ được tiêm phòng
  • Hút thuốc lá
  • Đang dùng thuốc steroid

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh thủy đậu không gây ra triệu chứng trong giai đoạn ủ bệnh. Từ 1 đến 2 ngày trước khi phát ban, những triệu chứng dưới đây có thể xuất hiện:

  • Sốt
  • Chán ăn
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi hoặc khó chịu.

Khi phát ban, các triệu chứng thường bao gồm:

  • Nổi sẩn (mụn màu hồng hoặc đỏ)
  • Xuất hiện những mụn nước chứa đầy chất lỏng
    • Số lượng mụn nước ít và mọc rải rác trong thời gian đầu
    • Mụn nước tăng dần số lượng, có thể xuất hiện khắp cơ thể
  • Mụn nước vỡ và rò rỉ
  • Đóng vảy ở những vị trí có mụn nước vỡ
  • Tổn thương da lành lại sau vài ngày
  • Ngứa ngáy, đặc biệt là giai đoạn trước khi đóng vảy.

Những dấu hiệu của bệnh thủy đậu rất dễ được nhận biết. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể quan sát và xác định nhanh bệnh thủy đậu mà không cần xét nghiệm.

Nổi sẩn, sau đó xuất hiện những mụn nước chứa đầy chất lỏng
Nổi sẩn, sau đó xuất hiện những mụn nước chứa đầy chất lỏng là đặc trưng của bệnh thủy đậu

Biến chứng và tiên lượng

Nhìn chung bệnh thủy đậu có tiên lượng tốt. Dùng thuốc có thể ngăn bội nhiễm và hình thành sẹo sau tổn thương. Ngoài ra khi bị thủy đậu, cơ thể sẽ tạo kháng thể chống lại virus và giúp cơ thể khỏe mạnh.

Trong nhiều trường hợp, bệnh thủy đậu có thể trở nặng và gây ra nhiều biến chứng dưới đây:

  • Nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn
    • Nhiễm khuẩn da
    • Nhiễm khuẩn xương, khớp, máu (nhiễm trùng huyết)
  • Viêm phổi
  • Mất nước
  • Viêm não
  • Hội chứng sốc độc tố
  • Viêm tai giữa hoặc viêm thanh quản nếu mụn nước xuất hiện ở những vị trí này
  • Hội chứng Reye xảy ra ở thanh thiếu niên và những trẻ bị thủy đậu sử dụng aspirin

Ở phụ nữ mang thai, bệnh thủy đậu có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Dị tật bẩm sinh ở trẻ
    • Trẻ sinh ra có cân nặng thấp hoặc có bất thường ở tay chân
    • Kích thước đầu nhỏ
    • Thiểu năng trí tuệ
    • Tăng trưởng kém
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng ở em bé nếu mẹ bị thủy đậu trong vòng vài ngày sau khi sinh hoặc trong tuần trước khi sinh. Nhiễm trùng nặng có thể tử vong.

Biến chứng của bệnh thủy đậu thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, những người có hệ miễn dịch suy yếu và người cao tuổi

Điều trị

Bệnh thủy đậu được điều trị bằng thuốc kết hợp những biện pháp chăm sóc tại nhà.

1. Thuốc

Các thuốc được dùng trong điều trị bệnh thủy đậu gồm:

Thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus được sử dụng để tăng đào thải virus, ức chế sự lây lan của bệnh

  • Thuốc kháng virus: Một loại thuốc kháng virus như Valacyclovir, Famciclovir hoặc Acyclovir sẽ được dùng trong điều trị bệnh thủy đậu. Thuốc được điều chế ở dạng viên, có tác dụng ức chế sự lây lan của virus. Đồng thời giúp những tổn thương nhanh chóng lành lại.
    • Uống Valacyclovir 1g, mỗi ngày 3 lần ở người lớn hoặc uống Famciclovir 500mg, mỗi ngày 3 lần.
    • Uống Acyclovir liều 20mg/ kg trọng lượng, 4 lần/ ngày, sử dụng 5 ngày cho trẻ dưới 40kg và từ 2 tuổi. Hoặc dùng 800mg/ lần, 4 lần/ ngày ở trẻ trên 40kg.
  • Thuốc kháng histamin: Một loại thuốc kháng histamin sẽ được chỉ định để giảm ngứa do bệnh thủy đậu. Trong đó Diphenhydramine thường được sử dụng.
  • Paracetamol: Đây là một loại thuốc giảm đau hạ sốt. Paracetamol được chỉ định để hạ sốt và giảm bớt cảm giác khó chịu.
  • Thuốc kháng sinh: Một loại thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân bị bội nhiễm hoặc mụn nước chứa mủ. Thuốc có tác dụng ức chế vi khuẩn và điều trị nhiễm trùng.

2. Biện pháp khắc phục tại nhà

Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp khắc phục bệnh thủy đậu, phòng ngừa hình thành sẹo lõm.

  • Tránh gãi

Tuyệt đối không gãi khi bị phát ban ngứa. Mụn nước vỡ do gãi có thể khiến vết thương chậm lành, tăng nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo. Tốt nhất nên cắt gọn móng tay và mang găng tay vào ban đêm.

  • Tắm nước mát

Thêm một yến mạch vào bồn tắm nước mát, sau đó ngâm mình và tắm rửa sạch sẽ. Biện pháp này có thể làm dịu nhanh cảm giác ngứa ngáy, giảm phát ban đỏ. Ngoài ra bột yến mạch cũng giúp cấp ẩm và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương.

  • Kem dưỡng da Calamine

Trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu, các bác sĩ có thể yêu cầu chấm kem dưỡng da Calamine lên những nốt mụn nước. Sản phẩm này chứa pramoxine-calamine giúp giảm cảm giác ngứa da hiệu quả.

Ngoài ra kem dưỡng da Calamine còn có tác dụng ngăn nhiễm trùng phát triển, bảo vệ và làm se da. Kem dưỡng này nên được bôi mỗi ngày sau khi tắm xong.

Kem dưỡng da Calamine
Kem dưỡng da Calamine được sử dụng để bôi lên những nốt mụn nước giúp giảm ngứa hiệu quả

  • Mặc quần áo rộng rãi

Trong quá trình điều trị, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, được làm từ chất liệu mềm mịn như vải cotton. Điều này giúp lưu thông không khí cho da, tránh làm vỡ mụn nước do cọ xát.

  • Chườm khăn ướt và mát

Ngứa ngáy thường nghiêm trọng hơn khi thời tiết nóng và đổ nhiều mồ hôi. Để giảm ngứa, hãy sử dụng một chiếc ngăn mát và ướt đặt lên những vùng tổn thương. Giữ nguyên trong vài phút có thể giúp làm dịu da hiệu quả.

  • Uống nhiều nước

Uống nhiều nước khi bị thủy đậu. Điều này giúp tăng tốc độ tự đào thải virus của cơ thể. Đồng thời giúp phòng ngừa tình trạng mất nước.

Lựa chọn nước lọc thay vì soda và những loại đồ uống có đường, đặc biệt là khi bị thủy đậu ở miệng. Ngoài ra có thể uống nước ép trái cây và rau củ để tăng cường bổ sung vitamin, nâng cao hệ miễn dịch.

  • Chế độ ăn uống dinh dưỡng

Bổ sung đầy đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết từ chế độ ăn uống lành mạnh. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung omage-3, vitamin A, B, C, E. Các thành phần dinh dưỡng giúp tăng khả năng kháng viêm, tăng cường chức năng miễn dịch và thúc đẩy quá trình chữa lành.

Những người bị thủy đậu ở miệng nên tránh ăn những loại thực phẩm mặn, cay, thức ăn cứng. Bởi những loại thực phẩm này có thể khiến miệng của bạn bị đau.

Ngoài ra bệnh nhân cần tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nóng và những loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm.

  • Vệ sinh bằng nước muối sinh lý

Thường xuyên vệ sinh răng miệng và mũi họng bằng nước muối sinh lý để tăng tính sát khuẩn. Ngoài ra nên giữ cho da luôn khô và sạch sẽ.

Phòng ngừa

Tiêm vắc xin thủy đậu là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh thủy đậu, hiệu quả lên đến 98%. Nếu không thể bảo vệ cơ thể hoàn toàn, vắc xin có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh không sốt hoặc sốt nhẹ và nổi mụn nước ít hơn.

Tiêm vắc xin thủy đậu
Tiêm vắc xin thủy đậu giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu lên đến 98%

Vắc xin thủy đậu được khuyến nghị cho những nhóm đối tượng sau:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, liều đầu tiên từ 12 - 15 tháng tuổi, liều tiếp theo từ 4 - 6 tuổi
  • Trẻ lớn hơn chưa được tiêm phòng
  • Người có dự định mang thai
  • Người lớn chưa được tiêm phòng và có nguy cơ phơi nhiễm cao.

Vắc xin không được khuyến nghị cho những trường hợp sau:

  • Đang mang thai hoặc có nghi ngờ mang thai
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Dị ứng một vài loại thuốc (như kháng sinh neomycin và gelatin) hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin
  • Mắc bệnh lao
  • Cơ thể không khỏe hoặc mệt mỏi. Tiêm vắc xin khi cơ thể đã khỏe hơn
  • Gần đây có tiêm vắc xin hoặc được truyền máu.

Những trường hợp chưa thể tiêm vắc xin có thể phòng ngừa thủy đậu bằng những biện pháp sau:

  • Không tiếp xúc gần với những người bị thủy đậu. Virus có thể lây lan trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi
  • Mang khẩu trang, dùng dung dịch hoặc xà phòng diệt khuẩn nếu phải tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
  • Không tiếp xúc trực tiếp với phát ban.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào gây ra những triệu chứng và dấu hiệu của tôi?

2. Điều trị trong bao lâu để những triệu chứng cải thiện?

3. Những phương pháp điều trị được đề nghị là gì?

4. Có những bước chăm sóc hoặc biện pháp khắc phục tại nhà không?

5. Chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm triệu chứng không?

6. Cần cách ly phòng ngừa lây nhiễm trong bao lâu?

7. Làm cách nào để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác?

Bệnh thủy đậu là bệnh lây truyền cấp tính, đặc trưng bởi phát ban ngứa có dạng mụn nước. Bệnh có khả năng lây lan nhanh khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh và gây ra nhiều biến chứng. Tốt nhất nên tiêm vắc xin thủy đậu để phòng ngừa và điều trị tích cực khi có dấu hiệu.