Thủng Màng Nhĩ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Thủng màng nhĩ là một vết rách ở lớp mô mỏng ngăn cách ống tai và tai giữa. Tình trạng này gây ra những cơn đau tai dữ dội, mất thính giác ở tai bị ảnh hưởng và nhiều tình trạng nghiêm trọng khác. Để điều trị người bệnh sẽ được phẫu thuật tái tạo lại màng nhĩ.

Tổng quan

Thủng màng nhĩ còn được gọi là vỡ màng nhĩ. Đây là một vết rách hoặc lỗ thủng trên mảng nhĩ (mô mỏng ngăn cách ống tai và tai giữa). Tình trạng này gây đau tai dữ dội, tiết dịch và có thể dẫn đến mất thính giác. Ngoài ra bệnh còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa.

Thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ là một vết rách hoặc lỗ thủng trên mảng nhĩ, hình thành do nhiều nguyên nhân

Phần lớn bệnh nhân có màng nhĩ bị thủng lành lại trong vòng vài tuần, điều trị chỉ bao gồm các phương pháp giảm nhẹ triệu chứng. Tuy nhiên nhiều trường hợp cần phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc vá lại màng nhĩ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây thủng màng nhĩ. Trong đó chấn thương, nhiễm trùng và vật lạ trong tai là những nguyên nhân phổ biến nhất.

  • Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa)

Vỡ màng nhĩ thường là biến chứng của nhiễm trùng tai giữa không được điều trị. Nhiễm trùng gây ra sự tích tụ chất lỏng trong tai giữa, làm tăng áp lực và khiến màng nhĩ bị rách.

  • Vật lạ trong tai

Nhiều người có thói quen dùng vật nhọn và nhỏ như tăm bông hay kẹp tóc để vệ sinh tai. Điều này có thể vô tình làm rách hoặc làm thủng màng nhỉ.

Trẻ em có thể vô tình nhét dị vật vào tai, chẳng hạn như bút chì và ghim cài tóc. Vì vậy trẻ cần được giáo dục để tránh gây ra những vấn đề không mong muốn.

Cố gắng lấy ráy tai bằng tăm bông gây tổn thương màng nhĩ
Cố gắng lấy ráy tai bằng tăm bông hoặc những vật dụng nhọn có thể gây tổn thương màng nhĩ

  • Chấn thương khí áp

Chấn thương khí áp là thuật ngữ chỉ tình trạng mất cân bằng giữa áp suất không khí trong môi trường và áp suất không khí trong tai giữa. Điều này làm tăng áp lực lên màng nhĩ và khiến nó bị vỡ.

Chấn thương khí áp thường liên quan đến du lịch hàng không, những hoạt động làm thay đổi áp suất đột ngột như tác động trực tiếp vào tai (chẳng hạn như tác động từ túi khí ô tô) và lặng biển.

  • Chấn thương đầu nghiêm trọng

Những người có chấn thương đầu nghiêm trọng có thể bị thủng màng nhĩ. Chẳng hạn như gãy xương nền sọ. Chấn thương này làm tổn thương cấu trúc tai giữa và tai trong, tổn thương màng nhĩ và có thể gây trật khớp.

  • Chấn thương âm thanh

Chấn thương âm thanh là thuật ngữ chỉ chấn thương do tiếng nổ hoặc âm thanh lớn (chẳng hạn như tiếng súng hoặc vụ nổ). Trong đó làn sóng âm thanh mạnh tác động vào mô mỏng ngăn cách ống tai và tai giữa. Điều này tạo ra vết rách nhưng hiếm gặp.

  • Trẻ em

Trẻ em có nguy cơ bị thủng màng nhĩ cao hơn so với người lớn. Nguyên nhân là do trẻ có ống tai hẹp và mô nhạy cảm. Khi sử dụng tăm bông ngoáy mạnh hoặc đưa các vật dụng quá sâu vào tai, mành nhĩ có thể bị tổn thương.

Triệu chứng và chẩn đoán

Thủng màng nhĩ có những triệu chứng xảy ra đột ngột, thường bao gồm:

  • Đau tai dữ dội. Triệu chứng này có thể thuyên giảm nhanh chóng
  • Chảy dịch nhầy có máu hoặc mủ từ tai
  • Ù tai
  • Mất thính lực đột ngột. Người bệnh cảm thấy âm thanh bị bóp nghẹt hoặc gặp khó khăn khi nghe
  • Chóng mặt hoặc mất thăng bằng
  • Buồn nôn hoặc nôn do chóng mặt
  • Có âm thanh tương tự như huýt sáo qua tai khi hỉ mũi.

Đau tai dữ dội
Thủng màng nhĩ gây đau tai dữ dội, mất thính lực đột ngột, chảy dịch nhầy có máu hoặc mủ từ tai

Trong khi thăm khám, người bệnh sẽ được kiểm tra tiền sử chấn thương và bệnh lý, kiểm tra tai bằng ống soi tai. Điều này cho phép quan sát màng nhĩ và phát hiện lỗ thủng.

Ngoài ra những bài kiểm tra thính giác sẽ được thực hiện để đánh giá khả năng vận động của màng nhĩ và khả năng nghe. Cụ thể:

  • Đo thính lực: Bệnh nhân được kiểm tra khả năng nghe âm thanh nhỏ và cao độ khác nhau. Kết quả sẽ được hiển thị trên thính lực đồ.
  • Tympanometry (đo nhĩ lượng): Đây là một thử nghiệm giúp kiểm tra chuyển động của màng nhĩ. Từ đó xác định những vấn đề liên quan đến mất thính lực.
  • Kiểm tra chất lỏng: Bác sĩ có thể lấy một mẫu chất lỏng chảy ra từ tai và mang đi phân tích. Điều này có thể giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, xác định nhiễm trùng tai giữa gây vỡ màng nhĩ hoặc vỡ màng nhĩ khiến tai giữa bị nhiễm trùng.

Biến chứng và tiên lượng

Màng nhĩ hoạt động như một hàng rào bảo vệ tai với vi khuẩn, nước và các chất lạ. Ngoài ra màng nhĩ rung lên khi sóng âm thanh chạm vào, tạo tiền đề cho những bước tiếp theo trong quá trình chuyển sóng âm thanh thành những xung thần kinh.

Chính vì thế mà tình trạng thủng màng nhĩ có thể gây ra nhiều biến chứng. Đặc biệt là khi màng nhĩ không thể tự lành trong 6 tháng. Cụ thể:

  • Mất thính lực. Điều này thường là tạm thời cho đến khi vết rách trong màng nhĩ lành lại.
  • Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa)
  • U nang tai giữa (cholesteatoma). Mặc dù hiếm gặp nhưng u nang tai giữa có thể hình thành ở những người có màng nhĩ bị thủng lâu dài.

Mất thính lực tạm thời
Bệnh nhân thường bị mất thính lực tạm thời cho đến khi vết rách trong màng nhĩ lành lại

Điều trị

Màng nhĩ bị thủng hoặc rách có thể lành lại theo thời gian mà không cần điều trị (khoảng vài tuần). Những trường hợp này sẽ được kê đơn thuốc để giảm triệu chứng.

Nếu có lỗ thủng lớn hoặc vết rách không lành, người bệnh sẽ được thực hiện những thủ thuật đóng vết rách.

1. Thuốc

Những loại thuốc được dùng khi bị thủng màng nhĩ:

  • Thuốc kháng sinh: Người bệnh được dùng thuốc kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng và ngăn ngừa nhiễm trùng mới từ lỗ thủng. Thông thường người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng sinh đường uống hoặc/ và thuốc nhỏ tai.
  • Thuốc giảm đau: Đôi khi người bệnh được hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để khắc phục cơn đau. Trong đó Acetaminophen là loại thuốc thường được sử dụng.

2. Thủ tục

Có hai thủ tục cho bệnh nhân bị thủng màng nhĩ, bao gồm:

  • Vá màng nhĩ

Bệnh nhân được vá màng nhĩ nếu lỗ thủng trong màng nhĩ không tự đóng lại. Trong đó miếng vá (được làm bằng giấy hoặc vật liệu khác) sẽ được sử dụng để bịt kín vết rách hoặc lỗ thủng.

Trong quá trình này, bác sĩ có thể bôi lên mép vết rách một loại hóa chất giúp thúc đẩy quá trình lành lại của màng nhĩ. Sau đó miếng vá sẽ được dán trên lỗ thủng. Quy trình vá màng nhĩ có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi lỗ thủng đóng lại.

  • Tạo hình màng nhĩ

Phẫu thuật tạo hình màng nhĩ được thực hiện khi nhận thấy màng nhĩ bị thủng không có khả năng lành lại bằng miếng dán hoặc miếng dán không giúp vết thương liền lại.

Trong đó một miếng mô (lấy ra từ chính cơ thể của người bệnh) được dùng để ghép và đóng lỗ thủng trên màng nhĩ. Điều này giúp màng nhĩ được tạo hình và vết thương lành lại.

Phẫu thuật tạo hình màng nhĩ
Phẫu thuật tạo hình màng nhĩ giúp đóng lỗ thủng trên màng nhĩ, cho phép vết thương lành lại

3. Biện pháp khắc phục tại nhà

Trong quá trình chữa lành màng nhỉ bị thủng, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp chăm sóc để giảm nhẹ triệu chứng và thúc đẩy lành lại.

  • Chườm nóng: Hãy đặt một chiếc khăn bông ấm và khô lên tai vài lần mỗi ngày. Biện pháp này giúp máu huyết lưu thông và làm dịu cơn đau hiệu quả.
  • Không xì mũi quá mức: Không xì mũi quá mức cần thiết để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình lành thương. Bởi hoạt động này tạo ra áp lực trong tai, tăng đau và ảnh hưởng đến lỗ thủng. Nên cố gắng làm thông tai bằng cách nín thở.
  • Không dùng thuốc nhỏ tai không kê đơn: Khi bị thủng màng nhỉ, người bệnh cần tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ tai khi không có chỉ định của bác sĩ. Bởi chất lỏng có thể vào sâu trong tai và gây ra nhiều vấn đề khác.
  • Giữ cho tai khô ráo: Hãy giữ cho tai của bạn luôn khô ráo. Khi tắm bồn tắm hoặc vòi hoa sen, tốt nhất nên đặt vào tai bông gòn có tẩm dầu khoáng hoặc dùng nút bịt tai bằng silicon không thấm nước.
  • Hạn chế làm sạch tai: Người bệnh cần tránh thực hiện những tác động vào tai và hạn chế làm sạch tai cho đến khi màng nhĩ lành lại. Điều này giúp màng nhĩ có thời gian chữa lành hoàn toàn.
  • Tránh bơi lội: Người bệnh không nên bơi lội cho đến khi tai lành lại.

Phòng ngừa

Thủng màng nhĩ được phòng ngừa khi thực hiện những bước dưới đây:

  • Sớm khám và điều trị nhiễm trùng tai giữa khi có các triệu chứng (đau tai, chảy dịch từ tai, giảm thính lực...).
  • Nên giữ cho tai luôn khô ráo để ngăn ngừa nhiễm trùng thêm làm ảnh hưởng đến màng nhĩ.
  • Hạn chế đi máy bay nếu bị nghẹt mũi, tắc nghẹt trong tai do dị ứng, nhiễm trùng xoang hoặc cảm lạnh. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ thủng màng nhĩ do chấn thương khí áp.
  • Bảo vệ đôi tai trong suốt thời gian đi máy bay. Hãy sử dụng nút bịt tai cân bằng áp suất, nhai kẹo cao su hoặc ngáp để giữ cho tai được thông thoáng.
  • Không cố gắng lấy ráy tai bằng những vật dụng như kẹp tóc, tăm bông... Những vật dụng này có thể dễ dàng làm thủng hoặc tạo một vết rách trên màng nhĩ. Thông thường việc tắm rửa hàng ngày có thể đủ để cân bằng mức ráy tai.
  • Tuyệt đối không nên nhét vật lạ vào tai. Giáo dục trẻ nhỏ để tránh xảy ra tình trạng này.
  • Nếu có thể hãy tránh những tiếng ồn lớn, không thực hiện những hoạt động khiến tai tiếp xúc với tiếng nổ.
  • Nếu phải tiếp xúc với tiếng ồn hoặc tiếng nổ, hãy sử dụng bịt tai bảo vệ hoặc nút bịt tai để bảo vệ đôi tai của bạn.

Sử dụng bịt tai bảo vệ
Sử dụng bịt tai bảo vệ khi tiếp xúc với tiếng ồn hoặc tiếng nổ để phòng ngừa thủng màng nhĩ

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Vết thủng của tôi có lớn không?

2. Màng nhĩ bị thủng có tự lành lại không?

3. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?

4. Mất thính giác có thể phục hồi không?

5. Tôi cần làm gì để bảo vệ tai trong quá trình chữa lành?

6. Khi nào cần phẫu thuật tái tạo màng nhĩ hoặc vá màng nhĩ?

7. Biện pháp nào giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do vết thủng?

8. Cách chăm sóc và vệ sinh tai khi màng nhĩ bị thủng?

Thủng màng nhĩ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Phần lớn bệnh nhân có màng nhĩ tự lành lại trong khi những trường hợp khác cần phẫu thuật. Tốt nhất nên thăm khám, soi tai và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.