Thoái Hóa Khớp Gối

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Thoái hóa khớp gối xảy ra khi sụn chêm bị hao mòn hoặc hỏng. Điều này khiến các xương trong khớp cọ xát với nhau dẫn đến đau, cứng và sưng lên. Không thể chữa khỏi thoái hóa khớp. Tuy nhiên nhiều biện pháp có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Tổng quan

Thoái hóa khớp gối còn được gọi là viêm xương khớp đầu gối. Bệnh thể hiện cho tổn thương hao mòn của sụn ở đầu gối, tạo điều kiện cho các xương cọ xát với nhau. Sự ma sát này gây đau nhức, khớp cứng và sưng.

Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là tổn thương hao mòn của sụn ở đầu gối, chủ yếu do lão hóa tự nhiên

Thoái hóa (hao mòn) sụn khớp là một phần bình thường của quá trình lão hóa tự nhiên. Ở người trẻ tuổi, sụn chêm (sụn ở đầu gối) có dạng hình chữ C, đàn hồi. Chúng hoạt động như miếng đệm lót giúp bảo vệ khớp, giảm xóc, cho phép di chuyển và uốn cong. Đồng thời giúp chống lại tác động của các xương khi hoạt động.

Tương tự như những bộ phận khác của cơ thể, sụn khớp bị thoái hóa, giảm đàn hồi và hao mòn theo thời gian. Điều này khiến sụn khớp mỏng dần, các xương trong khớp bắt đầu cọ xát với nhau.

Với cơ chế bù đắp, cơ thể có xu hướng phát triển xương mới nơi sụn bị mòn. Tuy nhiên gai xương có kích thước lớn sẽ chèn ép vào các mô, tăng mức độ đau và cứng.

Phân loại

Thoái hóa khớp gối không được phân loại. Tuy nhiên bệnh lý này có 5 giai đoạn phát triển, từ 0 - 4 ứng với mức độ từ bình thường đến nặng.

  • Giai đoạn 0 (bình thường)

Trong giai đoạn này, khớp gối có sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu thoái hóa và không bị suy giảm chức năng.

  • Giai đoạn 1 (mới phát)

Có dấu hiệu tăng trưởng xương rất nhỏ. Gai xương phát triển ở nơi xương tiếp xúc với nhau trong khớp. Ngoài ra sụn khớp gối bị mất một chút nhưng chưa làm tổn thương không gian khớp.

Trong giai đoạn 1, người bệnh hầu như không cảm thấy đau hoặc khó chịu, không cần điều trị. Tuy nhiên người bệnh nên tập thể dục đều đặn và duy trì lối sống lành mạnh để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

  • Giai đoạn 2 (nhẹ)

Giai đoạn 2 là giai đoạn nhẹ của bệnh thoái hóa khớp gối. Trong giai đoạn này, các gai xương phát triển nhiều hơn. Tuy nhiên sụn chưa hao mòn nhiều và vẫn ở kích thước khỏe mạnh, chất lỏng hoạt dịch đủ để khớp thực hiện những chuyển động bình thường.

Về các xương trong khớp, khoảng cách giữa các xương bình thường, xương không cào hoặc cọ xát vào nhau.

Thoái hóa khớp gối giai đoạn 2
Thoái hóa khớp gối giai đoạn 2 có sụn hao mòn nhẹ, các gai xương phát triển nhiều hơn

Giai đoạn 2 có những triệu chứng sau:

    • Đau sau khi chạy hoặc đi bộ nhiều
    • Cứng khớp khi không sử dụng trong vài giờ
    • Đau khi uốn cong đầu gối hoặc quỳ.

Thông thường người bệnh sẽ được sử dụng thuốc giảm đau và luyện tập để điều trị.

  • Giai đoạn 3 (trung bình)

Trong giai đoạn 3, sụn khớp bị tổn thương rõ rệt, giảm khoảng cách giữa các xương. Điều này khiến người bệnh bị đau thường xuyên hơn khi đi bộ, quỳ, cúi hoặc chạy.

Ngoài ra người bệnh sẽ có dấu hiệu sưng khớp sau thời gian dài chuyển động, cứng khớp vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu. Để điều trị, bệnh nhân được sử dụng thuốc kết hợp các biện pháp chăm sóc.

  • Giai đoạn 4 (nặng)

Giai đoạn 4 là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh thoái hóa khớp gối. Trong giai đoạn này, sụn khớp gần như biến mất hoàn toàn khiến không gian giữa các xương bị giảm đáng kể.

Ngoài ra đầu gối có chất lỏng hoạt dịch giảm nhiều, không thể giảm ma sát giữa các bộ phận trong khớp. Điều này gây đau nhức và khó chịu khi di chuyển khớp, cứng khớp hoặc bất động.

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 4 được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình xương hoặc thay khớp gối (dùng bộ phận giả) để phục hồi chức năng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp gối liên quan đến lão hóa. Theo thời gian, sụn khớp giảm đàn hồi, yếu, mòn và hư hỏng. Điều này gây ra sự ma sát giữa các xương dẫn đến đau, sưng và cứng khớp.

Nguyên nhân khác và những yếu tố nguy cơ:

  • Tuổi tác: Sự hao mòn tăng lên và khả năng chữa lành sụn giảm khi bạn già đi.
  • Thừa cân béo phì: Đầu gối nâng đỡ cơ thể và thực hiện nhiều hoạt động. Khi trọng lượng vượt khỏi mức an toàn, đầu gối chịu nhiều áp lực hơn, sụn nhanh chóng hao mòn và bị hỏng.
  • Di truyền: Một số đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối. Điều này cũng xảy ra ở những người có các bất thường di truyền ở xương bao quanh khớp.
  • Giới tính: Những người phụ nữ trên 55 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới.
  • Chấn thương: Các chấn thương ở đầu gối sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Ngay cả khi đã được điều trị đứng cách, thoái hóa khớp cũng có thể xảy ra sớm hơn bình thường. Một số chấn thương thường gặp ở đầu gối gồm:
    • Rách sụn chêm
    • Giãn dây chằng đầu gối
    • Trật khớp gối
    • Gãy xương vùng khớp gối
    • Bong điểm bám gân
  • Căng thẳng lặp đi lặp lại: Nguy cơ viêm xương khớp đầu gối tăng lên ở những người lạm dụng khớp gối, thường xuyên lặp đi lặp lại một vài chuyển động, chẳng hạn như chạy, ngồi xổm và đứng lên nhiều lần.
  • Vận động viên: Vận động viên hoặc những người thường xuyên tham gia đá bóng, chạy đường dài hoặc quần vợt sẽ có nguy cơ cao. Tuy nhiên tập thể dục thường xuyên và vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ.
  • Viêm khớp: Viêm xương khớp đầu gối thường gặp ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
  • Rối loạn chuyển hóa: Một số rối loạn chuyển hóa như thừa hormone tăng trưởng hoặc thừa sắt có thể làm tăng nguy cơ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hầu như không có triệu chứng ở trường hợp nhẹ, người bệnh thường không cảm thấy đau hoặc khó chịu. Khi gai xương phát triển và sụn khớp hao mòn nhiều hơn, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

Đau đầu gối, sưng, cứng khớp
Đau đầu gối, sưng, cứng khớp vào buổi sáng hoặc khi ngồi lâu là những triệu chứng thường gặp

  • Đau đầu gối
    • Cơn đau có thể nhẹ, âm ỉ gây khó chịu hoặc đau nặng
    • Đau sau khi chạy, đi bộ nhiều, quỳ hoặc uốn cong đầu gối
    • Đau dữ dội khi di chuyển khớp hoặc đi lại
    • Đau giảm khi nghỉ ngơi, tăng lên khi hoạt động
  • Sờ thấy ấm
  • Cứng khớp vào buổi sáng hoặc khi ngồi lâu
  • Sưng đầu gối
  • Giảm khả năng vận động và linh hoạt của đầu gối
  • Nghe thấy tiếng kêu lạo xạo hoặc răng rắc khi di chuyển đầu gối
  • Cảm giác như đầu gối bị khóa hoặc kẹt
  • Cảm giác loạng choạng khi di chuyển, có thể lệch khớp hoặc khuỵu xuống.

Thoái hóa khớp gối thường được phát hiện trong khi kiểm tra thể chất. Trong quá trình thăm khám, người bệnh được hỏi về các triệu chứng, mức độ đau và cứng khớp, bác sĩ có thể sờ để kiểm tra tình trạng sưng nóng.

Ngoài ra người bệnh sẽ được yêu cầu co duỗi đầu gối hoặc đi lại. Điều này giúp bác sĩ đánh gái dáng đi, kiểm tra phản xạ và sự linh hoạt của khớp gối.

Để xác định mức độ nghiêm trọng, các xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Hình ảnh thu được có thể giúp bác sĩ nhìn thấy tổn thương ở xương và sụn, phát hiện gai xương và suy giảm giảm không gian giữa các xương. Chụp X-quang cũng giúp phân biệt đau do thoái hóa khớp, gãy xương do nén và ung thư xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh chi tiết hơn về sụn và cấu trúc khác. Việc quan sát có thể đánh giá tổn thương sụn, loại bỏ các nguyên nhân có thể gây đau khác, chẳng hạn như chấn thương mô mềm hoặc khối u.
  • Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu có thể giúp loại trừ những nguyên nhân gây đau khớp như viêm khớp dạng thấp.
  • Chọc hút dịch khớp: Nếu sưng nhiều, người bệnh có thể được chọc hút dịch khớp để kiểm tra nhiễm trùng.

Biến chứng và tiên lượng

Không có phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên bệnh có diễn tiến chậm, các phương pháp điều trị có thể giúp giảm triệu chứng, làm chậm hoặc kiểm soát quá trình phát triển bệnh.

Khi không được điều trị và thoái hóa khớp gối ở mức độ nặng, người bệnh có thể gặp những biến chứng dưới đây:

  • Đau đầu gối mãn tính
  • Mất tính ổn định khớp
  • Hạn chế chuyển động hoặc bất động hoàn toàn
  • Teo cơ
  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng, tăng nguy cơ trầm cảm
  • Mất xương
  • Hỏng khớp
  • Tăng nguy cơ chấn thương
  • Hình thành u nang sau gối (Baker)
  • Tăng nguy cơ bị gout và các bệnh lý khác.

Thoái hóa khớp gối không được điều trị dẫn đến hỏng khớp
Thoái hóa khớp gối không được điều trị dẫn đến hỏng khớp, mất tính ổn định khớp, tăng nguy cơ bất động

Điều trị

Các phương pháp điều trị bảo tồn có thể làm giảm các triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển. Tuy nhiên nhiều trường hợp có khớp hỏng nặng và cần phải phẫu thuật.

1. Điều trị bằng thuốc

Các thuốc được dùng có thể giúp giảm đau và viêm cho người bệnh. Cụ thể:

  • Acetaminophen (Tylenol): Nếu có cơn đau nhẹ, người bệnh được dùng Acetaminophen để điều trị đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Naproxen natri (Aleve) và Ibuprofen (Advil, Motrin) là những loại thường được dùng để giảm đau. Thuốc phù hợp với những cơn đau vừa. NSAID cũng giúp chống viêm và giảm sưng ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Bác sĩ có thể hướng dẫn sử dụng một loại kem bôi chứa Capsaicin. Hoạt chất trong sản phẩm thấm qua da và giúp giảm đau khi sử dụng.

2. Liệu pháp tiêm

Dựa vào tình trạng, các chỉ định dưới đây có thể được thực hiện:

  • Tiêm Cortisone (steroid): Tiêm Cortisone vào đầu gối. Đây là loại thuốc chống viêm mạnh, có khả năng điều trị viêm và giảm đau nhanh. Thuốc thường được chỉ định cho trường hợp đau nặng và không đáp ứng tốt với NSAID.
  • Tiêm axit hyaluronic: Đôi khi người bệnh sẽ được tiêm axit hyaluronic vào đầu gối. Chất này hoạt động như chất lỏng bôi trơn trong khớp, giúp giảm cứng khớp và hạn chế đau.
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP): Huyết tương giàu tiểu cầu được tách ra từ máu của bệnh nhân, sau đó được tiêm vào khớp. Biện pháp này giúp tăng tốc độ chữa lành và khả năng tái tạo khớp, giảm đau và cứng khớp.
  • Liệu pháp tế bào gốc: Tiêm vào khớp gối tế bào gốc có nguồn gốc từ chất béo hoặc tủy xương. Biện pháp này giúp giảm đau và tăng khả năng chữa lành.

Tiêm Cortisone (steroid)
Tiêm Cortisone (steroid) vào đầu gối giúp chống viêm, giảm sưng và giảm đau nhanh chóng

3. Chăm sóc và điều trị tại nhà

Chú ý duy trì lối sống lành mạnh và áp dụng các biện pháp chăm sóc để giảm đau và ngăn thoái hóa khớp tiến triển.

  • Giảm cân: Nếu có cân nặng dư thừa, cần áp dụng những biện pháp khoa học để giảm cân. Điều này giúp giảm áp lực cho đầu gối, giảm đau và làm chậm tốc độ lão hóa.
  • Tập thể dục: Tập thể dục vừa sức với những bài tập kéo giãn trong yoga. Những bài tập này có thể giúp tăng tính linh hoạt và di động cho khớp gối. Đồng thời tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh.Từ đó giảm đau và tăng tính ổn định cho đầu gối.
  • Dùng nẹp đầu gối: Bác sĩ có thể hướng dẫn dùng nẹp không tải hoặc nẹp hỗ trợ nếu đau nhiều và mất tính ổn định. Nẹp không tải giúp giảm bớt trọng lượng khỏi đầu gối tổn thương. Trong khi đó nẹp hỗ trợ có thể giúp hỗ trợ cho đầu gối trong những chuyển động.
  • Chườm ấm: Chườm ấm để giảm đau và cứng khớp. Biện pháp này có tác dụng thư giãn cơ và dây chằng quanh khớp, xoa dịu cơn đau, giảm cứng khớp và tăng sự linh hoạt. Ngoài ra chườm ấm còn có tác dụng cải thiện lưu thông khí huyết, tăng khả năng phục hồi. Đặt miếng đệm sưởi hoặc túi chườm ấm vào đầu khớp 20 phút, mỗi ngày 3 - 4 lần.
  • Dùng chất bổ sung: Dùng các chất bổ sung như glucosamine và chondroitin có thể giúp cải thiện tình trạng. Glucosamine có tác dụng giảm đau và tăng khả năng phục hồi. Chondroitin có khả năng bảo tồn và kích thích quá trình tạo sụn mới. Chất này cũng giúp kiểm soát viêm và tăng khả năng vận động linh hoạt.

4. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu được thực hiện cho những bệnh nhân gặp khó khăn khi thực hiện những hoạt động hàng ngày. Phương pháp này thường bao gồm những bài tập tăng cường cơ bắp và kéo giãn nhẹ nhàng cho đầu gối. Việc luyện tập có thể giúp giảm đau, tăng cường các cơ hỗ trợ. Từ đó tăng sự ổn định và tính linh hoạt.

Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn cách thực hiện những hoạt động hoặc vận động thường xuyên hàng ngày. Điều này giúp giảm đau đớn khi làm việc nhà hoặc thực hiện những công việc khác.

Các bài tập tăng cường cơ bắp và kéo giãn nhẹ nhàng
Các bài tập tăng cường cơ bắp và kéo giãn nhẹ nhàng giúp giảm đau, tăng sự ổn định và tính linh hoạt

5. Phẫu thuật

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối được phẫu thuật khi điều trị bảo tồn không hiệu quả, sụn gần như không còn và khớp hỏng nặng.

Dựa vào tình trạng, người bệnh có thể thực hiện những kỹ thuật sau:

  • Ghép sụn: Phương pháp này gồm việc cấy ghép sụn khỏe mạnh vào đầu gối tổn thương. Việc ghép sụn mới sẽ giúp lắp đầy lỗ hỏng trên sụn và phục hồi vận động.
  • Cắt xương đầu gối: Cắt xương đầu gối được thực hiện cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối có một vùng đầu gối bị tổn thương. Việc loại bỏ đoạn xương thích hợp có thể giúp chuyển áp lực từ phần khớp tổn thương sang vùng có sụn khỏe mạnh. Điều này giúp giảm đau, tăng tính ổn định cho đầu gối. Cắt xương cũng giúp làm chậm quá trình thoái hóa sụn và cải thiện chức năng cho khớp gối.
  • Phẫu thuật thay thế một phần đầu gối: Phương pháp này được thực hiện khi tổn thương giới hạn ở một khoang cụ thể. Trong đó phần hư hỏng sẽ được thay thế bằng một bộ phận giả. Phẫu thuật thay thế một phần đầu gối giúp cắt giảm cơn đau và phục hồi nhanh hơn.
  • Phẫu thuật thay khớp gối: Phẫu thuật thay khớp gối được thực hiện cho những bệnh nhân có khớp hư hỏng nặng. Trong quá trình này, khớp giả (bằng kim loại hoặc nhựa) được sử dụng để thay thế cho khớp gối tổn thương. Thay khớp gối không chỉ cắt giảm cơn đau mà còn giúp người bệnh phục hồi chức năng. Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn luyện tập để sớm trở lại với công việc và hoạt động.

Phòng ngừa

Thoái hóa khớp gối không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên những bước dưới đây có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ.

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Những người thừa cân nên có thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục để đạt được cân nặng an toàn.
  • Không lặp đi lặp lại các hoạt động có thể gây căng thẳng cho đầu gối.
  • Không lạm dụng khớp gối, không gắng sức trong công việc và các hoạt động thể chất, chẳng hạn như chạy đường dài. Nên thường xuyên nghỉ ngơi và thư giãn giữa những buổi tập để khớp gối có thời gian phục hồi.
  • Tránh những hoạt động có thể gây chấn thương cho đầu gối, chẳng hạn như nhảy từ một độ cao, thực hành tư thế sai.
  • Luôn thực hiện đúng tư thế và đúng kỹ thuật trong các hoạt động.
  • Tránh lối sống thiếu vận động, không nên đứng lâu hoặc ngồi lâu. Nếu phải ngồi lâu, hãy thường xuyên đứng lên, vươn vai, kéo giãn và đi lại.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Nếu chạy bộ, hãy chạy nên bề mặt bề hoặc chạy trên cỏ.
  • Luôn khởi động kỹ lưỡng trước tập thể dục thể thao.
  • Người lớn tuổi nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E, canxi, các chất chống oxy hóa, protein nạc. Những thành phần dinh dưỡng này có thể giúp giữ cho xương khớp chắc khỏe và giảm tốc độ lão hóa.
  • Xây dựng thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày, thực hiện những bài tập có tác động thấp như đạp xe, yoga và bơi lội. Điều này giúp giữ cho khớp xương khỏe mạnh, làm chậm quá trình lão hóa. Ngoài ra nên thêm những bài tập luyện sức mạnh để tăng cường các cơ và dây chằng hỗ trợ khớp.

Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với những bài tập có tác động thấp
Giữ cho khớp xương khỏe mạnh bằng cách tập thể dục đều đặn mỗi ngày với các bài tập có tác động thấp

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Có thể kiểm soát thoái hóa khớp gối không?

2. Phương pháp điều trị nào phù hợp?

3. Tôi nên làm gì để ngăn bệnh tiến triển?

4. Những biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?

5. Tôi có thể tiếp tục các hoạt động thể chất hay không?

6. Bài tập và bộ môn thể thao nào phù hợp với tôi?

7. Có bao nhiêu lựa chọn khi phẫu thuật? Các lợi ích và những rủi ro có thể gặp?

Bệnh thoái hóa khớp gối chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi. Bệnh có tiến triển chậm, gây đau nhức, cứng và sưng khớp khi nặng hơn. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng.