Bệnh Teo Tinh Hoàn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Teo tinh hoàn là tình trạng thu nhỏ kích thước của tinh hoàn, thường liên quan đến nhiễm trùng, lão hóa, sự mất cân bằng hormone và bệnh lý tiềm ẩn. Tình trạng này có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới.

Tổng quan

Teo tinh hoàn là thuật ngữ đề cập đến sự co lại của tinh hoàn, có thể kèm theo suy giảm chức năng của tinh hoàn. Tình trạng thường xảy ra do quá trình lão hóa và bệnh lý, không liên quan đến sự co rút tạm thời của bìu xung quanh.

Teo tinh hoàn
Teo tinh hoàn là sự co lại của tinh hoàn kèm theo suy giảm chức năng do nhiều nguyên nhân

Tinh hoàn là hai tuyến sinh sản nằm trong bìu, ngay phía sau dương vật. Chúng tham gia vào quá trình sản xuất tinh trùng và hormone testosterone. Chính vì thế mà những trường hợp bị teo tinh hoàn thường có những dấu hiệu trùng lặp với mức testosterone và vô sinh nam.

Nếu teo tinh hoàn xảy ra ở những người trước tuổi dậy thì, nam giới có thể kém phát triển những đặc điểm giới tính thứ cấp. Chẳng hạn như dương vật không phát triển.

Khi teo tinh hoàn xảy ra ở những nam giới đã phát triển về giới tính, bệnh có thể xảy ra đồng thời với tình trạng tăng mô vú và suy giảm ham muốn tình dục. Những dấu hiệu và triệu chứng khác có thể không giống nhau ở mỗi người do phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Những nguyên nhân gây teo tinh hoàn gồm:

  • Lão hóa

Tinh hoàn co lại khi bạn già đi. Đây là một quá trình tự nhiên, liên quan đến việc giảm sản xuất tinh trùng hoặc hormone testosterone theo thời gian.

  • Viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn là tình trạng sưng đau của tinh hoàn kèm theo sốt và buồn nôn. Nếu không được điều trị sớm, người bệnh sẽ có tinh hoàn co lại.

Viêm tinh hoàn thường liên quan đến nhiễm trùng do virus (chẳng hạn như virus quai bị) và vi khuẩn (đặc biệt là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia và lậu).

Viêm tinh hoàn
Viêm tinh hoàn do vi khuẩn hoặc virus không được điều trị sớm sẽ khiến tinh hoàn co lại

  • Sự mất cân bằng hormone testosterone

Đôi khi teo tinh hoàn liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố. Thông thường tinh hoàn sẽ bắt đầu co lại khi cơ thể sản xuất ít testosterone hơn. Điều này thường liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc, chất bổ sung estrogen, steroid đồng hóa hoặc liệu pháp thay thế testosterone.

  • Nhiễm trùng HIV hoặc quai bị

Nhiễm HIV, quai bị và một số bệnh nhiễm trùng khác có thể khiến tinh hoàn co lại. Tuy nhiên việc điều trị tích cực có thể đảo ngược tình trạng teo.

  • Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh nối tinh hoàn với phần còn lại của hệ thống sinh sản bị xoắn do tinh hoàn xoay. Điều này làm tắc mạch dẫn đến sự mất máu cho tinh hoàn. Nếu không được điều trị kịp thời, tinh hoàn có thể bị teo vĩnh viễn do mất oxy và máu.

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn đám rối tĩnh mạch thừng tinh và tĩnh mạch sinh tinh phía trên tinh hoàn, thường ảnh hưởng đến một bên. Tình trạng này có thể khiến tinh hoàn bị ảnh hưởng nhỏ hơn bình thường.

  • Ung thư tinh hoàn

Tinh hoàn teo có thể là kết quả của bệnh ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên nguyên nhân này ít khi xảy ra.

  • Rối loạn sử dụng rượu

Uống nhiều rượu làm giảm quá trình sản xuất hormone testosterone và tổn thương mô tinh hoàn. Những điều này dẫn đến sự co lại của tinh hoàn.

  • Bệnh xơ nang

Bệnh xơ nang gây mất nước bài tiết dẫn đến teo cơ quan sinh sản của nam giới. Ngoài ra bệnh lý này thường khiến nam giới bị thiếu ống dẫn tinh dẫn đến vô sinh nam.

Triệu chứng và chẩn đoán

Sự co rút (giảm kích thước) của một hoặc cả hai bên tinh hoàn là triệu chứng chính của bệnh teo tinh hoàn. Tuy nhiên nhiều triệu chứng khác có thể xảy ra dựa trên nguyên nhân và độ tuổi mắc bệnh.

Suy giảm kích thước của một hoặc cả hai bên tinh hoàn
Bệnh viêm tinh hoàn được đặt trưng bởi tình trạng suy giảm kích thước của một hoặc cả hai bên tinh hoàn

+ Triệu chứng trước tuổi dậy thì

Nam giới không phát triển những đặc điểm thứ cấp, bao gồm:

  • Thiếu sự phát triển dương vật
  • Thiếu sự phát triển của lông mu và lông mặt
  • Testosterone thấp hơn

+ Triệu chứng sau tuổi dậy thì

  • Tinh hoàn mềm hơn
  • Không có hoặc có ít lông mu
  • Không có hoặc có ít lông trên khuôn mặt
  • Giảm khối lượng cơ bắp
  • Suy giảm ham muốn tình dục
  • Khó thụ thai
  • Testosterone thấp hơn.

+ Dấu hiệu và triệu chứng do bệnh lý thứ cấp

  • Buồn nôn
  • Đau tinh hoàn
  • Tăng độ nhạy cảm của tinh hoàn
  • Sốt
  • Viêm

Kiểm tra sức khỏe ban đầu thường bao gồm quan sát tinh hoàn, có thể sờ nắn bằng tay. Điều này giúp đánh giá kết cấu, kích thước và hình dạng của tinh hoàn.

Ngoài ra nam giới còn được kiểm tra những triệu chứng liên quan đến sự không phát triển những đặc điểm thứ cấp, những biểu hiện đi kèm do nguyên nhân bệnh lý.

Sau thăm khám, một số chỉ định dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm cho phép xác định thể tích tinh hoàn. Những người bị teo tinh hoàn sẽ có thể tích tinh hoàn dưới 12 mL hoặc mất hơn 50% thể tích tinh hoàn. Ngoài ra siêu âm tinh hoàn còn giúp kiểm tra lưu lượng máu và xem xét những bất thường.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được đo nồng dộ testosterone thông qua xét nghiệm máu. Điều này giúp xác định nồng độ testosterone thấp - nguyên nhân và biểu hiện của tinh hoàn teo. Xét nghiệm máu cũng giúp tìm kiếm những dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bệnh nhân được xét nghiệm nước tiểu để phát hiện teo tinh hoàn có liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tinh dục hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Teo tinh hoàn không thể tự khỏi, bệnh nhân cần được điều trị sớm và tích cực để đảo ngược tình trạng teo. Đặc biệt tinh hoàn co lại do xoắn tinh hoàn cần được điều trị y tế khẩn cấp. Bởi sự cắt đứt lưu lượng máu có thể gây hoại tử hoặc những tổn thương vĩnh viễn cho tinh hoàn.

Nếu bị teo tinh hoàn 2 bên và không được chữa trị, nam giới sẽ có nguy cơ vô sinh cao. Tình trạng này thường gặp ở những người có tiền sử quai bị.

Vô sinh
Vô sinh xảy ra nếu nam giới bị teo tinh hoàn 2 bên và không được chữa trị kịp thời

Điều trị

Điều trị teo tinh hoàn phụ thuộc vào nguyên nhân. Bệnh nhân thường được điều trị khởi đầu bằng thuốc và thay đổi lối sống. Những trường hợp nặng hoặc không đáp ứng tốt có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng vô sinh.

1. Thuốc

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, những loại thuốc dưới đây sẽ được sử dụng:

  • Thuốc kháng sinh: Ở những trường hợp có tinh hoàn teo do nhiễm trùng (như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục), người bệnh cần điều trị bằng một đợt kháng sinh. Trong đó một hoặc nhiều loại thuốc kháng sinh phù hợp sẽ được dùng để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Bộ điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (SERMs): Nếu bị mất cân bằng nội tiết tố do sử dụng sử một số loại thuốc như steroid đồng hóa, người bệnh sẽ được sử dụng bộ điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (SERMs) hay còn gọi là chất chủ vận hoặc đối kháng thụ thể estrogen (ERAAs). Đây là nhóm thuốc tác động lên thụ thể estrogen (ER), có tác dụng điều chỉnh sự mất cân bằng nội tiết tố. Ngoài ra việc sử dụng nhóm thuốc này còn giúp đảo ngược tình trạng teo tinh hoàn cho nhiều nam giới.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện khẩn cấp cho những trường hợp bị xoắn tinh hoàn. Điều này giúp đảm bảo khả năng hồi phục, ngăn tổn thương vĩnh viễn. Nếu không được phẫu thuật gỡ xoắn sớm, nam giới sẽ có nguy cơ mất/ giảm khả năng sinh sản, hoại tử và dẫn đến nhu cầu cắt bỏ tinh hoàn.

Ngoài ra phẫu thuật còn được chỉ định cho những bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc, tình trạng teo tinh hoàn gây ra những tác động tiêu cực đối với nồng độ hormone testosterone về lâu dài. Những trường hợp này có thể được thực hiện cắt bỏ tinh hoàn.

Phẫu thuật gỡ xoắn tinh hoàn cần được thực hiện ngay lập tức
Phẫu thuật gỡ xoắn tinh hoàn cần được thực hiện ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn và vô sinh

Teo tinh hoàn có thể đảo ngược sau quá trình phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên tình trạng teo có thể tái phát trong tương lai. Vì vậy người bệnh cần được kiểm tra nồng độ testosterone thường xuyên và sự tái phát của chứng teo tinh hoàn.

3. Thay đổi lối sống

Bên cạnh những phương pháp điều trị chuyên sâu, người bệnh còn được yêu cầu thay đổi lối sống để tăng khả năng đảo ngược tình trạng teo. Đồng thời ngăn cản những nguyên nhân khiến tình trạng teo tinh hoàn tái phát.

Dưới đây là một số hướng dẫn giúp thay đổi lối sống cho người bị teo tinh hoàn:

  • Hạn chế uống rượu và hút thuốc lá.
  • Tránh thuốc phiện, cần sa và steroid đồng hóa để giảm nguy cơ teo tinh hoàn và điều trị vô sinh.
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng với những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh. Chẳng hạn như sử dụng những loại dầu thực vật (như dầu ô liu, dầu hạt cải), ăn nhiều cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau xanh, trái cây, quả mọng, những loại quả hạch...
  • Giảm tiêu thụ thịt đỏ, những loại chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và các thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng loại thực phẩm này có thể dẫn đến stress oxy hóa. Từ đó dẫn đến tổn thương tinh trùng, giảm thể tích tinh hoàn và chất lượng tinh trùng. Đồng thời làm suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
  • Thiết lập thói quen luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, duy trì chức năng của các cơ quan sinh sản. Đồng thời tăng khả năng chống viêm và chống nhiễm trùng của cơ thể.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ teo tinh hoàn, nam giới nên áp dụng những bước dưới đây:

Tiêm phòng quai bị cho trẻ
Tiêm phòng quai bị cho trẻ để ngăn ngừa bị lây nhiễm bệnh quai bị dẫn đến teo tinh hoàn và vô sinh nam

  • Tiêm phòng quai bị cho trẻ nhằm giảm nguy cơ teo tinh hoàn và vô sinh nam do bệnh quai bị.
  • Quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STI). Cụ thể như: Sử dung bao cao su khi quan hệ tình dục, hạn chế bạn tình, quan hệ với bạn tình không bị nhiễm bệnh.
  • Không uống nhiều rượu bia.
  • Nếu có nhiễm trùng, viêm tinh hoàn hoặc những bệnh lý tiềm ẩn ở tinh hoàn (như giãn tĩnh mạch thừng tinh, xoắn tinh hoàn...), người bệnh cần tiến hành điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng teo tinh hoàn và vô sinh.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt nên đảm bảo bổ sung đủ lượng vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, kẽm và selen. Những thành phần dinh dưỡng này có thể giúp phòng ngừa và giảm viêm, giảm tác hại do stress oxy hóa.
  • Ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch và dầu thực vật lành mạnh.
  • Cải thiện và duy trì khả năng sinh sản bằng cách giảm lượng thịt đỏ, hạn chế những loại thực phẩm chế biến sẵn, thịt chế biến, những loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
  • Tránh sử dụng chất bổ sung estrogen, steroid đồng hóa hoặc liệu pháp thay thế testosterone. Nếu cần thiết, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để giảm nguy cơ mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến teo tinh hoàn.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị teo tinh hoàn?

2. Phương pháp điều trị cụ thể của tôi là gì?

3. Tôi có thể đảo ngược tình trạng teo tinh hoàn không?

4. Khả năng sinh sản của tôi có bị ảnh hưởng không?

5. Tôi nên làm gì để phục hồi khả năng sinh sản?

6. Tôi có thể gặp rủi ro và lợi ích gì từ phương pháp điều trị?

7. Điều trị trong bao lâu thì phục hồi?

Teo tinh hoàn xảy ra do nhiều nguyên nhân. Việc không điều trị sớm có thể gây vô sinh và tăng nguy cơ cắt bỏ tinh hoàn. Do đó nam giới cần thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị ngay khi có dấu hiệu của bệnh.