Teo Âm Đạo

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Teo âm đạo còn được gọi là viêm teo âm đạo. Đây là một tình trạng mỏng, khô và viêm ở thành âm đạo do thiếu hụt estrogen. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những người phụ nữ mãn kinh.

Tổng quan

Teo âm đạo (viêm teo âm đạo) là thuật ngữ chỉ tình trạng thành âm đạo bị mỏng, khô và viêm do sự thiếu hụt hoặc có ít estrogen hơn. Đây là một hội chứng sinh dục tiết niệu của thời kỳ mãn kinh, chủ yếu ảnh hưởng đến những người phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Teo âm đạo
Teo âm đạo xảy ra khi cơ thể có ít estrogen hơn khiến thành âm đạo bị mỏng, khô và viêm

Bệnh lý này khiến nữ giới thường xuyên có cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, xuất hiện các đốm ở thành âm đạo và đau khi quan hệ tình dục. Trong đó khô âm đạo (giảm dịch tiết trong âm đạo) thường là dấu hiệu đầu tiên cho thấy nữ giới đang bị teo âm đạo.

Những triệu chứng khiến nữ giới khó chịu và mất hứng thú khi giao hợp. Tuy nhiên nhiều biện pháp có thể giúp điều chỉnh nội tiết tố và giúp giảm bớt các triệu chứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Teo âm đạo xảy ra khi buồng trứng của bạn sản xuất ít estrogen hơn. Sự thiếu hụt estrogen khiến niêm mạc âm đạo của bạn trở nên mỏng hơn và kém đàn hồi hơn. Theo thời gian, ống âm đạo sẽ bị thu hẹp và rút ngắn.

Ngoài ra lượng estrogen không được đảm bảo còn làm thay đổi cân bằng axit trong âm đạo và giảm quá tình tiết dịch âm đạo bình thường. Từ đó khiến mô âm đạo nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng và mỏng hơn.

Teo âm đạo thường gặp ở những người lớn tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ. Dưới đây là những nguyên nhân làm giảm estrogen và gây teo âm đạo ở phụ nữ:

  • Tiền mãn kinh
  • Thời kỳ mãn kinh. Những người phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh sẽ có cơ thể sản xuất ít estrogen hơn
  • Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị vùng chậu làm suy giảm chức năng buồng trứng
  • Sử dụng những loại thuốc có đặc tính kháng estrogen. Chẳng hạn như nafarelin, tamoxifen và medroxyprogesterone.
  • Phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng (mãn kinh do phẫu thuật)
  • Một số thuốc tránh thai
  • Cho con bú ngực
  • Rối loạn miễn dịch
  • Hút thuốc lá
  • Tác dụng phụ của những phương pháp điều trị nội tiết tố ung thư vú.

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Không hoạt động tình dục
  • Không sinh thường.

Triệu chứng và chẩn đoán

Teo âm đạo có những triệu chứng và dấu hiệu làm ảnh hưởng đến cả âm đạo và đường tiết niệu, bao gồm:

Thành âm đạo mỏng
Teo âm đạo khiến thành âm đạo mỏng, ống âm đạo rút ngắn hoặc thắt chặt, khô và rát âm đạo

  • Thành âm đạo mỏng
  • Ống âm đạo rút ngắn hoặc thắt chặt
  • Viêm đỏ âm độ
  • Khô và rát âm đạo (thiếu độ ẩm âm đạo)
  • Ngứa vùng kín
  • Nhiễm trùng nấm men
  • Giảm tiết dịch và tiết dịch âm đạo bất thường
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Khó nhịn tiểu (tiểu không tự chủ)
  • Đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu nhẹ trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) tái phát
  • Giảm bôi trơn âm đạo khi hoạt động tình dục.

Teo âm đạo dễ dàng được chẩn đoán thông qua những bước dưới đây:

  • Khám vùng chậu: Người bệnh được hỏi về những triệu chứng. Sau đó bác sĩ tiến hành kiểm tra trực quan các cơ quan sinh dục ngoài, quan sát bên trong âm đạo và tử cung. Điều này có thể phát hiện thành âm đạo mỏng, khô và kích ứng.
  • Xét nghiệm cân bằng axit: Xét nghiệm này giúp đánh giá nồng độ pH và môi trường bên trong âm đạo. Khi xét nghiệm cân bằng axit, bác sĩ có thể lấy một mẫu dịch âm đạo để kiểm tra.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu giúp kiểm tra những triệu chứng tiết niệu và nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm nhiễm trùng âm đạo: Một mẫu dịch tiết của âm đạo hoặc cổ tử cung được lấy ra và mang đi kiểm tra. Điều này có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng âm đạo.
  • Siêu âm: Nữ giới có thể được siêu âm để kiểm tra các bộ phận trong vùng chậu. Từ đó phát hiện sự rút ngắn và thắt chặt của âm đạo. Đồng thời phân biệt teo âm đạo với những tình trạng khác.

Biến chứng và tiên lượng

Teo âm đạo làm mỏng và tăng độ nhạy cảm cho âm đạo, thay đổi môi trường axit của âm đạo. Điều này tạo điều kiện cho nấm men và vi khuẩn phát triển. Từ đó gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Nhiễm trùng âm đạo
  • Teo niệu sinh dục dẫn đến nóng rát khi đi tiểu, tăng tần suất hoặc cấp bách khi đi tiểu
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tiểu không tự chủ
  • Giảm hứng thú trong tình dục do đau rát và chảy máu khi quan hệ
  • Căng thẳng và mất tin vào bản thân.

Teo âm đạo
Teo âm đạo gây đau rát và chảy máu khi giao hợp dẫn đến giảm hứng thú trong tình dục

Điều trị

Thông thường teo âm đạo sẽ được điều trị bằng những phương pháp dưới đây:

1. Dùng kem dưỡng ẩm và bôi trơn âm đạo

Điều trị ban đầu thường bao gồm kem dưỡng ẩm âm đạo và chất bôi trơn âm đạo gốc nước. Những sản phẩm này có thể giúp phục hồi các mô âm đạo và độ ẩm cho vùng âm đạo, dùng được cho những người bị ung thư vú.

  • Chất dưỡng ẩm âm đạo

Đây là một lựa chọn điều trị không kê đơn thường được sử dụng. Trong đó bác sĩ sẽ khuyên bạn sử dụng kem dưỡng ẩm dành riêng cho âm đạo.

Khi sử dụng, loại kem này có thể giúp phục hồi độ ẩm cho âm đạo. Từ đó giảm bớt cảm giác khó chịu và đau rát khi quan hệ tình dục. Thông thường chất dưỡng ẩm âm đạo sẽ được dùng vài ngày 1 lần.

  • Chất bôi trơn gốc nước

Những chất bôi trơn gốc nước như Astroglide, KY Jelly, Sliquid... thường được sử dụng cho những người phụ nữ có âm đạo bị teo. Chất này được bôi trước khi quan hệ tình dục để giảm cảm giác khó chịu.

Không nên sử dụng những chất bôi trơn được làm từ dầu mỏ khi dùng bao bao su. Bởi những sản phẩm này có thể làm hỏng bao cao su. Ngoài ra không nên dùng những sản phẩm chứa chất làm ấm hoặc glycerin bởi nó có thể gây kích ứng một số người phụ nữ.

2. Estrogen tại chỗ

Estrogen tại chỗ thường bao gồm vòng đặt âm đạo, kem bôi và viên đặt. Phương pháp này có thể giúp làm giảm những triệu chứng liên quan đến teo âm đạo nhưng không ảnh hưởng đến nồng độ estrogen trong máu.

Tùy thuộc vào tình trạng, nữ giới có thể được hướng dẫn một trong những loại estrogen tại chỗ dưới đây:

  • Kem bôi estrogen âm đạo: Estrace, Premarin là những loại kem bôi estrogen âm đạo thường được sử dụng. Loại kem này được dùng trước khi đi ngủ, bôi trực tiếp vào âm đạo thông qua dụng cụ bôi. Kem bôi estrogen âm đạo được dùng hàng ngày trong 3 tuần hoặc khi những triệu chứng đã giảm. Sau đó giảm tần suất sử dụng khoảng 3 lần/ tuần.
  • Viên đặt estrogen âm đạo: Vagifem hoặc Imvexxy có thể được dùng ở liều thấp để điều trị teo âm đạo. Viên đặt sẽ được đưa vào ống âm đạo hàng ngày trong vài tuần. Điều này giúp giảm bớt những triệu chứng.
  • Vòng estrogen âm đạo: Đây là một chiếc vòng mỏng tương tự như chiếc nhẫn được đặt vào âm đạo. Vòng này giúp giải phóng một lượng estrogen cần thiết trong suốt 3 tháng. Từ đó giúp giảm các triệu chứng. Vòng estrogen âm đạo được lấy ra sau 3 tháng sử dụng và thay thế bằng một chiếc vòng khác.

Vòng estrogen âm đạo
Vòng estrogen âm đạo giải phóng một lượng estrogen cần thiết giúp giảm bớt các triệu chứng

3. Liệu pháp estrogen toàn thân

Liệu pháp estrogen toàn thân còn được gọi là liệu pháp thay thế hormone, thường được chỉ định cho những người bị teo âm đạo kèm theo những triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng khác, chẳng hạn như chứng bốc hỏa.

Thông thường estrogen toàn thân sẽ được dùng với liều cao hơn estrogen tại chỗ. Điều này giúp thuốc đi đến âm đạo và những tế bào khác trong cơ thể. Từ đó giúp giảm nhanh các triệu chứng mãn kinh, nữ giới ngủ ngon hơn, ít bốc hỏa, cải thiện tâm trạng và sức khỏe của âm đạo.

4. Ospemifene (Osphena)

Ospemifene (Osphena) thường được sử dụng để thay thế estrogen tự nhiên trong cơ thể. Thuốc này không chứa estrogen nhưng có thể hoạt động và mang đến những lợi ích tương tự như estrogen.

Tuy nhiên Ospemifene có thể khiến một số người phụ nữ bốc hỏa hơn và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Thông thường thuốc này sẽ được uống hàng ngày.

5. Prasteron (Intrarosa)

Prasteron (Intrarosa) được điều chế ở dạng miếng chèn âm đạo. Khi dùng, sản phẩm này có thể giúp cung cấp hormone DHEA trực tiếp vào âm đạo. Từ đó cải thiện dịch nhầy âm đạo, giảm đau khi quan hệ tình dục. Nếu bị teo âm đạo từ vừa đến nặng, DHEA có thể được sử dụng hàng đêm.

6. Lidocain tại chỗ

Lidocain tại chỗ thường được điều chế ở dạng gel hoặc thuốc mỡ theo toa. Thuốc này có tác dụng làm giảm cảm giác khó chịu và đau khi hoạt động tình dục. Lidocain tại chỗ nên được sử dụng trước khi bắt đầu hoạt động tình dục từ 5 - 10 phút.

7. Thuốc giãn âm đạo

Thuốc giãn âm đạo còn được gọi là dụng cụ nong, giúp mở rộng âm đạo để cải thiện sự thoải mái và giảm đau khi quan hệ tình dục. Dụng cụ này được dùng với kích thước tăng dần theo thời gian để âm đạo được mở rộng tốt hơn.

8. Điều trị bằng laser

Phương pháp điều trị bằng laser giúp tái tạo, cải thiện sức mạnh và độ đàn hồi của mô âm đạo mà không cần phẫu thuật. Trong đó laser CO2 không xâm lấn sẽ được sử dụng để tác động và cải thiện các mô trong âm đạo.

9. Kích thích tình dục

Hãy quan hệ tình dục đều đặn và dành nhiều thời gian để kích thích tình dục trước khi giao hợp. Điều này giúp tăng sự phấn khích trong quá trình quan hệ tình dục. Đồng thời giúp tăng những chất bôi trơn âm đạo để giảm bớt các triệu chứng gồm khô và rát.

Phòng ngừa

Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ teo âm đạo:

Quan hệ tình dục đều đặn
Quan hệ tình dục đều đặn để tăng lưu thông máu và giữ mô âm đạo luôn khỏe mạnh

  • Thường xuyên hoạt động tình dục. Điều này giúp tăng lưu lượng máu đến âm đạo và giữ cho những mô âm đạo luôn khỏe mạnh.
  • Có màn dạo đầu trước khi quan hệ nhằm tăng tiết dịch âm đạo, giảm nguy cơ khô âm đạo.
  • Tránh thuốc lá. Bởi thuốc lá có thể thúc đẩy quá trình lão hóa và làm tổn thương các mô.
  • Nên ưu tiên sinh thường (sinh con qua đường âm đạo) để giảm nguy cơ.
  • Không dùng thuốc tránh thai bừa bãi để tránh gây rối loạn nội tiết tố, tăng nguy cơ khô và teo âm đạo.
  • Tránh các chất kích thích âm đạo. Chẳng hạn như nước hoa, chất tẩy rửa và thụt rửa, thuốc nhuộm, dầu gội đầu.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào gây ra các biểu hiện của tôi?

2. Tình trạng của tôi có thể tự khỏi không?

3. Những lựa chọn điều trị nào được đề nghị?

4. Quá trình điều trị trong bao lâu?

5. Có những biện pháp chăm sóc nào giúp giảm các triệu chứng?

6. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào khi dùng thuốc?

7. Làm cách nào để tôi biết thuốc có hiệu quả?

Teo âm đạo xảy ra khi có sự thiếu hụt estrogen, thường gặp ở phụ nữ mãn kinh. Tình trạng này gây khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Hãy điều trị sớm và đúng cách theo hướng dẫn để giảm nhanh các triệu chứng.