Tê Bì Tay Chân

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Tê bì tay chân xảy ra khi tay hoặc/ và chân bị mất cảm giác một phần hoặc toàn bộ. Tình trạng này thường liên quan đến những bệnh lý có khả năng chèn ép hoặc làm tổn thương dây thần kinh và mạch máu.

Tổng quan

Tê bì tay chân là thuật ngữ chỉ tình trạng mất một phần hoặc toàn bộ cảm giác ở tay hoặc/ và chân. Tình trạng này thường là kết quả của những chấn thương và bệnh lý ở cột sống.

Tê bì tay chân
Tê bì tay chân là tình trạng mất một phần hoặc toàn bộ cảm giác ở tay và chân, do nhiều nguyên nhân

Một người sẽ có cảm giác tê bì khi dây thần kinh bị tổn thương hoặc bị chèn ép, ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền thông tin đến não.

Hầu hết các trường hợp tê bì tay chân ở mức độ nhẹ. Khi nguyên nhân được khắc phục, các triệu chứng sẽ nhanh chóng mất đi. Tuy nhiên nhiều trường hợp bị mất cảm giác hoàn toàn, cần nhiều thời gian để chữa lành và phục hồi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tê bì tay chân thường là kết quả của những tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số nguyên nhân thông thường như hoạt động sai tư tế, duy trì một tư thế trong thời gian dài... cũng có thể gây tê bì tay chân. Tình trạng này thường tạm thời và tự biến mất.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

+ Nguyên nhân bệnh lý

Những bệnh lý có thể làm giảm hoặc mất cảm giác ở tay và chân:

  • Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống xảy ra khi đĩa đệm mất nước và kém đàn hồi, giảm không gian giữa những đốt sống do lão hóa. Tình trạng làm phát triển xương trên đốt sống (được gọi là gai xương).

Các gai xương có thể tăng áp lực hoặc chèn ép vào các dây thần kinh. Từ đó gây đau nhức kèm theo tê bì và châm chích. Tê tay thường liên quan đến thoái hóa cột sống cổ. Trong khi tê chân chủ yếu do thoái hóa cột sống thắt lưng.

  • Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là sự di lệch của nhân nhầy khỏi vị trí trung tâm, chèn ép lên các rễ thần kinh. Bệnh xảy ra khi bao xơ bị nứt hoặc rách tạo điều kiện cho nhân nhầy thoát ra.

Thoát vị đĩa đệm có thể do quá trình lão hóa hoặc chấn thương. Tùy thuộc vào mức độ chèn ép thần kinh và tủy sống, người bệnh có thể bị tê bì tay chân từ nhẹ đến nặng.

  • Hẹp ống sống

Hẹp ống sống là tình trạng không gian trong cột sống (được gọi là ống sống) bị thu hẹp. Tình trạng này thường là kết quả của thoát bị đĩa đệm, chấn thương và thoái hóa cột sống.

Hẹp ống sống làm nén hoặc tăng áp lực lên dây thần kinh và tủy sống. Điều này dẫn đến tê bì tay chân nghiêm trọng và tăng nguy cơ liệt.

Hẹp ống sống
Không gian trong cột sống bị thu hẹp làm tăng áp lực lên dây thần kinh và tủy sống, dẫn đến tê yếu

  • Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp xảy ra ở các khớp ở tay và chân có thể dẫn đến tê bì. Bệnh lý này thể hiện cho sự hao mòn của sụn khớp khiến các xương đối đầu và va chạm khi di chuyển. Theo thời gian, gai xương hình thành dẫn đến đau đớn và tê bì.

  • Nguyên nhân khác
    • Bệnh đa xơ cứng
    • Viêm đa rễ dây thần kinh trong bệnh tiểu đường
    • Bệnh lý tổn thương đa rễ dây thần kinh
    • Xơ vữa động mạch
    • Hội chứng ống cổ tay
    • Viêm đa khớp dạng thấp

+ Nguyên nhân sinh lý

Những nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tê bì tay chân:

    • Tác dụng phụ từ một số thuốc điều trị
    • Căng thẳng và mệt mỏi có khả năng kích thích những tế bào thần kinh gần bề mặt da. Từ đó gây ngứa ran và tê bì.
    • Thời tiết lạnh hoặc thay đổi đột ngột
    • Duy trì một tư thế ngủ trong thời gian dài. Điều này khiến máu khó lưu thông và gây ra cảm giác tê bì
    • Nằm gối quá cao khi ngủ
    • Sinh hoạt sai tư thế
    • Mất ngủ
    • Thường xuyên mang vác vật nặng, mang giày cao gót hoặc giày quá chật, đứng hoặc ngồi quá lâu... Những thói quen này đều có khả năng chèn ép mạch máu và dây thần kinh, máu khó lưu thông dẫn đến tê chân
    • Thường xuyên ngồi dưới máy lạnh
    • Chấn thương làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên
    • Mặc đồ quá bó khiến máu huyết không thể thông, các tế bào thần kinh bị ảnh hưởng
    • Thiếu hụt các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin B12, magie và kali
    • Mang thai. Cảm giác tê bì thường xuất hiện vào giai đoạn cuối của thai kỳ, khi thai nhi có kích thước quá lớn chèn ép vào các rễ thần kinh và mạch máu, máu huyết lưu thông không tốt.

Thai nhi quá lớn có thể chèn ép vào các rễ thần kinh và mạch máu
Tê bì tay chân khi mang thai do thai nhi quá lớn chèn ép vào các rễ thần kinh và mạch máu

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mặc bệnh gồm:

  • Tiểu đường
  • Nhiễm trùng
  • Phơi nhiễm độc tố
  • Rối loạn tuyến giáp, thận hoặc gan
  • Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ và viêm khớp dạng thấp
  • Thực hiện những chuyển động lặp đi lặp lại
  • Có tiền sử gia đình mắc những bệnh lý thần kinh
  • Lạm dụng rượi bia.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể bị tê bì tay chân ở mức độ nhẹ hoặc nặng, lâu dài hoặc nhanh chóng mất đi. Dưới đây là những triệu chứng và dấu hiện thường gặp:

  • Mất cảm giác một phần hoặc toàn bộ ở tay và chân, thường gặp vào ban đêm
  • Tê bì một bên kèm theo đau mỏi vai gáy lan xuống nửa người
  • Tê bì kèm theo châm chích, nóng bỏ và yếu ở tứ chi
  • Dị cảm hoặc tê ở mặt trong của cánh tay lan xuống các ngón tay
  • Có cảm giác râm ran như kiến bò
  • Tê buốt ở các đầu ngón tay hoặc dọc cánh tay và chân
  • Tê yếu kiểu trung ương kèm theo giảm phản xạ, thay đổi vị giác và có tổn thương thần kinh sọ
  • Chuột rút ở tay hoặc/ và chân
  • Co thắt cơ đột ngột dẫn đến đau nhức âm ỉ ở bắp chân và bắp tay
  • Tê bì tay chân kèm theo đau mỏi cổ vai gáy, cơn đau có thể lan xuống nửa người.

Để chẩn đoán, người bệnh sẽ được kiểm tra bệnh sử, chấn thương trong quá khứ, các triệu chứng, từ cảm giác tê bì đến nóng bỏng và đau nhức. Ngoài ra người bệnh còn được kiểm tra phản xạ, sức mạnh và cảm giác.

Nếu có nghi ngờ tê bì tay chân liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng, các xét nghiệm sẽ được thực hiện để tìm kiếm nguyên nhân. Cụ thể:

  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang được thực hiện nhằm kiểm tra các xương ở cột sống. Điều này có thể giúp phát hiện những bất thường hoặc tổn thương ở cột sống, chẳng hạn như gai xương, xẹp lún cột sống, vỡ đĩa đệm...
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm của cột sống. Điều này có thể giúp đánh giá tình trạng hẹp ống sống, mức độ chèn ép các dây thần kinh và tủy, vỡ/ nứt đĩa đệm...
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT tạo ra hình ảnh cắt ngang và đa chiều của cột sống, giúp phát hiện những tổn thương nhỏ và khó nhìn thấy.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra mẫu máu có thể giúp phát hiện bệnh tiểu đường, thiếu hụt vitamin, chức năng miễn dịch bất thường.
  • Điện cơ (EMG): Người bệnh được yêu cầu điện cơ (EMG) để kiểm tra hoạt động điện trong cơ của bạn. Điều này có thể giúp đánh giá hoạt động và tổn thương của dây thần kinh.
  • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Xét nghiệm này bao gồm việc dẫn truyền dòng điện thấp thông qua các điện cực phẳng được đặt trên da. Dòng điện đi qua giúp kích thích các dây thần kinh. Từ đó kiểm tra phản ứng của dây thần kinh và đánh giá các bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Tê bì tay chân thường nhẹ, có thể tự giảm hoặc được khắc phục nhanh khi điều trị y tế. Một số trường hợp bị tê bì nghiêm trọng kèm theo đau đớn do các bệnh lý nguy hiểm. Khi không được điều trị tốt, các biến chứng dưới đây có thể xảy ra, cụ thể:

Yếu chi, giảm khả năng vận động và tính linh hoạt
Yếu chi, giảm khả năng vận động và tính linh hoạt là những biến chứng thường gặp

  • Mất ngủ
  • Tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng
  • Giảm khả năng vận động và tính linh hoạt
  • Teo cơ
  • Yếu hoặc liệt chi
  • Rối loạn tiểu tiện, chẳng hạn như tiểu không tự chủ
  • Không thể thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày, chẳng hạn như cài nút áo hoặc viết
  • Ngã.

Điều trị

Chứng tê bì tay chân có thể giảm khi áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà và dùng thuốc. Những trường hợp có dây thần kinh bị chèn ép cần phải phẫu thuật.

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể giúp bạn giảm tê bì tay chân do nguyên nhân bệnh lý và sinh lý. Đồng thời giảm đau và mang đến cảm thấy thoải mái hơn cho người bệnh.

  • Chườm ấm: Dùng khăn ấm, miếng đệm sưởi hoặc túi nước ấm đặt lên vị trí bị tổn thương. Điều này giúp thư giãn các cơ, xương khớp và dây chằng; tăng lưu thông khí huyết. Chườm ấm cũng giúp giảm đau và giảm tê bì tay chân. Thực hiện 20 phút/ lần, mỗi ngày nên chườm ấm từ 2 - 3 lần.
  • Chườm lạnh: Mỗi ngày chườm lạnh 15 phút vào bàn chân và chân. Biện pháp này giúp giảm sưng và viêm. Từ đó giúp giảm phù nề và tê bì tay chân do chèn ép dây thần kinh.
  • Giữ ấm cơ thể: Mang găng tay, tất, nón và khăn choàng để giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. Điều này giúp máu huyết lưu thông, giảm tê bì tay chân.
  • Bài tập: Thường xuyên thực hiện những bài tập nhẹ nhàng hoặc bộ môn phù hợp với tình trạng, chẳng hạn như yoga, pilates, aerobic, đi bộ. Điều này giúp thúc đầy lưu thông khí huyết. Từ đó giảm tê bì tay chân hiệu quả. Ngoài ra luyện tập thường xuyên còn giúp tăng cường sự dẻo dai, sức mạnh và tính linh hoạt cho người bệnh.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung các vitamin (như A, B, C, D) và khoáng chất (như canxi, kali và magie) thông qua các loại thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây... Điều này giúp tăng cường sức khỏe xương khớp và các dây thần kinh, giảm nguy cơ tê bì tay chân do nhiều nguyên nhân.
  • Nghỉ ngơi: Nếu tê bì liên quan đến dây thần kinh bị chèn ép, người bệnh nên nghỉ ngơi để giảm các triệu chứng.
  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể là nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị tê bì tay chân. Vì vậy cần ngủ đủ giấc để cải thiện tình trạng. Người bệnh lưu ý nằm gối kê đầu có độ cao phù hợp và thường xuyên thay đổi tư thế khi ngủ.
  • Xoa bóp: Liệu pháp xoa bóp có thể giúp giảm tê bì tay chân hiệu quả. Khi massage, lực tác động từ tay và bàn tay giúp lưu thông khí huyết, giảm đau nhức và tê mỏi. Biện pháp này cũng giúp người bệnh thư giãn tối đa, giảm cứng khớp và cải thiện vận động.

Thường xuyên xoa bóp tay và chân
Thường xuyên xoa bóp tay và chân giúp lưu thông khí huyết, làm dịu cơn đau và giảm tê mỏi

2. Thuốc

Điều trị y tế thường bao gồm các thuốc giúp kiểm soát tốt nguyên nhân gây tê bì tay chân và các triệu chứng đi kèm. Những loại thường được sử dụng gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Tê bì tay chân thường kèm theo đau nhức. Để giảm nhẹ tình trạng, NSAID sẽ được sử dụng. Thuốc này có tác dụng giảm đau và điều trị viêm. Thuốc mang đến hiệu quả cao cho những trường hợp không quá nghiêm trọng.
  • Thuốc Corticosteroid: Nếu không đáp ứng tốt với NSAID, bác sĩ có thể chỉ định Corticosteroid. Thuốc có tác dụng giảm viêm mạnh và giảm đau. Đồng thời giảm tê chân do bệnh đa xơ cứng.
  • Thuốc giảm đau chứa opioid: Nếu bị đau nặng và không giảm khi dùng các loại thuốc khác, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau chứa opioid. Chẳng hạn như Tramadol, Oxycodone. Những loại thuốc này đều mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên opioid cần được dùng ngắn hạn và liều thấp có hiệu quả để hạn chế tác dụng phụ.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc này thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị tê bì tay chân do đau cơ xơ hóa. Thuốc có tác dụng an thần, làm dịu cơn đau và giảm tê bì.
  • Thuốc chống động kinh: Gabapentin và Pregabalin là những loại thuốc chống động kinh thường được sử dụng. Những loại thuốc này có tác dụng giảm đau dây thần kinh hiệu quả. Ngoài ra Gabapentin và Pregabalin còn có tác dụng ngăn chặn và giảm tê bì tay chân liên quan đến bệnh thần kinh tiểu đường, đa xơ cứng và đau cơ xơ hóa.
  • Thuốc điều trị nguyên nhân: Cần điều trị nguyên nhân để hạn chế tê bì tay chân. Các thuốc thường được sử dụng gồm:
    • Thuốc kiểm soát đường huyết
    • Thuốc điều trị nhiễm độc
    • Viên uống bổ sung vitamin
    • Thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu.

3. Phẫu thuật

Người bệnh được phẫu thuật nếu tê bì tay chân do chèn ép dây thần kinh. Chẳng hạn như áp lực từ khối u, thoái vị đĩa đệm... Trong quy trình này, bác sĩ sẽ tiến hành giải nén cho dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Phòng ngừa

Tê bì tay chân có thể được phòng ngừa khi thực hiện những biện pháp dưới đây:

Ăn nhiều trái cây, ngũ cốc, protein nạc và các loại rau
Ăn nhiều trái cây, ngũ cốc, protein nạc và các loại rau để giảm nguy cơ tê bì tay chân

  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên, protein nạc và các loại rau. Điều này giúp giữ cho cơ thể và dây thần kinh khỏe mạnh, giảm nguy cơ tê bì tay chân. Ngoài ra cần tăng cường bổ sung vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12 có trong các loại thịt, trứng, cá, thực phẩm từ sữa...
  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.
  • Không lạm dụng rượu bia và không hút thuốc lá.
  • Giữ cân nặng an toàn. Những người thừa cân nên luyện tập kết hợp ăn uống khoa học. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên cột sống.
  • Thực hành tư thế tốt. Đặc biệt là khi nâng vật.
  • Không ngồi lâu và đứng lâu một chỗ. Nên thường xuyên đi lại, kéo giãn nhẹ nhàng để các khớp xương được thư giãn và máu huyết lưu thông.
  • Thường xuyên thay đổi tư thế khi ngủ và không nên nằm gối quá cao.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh.
  • Tránh mặc quần áo và giày dép chật chội.
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất và không lặp đi lặp lại những chuyển động có khả năng làm tăng áp lực lên các dây thần kinh.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ít nhất 30 - 60 phút/ ngày, 3 buổi/ tuần. Điều này giúp duy trì sức khỏe tổng thể, tăng lưu thông khí huyết, giữ khớp xương và các dây thần kinh luôn khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị tê bì tay chân?

2. Tình trạng của tôi có giảm khi điều trị tại nhà hay không?

3. Phương pháp điều trị nào phù hợp và được chỉ định?

4. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào khi dùng thuốc?

5. Có những điều gì cần tránh để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị?

6. Những bài tập và bộ môn nào phù hợp với tình trạng hiện tại của tôi?

7. Bị tê bì tay chân nên ăn gì và kiêng gì?

Có nhiều nguyên nhân gây tê bì tay chân. Điều này có thể nhẹ hoặc nặng và cần điều trị y tế. Nếu các triệu chứng không giảm khi chăm sóc tại nhà hoặc nghiêm trọng, hãy thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý tốt nhất.