Bệnh Táo Bón

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Táo bón là tình trạng đi ngoài không thường xuyên hoặc khó khăn. Bệnh hầu như không gây nguy hiểm, có thể được phòng ngừa và khắc phục bằng những biện pháp tại nhà. Đôi khi người bệnh cần dùng thuốc để giảm bớt những triệu chứng khó chịu.

Tổng quan

Táo bón là một dạng rối loạn chức năng đường ruột khiến một người đi ngoài khó khăn hoặc không thường xuyên (ít hơn 3 lần/ tuần). Bệnh xảy ra khi nhu động ruột ít thường xuyên hơn, phân khô cứng và khó đi qua.

Táo bón
Táo bón là tình trạng đi ngoài khó khăn hoặc không thường xuyên, phân khô cứng và khó đi qua

Hầu hết các trường hợp bị táo bón do thay đổi chế độ ăn uống, thiếu nước và ăn không đủ chất xơ. Những trường hợp khác có thể liên quan đến một số loại thuốc điều trị.

Táo bón thường chỉ bao gồm khó đi ngoài và khó chịu ở bụng vài ngày. Tuy nhiên nhiều trường hợp táo bón kéo dài, đau bụng và nứt hậu môn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ruột già (đại tràng) hấp thụ nước từ thức ăn còn sót lại khi di chuyển qua hệ tiêu hóa. Sau đó phân (chất thải) được tạo ra. Chất thải sẽ được các cơ của đại tràng đẩy qua trực tràng để ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên phân có thể ở trong đại tràng quá lâu, trở nên cứng dẫn đến khó đi ngoài.

Dưới đây là những nguyên nhân gây táo bón thường gặp:

  • Chế độ ăn không đủ chất xơ

Táo bón thường xảy ra ở những người có chế độ ăn uống không đủ chất xơ. Không bổ sung đủ lượng chất xơ và nước cần thiết khiến phân khô cứng và khó ra ngoài.

Chế độ ăn không đủ chất xơ
Chế độ ăn không đủ hàm lượng chất xơ cần thiết là nguyên nhân gây táo bón thường gặp

Khi tiêu thụ nhiều, chất xơ hòa tan nhanh chóng được hòa tan trong nước, tạo chất mềm như gel khi qua hệ thống tiêu hóa. Trong khi chất xơ không hòa tan không biến đổi khi đi qua hệ thống tiêu hóa. Cả hai dạng chất xơ này đều tăng kích thước và trọng lượng của phân, làm mềm phân và giúp phân đi qua trực tràng dễ dàng hơn.

  • Căng thẳng hoặc thay đổi thói quen

Căng thẳng hoặc có những thay đổi trong thói quen (du lịch, nhịn đi đại tiện) có thể trì hoãn quá trình đi ngoài. Điều này dẫn đến táo bón

Khi di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa hoặc bị kẹt ở trực tràng, phân sẽ cứng và khô lại. Từ đó khiến người bệnh khó đi ngoài và dẫn đến chứng táo bón.

  • Thuốc

Một số loại thuốc chữa bệnh thể làm chậm quá trình co bóp cơ ruột kết hoặc khiến người bệnh khó đi ngoài hơn. Điều này gây ra tình trạng táo bón.

Những loại thuốc thường gây ảnh hưởng gồm:

    • Thuốc giảm đau
    • Thuốc kháng axit
    • Thuốc lợi tiểu
    • Thuốc giảm đau opioid
    • Thuốc chổng trầm cảm
    • Thuốc an thần
    • Thuốc hạ huyết áp
  • Nguyên nhân khác
    • Thiếu vận động
    • Mất nước
    • Trì hoãn xung lực đi tiêu
    • Mang thai

Táo bón mãn tính là tình trạng khó đi ngoài kéo dài hoặc thường xuyên lặp đi lặp lại. Điều này thường liên quan đến những vấn đề sau:

  • Tắc nghẽn trong trực tràng hoặc đại tràng

Sự tắc nghẽn ở đại tràng hoặc trực tràng làm cản trở quá trình di chuyển của phân. Điều này khiến phân khô, cứng, khó ra ngoài hơn.

Một số tình trạng có thể gây tắc nghẽn, bao gồm:

    • Ung thư ruột kết
    • Nứt hậu môn
    • Tắc ruột
    • Ung thư ở bụng đè lên đại tràng
    • Ung thư trực tràng
    • Hẹp ruột
    • Rectocele (trực tràng phình ra thành sau của âm đạo).

Tắc nghẽn trong trực tràng hoặc đại tràng do ung thư
Tắc nghẽn trong trực tràng hoặc đại tràng do ung thư có thể dẫn đến tình trạng táo bón mãn tính

  • Vấn đề về thần kinh

Một số vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến dây thần kinh liên kết với cơ ở trực tràng hoặc đại tràng. Điều này làm ảnh hưởng đến sự co thắt của các cơ và sự di chuyển của phân qua ruột.

Những vấn đề liên quan:

    • Bệnh đa xơ cứng
    • Bệnh Parkinsonb
    • Bệnh thần kinh tự trị
    • Đột quỵ
    • Chấn thương đột quỵ
  • Các vấn đề với cơ vùng chậu

Táo bón mãn tính có thể xảy ra do những vấn đề ở cơ vùng chậu, bao gồm:

    • Suy yếu cơ vùng chậu
    • Rối loạn vận động khiến các cơ vùng chậu không thể thư giãn và co lại đúng cách
    • Không có khả năng thư giãn những cơ vùng chậu.
  • Mất cân bằng nội tiết tố

Mất cân bằng nội tiết tố có thể dẫn đến táo bón. Điều này thường liên quan đến những vấn đề sau:

    • Mang thai
    • Bệnh tiểu đừng
    • Suy giáp
    • Cường cận giáp
  • Một số tình trạng khác

Ngoài những bệnh lý nêu trên, một số tình trạng y tế khác cũng có thể gây táo bón, bao gồm:

    • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
    • Bệnh túi thừa
    • Hội chứng ruột lười. Trong đó đại tràng co bóp kém và giữ lại phân
    • Khiếm khuyết cấu trúc trong đường tiêu hóa. Chẳng hạn như hẹp đại tràng, xoắn ruột, lỗ rò...

Nguy cơ mắc chứng táo bón thường tăng lên ở những người có một hoặc nhiều yếu tố dưới đây:

  • Lớn tuổi. Bệnh thường gặp hơn ở những người trên 60 tuổi.
  • Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.
  • Rối loạn ăn uống
  • Trầm cảm hoặc căng thẳng quá mức.

Triệu chứng và chẩn đoán

Một số triệu chứng thường gặp khi bị táo bón:

  • Đi ngoài ít hơn 3 lần/ tuần
  • Đi ngoài phân vón cục
  • Phân khô hoặc cứng
  • Căng thẳng hoặc có cảm giác khó chịu khi đi ngoài
  • Rặn nhiều khi đi đại tiện hoặc dùng tay ấn vào bụng để giúp phân ra ngoài
  • Có cảm giác như không thể tống hết phân ra ngoài
  • Có cảm giác no hoặc chướng bụng ngay cả sau khi đi tiêu.

Đi ngoài ít hơn 3 lần/ tuần
Đi ngoài ít hơn 3 lần/ tuần, phân vón cục, khô hoặc cứng là những triệu chứng chính

Bệnh táo bón dễ dàng được phát hiện khi kiểm tra các triệu chứng. Hầu hết trường hợp không cần xét nghiệm. Tuy nhiên nếu táo bón kéo dài (mãn tính) kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng (đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội...), người bệnh sẽ được thực hiện một số kỹ thuật tìm ra nguyên nhân, bao gồm:

  • Chụp X-quang bụng
  • Nội soi đại tràng
  • Chụp CT
  • Xét nghiệm máu
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng
  • Đánh giá chức năng cơ vòng hậu môn
  • Đánh giá tốc độ cơ thắt hậu môn
  • Nghiên cứu vận chuyển đại tràng

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp không gặp biến chứng, chứng táo bón được cải thiện nhanh khi áp dụng những biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài hoặc thường xuyên gặp lại, người bệnh có thể gặp một số biến chứng dưới đây:

  • Bệnh trĩ (sưng tĩnh mạch ở hậu môn)
  • Nứt hậu môn
  • Phân bị vón cục (phân cứng và bị mắc kẹt trong ruột)
  • Sa trực tràng (ruột nhô ra khỏi hậu môn)

Điều trị

Hầu hết bệnh nhân không cần điều trị y tế. Những thay đổi trong lối sống và ăn uống có thể giúp giảm nhanh tình trạng bệnh. Tuy nhiên táo bón có thể kéo dài do nhiều nguyên nhân và cần dùng thuốc để điều trị.

1. Điều trị tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể giúp điều trị chứng táo bón hiệu quả:

  • Tăng lượng chất xơ

Ăn nhiều rau, trái cây, củ và ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung hàm lượng chất xơ cần thiết. Chất xơ giúp làm mềm và tăng trọng lượng của phân. Đồng thời giúp phân di chuyển qua ruột và ra ngoài một cách dễ dàng.

Lưu ý: Tăng lượng chất xơ tiêu thụ một cách từ từ. Tránh đột ngột ăn nhiều chất xơ vì có thể dẫn đến đầy hơi.

Tăng lượng chất xơ
Tăng lượng chất xơ bằng chế độ ăn uống nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để điều trị

  • Uống nhiều nước

Uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày để ngăn cơ thể mất nước và giảm táo bón. Những triệu chứng giảm nhanh khi dùng nước có ga. Tuy nhiên cần tránh uống những loại nước có ga nhiều đường.

  • Tập thể dục mỗi ngày

Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần. Điều này giúp tăng hoạt động của cơ bắp trong ruột, phòng ngừa và giảm chứng táo bón.

  • Đi ngoài ngay khi có nhu cầu

Không nên bỏ qua nhu cầu đi ngoài. Tốt nhất nên dành thời gian đi ngoài mà không cảm thấy vội hay phân tâm.

  • Uống cà phê

Uống 1 ly cà phê có thể làm tăng cảm giác muốn đi vệ sinh. Bởi hàm lượng caffein trong cà phê có khả năng kích thích các cơ trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên cần tránh dùng nhiều thức uống chứa caffein vì điều này có thể khiến bạn bị mất nước.

  • Bổ sung Probiotic

Bổ sung Probiotic thông qua sữa chua và những loại thực phẩm chứa nhiều Probiotic khác. Đây là lợi khuẩn sống trong đường ruột, thường bao gồm Lactobacillus và Bifidobacteria.

Bổ sung Probiotic giúp tăng lợi khuẩn trong đường ruột, chống nhiễm trùng. Đồng thời ngăn ngừa và giảm những triệu chứng của bệnh táo bón.

Bổ sung Probiotic từ sữa chua
Bổ sung Probiotic từ sữa chua giúp tăng lợi khuẩn đường ruột, phòng ngừa và chữa táo bón

2. Thuốc

Tùy thuộc vào mức độ táo bón, những loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định:

  • Thuốc nhuận tràng

Thuốc nhuận tràng được chỉ định cho những người bị táo bón kéo dài hoặc thường xuyên tái phát. Thuốc có tác dụng làm mềm phân và giúp đi tiêu dễ dàng hơn.

Những loại thuốc nhuận tràng thường được sử dụng gồm:

    • Thuốc nhuận tràng tạo khối: Đây là những loại thuốc có chất xơ. Thuốc làm tăng lượng nước trong phân, giúp phân mềm và di chuyển dễ dàng hơn.
    • Thuốc làm mềm phân: Đây là những loại thuốc có chứa dầu. Thuốc có tác dụng làm mềm phân và giúp phân dễ dàng di chuyển hơn.
    • Thuốc nhuận tràng kích thích: Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được sử dụng Thuốc nhuận tràng kích thích. Thuốc có tác dụng kích thích những dây thần kinh trong ruột. Từ đó làm tăng nhu động ruột và điều trị chứng táo bón hiệu quả.
    • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Bệnh nhân thường được sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu để làm mềm phân. Thuốc này hoạt động bằng cách tăng tiết dịch từ ruột, kéo lượng nước từ những mô xung quanh vào hệ tiêu hóa. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng kích thích nhu động ruột. Từ đó giúp phân di chuyển qua ruột kết và ra ngoài một cách dễ dàng.
    • Chất bôi trơn: Những trường hợp nhẹ có thể được hướng dẫn sử dụng chất bôi trơn (chẳng hạn như dầu khoáng) để trị táo bón. Thuốc này giúp phân di chuyển qua ruột già một cách dễ dàng hơn.
  • Bổ sung chất xơ

Nếu chế độ ăn uống không giúp bổ sung hàm lượng chất xơ cần thiết, người bệnh sẽ được sử dụng thêm chất bổ sung. Chất bổ sung chất xơ giúp phân mềm hơn và dễ dàng đi qua hơn.

  • Thuốc Prucalopride (Motegrity)

Thuốc Motegrity được chỉ định cho những bệnh nhân bị táo bón vô căn mãn tính, triệu chứng không giảm khi dùng thuốc nhuận tràng. Thuốc có tác dụng cải thiện chức năng của dạ dày và ruột, tăng tốc độ di chuyển thức ăn trong quá trình tiêu hóa. Từ đó giúp điều trị bệnh táo bón hiệu quả.

Thuốc Prucalopride (Motegrity)
Thuốc Prucalopride (Motegrity) thường được dùng để chữa chứng táo bón vô căn mãn tính

  • Thuốc hút nước vào ruột

Một loại thuốc hút nước vào ruột như Lubiprostone (Amitiza) thường được sử dụng để điều trị một số chứng táo bón, cụ thể như: Hội chứng co thắt đại tràng và táo bón tự phát mãn tính.

Nhóm thuốc này có tác dụng hút nước vào ruột, đồng thời tăng tốc độ di chuyển của phân. Từ đó giúp người bệnh loại bỏ phân (chất thải) một cách dễ dàng.

  • Thuốc đối kháng thụ thể mu-opioid tác động ngoại biên (PAMORAs)

Nhóm thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân bị táo bón do sử dụng thuốc giảm đau opioid. Thuốc có khả năng đảo ngược tác dụng của opioid đối với ruột. Từ đó giúp ruột hoạt động bình thường, phân di chuyển qua ruột và ra ngoài dễ dàng hơn.

3. Phẫu thuật

Hiếm khi bệnh nhân bị táo bón cần phải phẫu thuật. Phương pháp này được chỉ định khi phương pháp khác không hiệu quả và táo bón mãn tính xảy ra do tắc nghẽn (khối u ung thư), hẹp hoặc sa trực tràng.

Tùy thuộc vào mục đích điều trị, phẫu thuật có thể bao gồm việc điều trị tắc nghẽn, khắc phục tình trạng hẹp hoặc sa trực tràng. Ít khi bệnh nhân cần phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng.

Phòng ngừa

Bệnh táo bón có thể dễ dàng được ngăn ngừa bằng những biện pháp dưới đây:

Thường xuyên tập thể dục
Thường xuyên tập thể dục để tăng hoạt động của các cơ trong ruột, ngăn ngừa chứng táo bón

  • Thường xuyên tập thể dục và duy trì hoạt động tích cực nhất. Điều này có thể góp phần ngăn ngừa chứng táo bón hiệu quả.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Những nguồn chất xơ tốt gồm: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau, củ, trái cây, bánh mì và đậu... Đây là cách giúp phân mềm và ngăn chứng táo bón hiệu quả.
  • Tránh tiêu thụ nhiều những loại thực phẩm có lượng chất xơ thấp. Chẳng hạn như thịt, sữa, những loại thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra cần hạn chế ăn những loại thực phẩm cay nóng, nhiều chất béo kém lành mạnh và dầu mỡ. Bởi những loại thực phẩm này có thể khiến bạn khó đi ngoài hơn.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2 lít nước.
  • Không uống nhiều chất lỏng chứa caffein. Bởi điều này có thể gây mất nước dẫn đến táo bón.
  • Kiểm soát căng thẳng. Tránh lo lắng và căng thẳng làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Tuyệt đối không nhịn đi đại tiện. Tốt nhất nên đi đại tiện khi có nhu cầu.
  • Cố gắng đi đại tiện vào buổi sáng, vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Điều này có thể giúp bạn tạo một lịch trình đi đại tiện đều đặn.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị táo bón kéo dài?

2. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?

3. Tôi cần tránh những gì để ngăn chứng táo bón?

4. Tôi có cần áp dụng một chế độ ăn đặc biệt không?

5. Tác dụng phụ từ thuốc điều trị là gì?

6. Mất bao lâu để những triệu chứng thuyên giảm?

7. Tôi có nguy cơ bị các biến chứng từ bệnh táo bón không?

Táo bón là một tình trạng phổ biến và dễ điều trị. Hầu hết các trường hợp không gặp biến chứng. Tuy nhiên những triệu chứng kéo dài có thể tăng nguy cơ bị trĩ, nứt hậu môn và một số vấn đề khác. Tốt nhất nên liên hệ với bác sĩ nếu những biện pháp điều trị tại nhà không giúp cải thiện.