Bệnh Tắc Tá Tràng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Tắc tá tràng là một tình trạng phổ biến ở trẻ em. Bệnh xảy ra khi một phần của tá tràng không hình thành dẫn đến sự tắc nghẽn, thức ăn không thể vào ruột non. Từ đó gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Tổng quan

Tắc tá tràng là nguyên nhân phổ biến của chứng tắc ruột sơ sinh. Bệnh thể hiện cho sự không phát triển của một phần đại tràng dẫn đến tắc nghẽn. Điều này khiến chất lỏng từ dạ dày và thức ăn không thể đi vào ruột non, gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Tắc tá tràng
Tắc tá tràng ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, xảy ra khi một phần đại tràng không phát triển dẫn đến tắc nghẽn

Tắc tá tràng thường gặp ở những trẻ có dị tật bẩm sinh, đặc biệt là những trẻ mắc hội chứng Down. Bệnh lý này có thể xảy ra đơn lẻ hoặc xuất hiện với những dị tật khác. Chẳng hạn như dị tật đường tiết niệu, teo thực quản, tim bẩm sinh...

Phân loại

Dựa vào nguyên nhân, bệnh tắc tá tràng được phân thành những loại dưới đây:

  • Tắc tá tràng do dây chằng Ladd

Tắc tá tràng do dây chằng Ladd xảy ra khi có sự chèn ép của dây chằng Ladd lên tá tràng. Tình trạng này thương được phát hiện ngay sau sinh nếu có sự chèn ép tương đối chặt và có một xoắn trung tràng nặng.

Nếu chèn ép tá tràng lỏng lẻo và không có xoắn trung tràng, tắc tá tràng sẽ không được phát hiện cho đến khi có xoắn trung tràng và những triệu chứng xảy ra.

  • Tắc tá tràng do teo tá tràng bẩm sinh

Bệnh thường xuất hiện sớm sau khi sinh. Trong đó tá tràng bị teo bẩm sinh khiến đoạn này bị tắc. Hầu hết các trường hợp không có nôn ra mật. Tình trạng này thường được điều trị bằng cách nối tá tràng - hỗng tràng hoặc nối tá - tá tràng trên dưới chỗ teo.

  • Tắc tá tràng do tụy nhẫn

Tắc tá tràng do tụy nhẫn thường ít gặp. Nhiều người có tụy nhẫn nhưng không bị tắc tá tràng. Tuy nhiên cả hai tình trạng này có thể xuất hiện đồng thời và thường có những triệu chứng lâm sàng muộn. Những dấu hiệu sẽ nhanh chóng mất đi sau khi nối tá - tá tràng trên và dưới tụy nhẫn.

  • Tắc tá tràng do màng ngăn niêm mạc

Tắc tá tràng do màng ngăn niêm mạc chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh nhưng cũng có thể xuất hiện ở độ tuổi lớn. Trong đó người bệnh có màng ngăn niêm mạc gây ra sự tắc nghẽn. Để điều trị, màng ngăn sẽ bị cắt bỏ. Sau đó khâu đường mổ thành ngang.

Phân loại hẹp tá tràng do màng ngăn niêm mạc có lỗ theo Gray and Skandalakis:

  • Loại 1: Màng ngăn hoàn toàn làm phình giãn đoạn trước và teo đoạn sau, dẫn đến teo tá tràng.
  • Loại 2: Hai đầu tận cùng của tá tràng nối với dây xơ dọc mép mạc treo ruột. Từ đó dẫn đến teo tá tràng.
  • Loại 3: Bệnh nhân bị teo gián đoạn tá tràng, mạc treo khuyết hình chứ V và bệnh nhân không có dây xơ nối giữa 2 đầu tận cùng của tá tràng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây tắc tá tràng bẩm sinh không được biết rõ. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng bệnh có thể xảy ra do những vấn đề sau:

Những bất thường trong khi hình thành và phát triển lòng ống tiêu hóa trong phôi thai
Những bất thường trong khi hình thành và phát triển lòng ống tiêu hóa trong phôi thai có thể gây tắc tá tràng

  • Nguyên nhân nội tại: Bệnh xảy ra khi có bất thường xảy ra trong quá trình hình thành và phát triển lòng ống tiêu hóa trong phôi thai.
  • Nguyên nhân bên ngoài:
    • Ruột xoay bất toàn
    • Tụy hình nhẵn. Tình trạng này thường kết hợp với tắc hẹp do bất thường nội tại trong quá trình hình thành phôi thai hoặc màng ngăn.
    • Dây chằng Ladd
    • Tĩnh mạch cửa trước của tá tràng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh tắc tá tràng có những triệu chứng và dấu hiệu trước khi sinh, bao gồm:

  • Đa ối. Những trường hợp này sẽ có nguy cơ cao sinh non và một số biến chứng thai kỳ khác.
  • Dấu hiệu bóng đôi. Xuất hiện hai bóng chứa đầy dịch tương ứng với tá tràng và dạ dày. Điều này cho thấy sự tích tụ của chất lỏng do tắc nghẽn.

Những triệu chứng lâm sàng xảy ra trong vòng 24 - 38 tiếng đồng hồ sau khi sinh, bao gồm:

  • Nôn vọt sau lần bú đầu tiên
  • Nôn mửa, tình trạng này trầm trọng hơn theo thời gian
  • Nôn mửa nhiều lần và chất nôn có màu xanh lá cây (do dịch mật)
  • Chướng bụng
  • Không đi ngoài.

Để chẩn đoán sớm tắc tá tràng và những dị tật bẩm sinh khác, mẹ bầu sẽ được siêu âm tim thai và chọc ối. Trong đó siêu âm thai được thực hiện nhằm kiểm tra nguy cơ mắc hội chứng down, tắc tá tràng và một số dị dạng bẩm sinh khác của trẻ.

Nếu không có nguy cơ mắc hội chứng down, siêu âm sẽ được thực hiện để quan sát tử cung vào tam cá nguyệt thứ ba. Tình trạng đa ối (quá nhiều nước ối) có thể khiến tử cung mở rộng.

Siêu âm kiểm tra nguy cơ mắc hội chứng down, tắc tá tràng
Siêu âm trước khi sinh giúp kiểm tra nguy cơ mắc hội chứng down, tắc tá tràng và các dị tật khác

Nếu bệnh không được phát hiện trước khi sinh và có những triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện, bao gồm:

  • Siêu âm tim và thận: Xét nghiệm này được thực hiện cho những trẻ chưa từng được siêu âm đánh giá bất thường tim và thận trước khi sinh. Hình ảnh thu được từ siêu âm có thể giúp phát hiện những bất thường hoặc bệnh lý có khả năng đe dọa đến tính mạng của trẻ, Thông thường siêu âm sẽ được thực hiện trước khi phẫu thuật điều trị tắc tá tràng.
  • Chụp X-quang bụng đứng: Nếu có nghi ngờ tắc tá tràng, bệnh nhi sẽ được chụp X-quang bụng thẳng đứng. Hình ảnh này cho phép bác sĩ quan sát và phát hiện những dấu hiệu liên quan. Chẳng hạn như hình bóng đôi.
  • Chụp X-quang dạ dày có thuốc cản quang: Bệnh nhi được uống một lượng chất cản quang phù hợp. Sau đó tiến hành chụp X-quang dạ dày, tá tràng và thực quản. Thuốc cản quang giúp đánh dấu những điểm bất thường, nó cũng có thể đọng lại ở nơi bị tắc. Điều này giúp phân biệt tắc tá tràng với những tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như xoắn đại tràng ngang.
  • CT nhi khoa: Chụp CT nhi khoa thường được thực hiện cho trường hợp khó. Kỹ thuật này giúp tạo ra hình ảnh chi tiết về tá tràng, đại tràng và những bộ phận lân cận. Từ đó giúp phát hiện và đánh giá tình trạng tắc đại tràng.

Biến chứng và tiên lượng

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhi có tiên lượng tốt, phần lớn trường hợp có thể lớn lên và sống bình thường. Điều này cũng giúp cải thiện tỉ lệ tử vong sớm ở trẻ nhỏ.

Nếu không được phát hiện và chữa trị, tắc tá tràng bẩm sinh có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Sinh non (thường do đa ối)
  • Tắc ruột sơ sinh
  • Tá tràng khổng lồ
  • Hội chứng quai ruột mù
  • Loét dạ dày tá tràng
  • Viêm dạ dày có trào ngược dạ dày - tá tràng
  • Viêm thực quản
  • Trào ngược dạ dày
  • Viêm tụy
  • Viêm túi mật
  • Tử vong chiếm 3% trường hợp. Điều này chủ yếu do tắc nghẽn tá tràng xuất hiện đồng thời với một tình trạng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như dị tật tim phức tạp.

Điều trị

Điều trị tắc tá tràng có thể được thực hiện trước khi sinh nhằm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng cho trẻ. Điều này thường bao gồm:

  • Chọc ối cho trường hợp đa ối. Phương pháp này giúp hút bớt nước, giảm nguy cơ sinh non.
  • Theo dõi chặt chẽ đối với mẹ bầu và thai nhi, xử lý nhanh nếu có những vấn đề về cấp cứu.

Chọc ối cho trường hợp đa ối
Chọc ối cho trường hợp đa ối để giảm nguy cơ sinh non do có nhiều nước ối

Hầu hết trẻ đều được sinh thường. Quá trình này thường diễn ra bình thường. Sau khi sinh, trẻ sẽ được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt và can thiệp y tế chuyên sâu.

Những biện pháp chăm sóc và điều trị được thực hiện trong quá trình điều trị tắc tá tràng ở trẻ sau sinh:

  • Trẻ được nuôi bằng những chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
  • Đặt ống thông mũi vào dạ dày của trẻ. Điều này giúp lượng khí và dịch bị tắc nghẽn ở dạ dày đều được loại bỏ.
  • Phẫu thuật mở hoặc nội soi để sửa chữa tá tràng bị tắc. Từ đó giúp điều trị dứt điểm tình trạng này. Phẫu thuật thường được thực hiện sau sinh 24 - 48 giờ hoặc bất kỳ thời điểm nào để bù dịch và tạo điều kiện cho quá trình đánh giá thêm. Nếu có rối loạn chuyển hóa hoặc tắc nghẽn, trẻ nhỏ sẽ được phẫu thuật khẩn cấp.

Nếu có những dị tật kèm theo, phẫu thuật sẽ được thực hiện sau khi thực hiện tốt những bước dưới đây:

  • Loại trừ những khuyết tật bẩm sinh khác để không gây nguy hiểm cho quá trình gây mê toàn thân.
  • Ổn định cân bằng dịch và điện giải.

Hầu hết trẻ nhỏ phát triển và có cuộc sống bình thường sau phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật có thể chỉ là một bước khởi đầu đối với những trẻ có các bất thường bẩm sinh khác. Để khắc phục hoàn toàn, phụ huynh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Phẫu thuật sửa chữa tá tràng bị tắc
Phẫu thuật sửa chữa tá tràng bị tắc có thể giúp trẻ phát triển và có cuộc sống bình thường

Phòng ngừa

Không có cách ngăn ngừa tắc tá tràng. Tuy nhiên khám phụ khoa định kỳ có thể phát hiện sớm những bất thường và có cách xử lý phù hợp. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng của thai kỳ, chẳng hạn như sinh non.

Sau khi sinh, trẻ sẽ được chăm sóc và điều trị tích cực để có đời sống và sinh hoạt bình thường, trẻ phát triển khỏe mạnh.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp điều trị nào phù hợp với tình trạng của con tôi?

2. Tiên lượng như thế nào?

3. Con của tôi có thể phát triển và sinh hoạt bình thường sau điều trị hay không?

4. Có những rủi ro nào từ phương pháp điều trị?

5. Trẻ có thể gặp những biến chứng nào?

6. Tôi nên chăm sóc trẻ như thế nào để giảm triệu chứng?

7. Tôi cần làm gì để trẻ phát triển khỏe mạnh?

Tắc tá tràng chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện với những dị tật bẩm sinh khác. Thông thường trẻ sẽ được điều trị tích cực trước và sau khi sinh để có một cuộc sống bình thường.