Sa Tử Cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Sa tử cung xảy ra khi các cơ và dây chằng vùng chậu yếu đi, không còn khả năng nâng đỡ tử cung. Từ đó khiến tử cung chùng xuống hoặc trượt khỏi vị trí của nó, sa vào âm đạo. Tình trạng này có thể là sa hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.

Tổng quan

Sa tử cung (dạ non) là tình trạng tử cung chảy xệ hoặc trượt khỏi vị trí của nó và sa vào ống sinh (âm đạo). Tình trạng này thường gặp ở những người phụ nữ sinh thường nhiều lần và sau mãn kinh.

Sa tử cung
Sa tử cung là tình trạng tử cung trượt khỏi vị trí bình thường và sa vào ống âm đạo

Thông thường tử cung sẽ được giữ cố định bởi những cơ và dây chằng vùng chậu. Tuy nhiên một số yếu tố có thể khiến chúng căng ra, yếu đi và không còn khả năng nâng đỡ tử cung. Từ đó dẫn đến sa tử cung.

Tử cung có thể bị sa hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Tình trạng này gây chảy máu âm đạo, táo bón, tử cung nhô ra khỏi âm đạo và nhiều triệu chứng khác. Điều trị sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Phân loại

Bệnh sa tử cung được phân thành 2 loại, bao gồm: Sa hoàn toàn và sa không hoàn toàn.

  • Sa không hoàn toàn: Tử cung chỉ sa một phần vào trong âm đạo, không bị nhô ra ngoài âm đạo.
  • Sa hoàn toàn: Tử cung sa xuống quá sâu khiến một phần của tử cung nhô ra khỏi cửa âm đạo.

Dựa vào mức độ nghiêm trọng, sa tử cung được phân thành 4 cấp độ (từ nhẹ đến nặng). Cụ thể:

  • Cấp độ 1: Cổ tử cung sa xuống âm đạo.
  • Cấp độ 2: Cổ tử cung tụt xuống và ở ngay bên trong lỗ âm đạo
  • Cấp độ 3: Cổ tử cung ra bên ngoài âm đạo.
  • Cấp độ 4: Cổ tử cung và tử cung đều ra bên ngoài âm đạo.

Sa tử cung được phân thành 4 cấp độ dựa vào mức độ sa ra ngoài của tử cung
Sa tử cung được phân thành 4 cấp độ dựa vào mức độ sa ra ngoài của tử cung

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh sa tử cung xảy ra khi các cơ và dây chẳng vùng chậu bị yếu và không còn khả năng nâng đỡ tử cung. Tình trạng này thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Mang thai và sinh con bằng đường âm đạo (bao gồm cả sinh bình thường hoặc phức tạp)
  • Thừa cân và béo phì làm tăng căng thẳng cho cơ vùng chậu
  • Lớn tuổi và quá trình lão hóa làm suy yếu các cơ
  • Đã trải qua thời kỳ mãn kinh và mất estrogen tự nhiên
  • Nâng vật nặng lặp đi lặp lại
  • Những tình trạng làm tăng áp lực trong ổ bụng. Bao gồm:
    • Ho mãn tính
    • Căng thẳng khi đi đại tiện do táo bón mãn tính
    • Tích tụ chất lỏng ở bụng
    • Có khối u vùng chậu
  • Hút thuốc lá.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Có nhiều lần sinh thường
  • Sinh con đầu lòng khi lớn tuổi
  • Sinh con lớn và sinh khó
  • Phẫu thuật vùng chậu trước
  • Tiền sử gia đình có mô liên kết yếu hoặc bị sa tử cung
  • Người da trắng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Sa tử cung nhẹ thường không ra triệu chứng. Ở những trường hợp vừa và nặng, nữ giới sẽ có những triệu chứng dưới đây:

  • Có cảm giác nặng nề, đầy hoặc tăng áp lực bên trong xương chậu
  • Đau xương chậu
  • Đau lưng dưới hoặc bụng
  • Cảm thấy hoặc nhìn thấy mô tử cung phình ra khỏi âm đạo
  • Có cảm giác không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn
  • Rò rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ)
  • Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hoặc đột ngột muốn đi tiểu
  • Khó đi tiêu. Nhiều trường hợp có thể cần dùng ngón tay ấn vào âm đạo để đi tiêu dễ dàng hơn
  • Có cảm giác như đang ngồi trên một quả bóng
  • Cảm thấy khó chịu hoặc có áp lực ở lưng dưới
  • Cảm giác như có mô âm đạo cọ xát vào quần áo. Điều này thường rõ ràng hơn khi đi lại và thực hiện những hoạt động khác.
  • Cảm giác như mô âm đạo bị lỏng lẻo
  • Khó khăn hoặc đau khi quan hệ tình dục
  • Khó đưa tampon hoặc những dụng cụ khác vào âm đạo
  • Táo bón
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Chảy máu âm đạo.

Cảm thấy hoặc nhìn thấy mô tử cung phình ra khỏi âm đạo
Cảm thấy hoặc nhìn thấy mô tử cung phình ra khỏi âm đạo khi bị sa tử cung nặng

Sa tử cung thường được phát hiện thông qua quá trình khám phụ khoa và đánh giá triệu chứng. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ chèn mỏ vịt để nhìn vào bên trong âm đạo. Từ đó giúp kiểm tra ống âm đạo và tử cung, phát hiện tình trạng sa ra ngoài âm đạo của tử cung.

Khi thăm khám, nữ giới cũng có thể được yêu cầu rặn như đang đi tiêu để xác định mức độ sa. Trong nhiều trường, người bệnh được chỉ định thêm siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Sa tử cung thường kèm theo tình trạng sa ở một số cơ quan khác của vùng chậu. Bao gồm:

  • Sa bàng quang (sa trước)
  • Sa trực tràng (sa sau)

Khi không được điều trị sớm, tình trạng này còn gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Nhiễm trùng cổ tử cung và tử cung
  • Loét âm đạo
  • Cổ tử cung phì đại.

Điều trị

Điều trị sa tử cung dựa vào mức độ nghiêm trọng. Những trường hợp nhẹ có thể áp dụng những biện pháp tự chăm sóc và luyện tập. Những trường hợp sa nặng hoặc sa hoàn toàn cần được phẫu thuật.

1. Điều trị tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm sa tử cung và những triệu chứng liên quan, bao gồm:

  • Bài tập Kegel

Bài tập Kegel thích hợp cho những người bị sa tử cung nhẹ. Bài tập giúp cải thiện sức mạnh và khả năng nâng đỡ của các cơ sàn chậu. Từ đó giảm mức độ chùng xuống của tử cung và những triệu chứng liên quan.

Hướng dẫn thực hiện:

    • Nằm dưới sàn, bàn chân chạm sàn và đầu gối cong
    • Xác định cơ sàn chậu
    • Siết chặt cơ sàn chậu tương tự như đang cố gắng ngăn khí đi qua
    • Nâng hông lên cao, giữ trong 5 giây
    • Thư giãn
    • Lặp lại 10 lần, mỗi ngày 3 bộ.

Bài tập Kegel
Bài tập Kegel giúp tăng khả năng nâng đỡ của các cơ sàn chậu, giảm mức độ sa

  • Đặt vòng âm đạo

Vòng âm đạo là một thiết bị được làm từ silicon, nó có tác dụng chống đỡ và giữ cho tử cung ở vị trí đúng. Thiết bị này cần được lấy ra thường xuyên để làm sạch. Ngoài ra nên tháo ra trước khi quan hệ tình dục.

  • Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống

Thay đổi chế độ ăn uống và duy trì lối sống khoa học có thể giảm bớt những triệu chững liên quan đến sa tử cung. Bao gồm:

    • Uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ để giảm táo bón.
    • Bỏ thuốc lá.
    • Kiểm soát cơn ho.
    • Tránh cúi xuống khi đi tiêu.
    • Thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng cường những cơ hỗ trợ cấu trúc vùng chậu.
    • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh để giảm bớt áp lực cho cơ xương chậu.
    • Tránh nâng vật nặng.

2. Điều trị y tế

Điều trị y tế có thể bao gồm liệu pháp estrogen hoặc những lựa chọn phẫu thuật

  • Liệu pháp estrogen

Khi bị sa tử cung, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng viên đặt, kem bôi hoặc vòng chứa estrogen. Liệu pháp estrogen tại chỗ giúp bổ sung nồng độ estrogen cần thiết. Từ đó tái tạo và phục hồi sức mạnh cho các mô trong âm đạo. Đồng thời giảm sự suy yếu của những cơ vùng chậu.

  • Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho trường hợp sa nặng hoặc sa hoàn toàn, điều trị bảo tồn không hiệu quả. Dựa vào mức độ sa tử cung, một trong những kỹ thuật dưới đây sẽ được áp dụng.

    • Cắt bỏ tử cung: Cắt bỏ tử cung bị sa để loại bỏ các triệu chứng. Mặc dù mang đến hiệu quả cao và nhanh nhưng phương pháp này khiến nữ giới không thể mang thai được nữa. Vì thế cắt tử cung chỉ được thực hiện cho những người không có kế hoạch sinh con trong tương lai.
    • Sửa chữa sa tử cung: Trong quá trình này, tử cung sẽ được đưa trở lại vị trí bình thường. Khi thực hiện, những dây chằng vùng chậu sẽ được gắn vào phần dưới của tử cung. Điều này giúp tử cung được giữ ở vị trí đúng. Phẫu thuật sửa chữa sa tử cung có thể được thực hiện qua vết mổ ở bụng hoặc qua âm đạo.

Nếu nữ giới bị sa tử cung và những cơ quan khác của vùng chậu, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ tử cung kết hợp với những kỹ thuật dưới đây:

Đặt lưới hỗ trợ mô âm đạo
Đặt lưới hỗ trợ mô âm đạo để treo những mô âm đạo và giữ chúng ở vị trí đúng

    • Đặt lưới hỗ trợ mô âm đạo: Khi thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng lưới tổng hợp đặt vào bên trong. Điều này giúp treo những mô âm đạo từ xương đuôi, hỗ trợ và giữ những mô âm đạo ở vị trí đúng.
    • Cố định cấu trúc sàn chậu yếu: Bác sĩ tạo ra những vết khâu để giữ những cấu trúc sàn chậu yếu. Trong đó chiều rộng và chiều sâu của âm đạo sẽ được giữ nguyên để nữ giới có thể hoạt động tình dục bình thường.
    • Đóng cửa âm đạo: Trong quá trình này, cửa âm đạo được đóng lại bằng những vết khâu, ngăn không cho những cơ quan vùng chậu tiếp tục sa. Phẫu thuật đóng cửa âm đạo chỉ được thực hiện cho những người không còn nhu cầu hoạt động tình dục qua âm đạo.

Phòng ngừa

Một số nguyên nhân gây sa tử cung không thể thay đổi. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm khi thực hiện những biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý sau khi sinh nở. Cụ thể:
    • Tuyệt đối không lao động quá sức hoặc vận động mạnh ngay sau khi sinh con.
    • Nghỉ ngơi đầy đủ để đảm bảo giữ gìn sức khỏe sau khi sinh.
    • Sau khi phục hồi, hãy vận động nhẹ nhàng, không nên nằm quá lâu trên giường.
    • Uống nhiều nước mỗi ngày, ăn nhiều hoa quả, trái cây và các loại thực phẩm giàu chất xơ khác để phòng ngừa táo bón sau sinh.
    • Sản phụ cần được giữ ấm để ngăn ngừa ho và cảm lạnh.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao với những bài tập phù hợp. Điều này giúp tăng cường co bóp cho cơ hậu môn và cơ hông, ngăn ngừa sa các cơ quan vùng chậu.
  • Thực hiện bài tập Kegel mỗi ngày để tăng cường sức mạnh cho những cơ sàn chậu. Điều này giúp phòng ngừa sa cơ quan sinh dục hiệu quả, bao gồm cả tử cung.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Hãy tăng cường luyện tập và ăn uống khoa học nếu có cân nặng dư thừa.
  • Bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá có thể góp phần phát triển chứng ho mãn tính và tăng căng thẳng cho cơ vùng chậu.
  • Hạn chế nâng vật nặng. Nếu phải mang vác vật nặng, hãy sử dụng những kỹ thuật nâng phù hợp, cụ thể:
    • Không cố gắng nâng vật nặng hoặc có hình dáng kỳ lạ 1 mình.
    • Không nên nâng những vật nặng cao hơn thắt lưng.
    • Khi nâng vật cần lựa chọn chỗ đứng vững chắc, tư thế rộng, giữ thẳng lưng, khuỵu đầu gối và hông. Sau đó siết cơ bụng, dùng cơ chân để nâng vật bằng cách duỗi thẳng đầu gối. Không uốn cong lưng về phía trước và đầu gối thẳng khi nâng.
    • Không vặn người và đồ vật nên được giữ gần cơ thể.
  • Tránh căng thẳng khi đi đại tiện và táo bón bằng cách ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước.

Ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước
Ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước để tránh táo bón mãn tính gây sa tử cung

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi có thể làm gì tại nhà để chăm sóc và giảm bớt các triệu chứng?

2. Tôi nên làm gì để tránh sa tử cung trở nên tồi tệ hơn?

3. Phương pháp điều trị nào được đề xuất?

4. Những rủi ro của phẫu thuật là gì?

5. Khả năng tái phát sa tử cung sau phẫu thuật là bao nhiêu?

6. Cần tránh những điều gì khi có tử cung bị sa?

7. Chi phí phẫu thuật là bao nhiêu?

Sa tử cung gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống tình dục. Đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn thoát khỏi tình trạng này. Sớm kiểm tra và điều trị để đảm bảo hiệu quả tối đa.