Bệnh Rosacea (Chứng Đỏ Mặt)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh Rosacea là một rối loạn làm ảnh hưởng đến mặt. Trong đó mũi, cằm, má, trán có dấu hiệu nổi mẩn đỏ. Theo thời gian, vết đỏ nghiêm trọng và những mạch máu nhỏ trở nên rõ ràng hơn.

Tổng quan

Bệnh Rosacea (chứng đỏ mặt) là một rối loạn da thường gặp. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng đỏ ửng hoặc đỏ bừng mặt, có thể nhìn thấy những mạch máu trên da mặt.

Bệnh Rosacea (chứng đỏ mặt)
Bệnh Rosacea là rối loạn da gây đỏ ửng hoặc đỏ bừng mặt, nổi các mạch máu nhỏ dưới da

Đôi khi chứng đỏ mặt kèm theo những vết sưng nhỏ, bên trong có mủ. Những triệu chứng khiến người bệnh có vẻ ngoài hồng hào, vết đỏ trở nên dữ dội hơn theo thời gian.

Thông thường, những triệu chứng bùng phát từ vài tuần đến vài tháng, sau đó biến mất. Để kiểm soát và giảm những triệu chứng của bệnh, việc điều trị là điều cần thiết.

Phân loại

Bệnh Rosacea được phân thành 4 loại, bao gồm:

  • Hồng ban đỏ (ETR): Loại này được đặc trưng bởi tình trạng đỏ bừng, mẩn đỏ và những mạch máu trên mặt.
  • Hồng ban sẩn mụn (mụn trứng cá): Bệnh được đặc trưng bởi những nốt mụn trông giống với mụn trứng cá. Hồng ban sẩn mụn chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trung niên mặc dù có thể ảnh hưởng đến những nhóm đối tượng khác.
  • Rhophyma: Đây là một loại hiếm gặp của bệnh Rosacea. Loại này được đặc trưng bởi những lớp da dày trên mũi. Rhophyma thường xảy ra ở nam giới.
  • Bệnh hồng ban mắt: Những triệu chứng của bệnh là những nốt hồng ban chủ yếu tập trung ở vùng mắt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chưa thể xác định nguyên nhân gây bệnh Rosacea. Tuy nhiên bệnh có thể xảy ra khi có sự tác động đồng thời giữa nhiều yếu tố như môi trường, rối loạn miễn dịch, di truyền...

  • Di truyền: Những người có tiền sử gia đình mắc chứng đỏ mặt sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa, khói bụi, nguồn nước ô nhiễm... có thể tạo ra những phản ứng dị ưng hoặc kích ứng trên da. Từ đó phát triển chứng đỏ mặt.
  • Rối loạn miễn dịch: Hệ thống miễn dịch bị rối loạn có thể tấn công vào những tế bào da khỏe mạnh do nhầm lẫn với dị nguyên.
  • Bất thường về mạch máu: Bệnh Rosacea có thể xảy ra do những bất thường về mạch máu ở vùng mặt. Những người có tình trạng này thường bị nổi mạch máu kéo dài, ửng đỏ trên da và nóng bừng.

Bất thường về mạch máu
Những bất thường về mạch máu dẫn đến nổi mạch máu kéo dài, da ửng đỏ và nóng bừng

Triệu chứng tăng lên và đợt bùng phát có thể được kích hoạt bởi những yếu tố sau:

  • Thức ăn cay, thực phẩm chứa hợp chất cinnamaldehyde (cam quýt, quế...), cà phê hoặc trà nóng, sản phẩm từ sữa
  • Những loại đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu vang đỏ
  • Căng thẳng và có những cảm xúc tiêu cực
  • Thời tiết nóng hoặc lạnh, ẩm, nhiều nắng và gió mạnh
  • Mãn kinh
  • Luyện tập gắng sức
  • Tắm nước nóng
  • Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
  • Nhiễm vi khuẩn đường ruột Helicobacter pylori
  • Tăng sinh Demodex folliculorum và Bacillus oleronius trên da người
  • Tăng cathelicidin - một loại protein có chức năng bảo vệ da khỏi nhiễm trùng
  • Sử dụng một số loại thuốc làm giãn mạch máu, chẳng hạn như thuốc huyết áp
  • Dị ứng với thành phần của một số sản phẩm chăm sóc da và tóc

Bệnh thường phổ biến hơn ở phụ nữ và những người từ 30 đến 50 tuổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng của bệnh Rosacea có thể khác nhau ở mỗi người.

+ Triệu chứng chung

  • Toàn mặt hoặc phần trung tâm của khuôn mặt đỏ bừng
  • Hồng ban kéo dài
  • Nhìn thấy những mạch máu nhỏ (tĩnh mạch) ở mũi và hai má (tĩnh mạch mạng nhện)
  • Sưng mặt. Những nốt sần sưng lên, đôi khi chứa mủ như mụn trứng cá
  • Có cảm giác bỏng rát
  • Mũi to do làm dày da trên mũi
  • Xuất hiện những triệu chứng ở mắt như sưng mắt và mí mắt, khô mắt và khó chịu
  • Da khô ráp và nhạy cảm

+ Hồng ban đỏ (ETR)

  • Đỏ giữa khuôn mặt hoặc đỏ bừng ở mặt
  • Những mạch máu nhỏ bị vỡ và nổi rõ
  • Da sưng tấy, tăng độ nhạy cảm
  • Da khô và có vảy
  • Có cảm giác châm chích và bỏng da

Hồng ban đỏ (ETR)
Hồng ban đỏ (ETR) làm đỏ bừng mặt hoặc đỏ giữa khuôn mặt, mạch máu nhỏ bị vỡ và nổi rõ

+ Hồng ban sẩn mụn (mụn trứng cá đỏ)

  • Da rất đỏ và nổi mụn tương tự như mụn trứng cá
  • Da nhạy cảm
  • Da nhờn
  • Những mảng da nổi lên
  • Nhìn thấy những mạch máu bị vỡ

+ Rhophyma

  • Da gập ghềnh
  • Da dày ở cằm, má, trán và tai
  • Da dày trên mũi
  • Lỗ chân lông to
  • Nhìn thấy những mạch máu bị vỡ

+ Bệnh hồng ban mắt

  • Mắt đỏ và chảy nước
  • Có sạn mắt
  • Có cảm giác châm chích hoặc nóng rát trong mắt
  • Mắt khô và ngứa
  • Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng của mắt
  • U nang trên mắt
  • Những mạch máu trên mí mắt bị vỡ
  • Giảm tầm nhìn

Kiểm tra làn da có thể giúp chẩn đoán bệnh Rosacea. Trong khi thăm khám, người bệnh được kiểm tra triệu chứng và tiền sử bệnh. Đôi khi các xét nghiệm được thực hiện để loại trừ những tình trạng khác.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh Rosacea là một bệnh da mãn tính, khó điều trị, cần thời gian dài để tìm cách kiểm soát. Khi điều trị với phương pháp thích hợp và chăm sóc đúng cách, triệu chứng của bệnh có thể giảm nhanh và hạn chế được đợt bùng phát.

Chứng đỏ mặt thường không gây biến chứng và những vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên những triệu chứng dai dẳng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Điều trị

Bệnh nhân được chỉ định điều trị nhằm giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn tái phát. Tùy thuộc vào tình trạng, thuốc, biện pháp chăm sóc hoặc liệu pháp laser sẽ được áp dụng.

1. Điều trị bằng thuốc

Tùy thuộc vào dấu hiệu và triệu chứng, thuốc chữa bệnh Rosacea có thể bao gồm:

Oxymetazoline (Rhofade)
Oxymetazoline (Rhofade) có tác dụng làm co mạch máu, giảm triệu chứng đỏ mặt và điều trị sung huyết

  • Thuốc điều trị sung huyết: Thuốc giảm sung huyết được điều chế ở dạng gel hoặc kem bôi, được chỉ định cho bệnh nhân có hồng ban từ nhẹ đến trung bình. Thuốc giúp làm co mạch máu, giảm đỏ mặt và triệu chứng sung huyết. Những loại thường được sử dụng gồm Oxymetazoline (Rhofade) và Brimonidine (Mirvaso).
  • Thuốc kiểm soát mụn trứng cá đỏ: Axit azelaic, Metronidazole hoặc Ivermectin có thể được dùng trong điều trị mụn trứng cá đỏ nhẹ. Những loại thuốc này có tác dụng cải thiện làn da và giúp những triệu chứng thuyên giảm.
  • Kháng sinh: Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống (như doxycycline) cho bệnh Rosacea từ trung bình đến nặng, có mụn nhọt và sưng. Thuốc được dùng để chống vi khuẩn, giảm triệu chứng.
  • Thuốc trị mụn đường uống: Những loại thuốc trị mụn đường uống như isotretinoin được chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh Rosacea nghiêm trọng, không đáp ứng với những phương pháp khác. Thuốc này có tác dụng thúc đẩy quá trình tổn thương, làm sạch những nốt sưng mủ và giảm viêm. Thuốc trị mụn không được chỉ định cho phụ nữ mang thai để ngăn dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

2. Liệu pháp laser

Liệu pháp laser tác động vào những đường gân, giảm tình trạng lộ rõ những mạch máu trên da và giảm ửng đỏ. Liệu pháp này thường mang đến hiệu quả cao nhưng có thể gây bầm tím và sưng.

Sau khi tác động bằng laser, hãy chăm sóc da mặt nhẹ nhàng kết hợp chườm lạnh để giảm tác dụng phụ.

3. Biện pháp khắc phục tại nhà

Những biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm nhẹ những triệu chứng và ngăn ngừa bùng phát, cụ thể:

Rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần/ ngày
Rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần/ ngày để làm sạch, giảm các triệu chứng của bệnh

  • Chăm sóc da mặt đúng cách: Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần/ ngày. Sau đó dùng khăn bông lau nhẹ và dưỡng ẩm cho làn da bằng loại kem thích hợp. Tránh sử dụng những sản phẩm chứa cồn, có chất gây tạo mùi nhân tạo, chất gây kích ứng... Ngoài ra không nên nặn, chích mụn mủ hoặc gãi ngứa trên da mặt.
  • Tránh tác nhân gây bùng phát: Không tiếp xúc với những tác nhân có thể gây bùng phát chứng đỏ mặt như thức ăn cay, căng thẳng, tắm nước nóng...
  • Thoa kem chống nắng: Bảo vệ mặt bằng cách thoa kem chống nắng mỗi ngày, lặp lại mỗi 2 tiếng 1 lần trước khi ra ngoài trời. Lưu ý sử dụng kem chống nắng có khả năng ngăn chặn tia cực tím A và B, có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
  • Tránh ánh nắng giữa trưa: Không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay để bảo vệ làn da.
  • Giữ ấm: Nên giữ ấm cơ thể, mang khăn quàng cổ khi thời tiết lạnh hoặc nhiều gió.

Phòng ngừa

Không có cách ngăn ngừa bệnh Rosacea. Tuy nhiên để giảm nguy cơ và ngăn những đợt bùng phát triệu chứng, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất, cồn và chất tẩy rửa có trong mỹ phẩm.
  • Hạn chế tiêu thụ thức ăn cay, rượu vang đỏ, cà phê, trà nóng và sản phẩm từ sữa.
  • Những người có tiền sử đỏ bừng mặt nên hạn chế thực phẩm chứa cinnamaldehyde như cam quýt, quế...
  • Tránh căng thẳng và mệt mỏi. Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, luôn giữ những cảm xúc tích cực.
  • Làm mát cơ thể, che chắn hoặc giữ ấm khi thời tiết nóng, nhiều gió hoặc lạnh.
  • Làm việc và luyện tập thể dục thể thao với cường độ thích hợp. Luyện tập gắng sức có thể khiến những triệu chứng bùng phát.
  • Không nên rửa mặt hoặc tắm nước nóng.
  • Rửa mặt 2 lần/ ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ, tắm rửa và thay quần áo mỗi ngày.
  • Chăm sóc da với những loại kem dưỡng ẩm phù hợp.
  • Không tiếp tục sử dụng khi bị dị ứng với thành phần của một số sản phẩm chăm sóc da và tóc.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc có khả năng làm giãn mạch máu, như thuốc huyết áp.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên áp dụng những biện pháp bảo vệ da như sử dụng kem chống nắng và che chắn.

Sử dụng kem chống nắng và che chắn để bảo vệ da
Dùng kem chống nắng và che chắn để bảo vệ da, phòng ngừa và ngăn đợt bùng của bệnh Rosacea

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?

2. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?

3. Phương pháp chữa bệnh Rosacea tốt nhất là gì?

4. Có những lựa chọn điều trị thay thế hay không?

5. Những thói quen chăm sóc da nào nên được áp dụng?

6. Có điều gì cần tránh để ngăn bệnh bùng phát hay không?

7. Tôi có thể gặp tác dụng phụ nào từ phương pháp điều trị?

Bệnh Rosacea là một tình trạng mãn tính với những triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Thông thường người bệnh được dùng thuốc kết hợp chăm sóc da để giảm nhẹ và ngăn bệnh bùng phát. Những trường hợp nặng hơn có thể cần trị liệu.