Bệnh Rôm Sảy

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Rôm sảy còn được gọi là phát ban do nhiệt, xảy ra trong điều kiện nóng ẩm. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Bệnh gây phát ban ở dạng mụn nước nhỏ. Đôi khi ban đỏ là những cục u sâu và viêm kèm theo cảm giác ngứa ngáy.

Tổng quan

Bệnh rôm sảy (phát ban do nhiệt) là một dạng phát ban xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc dẫn đến sự ứ đọng mồ hôi. Điều này khiến da bị viêm, gây phát ban ở dạng mụn nước nhỏ hoặc u cục sâu, có màu hồng trên da. Phát ban thường kèm theo ngứa ngáy dữ dội.

Bệnh rôm sảy
Bệnh rôm sảy xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc, mồ hôi ứ đọng dẫn đến viêm và phát ban

Phát ban do nhiệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ có ống tuyến mồ hôi chưa phát triển đầy đủ. Cùng với thời tiết nóng ẩm, mồ hôi tiết nhiều nhưng không thể thoát ra hoàn toàn. Từ đó dẫn đến sự ứ đọng và gây tắc tuyến mồ hôi.

Bệnh rôm sảy cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn nhưng ít gặp. Thông thường phát ban có thể tự lặn khi thời tiết mát mẻ. Tuy nhiên bênh thường gây ngứa dữ dội khiến trẻ gãi nhiều dẫn đến trầy xước.

Phân loại

Bệnh rôm sảy được phân loại dựa trên mức độ ứ đọng của mồ hôi trong da.

1. Miliaria crystallina

Miliaria crystallina là loại phát ban nhẹ nhất. Bệnh xảy ra khi lỗ chân lông (ống dẫn mồ hôi trên bề mặt da) bị tắc. Từ đó khiến mồ hôi không thể thoát ra ngoài.

Triệu chứng của bệnh thường bao gồm những vết sưng đỏ, trong suốt, bên trong túi chứa đầy chất lỏng và rất dễ vỡ.

2. Miliaria rubra

Miliaria rubra còn được gọi là gai nhiệt. Đây là loại phát ban nhiệt có những tổn thương sâu hơn trong da. Bệnh khiến vùng da ảnh hưởng sưng tấy (tương tự như những vết phồng rộp nhỏ), viêm kèm theo cảm giác ngứa ngáy hoặc châm chích.

3. Miliaria pustulosa

Miliaria pustulosa là dạng nghiêm trọng hơn của miliaria rubra. Bệnh xảy ra khi những vết sưng viêm chứa đầy mủ.

4. Miliaria profunda

Miliaria profunda là dạng nghiêm trọng nhất với những tổn thương ảnh hưởng đến lớp hạ bì (lớp sâu nhất của da). Tình trạng này khiến vùng da ảnh hưởng có những vết sưng viêm cứng kèm theo ngứa hoặc đau rát. Triệu chứng của bệnh tương tự như nổi da gà nhưng có thể vỡ ra.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh rôm sảy xảy ra khi có tình trạng viêm hoặc tắc ống dẫn từ tuyến mồ hôi đến bề mặt da. Điều này gây bít tắc lỗ chân lông, mồ hôi không thoát ra mà bị kẹt lại bên dưới da. Từ đó gây kích ứng và phát ban ở dạng nổi mụn trên da.

Những yếu tố nguy cơ của bệnh gồm:

Bệnh rôm sảy thường gặp ở trẻ có ống dẫn mồ hôi chưa phát triển hoàn toàn
Bệnh rôm sảy thường gặp ở trẻ có ống dẫn mồ hôi chưa phát triển hoàn toàn, khi thời tiết nóng ẩm

  • Sinh sống ở những nơi có thời tiết nóng ẩm. Bệnh rôm sảy thường xảy ra trong điều kiện nóng ẩm, cơ thể tiết nhiều mồ hôi
  • Trẻ sơ sinh do có ống dẫn mồ hôi chưa phát triển hoàn toàn
  • Hoạt động thể chất  thường xuyên
  • Bị sốt và nằm trên giường trong thời gian dài.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh rôm sảy gồm:

  • Xuất hiên sẩn ở những vùng da bị ảnh hưởng, gồm những vết sưng hoặc một nhóm mụn đỏ nhỏ, kích thước từ 1 - 2mm
  • Da bên dưới vết sưng có thể có màu đỏ hoặc tím
  • Sưng nhẹ
  • Có cảm giác châm chích hoặc ngứa.

Ở trẻ sơ sinh những triệu chứng chủ yếu xuất hiện ở ngực, cổ và vai. Đôi khi phát ban xuất hiên ở những vùng da có nếp gấp như háng, khuỷu tay và nách.

Đối với người lớn, phát ban nhiệt thường xuất hiện ở những nếp gấp da (như háng, nách, khuỷu tay) và những vùng da có quần áo cọ xát vào.

Bệnh rôm sảy thường được chẩn đoán nhanh thông qua kiểm tra các triệu chứng trên da. Hầu hết trường hợp không cần phải xét nghiệm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh rôm sảy lành tính, thường tự khỏi mà không cần điều trị, không để lại sẹo. Tuy nhiên cảm giác ngứa ngáy có thể khiến trẻ gãi nhiều dẫn đến trầy xước và nhiễm trùng.

Trong một số trường hợp khác, rôm sảy có thể làm giảm hoặc tăng sắc tố sau viêm (da sáng hơn hoặc sẫm màu hơn bình thường). Tình trạng này không vĩnh viễn, thường biến mất trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

Điều trị

Bệnh rôm sảy dễ dàng được khắc phục bằng những biện pháp chăm sóc da tại nhà. Đối với trường hợp nặng, một số thuốc không kê đơn có thể được dùng để ngăn phát ban lan rộng và giảm nhanh tổn thương.

1. Thuốc

Hầu hết các trường hợp không cần dùng thuốc. Những triệu chứng có thể mất đi sau vài ngày chăm sóc và làm mát da.

Tuy nhiên nếu phát ban và ngứa dai dẳng hoặc trở nên nghiêm trọng, một số loại thuốc dưới đây có thể được sử dụng, bao gồm:

Dùng kem hydrocortisone không kê đơn
Dùng kem hydrocortisone không kê đơn giúp chống viêm và giảm ngứa hiệu quả

  • Kem hydrocortisone không kê đơn: Loại thuốc này có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và giảm ngứa hiệu quả. Kem hydrocortisone được bôi trực tiếp lên da từ 1 - 2 lần/ ngày.
  • Thuốc kháng histamin không kê đơn: Nếu rôm sảy gây ngứa nhiều, người bệnh có thể được hướng dẫn sử dụng thuốc kháng histamin để giảm triệu chứng.
  • Kem kháng sinh: Trong một số trường hợp bệnh nhân được dùng kem kháng sinh không kê đơn để ngăn ngừa nhiễm trùng.

2. Điều trị không dùng thuốc

Bệnh rôm sảy thường có đáp ứng tốt với những biện pháp điều trị không dùng thuốc. Những biện pháp này có khả năng làm dịu mẩn đỏ và giảm ngứa hiệu quả.

  • Giữ cho da mát và khô

Nếu nhiệt độ nóng hoặc ẩm, hãy sử dụng máy điều hòa không khí hoặc quạt để làm mát cơ thể. Ngoài ra có thể tắm nước mát, nhẹ nhàng lau khô da để giữ cho da mát và khô.

  • Chườm lạnh

Chườm túi nước đá hoặc đắp một miếng vải mát trên da. Điều này giúp làn da khô thoáng, giảm sưng tấy, sẩn đỏ và ngứa ngáy hiệu quả. Lưu ý bọc túi nước đá trong khăn bông khi chườm để tránh gây bỏng lạnh.

Đắp một miếng vải mát trên da
Đắp một miếng vải mát trên da giúp da khô thoáng, giảm những nốt sẩn đỏ và ngứa ngáy

  • Tắm nước mát

Tương tự như chườm lạnh, tắm nước mát có thể giúp da khô thoáng và giảm ngứa hiệu quả. Sau khi tắm xong, dùng khăn vỗ nhẹ cho khô da và mặc quần áo khô thoáng.

  • Tẩy tế bào chết

Người lớn bị rôm sảy có thể thử tẩy tế bào chết trên da. Biện pháp này giúp làm sạch da và mở lỗ chân lông bị ảnh hưởng. Vệ sinh da hoặc tắm với nước mát.

  • Giữ nhiệt độ trong phòng luôn mát mẻ

Làm mát căn phòng bằng quạt hoặc điều hòa không khí. Ngoài ra nên thường xuyên di chuyển khi nghỉ ngơi trên gường. Điều này giúp lưu thông không khí trong cơ thể, tăng tốc độ chữa lành.

  • Mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát

Nên mặc những bộ quần áo được làm từ cotton, nhẹ, rộng rãi và thoáng mát. Điều này giúp giữ cho quá trình lưu thông không khí xung quanh cơ thể, giảm tiết mồ hôi và giữ mát.

Tránh mặc quần áo bó sát hoặc được làm từ vật liệu vải thô cứng. Bởi điều này có thể gây kích ứng, kích hoạt rôm sảy hoặc khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát
Mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát khi thời tiết nóng ẩm để giữ cho da luôn mát và khô, lưu thông không khí

  • Tắm bột yến mạch

Một số nghiên cứu cho thấy, bột yến mạch có đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa. Khi tắm với bột yếu mạch, vùng da nổi sẩn ngứa có thể được làm dịu và tổn thương nhanh chóng lành lại.

Cách dùng: Trộn bột yến mạch với nước để tạo thành hỗn hợp sệt. Thoa hỗn hợp lên vùng da bị ảnh hưởng, giữ trong 15 phút. Làm sạch da với nước mát.

  • Dùng bột gỗ đàn hương

Trộn bột gỗ đàn hương với nước, sau đó bôi lên vùng da bị rôm sảy. Giữ trong 10 - 15 phút, vệ sinh da nước sạch. Biện pháp này có thể giúp giảm viêm hiệu quả.

  • Bôi nhựa thông

Một số nghiên cứu cho thấy, bôi nhựa thông lên vùng da bệnh có thể làm dịu làn da ngứa.

  • Thoa gel lô hội

Lô hội (nha đam) chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất. Thoa trực tiếp gel lô hội lên vùng da bệnh giúp cấp ẩm và làm mát da. Từ đó giữ cho da ẩm mịn và khỏe mạnh. Ngoài ra lô hội còn giúp làm dịu làn da ngứa (đã được chứng minh).

Thoa gel lô hội
Thoa gel lô hội lên vùng da bệnh giúp làm dịu làn da ngứa, giữ cho da ẩm mịn

  • Chăm sóc da hàng ngày

Khi chăm sóc da bị rôm sảy, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:

    • Tránh gãi để ngăn trầy xước và nhiễm trùng. Tốt nhất nên vỗ vào vết phát ban thay vì gãi.
    • Không sử dụng kem dưỡng ẩm, kem chống nắng, mỹ phẩm... Bởi những sản phẩm này có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Tuy nhiên có thể sử dụng kem dưỡng ẩm chứa lanolin khan để ngăn tắc nghẽn ống dẫn mồ hôi.
    • Không sử dụng những loại sữa tắm có mùi hương để tránh gây kích ứng và tăng mức độ phát ban.
    • Uống nhiều nước lọc mỗi ngày để tránh mất nước và giữ cho làn da mát mẻ.

Phòng ngừa

Nguy cơ mắc bệnh rôm sảy có thể giảm bớt khi áp dụng những biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Giữ cho da luôn mát mẻ và khô ráo bằng cách:
    • Mặc quần áo thoáng mát và rộng rãi khi thời tiết nóng. Không nên mặc quần áo bó sát để tránh chà xát lên làn da.
    • Lựa chọn những bộ phần áo được làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi (như cotton) để hút ẩm ra khỏi da.
    • Không nên quấn trẻ sơ sinh quá nhiều lớp.
    • Thường xuyên vệ sinh da hoặc tắm với nước mát
    • Uống nhiều nước
  • Hạn chế hoạt động thể chất trong thời tiết nóng hoặc ẩm ướt.
  • Nếu muốn luyện tập thể thao, cần lựa chọn những nơi thoáng mát hoặc luyện tập vào thời điểm mát mẻ trong ngày.
  • Hạn chế ra ngoài khi trời nắng gắt hoặc nóng ẩm. Nên ở trong bóng râm hoặc trong phòng có điều hòa nhiệt độ.
  • Không nên sử dụng quạt để lưu thông không khí khi thời tiết nóng và khô. Bởi điều này có thể khiến bạn cảm thấy nóng hơn.
  • Tránh nằm lâu trên giường, đặt biệt là khi bị sốt.
  • Tránh sử dụng thuốc mỡ và những loại kem có khả năng làm bít tắc lỗ chân lông.
  • Tránh những loại thuốc có khả năng gây đổ nhiều mồ hôi. Chẳng hạn như thuốc chẹn beta và clonidine.
  • Luôn giữ nhiệt độ trong phòng mát mẻ và thông gió tốt bằng cách dùng quạt hoặc máy điều hòa.

Giữ nhiệt độ trong phòng mát mẻ và thông gió
Phòng ngừa bệnh rôm sảy bằng cách giữ nhiệt độ trong phòng luôn mát mẻ và thông gió

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào gây ra những triệu chứng trên da?

2. Tôi có cần thực hiện xét nghiệm không?

3. Thuốc điều trị rôm sảy tốt nhất là gì?

4. Phác đồ điều trị rôm sảy của tôi như thế nào?

5. Cách chăm sóc da nào được đề nghị?

6. Nên làm gì nếu phát ban không biến mất hoặc kéo dài sau điều trị tại nhà?

7. Thuốc điều trị rôm sảy có dùng được cho trẻ sơ sinh không?

Bệnh rôm sảy là một dạng phát ban lành tính, không để lại sẹo và không biến chứng. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Thông thường những biện pháp chăm sóc tại nhà sẽ giúp các trệu chứng nhanh chóng thuyên giảm.