Bệnh Rối Loạn Tuần Hoàn Tai Trong

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Rối loạn tuần hoàn tai trong xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc thiếu máu làm giảm lượng máu di chuyển đến tai trong. Điều này khiến những tế bào lông hoạt động không hiệu quả dẫn đến ù tai hoặc suy giảm thính lực theo thời gian.

Tổng quan

Rối loạn tuần hoàn tai trong còn được gọi là rối loạn tai trong. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng tắc nghẽn mạch máu hoặc thiếu máu khiến lượng máu đến tai trong không đầy đủ.

Rối loạn tuần hoàn tai trong
Rối loạn tuần hoàn tai trong xảy ra khi lượng máu đến tai trong không đầy đủ làm giảm chức năng của tế bào lông

Quá trình tuần hoàn máu giúp cung cấp oxy và các chất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể cũng như các cơ quan. Ở người bị rối loạn tuần hoàn tai trong, lượng máu đến tai trong không được đảm bảo. Điều này khiến các tế bào lông ở tai trong hoạt động không bình thường. Từ đó dẫn đến tình trạng nghe kém và ù tai.

Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị tổn thương dao động của màng nhĩ. Việc không điều trị kịp thời sẽ khiến người bệnh bị điếc vĩnh viễn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Rối loạn tuần hoàn tai trong xảy ra khi lượng máu đến tai trong không được cung cấp đầy đủ. Điều này thường liên quan đến sự tắc nghẽn mạch máu và thiếu máu, thường gặp ở những người có áp lực và thể tích nội dịch mê nhĩ bị thay đổi.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

  • Tiền sử bản thân bị chấn thương ở đầu hoặc chấn thương tai, dị ứng
  • Tiền sử gia đình bị rối loạn tự miễn hoặc có bệnh Meniere
  • Có dị vật trong tai
  • Bệnh lý
    • Bệnh giang mai
    • Nhiễm trùng tai
    • Viêm mê đạo
    • Viêm tắc mạch máu
    • Viêm dây thần kinh thính giác

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh rối loạn tuần hoàn tai trong gồm:

Chóng mặt, đi loạng choạng, ù tai hoặc nghe kém
Chóng mặt, đi loạng choạng, ù tai hoặc nghe kém là những triệu chứng thường gặp của rối loạn tai trong

  • Chóng mặt, thường kéo dài từ 1 - 6 giờ hoặc lâu hơn
  • Buồn nôn và nôn
  • Vã mồ hôi
  • Tiêu chảy
  • Đi loạng choạng
  • Ù tai
    • Nghe thấy tiếng ầm ầm hoặc vo ve như côn trùng
    • Ù tai xảy ra ở bên tai bệnh
    • Ù tai có thể ngắn hạn hoặc liên tục và kéo dài
  • Suy giảm thính lực theo thời gian

Những triệu chứng có thể giúp phát hiện tình trạng rối loạn tai trong. Tuy nhiên để chắc chắn hơn về chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng, các nghiệm pháp và xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Do thính lực đồ: Bệnh nhân được đo thính lực đồ để kiểm tra khả năng nghe.
  • Nghiệm pháp Fukuda: Bệnh nhân được yêu cầu dậm chân tai chỗ trong khi nhắm mắt lại. Những biểu hiện bất thường có thể giúp chẩn đoán phân biệt với cơn meniere.
  • Test đẩy đầu hoặc nghiệm pháp Halmagyi: Nghiệm pháp này cho phép kiểm tra những rối loạn mê nhĩ 1 bên. Khi thực hiện, người bệnh sẽ được yêu cầu nhìn thẳng vào mục tiêu, sau đó xoay đầu sang một bên từ 15 - 30 độ. Điều này giúp bác sĩ quan sát mắt và đánh giá những bất thường.
  • Chụp MRI: Bệnh nhân được chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ. Kỹ thuật này giúp kiểm tra cấu trúc, phát hiện những bất thường bên trong.

Biến chứng và tiên lượng

Không có cách để ngăn chặn diễn tiến của bệnh rối loạn tai trong. Chính vì vậy mà hầu hết bệnh nhân đều bị suy giảm thính lực. Đối với tai bị ảnh hưởng từ 10 - 15 năm, bệnh nhân có nghe kém ở mức độ trong bình đến nặng

Tuy nhiên khi được điều trị tích cực, các phương pháp có thể giúp giảm bớt những triệu chứng và giảm tốc độ tiến triển của bệnh. Nếu không được chữa, bệnh rối loạn tuần hoàn tai trong có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Mất thính lực vĩnh viễn
  • Bệnh xơ cứng động mạch
  • Ù tai

Mất thính lực vĩnh viễn hoặc giảm thính lực nghiêm trọng
Mất thính lực vĩnh viễn hoặc giảm thính lực nghiêm trọng thường gặp ở những bệnh nhân không điều trị

Điều trị

Phương pháp điều trị cụ thể dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các triệu chứng. Thông thường bệnh rối loạn tuần hoàn tai trong sẽ được điều trị bằng thuốc kết hợp chế độ ăn uống phù hợp.

1. Thuốc

Những loại thuốc thường được dùng trong điều trị rối loạn tai trong gồm:

  • Thuốc chống nôn kháng cholinergic: Bệnh nhân được sử dụng thuốc chống nôn kháng cholinergic để làm giảm những triệu chứng khó chịu của đường tiêu hóa. Thuốc này có tác dụng làm dịu cảm giác buồn nôn và nôn ói.
  • Benzodiazepine: Đây là một loại thuốc an thần nhẹ. Thuốc này được sử dụng để làm dịu hệ thống tiền đình, giảm cảm giác chóng mặt, mất ngủ và lo lắng.
  • Thuốc lợi tiểu: Bệnh nhân có thể được yêu cầu sử dụng một loại thuốc lợi tiểu như Hydrochlorothiazide 25mg. Thuốc này có tác dụng ngăn ngừa và giảm triệu chứng chóng mặt.
  • Corticosteroid: Trong trường hợp rối loạn tai trong cấp tính, bệnh nhân được sử dụng Corticosteroid đường uống hoặc tiêm qua màng nhĩ.
  • Tiêm Gentamicin: Đây là kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid. Thuốc này được tiêm qua màng nhĩ để chống nhiễm trùng, điều trị rối loạn tuần hoàn tai trong và giảm bớt các triệu chứng liên quan. Trong thời gian tiêm thuốc, người bệnh đực đo thính lực đồ nhằm theo dõi và đánh giá triệu chứng thường xuyên. Nếu còn chóng mặt nhưng không nghe kém, người bệnh có thể được tiêm nhắc lại sau 4 tuần kể từ liều đầu tiên.

2. Thay đổi lối sống và ăn uống

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm nhẹ các triệu chứng do rối loạn tuần hoàn tai trong. Cụ thể:

  • Thực hiện chế độ ăn nhạt. Nên ăn ít muối, khoảng 1,5g/ ngày.
  • Tránh uống rượu bia và cà phê. Bỏi những loại thức uống này có thể làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Ăn uống bổ dưỡng và lành mạnh. Nên tăng cường ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc và những loại thực phẩm lành mạnh khác.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì tinh thần và cơ thể khỏe mạnh.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được chỉ định cho những bệnh nhân có những cơn cấp nghiêm trọng và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Trong đó bệnh nhân có thể được phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình. Điều này giúp bảo tồn thính giác và giảm chóng mặt.

Phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình
Phẫu thuật có thể bao gồm cắt dây thần kinh tiền đình để bảo tồn thính giác và giảm chóng mặt

Đối với những bệnh nhân bị điếc sâu, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật hủy diệt mê nhĩ chỉ. Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được tư vấn và thăm khám kỹ lưỡng.

Phòng ngừa

Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ rối loạn tuần hoàn tai trong:

  • Sớm thăm khám và điều trị tốt những bệnh lý có thể gây rối loạn tai trong.
  • Kiểm soát căng thẳng. Thường xuyên ngồi thiền, tập yoga và thực hiện các hoạt động thú vị để cải thiện tâm trạng.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ sớm và ngủ đủ giấc, dành thời gian nghỉ ngơi tránh rượu bia, thuốc lá và thức uống có nhiều cafein.
  • Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống lành mạnh. Nên ăn nhiều các loại hoa quả tươi và rau xanh.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Điều này giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện tâm trạng, nâng cao sức khỏe tổng thể và sức đề kháng. Từ đó giúp giảm nguy cơ rối loạn tai trong.

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
Luyện tập thể dục thể thao giúp tăng lưu thông máu, giảm nguy cơ rối loạn tuần hoàn tai trong

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng của tôi là vĩnh viễn hay tạm thời?

2. Cách điều trị an toàn và hiệu quả nhất là gì?

3. Làm cách nào để cải thiện thính lực?

4. Quá trình điều trị xảy ra trong bao lâu?

5. Điều gì có thể xảy ra nếu tôi trì hoãn hoặc không điều trị?

6. Khi nào tôi cần phẫu thuật? Lựa chọn thích hợp nhất là gì?

7. Cách chăm sóc nào giúp cải thiện triệu chứng tại nhà?

Bệnh rối loạn tuần hoàn tai trong làm suy giảm thính lực, gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng khác. Tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể giúp giảm nhẹ và hạn chế rủi ro. Do đó người bệnh cần nghe tư vấn và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.