Bệnh Polyp Trực Tràng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Polyp trực tràng là những khối u lành tính hình thành trong lòng của trực tràng. Những khối u này thường không phát triển thành ung thư, được loại bỏ nhanh trong quá trình nội soi. Tuy nhiên một số polyp có khả năng trở thành u ác tính, cần xử lý sớm để ngăn ngừa.

Tổng quan

Polyp trực tràng là những khối u lành tính (không phải ung thư) phát triển ở đoạn cuối của ruột già, nối giữa đại tràng và ống hậu môn, được gọi là trực tràng. Những khối u này hình thành khi các tế bào của niêm mạc trực tràng có sự tăng sinh quá mức.

Polyp trực tràng
Polyp trực tràng là những u lành tính ở đoạn cuối của ruột già, nối giữa đại tràng và ống hậu môn

Có nhiều loại polyp khác nhau. Một polyp có thể phát triển trên một cuống được gọi là có cuống hoặc hơi nhô lên được gọi là không cuống. Hầu hết polyp là vô hại. Tuy nhiên polyp răng cưa không cuống và u tuyến cuối cùng có thể trở thành ác tính (ung thư) sau một thời gian phát triển.

Khi có polyp trực tràng, người bệnh được sàn lọc và loại bỏ polyp. Điều này giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư trực tràng và đe dọa đến tính mạng.

Phân loại

Polyp trực tràng được phân thành những loại sau:

  • Polyp tăng sản: Đây là những polyp vô hại, không trở thành ung thư.
  • Polyp tuyến: Polyp đại trực tràng thường là polyp tuyến. Hầu hết chúng không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên polyp tuyến có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trực tràng và ung thư ruột kết.
  • Polyp ác tính: Chúng chứa những tế bào ung thư, được ghi nhận khi quan sát dưới kính hiển vi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Polyp trực tràng hình thành khi có những thay đổi di truyền (thay đổi DNA) trong tế bào của niêm mạc đại tràng. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến chu kỳ sống của những tế bào bình thường.

Khi có sự thay đổi trong di truyền, những tế bào phát triển và phân chia ngay cả khi không cần thiết. Mặt khác chúng có khả năng sống sót trong khi các tế bào bình thường chết đi. Điều này khiến nhiều tế bào tích tụ và tạo thành khối u.

Polyp trực tràng hình thành từ những những tế bào có sự thay đổi di truyền bên trong
Polyp trực tràng hình thành từ những những tế bào có sự thay đổi di truyền bên trong

Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển polyp trực tràng:

  • Có độ tuổi từ 45 - 50 tuổi
  • Hút thuốc
  • Không tập thể dục
  • Uống quá nhiều rượu
  • Thừa cân béo phì
  • Ăn quá nhiều thịt đỏ và những loại thực phẩm chế biến sẵn
  • Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng
  • Có tiền sử cá nhân mắc bệnh viêm đường mật xơ cứng nguyên phát hoặc viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại trực tràng hoặc bệnh crohn
  • Có các rối loạn di truyền, cụ thể như hội chứng Gardner và hội chứng Lynch
  • Bị ung thư tử cung hoặc ung thư buồng trứng trước 50 tuổi
  • Bệnh tiểu đường không kiểm soát.

Triệu chứng và chẩn đoán

Polyp trực tràng và tiền ung thư trực tràng thường không có triệu chứng. Tuy nhiên việc sàng lọc và điều trị trong giai đoạn này sẽ mang đến hiệu quả tối đa.

Khi triệu chứng xảy ra, người bệnh có thể gặp phải những biểu hiện dưới đây:

  • Chảy máu từ trực tràng
    • Máu có thể được phát hiện bằng kính hiển vi hoặc nhìn thấy bằng mắt thường
    • Máu có thể nhỏ giọt hoặc dính vào phân
  • Sa trực tràng (cuống polyp sa ra ngoài)
  • Đau buốt hậu môn
  • Đau bụng (hiếm gặp).

Người bệnh được kiểm tra các triệu chứng và bệnh sử trong quá trình chẩn đoán. Đồng thời thực hiện các xét nghiệm dưới đây nếu có nghi ngờ polyp trực tràng:

  • Nội soi đại trực tràng: Một ống dài và linh hoạt được đưa vào trực tràng và đại tràng. Ống này có đèn và camera, giúp hiển thị hình ảnh trên màn hình và cắt bỏ polyp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm này sử dụng bức xạ để tạo ra hình ảnh chi tiết của ruột già và đoạn nối với ống hậu môn. Điều này giúp phát hiện số lượng và vị trí của polyp. Đồng thời chẩn đoán phân biệt với những tổn thương khác.
  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra mẫu phân trong phòng thí nghiệm giúp kiểm tra tế bào máu trong phân, những thay đổi di truyền liên quan đến ung thư và polyp.
  • Tiêm barium lỏng: Tiêm barium lỏng vào trực tràng, sau đó sử dụng tia X để thu về hình ảnh của đại tràng và trực tràng. Chất này khiến cho trực tràng và ruột kết có màu trắng trong khi các polyp có màu đen.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết polyp trực tràng là lành tính. Tuy nhiên việc không xử lý sớm có thể khiến một số polyp phát triển thành ung thư. Khi ung thư xâm lấn qua những vùng lân cận, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Một số polyp trực tràng có thể trở thành ung thư
Một số polyp trực tràng có thể trở thành ung thư vào một giai đoạn phát triển nhất định

Điều trị

Điều trị polyp đại tràng thường đơn giản. Hầu hết các trường hợp được cắt bỏ polyp trong khi nội soi trực tràng. Sau đó phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định khả năng phát triển thành ung thư.

Ở các trường hợp có khối u lớn hơn hoặc xuất hiện với hội chứng di truyền, người bệnh sẽ được nội soi ổ bụng hoặc cắt bỏ trực tràng.

  • Cắt polyp: Nội soi cắt polyp được thực hiện khi các polyp còn nhỏ. Trong quá trình sàng lọc, ống nội soi linh hoạt, có camera và dụng cụ phẫu thuật được đặt vào trực tràng, sau đó cắt bỏ khối u.
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (nội soi ổ bụng): Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu được thực hiện cho những bệnh nhân có polyp lớn và không an toàn khi cắt bỏ trong quá trình sàng lọc. Khi thực hiện, dụng cụ nội soi được đưa vào bụng thông qua những vết rạch nhỏ. Sau đó loại bỏ polyp hoặc phần ung thư của ruột. Phương pháp này có thời gian lành thương nhanh và độ an toàn cao.
  • Cắt bỏ trực tràng: Bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ trực tràng khi có polyp ác tính hoặc mắc hội chứng di truyền hiếm gặp. Trong quá trình này, trực tràng và một phần của đại tràng bị cắt bỏ để bảo vệ người bệnh khỏi ung thư.

Phòng ngừa

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học có thể ngăn ngừa sự phát triển của polyp trực tràng. Cụ thể:

Giảm nguy cơ hình thành polyp đại trực tràng và ung thư bằng cách ăn nhiều trái cây và rau
Giảm nguy cơ hình thành polyp đại trực tràng bằng cách ăn nhiều trái cây, rau, thịt nạc và ngũ cốc

  • Ăn nhiều trái cây, rau, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm nguy cơ phát triển polyp và ung thư đại trực tràng. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên ăn ít nhất 3 phần trái cây và các loại rau mỗi ngày.
  • Bổ sung đủ lượng canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm lành mạnh. Chẳng hạn như sữa, phô mai, sữa chua, bông cải xanh cá, tôm, gan...
  • Hạn chế tiêu thụ những loại thức ăn giàu chất béo, thực phẩm chế biến sẵn và thịt đỏ.
  • Bỏ thuốc lá và rượu.
  • Tránh thừa cân béo phì. Luôn giữ cân nặng ở mức an toàn. Những người thừa cân nên giảm cân bằng cách ăn uống đúng cách và tăng cường luyện tập.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao để góp phần ngăn chặn sự phát triển của polyp trực tràng và đại tràng. Đồng thời nâng cao hệ thống miễn dịch và sức khỏe.

Nếu có nguy cơ bị polyp trực tràng hoặc trên 45 tuổi, cần sàng lọc định kỳ để sớm phát hiện khối u. Việc xử lý polyp trong giai đoạn sớm hoặc tiền ung thư có thể đảo ngược tình trạng, đảm bảo đạt hiệu quả điều trị cao, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp nào được đề nghị khi điều trị polyp trực tràng?

2. Rủi ro và lợi ích nào có thể đạt được từ phương pháp điều trị?

3. Polyp của tôi là loại nào? Vị trí?

4. Tôi có nguy cơ phát triển polyp thành ung thư không?

5. Tôi nên làm gì để góp phần ngăn polyp tiến triển?

6. Polyp trực tràng có khả năng tái phát trong tương lai không?

7. Tiên tượng hiện tại và lâu dài của tôi là gì?

Polyp trực tràng thường là vô hại, không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên một số khác có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư trực tràng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Vì vậy người bệnh cần sàng lọc định kỳ và xử lý ngay khi có sự phát triển của polyp.