Bệnh Polyp Tá Tràng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tiêu hóa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Polyp tá tràng là những khối u lành tính phát triển ở phần đầu của ruột non (tá tràng). Những khối u này không phải ung thư và thường không phát triển thành ác tính. Tuy nhiên khối u lớn có thể gây tắc ruột và nhiều vấn đề khác.

Tổng quan

Polyp tá tràng là sự phát triển của những khối u lành tính (cụm tế bào nhỏ), không phải ung thư ở niêm mạc tá tràng. Đây phần đầu của ruột non, có vị trí ở giữa dạ dày và hỗng tràng, hình chữ C hoặc móng ngựa, dài từ 20 - 25cm.

Polyp tá tràng
Polyp tá tràng là sự hình thành và phát triển của những khối u lành tính ở niêm mạc tá tràng

Tá tràng giữ chức năng quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Nó tiếp nhận và chuyển thức ăn từ dạ dày xuống ruột non. Tuy nhiên sự phát triển quá mức của những tế bào có thể khiến polyp hình thành trong tá tràng.

Phần lớn polyp tá tràng không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên một số khác có thể chuyển thành ác tính khi nó phát triển đến một mức độ nhất định. Ngoài ra polyp lớn cũng có thể dẫn đến sự tắc nghẽn ở ruột.

Phân loại

Có hai loại polyp chính, bao gồm không ung thư và tân sinh.

  • Polyp không ung thư: Loại polyp này thường không trở thành ung thư.
  • Polyp tân sinh: Polyp tân sinh có khả năng phát triển thành ung thư. Loại này được phân thành 2 dạng, bao gồm:
    • U tuyến: Khi có đủ thời gian phát triển, u tuyến có thể trở thành ung thư.
    • Polyp có răng cưa: Phụ thuộc vào kích thước và vị trí phát triển, các polyp răng cưa có thể trở thành ung thư.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tương tự như những vị trí khác ở đường tiêu hóa, polyp tá tràng hình thành khi có sự phát triển quá mức của những tế bào. Từ đó dẫn đến dư thừa và tạo thành khối u.

Thông thường những tế bào trong cơ thể phát triển và phân chia có trật tự. Tuy nhiên một số gen đột biến có thể kích thích sự phát triển của những tế bào ngay cả khi không cần đến những tế bào mới.

Các tế bào phân chia và phát triển liên tục dẫn đến dư thừa, tạo điều kiện cho polyp phát triển ở bất kỳ vị trí nào của tá tràng.

Polyp tá tràng hình thành khi có sự phát triển quá mức của những tế bào
Polyp tá tràng hình thành khi có sự phát triển quá mức của những tế bào dẫn đến dư thừa

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ:

  • Tuổi: Polyp tá tràng thường gặp hơn ở những người trên 50 tuổi.
  • Di truyền: Nhiều khả năng bị polyp tá tràng hơn ở những người có ba mẹ hoặc anh chị có tiền sử mắc bệnh lý này.
  • Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển polyp ở đường tiêu hóa, trong đó có tá tràng.
  • Sử dụng rượu quá mức: Nguy cơ phát triển polyp cao hơn ở những người uống hơn 3 ly rượu mỗi ngày.
  • Các yếu tố khác: Polyp tá tràng thường phát triển ở những người có cân nặng dư thừa hoặc béo phì, ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều chất béo và không tập thể dục thường xuyên.

Triệu chứng và chẩn đoán

Polyp tá tràng thường không có triệu chứng. Tuy nhiên polyp lớn hơn có thể gây ra những triệu chứng dưới đây:

  • Đau quặn bụng
  • Xuất huyết bất thường
  • Thiếu máu do chảy máu từ polyp
  • Thay đổi màu phân
  • Mệt mỏi

Người bệnh được kiểm tra các triệu chứng và bệnh sử. Nếu có nghi ngờ polyp tá tràng, người bệnh sẽ được thực hiện những xét nghiệm dưới đây:

  • Nội soi tá tràng: Ống nội soi có camera và đèn được đưa vào dạ dày và phần đầu của ruột non (tá tràng) thông qua đường miệng. Thiết bị này giúp bác sĩ quan sát và chụp ảnh môi trường bên trong. Nội soi tá tràng giúp phát hiện vị trí và số lượng khối u.
  • Sinh thiết: Bệnh nhân thường được sinh thiết trong quá trình nội soi. Mẫu mô tại khu vực bất thường được lấy ra và phân tích trong phòng thí nghiệm.Từ đó giúp phát hiện khối u lành tính hay ác tính.
  • Xét nghiệm phân: Người bệnh có thể được thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân dựa trên guaiac (FOBT) hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân (FIT). Những xét nghiệm này giúp tìm kiếm vết máu nhỏ trong phân.
  • Chụp CT: Hình ảnh CT cho phép kiểm tra tá tràng và phát hiện những bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Polyp tá tràng thường không phát triển thành ung thư. Phẫu thuật cắt bỏ đơn giản, giúp ngăn ngừa những rủi ro trong tương lai. Tuy nhiên một số polyp có thể trở thành ung thư hoặc phát triển lớn hơn, làm tắc nghẽn ở ruột. Việc loại bỏ sớm có thể giúp ngăn ngừa những biến chứng này.

Điều trị

Phẫu thuật là phương pháp điều trị polyp tá tràng. Cắt bỏ polyp có thể được thực hiện trong quá trình kiểm tra ruột hoặc sau khi đã đánh giá chi tiết hơn về tình trạng.

Dưới đây là những lựa chọn phẫu thuật:

Cắt polyp
Cắt polyp trong quá trình sàn lọc nếu polyp tá tràng mới hình thành hoặc còn nhỏ

  • Cắt polyp: Nếu polyp tá tràng còn nhỏ, chúng sẽ được cắt bỏ thông qua ống nội soi và dụng cụ được đặt vào tá tràng. Phương pháp này thường được thực hiện trong quá trình sàn lọc. Mẫu mô sẽ được lấy ra và phân tích.
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Phẫu thuật cắt bỏ được thực hiện cho những bệnh nhân có polyp quá lớn, không đảm bảo an toàn khi cắt bỏ trong quá trình kiểm tra ruột. Trong khi thực, bác sĩ tạo một vài vết cắt nhỏ ở bụng và đưa dụng cụ nội soi vào trong, tiếp cận với polyp. Sau đó tiến hành cắt bỏ khối u này.
  • Cắt bỏ tá tràng: Nếu polyp hình thành do những hội chứng di truyền hiếm gặp hoặc polyp phát triển thành ung thư tá tràng, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tá tràng. Điều này giúp ngăn ung thư đe dọa đến tính mạng.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp giảm nguy cơ hình thành polyp tá tràng:

  • Khám sàng lọc thường xuyên, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử gia đình mắc polyp tá tràng. Điều này giúp phát hiện sớm những bất thường, kịp thời xử lý và ngăn polyp trở thành ung thư.
  • Thêm nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn uống. Tốt nhất nên ăn tối thiểu 3 - 5 phần trái cây và rau mỗi ngày. Điều này giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung chất chống oxy hóa, vitamin và các khoáng chất cần thiết. Từ đó giúp giảm nguy cơ hình thành khối u và duy trì sức khỏe tổng thể.
  • Giảm lượng chất béo và dầu mỡ, không ăn thịt đỏ quá mức. Bởi những loại thực phẩm này có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư và nhiều bệnh lý khác ở đường tiêu hóa. Hãy duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Hạn chế uống rượu và ngừng sử dụng thuốc lá.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, ngăn thừa cân béo phì.
  • Duy trì hoạt động thể chất, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Điều này giúp cải thiện hoạt động của các cơ quan, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và hình thành các khối u khác. Tốt nhất nên hoạt động aerobic ít nhất 150 phút với cường độ vừa phải và 2 buổi tăng cường cơ bắp mỗi tuần.

Duy trì hoạt động thể chất
Duy trì hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và hình thành polyp tá tràng

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?

2. Điều gì có thể xảy ra nếu tôi trì hoãn phẫu thuật cắt bỏ polyp?

3. Có phương pháp điều trị thay thế cho phẫu thuật hay không?

4. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Lựa chọn nào phù hợp nhất?

5. Polyp tá tràng có tái phát sau điều trị hay không?

6. Tiên lượng của tôi là gì?

7. Những điều gì nên làm và không nên làm khi điều trị?

Polyp tá tràng thường không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên một số loại có thể trở thành khối u ác tính. Tốt nhất nên khám và xử lý sớm để tránh polyp gây ra những rủi ro không mong muốn.