Phồng Đĩa Đệm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Phồng đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm bị đẩy ra ngoài do bao xơ mất nước và phình ra. Nó có thể chèn ép hoặc kích thích tủy sống và rễ thần kinh dẫn đến đau đớn.

Tổng quan

Phồng đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy (gel của đĩa đệm) bị đẩy ra ngoài thông qua một vết rách ở bao xơ (phần bao bọc bên ngoài và bảo vệ nhân nhầy của đĩa đệm). Tình trạng này dẫn đến đau đớn và hạn chế một số chuyển động ở lưng.

Phồng đĩa đệm
Phồng đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm bị đẩy ra ngoài thông qua một vết rách ở bao xơ

Đĩa đệm có cấu tạo gồm lớp sụn cứng bên ngoài (bao xơ) bao quanh nhân nhầy (phần mềm hơn ở trung tâm). Kích thước của đĩa đệm vừa vặn giữa những đốt sống. Nó cung cấp sự hỗ trợ, phép cột sống chuyển động linh hoạt. Ngoài ra các đĩa còn tăng khả năng chịu lực, giảm chấn động và xóc nhằm tránh hư hỏng trong quá trình vận động.

Đĩa có dấu hiệu hao mòn theo tuổi tác. Theo thời gian đĩa mất nước và sụn cứng lại. Điều này khiến cho lớp bên ngoài của đĩa phình ra (thường đều đặn xung quanh chu vi của nó), dẫn đến nén và đẩy nhân nhầy ra ngoài.

Không phải lúc nào cũng ảnh hưởng đến toàn bộ chu vi nhưng có ít nhất 1/4 - 1/2 chu vi của đĩa bị ảnh hưởng. So với thoát vị đĩa đệm hay vỡ đĩa đệm, phồng đĩa đệm ít gây đau đớn hơn do thường không nhô ra xa hơn, ít khiến dây thần kinh bị viêm và tổn thương nghiêm trọng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Phồng đĩa đệm xảy ra khi lớp bên ngoài của đĩa đệm có vết rách hoặc phình ra khiến nhân nhầy bị đẩy ra ngoài. Đây thường là kết quả của sự thay đổi tính nhất quán của nhân nhầy.

Lão hóa là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp phồng đĩa đệm. Nhân nhầy ở trung tâm đĩa đệm tự nhiên giảm dần theo độ tuổi. Mặt khác đĩa mất nước và sụn cứng lại theo thời gian khiến cho lớp bên ngoài của đĩa phình ra, nhân nhầy ở giữa bị nén và đẩy ra ngoài. Điều này dẫn đến sự chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh gây ra đau đớn.

Phồng đĩa đệm cũng có thể xảy ra do chấn thương cột sống. Một chấn thương (chẳng hạn như tai nạn xe hơi) có thể làm rách bao xơ, nhân nhầy bị đẩy ra ngoài khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Phồng đĩa đệm là kết quả của sự thay đổi tính nhất quán của nhân nhầy
Phồng đĩa đệm là kết quả của sự thay đổi tính nhất quán của nhân nhầy, thường liên quan đến lão hóa

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Nam giới
  • Thừa cân béo phì
  • Tham gia một số hoạt động thể chất cần thường xuyên lặp đi lặp lại chuyển động
  • Nâng vật nặng
  • Lái xe thường xuyên
  • Có lối sống ít vận động
  • Hút thuốc lá. Các chất trong thuốc lá có khả năng giảm lượng oxy cung cấp cho đĩa đệm khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh chóng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên hầu hết trường hợp có đĩa phồng ra ở dưới cùng của cột sống thắt lưng.

Các triệu chứng của phồng đĩa đệm phụ thuộc vào vị trí ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng. Nhiều trường hợp không có triệu chứng ban đầu. Khi đĩa đệm phồng ra nhiều hơn, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

Phồng đĩa đệm ở cổ

  • Đau cổ
  • Cơn đau lan đến vai, cánh tay hoặc/ và bàn tay và ngón tay
  • Đau tăng khi xoay cổ hoặc cúi cổ
  • Đau gần hoặc giữa hai xương bả vai
  • Tê hoặc ngứa ran trong cánh tay

Phồng đĩa đệm ở lưng

  • Đau lưng
  • Đau lan tỏa ở những vùng khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như khung xương sườn hoặc cánh tay
  • Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi ho, hắt hơi hoặc di chuyển
  • Co thắt ở cơ lưng
  • Yếu và tê ở bàn chân
  • Ngứa ran hoặc tê ở bàn chân hoặc/ và chân
  • Giảm khả năng vận động ở lưng, chân, đầu gối và mắt cá chân
  • Đi lại khó khăn
  • Đau thần kinh tọa (cơn đau bắt đầu ở thắt lưng lan xuống mông, mặt sau của đùi, cẳng chân và bàn chân)
  • Giảm kiểm soát bàn quang và ruột
  • Giảm khả năng phối hợp.

Cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu có dấu hiệu của hội chứng chùm đuôi ngựa, chẳng hạn như mất kiểm soát ruột và bàng quang. Tình trạng này xảy ra khi đĩa phồng chèn ép một nhóm rễ thần kinh thắt lưng và xương cùng.

Đau lưng lan tỏa
Đau lưng lan tỏa, co thắt ở cơ lưng, yếu và tê ở bàn chân là những triệu chứng thường gặp

Đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành xem xét các triệu chứng ở vùng ảnh hưởng, kiểm tra tiền sử chấn thương và bệnh lý. Người bệnh có thể được yêu cầu chuyển động nhẹ nhàng ở lưng hoặc cổ, đi lại, cầm nắm hoặc nâng vật. Các thử nghiệm sẽ giúp đánh giá cơn đau, cảm giác, phản xạ, sức mạnh và phạm vi chuyển động.

Sau khám lâm sàng, các xét nghiệm bổ sung được thực hiện để chẩn đoán xác định, bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI là xét nghiệm phổ biến và chính xác nhất đối với phồng đĩa đệm. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh đa chiều và chi tiết của đĩa đệm, giúp đánh giá mức độ phồng / thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra hình ảnh MRI cũng giúp xem xét nhân nhần thoát vị có đè lên dây thần kinh và tủy sống hay không.
  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp kiểm tra vết nứt của xương cột sống, loại trừ những nguyên nhân có thể gây đau lưng hoặc cổ.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT cho thấy những tổn thương của xương cột sống. Điều này giúp kiểm tra vùng ảnh hưởng, xác định đĩa đệm có đè lên hoặc chèn ép vào không gian xung quanh dây thần kinh và tủy sống hay không.
  • Myelogram: Kỹ thuật này bao gồm việc tiêm thuốc nhuộm vào cột sống và chụp CT. Thuốc nhuộm giúp làm nổi bật những điểm bất thường, tiết lộ vị trí có đĩa đệm thoát vị và sự thu hẹp của ống sống.
  • Điện cơ đồ (EMG): Đặt kim nhỏ vào các cơ khác nhau và truyền một dòng điện thích hợp. Điều này giúp đo hoạt động điện của cơ và dây thần kinh, xác định dây thần kinh nào bị ảnh hưởng và đánh giá chức năng của chúng.

Biến chứng và tiên lượng

Chăm sóc y tế đơn giản có thể giúp giảm đau cho hơn 90% trường hợp phồng đĩa đệm. Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn trong vòng vài tháng.

Nhiều trường hợp khác có cơn đau dữ dội do thần kinh và tủy sống bị chèn ép, cần phẫu thuật sau vài tháng điều trị bảo tồn thất bại. Phương pháp này thường có tỉ lệ thành công cao, giúp giảm đau, phục hồi sức mạnh và chức năng cho vùng ảnh hưởng.

Nếu không điều trị, phồng đĩa đệm sẽ trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi tiếp tục những hoạt động gây ra nó, chẳng hạn như nâng vật và chuyển động lặp đi lặp lại. Điều này gây ra một số biến chứng dưới đây:

  • Đau mãn tính
  • Đau thần kinh tọa
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa
  • Mất kiểm soát hoặc cảm giác ở vùng bị ảnh hưởng
  • Yếu chi
  • Teo cơ.

Điều trị

Phương pháp điều trị được chỉ định dựa trên vị trí và mức độ nghiêm trọng của phồng đĩa đệm. Phần lớn bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, gồm biện pháp chăm sóc, thuốc và vật lý trị liệu. Nếu đĩa đệm vỡ và đau kéo dài, phẫu thuật có thể được cân nhắc.

1. Chăm sóc tại nhà

Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm đau do phồng đĩa đệm.

  • Nghỉ ngơi

Dành thời gian nghỉ ngơi trên giường từ 1 - 2 ngày để giảm đau lưng và chân. Điều này cũng giúp đĩa đệm tổn thương có thời gian lành lại.

Nghỉ ngơi
Giảm nhẹ cơn đau ở lưng và chân bằng cách nghỉ ngơi trên giường từ 1 - 2 ngày

Một số lưu ý khác:

    • Tránh ngồi trong thời gian dài.
    • Tránh tiếp tục những chuyển động có thể gây tồi tệ hơn tình trạng.
    • Tất cả các hoạt động thể chất cần được thực hiện chậm lại và có kiểm soát, đặc biệt là khi cúi người về phía trước và nâng lên.
    • Thay đổi những hoạt động hàng ngày để ngăn những cử động gây đau thêm.
  • Chườm lạnh

Đặt túi gel lạnh hoặc đá lạnh lên vùng ảnh hưởng, giữ nguyên 20 phút. Biện pháp này giúp giảm sưng và đau bằng cách gây tê vùng ảnh hưởng.

  • Chườm ấm

Chườm ấm giúp thư giãn, giảm đau, tăng lưu thông khí huyết và tạo điều kiện cho đĩa đệm lành lại. Biện pháp này cũng giúp giảm co thắt ở lưng và cải thiện phạm vi chuyển động.

Khi thực hiện, đặt chai nước ấm hoặc miếng đệm sưởi lên vùng ảnh hưởng, giữ trong 20 phút, lặp lại vài lần trong ngày.

  • Tắm nước ấm

Tắm nước ấm có thể giúp thư giãn và giảm đau do phồng đĩa đệm. Ngoài ra biện pháp này còn giúp tăng lưu thông máu bằng cách giãn mạch, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ.

  • Thiết bị bảo vệ

Sử dụng thiết bị bảo vệ (chẳng hạn như đai lưng) để hỗ trợ cột sốt và làm dịu các triệu chứng của phồng đĩa đệm. Thiết bị này cũng giúp giữ cột sống ở tư thế đúng, ngăn những chuyển động không cần thiết trong khi cột sống lành lại.

Tuy nhiên không dùng đai lưng hoặc nẹp lưng lâu ngày. Điều này có thể gây ra những vấn đề liên quan đến sự linh hoạt và phạm vi chuyển động.

  • Bài tập

Tránh bất động kéo dài. Nên duy trì hoạt động thể chất, thường xuyên kéo giãn lưng, cổ và chân có thể giúp giảm đau, cải thiện phạm vi và sự linh hoạt.

Thường xuyên luyện tập, kéo giãn lưng, cổ và chân
Thường xuyên luyện tập, kéo giãn lưng, cổ và chân có thể giúp giảm đau hiệu quả

Dựa vào tình trạng, người bệnh có thể được hướng dẫn những bài tập dưới đây:

Bài tập rắn hổ mang

    • Nằm sấp trên sàn, đặt hai tay ngay trên vai và trên mặt đất
    • Giữ hông trên sàn trong khi nâng phần thân trên lên, đỡ bằng khuỷu tay
    • Cố gắng giữ tư thế từ 15 - 30 giây, từ từ hạ thân trên xuống sàn
    • Lặp lại 10 lần.

Bài tập giải nén cột sống

    • Đặt thanh sắt song song và cao hơn người
    • Nắm lấy thanh sắt và giữ cho cơ thể treo trong 30 giây
    • Lặp lại 3 lần.

Bài tập tư thế mèo - bò

    • Bắt đầu với tư thế bàn, tay dưới vai và đầu gối dưới hông
    • Từ từ hít vào, kéo xương chậu về phía sau để mông hơi nhô lên, hạ bụng xuống, hơi ngừa cổ và hướng tầm mắt lên trần nhà
    • Từ từ thở ra, áp các ngón chân xuống sàn, đẩy xương chậu về phía trước và hóp bụng, thả đầu xuống, hướng mắt về phía rốn
    • Lặp lại liên tục từ 5 - 10 nhịp thở.

Bài tập duỗi lưng

    • Nằm ngửa, đưa hai đầu gối về phía ngực, xương cùng trên sàn
    • Di chuyển đầu về phía trước cho đến khi kéo dài qua lưng dưới nhưng không gây đau hoặc căng thẳng
    • Lặp lại 5 lần.

Bài tập ôm đầu gối

    • Nằm ngửa, co hai đầu gối và bàn chân trên sàn
    • Dùng cả hai tay nắm lấy một đầu gối và kéo về phía ngực
    • Giữ 5 - 10 giây, thả ra và lặp lại với chân kia
    • Lặp lại 5 lần mỗi chân.

2. Điều trị y tế

Cần những phương pháp điều trị chuyên sâu hơn nếu phồng đĩa đệm và những triệu chứng không thuyên giảm. Dựa vào mức độ nghiêm trọng, những phương pháp y tế dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Thuốc uống

Những loại thuốc thường được chỉ định:

    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID giúp trị viêm, giảm sưng và đau. Nhóm thuốc này phù hợp với những cơn đau ở mức độ vừa.
    • Thuốc giãn cơ: Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giãn cơ để giảm co thắt cơ và đau do phồng đĩa đệm.

Sử dụng thuốc chống viêm hoặc giãn cơ
Sử dụng thuốc chống viêm hoặc giãn cơ để giảm triệu chứng của phồng đĩa đệm

  • Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu gồm những bài tập giúp kéo giãn cột sống, tăng cường cơ lưng dưới và cơ bụng để giữ cột sống ổn định. Ngoài ra chuyên gia sẽ thiết kế một chương trình luyện tập giúp nới lỏng cơ bắp, cải thiện lưu thông máu và giảm bớt áp lực lên dây thần kinh.

  • Tiêm cột sống

Tiêm cột sống còn được gọi là phong bế thần kinh hoặc gây tê ngoài màng cứng. Trong đó thuốc steroid sẽ được tiêm trực tiếp vào cột sống, ngay tại không gian xung quanh dây thần kinh bị ảnh hưởng. Điều này giúp giảm sưng và viêm dây thần kinh do phồng đĩa đệm.

Với khả năng chống viêm mạnh, tiêm steroid ngoài màng cứng còn giúp giảm đau trong thời gian ngắn, cho phép cơ thể phục hồi chức năng và trở lại hoạt động nhanh hơn.

  • Phẫu thuật

Một số trường hợp phồng đĩa đệm cần phải phẫu thuật. Phương pháp này thường chỉ được khuyến nghị sau một thời gian điều trị bảo tồn không hiệu quả, đau đớn kéo dài hoặc có những vấn đề dưới đây:

    • Chèn ép dây thần kinh và tủy sống
    • Đang gặp phải các triệu chứng gồm yếu cơ, đi lại khó khăn, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.

Những thủ thuật thường được áp dụng:

    • Phẫu thuật vi phẫu: Đây là thủ tục được thực hiện phổ biến nhất trong điều trị phồng đĩa đệm và thoát vị đĩa đệm. Trong quy trình này, bác sĩ tạo một vết rạch nhỏ ở mức thoát vị đĩa đệm. Sau đó loại bỏ phần thoát vị của đĩa đệm và bất kỳ mảnh vỡ nào đang gây áp lực cho tủy sống và dây thần kinh.
    • Phẫu thuật nội soi đĩa đệm: Phương pháp này liên quan đến việc cắt bỏ đĩa đệm thông qua phẫu thuật nội soi. Trong khi thực hiện, bác sĩ tạo hai vết cắt nhỏ trên da, sử dụng thiết bị nội soi tiếp cận đĩa đệm ảnh hưởng. Sau cùng cắt bỏ khối thoát vị.

Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn một chương trình vật lý trị liệu thích hợp, chẳng hạn như đi bộ đơn giản 30 phút/ ngày. Ngoài ra người bệnh được hướng dẫn các bài tập giúp phục hồi sức mạnh và sự linh hoạt cho chân và lưng.

Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu không nâng, vặn hoặc cúi người trong vòng vài tuần sau phẫu thuật.

Phòng ngừa

Phồng đĩa đệm không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên những cách dưới đây có thể giúp giảm tối đa rủi ro:

Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách tập luyện và ăn uống phù hợp để áp lực cho lưng

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Những người thừa cân nên có giải pháp giảm cân an toàn, tập luyện và ăn uống phù hợp. Điều này giúp ngăn trọng lượng dư thừa gây áp lực cho lưng.
  • Thực hành tư thế tốt để giảm căng thẳng cho cột sống. Nên học cách cải thiện tư thế khi đứng, đi, ngồi và ngủ.
  • Sử dụng kỹ thuật nâng phù hợp. Gập đầu gối và giữ thẳng lưng, sử dụng cơ bắp chân để hỗ trợ tải trọng, đặt vật sát thân mình. Sau cùng duỗi thẳng đầu gối để nâng.
  • Tránh nâng vật quá nặng.
  • Tránh lặp đi lặp lại chuyển động. Hãy dành thời gian nghỉ giải lao nếu có công việc hoặc bộ môn thể thao cần lặp đi lặp lại chuyển động. Điều này giúp cho xương khớp và các cơ hỗ trợ được phục hồi.
  • Hạn chế đi giày cao gót. Loại giày này khiến cột sống không thẳng hàng.
  • Nếu có công việc cần ngồi trong thời gian dài, hãy dành thời gian nghỉ giải lao và kéo giãn thường xuyên.
  • Thường xuyên tập thể dục. Nên luyện tập tối thiểu 5 buổi/ tuần, mỗi buổi từ 30 - 60 phút. Nên tập trung vào những bài tập tăng cường cơ lưng và bụng. Điều này giúp cột sống được hỗ trợ tối đa và khỏe mạnh, giảm chấn thương và làm chậm quá trình lão hóa.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá để ngăn quá trình lão hóa sớm và phồng đĩa đệm.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần nghỉ ngơi trong bao lâu?

2. Tôi có nên tiếp tục những hoạt động thể chất hay không?

3. Phương pháp điều trị nào hữu hiệu và được đề nghị?

4. Tôi có cần phẫu thuật hay không? Lựa chọn phẫu thuật của tôi là gì và rủi ro có thể gặp?

5. Những bài tập nào có thể giúp đỡ?

6. Mất bao lâu để chữa khỏi?

7. Sau điều trị, tôi có thể tiếp tục chơi thể thao hay không?

8. Những biến chứng nào có thể xảy ra?

Phồng đĩa đệm thường không quá nghiêm trọng, ít gây biến chứng nếu được điều trị sớm. Hầu hết các trường hợp có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, chỉ một số bệnh nhân cần phẫu thuật. Để điều trị hiệu quả nhất, người bệnh cần thăm khám kỹ lưỡng và nghe theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.