Paget Xương

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Paget xương là một dạng rối loạn xương hiếm gặp. Bệnh thể hiện cho những rối loạn trong quá trình tái tạo xương, khiến xương tu sửa ở những vị trí không chính xác. Từ đó gây đau xương, yếu xương, viêm khớp và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Tổng quan

Bệnh paget xương còn được gọi là viêm xương biến dạng - một chứng rối loạn xương mãn tính. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng phân hủy và tái phát triển quá mức ở một hoặc nhiều xương trên cơ thể.

Bệnh paget xương
Bệnh paget xương là chứng rối loạn xương mãn tính, gây rối loạn trong quá trình tái tạo xương

Ở xương khỏe mạnh, quá trình tu sửa sẽ loại bỏ những mô xương cũ, sau đó thay thế bằng những mô xương mới và tươi. Tuy nhiên bệnh paget xương khiến quá trình này rối loạn hoặc bị mất cân bằng. Từ đó khiến xương mới có hình dạng bất thường (biến dạng), đau, yếu và dễ gãy.

Bệnh paget xương thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Hầu hết các trường hợp không có triệu chứng và thể nhận biết tình trạng. Tuy nhiên các bất thường của xương có thể được phát hiện thông qua hình ảnh X-quang, thường được dùng để chẩn đoán một bệnh lý khác.

Viêm xương biến dạng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào. Tuy nhiên cột sống, xương chậu, xương sọ, xương dài của chân và tay là các xương dễ bị ảnh hưởng nhất. Tùy thuộc vào tình trạng, một phần hoặc toàn bộ xương có thể bị ảnh hưởng đồng thời.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân của bệnh paget xương vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Di truyền: Những người được sinh ra trong gia đình mắc chứng paget xương sẽ có nguy cơ cao hơn (chiếm 25 - 40% trường hợp).
  • Tuổi tác: Viêm xương biến dạng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi. Nguy cơ tăng lên khi bạn già đi.
  • Giới tính: Đàn ông thường có nguy cơ cao hơn so với phụ nữ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hầu hết trường hợp không có triệu chứng. Bệnh paget xương khiến cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn bình thường, xương được tu sửa trở nên kém tổ chức và yếu hơn. Điều này gât ra những triệu chứng dưới đây:

  • Đau xương hoặc khớp
  • Biến dạng xương
    • Kích thước đầu xương lớn hơn
    • Cong cột sống
    • Cong các xương ở tay hoặc chân
  • Xương yếu và gãy xương.

Biến dạng xương
Bệnh paget xương gây biến dạng xương ở chi, đau xương, xương yếu và dễ gãy

Tùy thuộc vào loại xương bị ảnh hưởng, người bệnh có thể có các triệu chứng gồm:

+ Xương chậu

  • Đau hông
  • Xương yếu và dễ gãy

+ Xương sọ

  • Đau đầu
  • Mất thính giác

+ Xương sống

Sự phát triển quá mức của xương sống gây biến dạng và chèn ép dây thần kinh. Điều này gây ra những triệu chứng sau:

  • Đau lưng hoặc cổ
  • Ngứa ran
  • Tê hoặc châm chích ở cánh tay hoặc chân.

Ngoài ra viêm xương biến dạng ở xương sống còn gây cong cột sống.

+ Chân và tay

  • Xương yếu dẫn đến cong các xương ở tay hoặc chân
  • Xương to ra và biến dạng ở chân hoặc/ và tay
  • Gãy xương
  • Tăng áp lực lên các khớp và gây viêm xương khớp, thường gặp ở hông và đầu gối.

Trong quá trình thăm khám, người bệnh được kiểm tra mức độ đau và các triệu chứng khác. Bác sĩ có thể quan sát, sờ hoặc yêu cầu người bệnh đi lại để kiểm tra tình trạng yếu và biến dạng xương.

Để đánh giá chi tiết hơn về các xương bị ảnh hưởng, nhiều xét nghiệm sẽ được thực hiện, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang có thể cho thấy những bất thường liên quan đến paget xương. Chẳng hạn như các biến dạng đặc trưng của bệnh (các xương dài bị cong), xương to ra hoặc gãy.
  • Quét xương: Trong quá trình này, chất phóng xạ được tiêm vào cơ thể. Chúng di chuyển đến những điểm bất thương trên xương và sáng lên trên hình ảnh.
  • Xét nghiệm máu phosphatase kiềm: Bệnh nhân có thể được xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ phosphatase kiềm trong máu. Những người bị viêm xương biến dạng đang hoạt động sẽ có nồng độ phosphatase kiềm trong máu tăng cao.
  • Sinh thiết: Đôi khi sinh thiết được thực hiện để loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây biến dạng và đau xương, chẳng hạn như ung thư.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh paget xương thường tiến triển chậm, không có triệu chứng trong giai đoạn đầu và dễ kiểm soát bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên những trường hợp nặng và không được kiểm soát tốt có thể có những biến chứng dưới đây:

Thoái hóa khớp, gãy xương và biến dạng xương nghiêm trọng
Thoái hóa khớp, gãy xương và biến dạng xương nghiêm trọng là những biến chứng thường gặp

  • Gãy xương và biến dạng xương nghiêm trọng. Các xương bị biến dạng có xu hướng chảy máu nhiều hơn khi tiến hành phẫu thuật sửa chữa
  • Thoái hóa khớp
  • Suy tim
  • Những vấn đề về thần kinh
    • Chèn ép và hỏng dây thần kinh
    • Yếu hoặc ngứa ran ở cánh tay hoặc chân
  • Mất thính lực
  • Ung thư xương (hiếm gặp)

Điều trị

Không cần điều trị bệnh paget xương nếu không có triệu chứng. Khi bệnh đang hoạt động và ảnh hưởng đến nhiều xương trên cơ thể, người bệnh sẽ được yêu cầu dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Những phương pháp này có thể giúp kiểm soát bệnh và ngăn các biến chứng.

1. Thuốc

Những thuốc được chỉ định trong điều trị bệnh paget xương:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Naproxen, Aspirin và Ibuprofen có thể được chỉ định để làm dịu cơn đau cho người bệnh. Thuốc này có tác dụng giảm đau xương ở mức độ nhẹ do viêm khớp và paget xương.

  • Bisphosphonates

Thuốc loãng xương (Bisphosphonates) là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị paget xương. Thuốc này ức chế quá trình hủy xương bằng cách ngăn chặn hủy cốt bào. Từ đó giúp điều trị và ngăn bệnh paget xương tiến triển. Các thuốc Bisphosphonates cũng giúp giảm nguy cơ phát triển các biến chứng, chẳng hạn như gãy xương.

Bisphosphonates
Thuốc Bisphosphonates được sử dụng để điều trị bệnh paget xương, ngăn phát triển biến chứng

Bisphosphonates thường được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên thuốc này cũng có thể được dùng bằng đường uống. Những loại thường được sử dụng gồm:

    • Axit zoledronic
    • Ibandronate
    • Pamidronate
    • Alendronat / Risedronate có dạng thuốc uống.

Hầu hết trường hợp đáp ứng với bisphosphonates và bệnh thuyên giảm lâu dài. Tuy nhiên thuốc này không có khả năng điều trị những biến dạng xương.

  • Calcitonin (Miacalcin)

Calcitonin (Miacalcin) được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng tốt với Bisphosphonates. Đây là một loại hormone tự nhiên, có tác dụng chuyển hướng xương và điều hòa canxi. Khi dùng có thể giúp giảm yếu xương và gãy xương.

2. Thiết bị hỗ trợ

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể được hướng dẫn sử dụng thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như gậy. Thiết bị này phù hợp với những người có viêm xương biến dạng ảnh hưởng đến chân và xương chậu.

Việc sử dụng gậy giúp giảm bớt áp lực lên các khớp xương khi di chuyển, giảm lực tác động qua xương và ngăn ngừa té ngã. Từ đó giảm nguy cơ gãy xương của người bệnh.

Đôi khi người bệnh sẽ được hướng dẫn đeo nẹp để ổn định và ngăn chặn sự lệch hướng của xương. Điều này giúp giảm đau hiệu quả.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định để điều trị các biến dạng xương do bệnh paget xương gây ra. Đồng thời ngăn chặn phát triển các biến chứng.

Những trường hợp được chỉ định phẫu thuật:

  • Biến dạng xương nghiêm trọng
  • Có nguy cơ hoặc bị gãy xương
  • Viêm khớp nặng.

Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể tiến hành:

  • Cắt xương

Phẫu thuật cắt xương thường được chỉ định cho những trường hợp có biến dạng xương nghiêm trọng khiến các khớp (như hông và đầu gối) chịu nhiều áp lực. Phương pháp này giúp phục hồi sự liên kết giữa các khớp và giảm đau.

Trong khi thực hiện, bác sĩ tiến hành cắt bỏ một miếng xương gần khớp tổn thương. Sau đó điều chỉnh và ổn định khớp. Điều này giúp duỗi thẳng chân bị cong, tăng sự ổn định và chuyển trọng lượng lên phần khỏe mạnh hơn của khớp.

Phẫu thuật cắt xương
Phẫu thuật cắt xương giúp giảm bớt áp lực lên khớp, tăng ổn định và giảm đau xương

  • Cố định bên trong

Phẫu thuật cố định bên trong được thực hiện cho những trường hợp gãy xương. Trong quy trình này những mảnh xương gãy sẽ được sắp xếp và đặt ở vị trí đúng. Sau đó vít, dây, ghim và tấm kim loại được đùng để cố định và giúp xương lành lại đúng cách.

  • Thay toàn bộ khớp

Phẫu thuật thay khớp được thực hiện khi khớp bị viêm hoặc hư hỏng nặng. Trong khi thực hiện, khớp hỏng bị loại bỏ và được thay thế bằng khớp giả (thường bằng kim loại hoặc nhựa).

Khớp nhân tạo giúp tái tạo lại khớp xương, tăng sự ổn định và phục hồi khả năng vận động bình thường của bệnh nhân. Ngoài ra phẫu thuật thay toàn bộ khớp cũng giảm bớt các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh.

Thay toàn bộ khớp
Thay toàn bộ khớp giúp tái tạo khớp, tăng sự ổn định và phục hồi khả năng vận động bình thường

Bệnh paget xương làm tăng lượng máu cung cấp cho xương, gây chảy nhiều máu khi phẫu thuật sửa chữa. Chính vì thế mà người bệnh thường được yêu cầu sử dụng bisphosphonat trong vài tuần trước khi phẫu thuật.

So với người bình thường, những người mắc bệnh paget xương có thời gian lành lại lâu hơn. Vì vậy người bệnh cần chăm sóc tích cực để sớm chữa lành.

Phòng ngừa

Không có cách ngăn ngừa bệnh paget xương. Tuy nhiên theo dõi thường xuyên và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát bệnh và ngăn các biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp điều trị nào được chỉ định?

2. Lợi ích và rủi ro khi phẫu thuật là gì?

3. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào khi dùng thuốc?

4. Mất bao lâu để điều trị?

5. Tôi cần hạn chế hoặc làm những gì để ngăn các biến chứng của bệnh?

6. Tôi có thể chơi thể thao hoặc hoạt động bình thường hay không?

7. Có những cách nào giúp tôi giảm nhẹ các triệu chứng tốt hơn?

8. Điều gì xảy ra nếu tôi trì hoãn chữa bệnh?

Bệnh paget xương thường gặp ở người lớn tuổi. Sự bất thường trong quá trình tái tạo xương khiến xương yếu, đau, biến dạng và gãy. Để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các biến chứng, người bệnh cần xét nghiệm chẩn đoán và sớm điều trị theo chỉ định của chuyên gia.