Nhược Cơ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Nhược cơ là một bệnh rối loạn thần kinh cơ dẫn đến yếu cơ xương, thường ảnh hưởng đến những cơ mà cơ thể dùng để vận động. Bệnh xảy ra khi có sự gián đoạn hoặc giảm giao tiếp giữa thần kinh và cơ bắp dẫn đến yếu cơ.

Tổng quan

Bệnh nhược cơ (MG) là một bệnh tự miễn và rối loạn thần kinh cơ thường gặp. Bệnh thể hiện cho tình trạng suy giảm hoặc gián đoạn giao tiếp giữa các dây thần kinh và cơ dùng để vận động. Điều này ngăn cản sự co cơ quan trọng.

Bệnh nhược cơ (MG)
Bệnh nhược cơ (MG) xảy ra khi có sự suy giảm giao tiếp giữa các dây thần kinh và cơ

Những người mắc chứng nhược cơ sẽ có cơ yếu, mất kiểm soát cơ bắp một cách tự nguyện, mệt mỏi nghiêm trọng ở nhiều mức độ khác nhau. Những người hợp nặng có thể không thể cử động được các cơ ở mặt, tứ chi, cổ và mắt.

Nhược cơ là bệnh thần kinh mãn tính và không có cách chữa trị. Tuy nhiên một số phương pháp có thể giúp thuyên giảm và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

Phân loại

Bệnh nhược cơ được phân thành nhiều loại. Bao gồm nhược cơ tự miễn dịch và không tự miễn dịch.

1. MG tự miễn dịch

Nhược cơ tự miễn dịch là loại phổ biến nhất. Loại này có thể chỉ ảnh hưởng đến mắt hoặc ảnh hưởng toàn thân. Khác với MG không tự miễn dịch, MG tự miễn dịch không di truyền. Hiếm khi bệnh ảnh hưởng đến nhiều thành viên trong cùng một gia đình.

  • Mắt

Nhược cơ khiến các cơ chủ động ở mắt và mí mắt yếu đi. Điều này dẫn đến yếu mắt, mí mắt sụp xuống. Một số người không mở được mắt hoặc có tầm nhìn đôi.

Khoảng 50% trường hợp nhược cơ ở mắt phát triển thành dạng toàn thân. Điều này thường diễn ra trong vòng 2 năm kể từ thời điểm có triệu chứng.

  • Toàn thân

Trong bệnh nhược cơ toàn thân, yếu cơ xảy ra ở các cơ chủ động ở mắt, cánh tay, cổ, mặt, chân và cổ họng. Các cơ không hoạt động bình thường khiến người bệnh gặp khó khăn khi nuốt, nói, đứng dậy từ tư thế ngồi, giơ tay qua đầu, leo cầu thang và đi bộ đường dài.

Bệnh nhược cơ toàn thân
Bệnh nhược cơ toàn thân có nhiều cơ suy yếu, gây ra triệu chứng ở mắt, tay, cổ, mặt, chân, họng

2. MG không tự miễn dịch

Nhược cơ không tự miễn dịch còn được gọi là chứng nhược cơ bẩm sinh. Tình trạng này ảnh hưởng đến nhiều thành viên trong gia đình.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh nhược cơ xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào các mô của chính nó. Không rõ nguyên nhân gây ra sự rối loạn này.

Ở những người khỏe mạnh, dây thần kinh báo hiệu và giúp cơ bắp hoạt động dễ dàng. Tuy nhiên ở những người bị rối loạn tự miễn dịch, hệ miễn dịch sản sinh các kháng thể tấn công và phá hủy những vị trí cụ thể trên cơ thể. Bao gồm:

  • Aacetylcholine: Kháng thể tấn công những thụ thể của cơ đối với acetylcholine (một chất dẫn truyền thần kinh). Điều này khiến cơ bắp nhận được ít tính hiệu hơn và cơ yếu đi.
  • Thụ thể tyrosine kinase: Sự tấn công của những kháng thể có thể ngăn chặn chức năng của thụ thể tyrosine kinase - một loại protein dành riêng cho cơ. Điều này làm cản trở sự hình thành mối nối thần kinh - cơ, cuối cùng gây ra bệnh nhược cơ.
  • Protein liên quan đến lipoprotein 4 (LRP4): Những kháng thể có thể chống lại protein liên quan đến lipoprotein 4 (LRP4). Điều này góp phần gây ra sự mất liên lạc giữa thần kinh và cơ.

Những tổn thương làm suy giảm hoặc ngăn chặn sự liên lạc giữa dây thần kinh và cơ. Từ đó gây ra những bất thường trong việc điều khiển các bộ phận trên cơ thể. Chính vì thế mà những người bị nhược cơ thường trở nên chậm chạm, không thể hoạt động ở một số vị trí hoặc toàn thân.

Một số nguyên nhân khác:

  • Bất thường của tuyến ức: Tuyến ức kích hoạt hoặc duy trì quá trình sản xuất những kháng thể chống lại acetylcholine. Tuyến này nằm ở ngược trên và dưới xương ức, là một phần của hệ thống miễn dịch. Ở những người bị nhược cơ, tuyến ức sẽ lớn bất thường hoặc có khối u ở tuyến ức.
  • Di truyền: Mặc dù hiếm gặp nhưng trẻ được sinh ra bởi mẹ bị nhược cơ sẽ có khả năng yếu cơ. Tình trạng này được gọi là hội chứng nhược cơ bẩm sinh.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Tiền sử mắc các bệnh tự miễn dịch khác như bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh tuyến giáp
  • Mệt mỏi
  • Căng thẳng
  • Phẫu thuật
  • Mang thai
  • Một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc trị sốt rét, thuốc trị ung thư và rối loạn nhịp tim, một số loại kháng sinh và thuốc gây mê
  • Nữ giới.

Triệu chứng và chẩn đoán

Yếu cơ xương chủ động là triệu chứng chính của bệnh nhược cơ. Trong tình trạng này, người bệnh hầu như không thể kiểm soát các cơ.

Nhược cơ khiến cơ bắp không phản ứng với những xung điện thần kinh, giảm giao tiếp giữa các dây thần kinh và giao tiếp. Cuối cùng gây ra tình trạng yếu cơ và cơ không thể co bóp bình thường.

Tùy thuộc vào bộ phận bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:

+ Mắt

  • Sụp mí mắt
  • Nhìn đôi hoặc mờ
  • Suy nhược tổng thể ở cơ mắt

+ Mặt

  • Liệt mặt
  • Có những thay đổi trên nét mặt

Bệnh nhược cơ gây ra những thay đổi trên nét mặt
Bệnh nhược cơ gây ra những thay đổi rõ ràng trên nét mặt và liệt mặt

+ Họng

Khi các cơ ở cổ họng bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:

  • Khó nuốt
  • Khó nói chuyện
  • Khó nhai
  • Khó thở
  • Yếu ở cổ, khó ngẩng đầu lên

+ Ngực

Nhược cơ ảnh hưởng đến các cơ ở vùng ngực và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Những trường hợp này cần được điều trị khẩn cấp.

Một số triệu chứng gồm:

  • Suy hô hấp
  • Xuất hiện những cơn nhược cơ

+ Tay và chân

  • Mệt mỏi thường xuyên với các mức độ khác nhau
  • Yếu ở ngón tay, cánh tay và bàn tay
  • Yếu chân
  •  Khó khăn khi đứng lên từ tư thế ngồi, nâng vật hoặc lên cầu thang.

Triệu chứng của bệnh thường cải thiện khi nghỉ ngơi. Triệu chứng nghiêm trọng hơn khi:

  • Hoạt động nhiều
  • Không được điều trị (tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian)
  • Trong ba tháng đầu thai kỳ hoặc ngay khi sinh con.

Trong quá trình thăm khám, người bệnh sẽ được kiểm tra ở những vùng bị ảnh hưởng, tình trạng yếu cơ hoặc cơ bắp không hoạt động. Thông thường các triệu chứng có thể giúp bác sĩ nhận ra chứng nhược cơ..

Để tăng tính chuẩn xác, người bệnh sẽ được thực hiện thêm những bài kiểm tra dưới đây:

  • Kiểm tra túi nước đá: Khi khám thấy sụp mí nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu nhắm mắt nghỉ ngơi trong phòng tối hoặc đặt túi nước đá lên mắt. Những người bị nhược cơ s ẽ có triệu chứng cải thiện.
  • Xét nghiệm kháng thể: Ở những người bị nhược cơ, xét nghiệm có thể phát hiện lượng kháng thể thụ thể acetylcholine cao bất thường trong máu (chiếm 85% trường hợp). Một số trường hợp khác có thể phát hiện kháng thể kinase đặc hiệu cho cơ (MuSK).
  • Điện cơ đồ (EMG): Điện cơ đồ được thực hiện nhằm đo hoạt động điện của dây thần kinh và cơ. Điều này giúp phát hiện sự suy giảm hoặc gián đoạn giao tiếp giữa cơ bắp và dây thần kinh của bạn.
  • Chụp MRI hoặc CT: Nếu có ghi ngờ nhược cơ liên quan đến những vấn đề về tuyến ức, người bệnh có thể được chụp MRI hoặc CT. Những xét nghiệm này cung cấp hình ảnh chi tiết, phát hiện khối u hoặc sự gia tăng kích thước bất thường của tuyến ức.
  • Xét nghiệm chức năng phổi: Nếu yếu hoặc liệt cơ ngực, người bệnh sẽ được xét nghiệm chức năng phổi. Xét nghiệm này giúp kiểm tra mức độ ảnh hưởng đến hơi thở.

Biến chứng và tiên lượng

Không có cách điều trị nhược cơ. Các phương pháp chỉ giúp giúp giảm nhẹ và ngăn bệnh thêm nghiêm trọng. Khi không được điều trị, các triệu chứng sẽ tồi tệ hơn theo thời gian, yếu và mệt mỏi. Điều này khiến người bệnh không thể tham gia vào các hoạt động và tăng nguy cơ trầm cảm.

Ở những trường hợp nặng hơn hoặc nhược cơ ở ngực, người bệnh có thể có những biến chứng sau:

Khủng hoảng nhược cơ, suy hô hấp đe dọa tính mạng
Khủng hoảng nhược cơ, suy hô hấp đe dọa tính mạng là những biến chứng có thể gặp

  • Suy hô hấp: Yếu hoặc liệt cơ hô hấp có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Những trường hợp bị liệt hoàn toàn cơ hô hấp sẽ tử vong nhanh hơn khi không được cấp cứu kịp thời.
  • Khủng hoảng nhược cơ:. Biến chứng này xảy ra khi các cơ kiểm soát hơi thở quá yếu và không thể hoạt động. Để giúp thở trở lại, bệnh nhân cần được điều trị khẩn cấp, hỗ trợ thở và áp dụng liệu pháp lọc máu. Khi không được điều trị kịp thời, khủng hoảng nhược cơ có thể gây tử vong.
  • Khối u tuyến ức: Một số trường hợp có khối u tuyến ức khi bị nhược cơ. Khối u này không phải ung thư nhưng có khả năng trở thành ác tính.
  • Tuyến giáp hoạt động kém hoặc quá mức: Tuyến giáp hoạt động kém có thể làm giảm khả năng đối phó với cảm lạnh, tăng cân và gây ra những vấn đề khác. Tuyến giáp hoạt động quá mức làm giảm khả năng đối phó với nóng, giảm cân và phát triển nhiều vấn đề khác.
  • Bệnh tự miễn dịch: Nhược cơ làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh tự miễn dịch khác, bao gồm bệnh lupus ban đỏ và bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Vấn đề ở phổi: Yếu cơ gây nuốt sặc và ho khạc kém. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển biến chứng viêm phổi và sặc phổi.
  • Trầm cảm: Những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm ở bệnh nhân.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Bệnh thường gây ra một số vấn đề sau:
    • Mất hoặc giảm khả năng tập trung
    • Ăn uống kém
    • Suy kiệt
    • Mệt mỏi kéo dài
    • Khó hòa nhập với cộng đồng và ảnh hưởng đến những mối quan hệ.

Điều trị

Có nhiều cách giúp kiểm soát bệnh nhược cơ. Dưới đây là những phương pháp thường được thực hiện:

1. Thuốc

Để giảm triệu chứng và ngăn bệnh phát triển nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều loại thuốc. Bao gồm:

  • Thuốc ức chế cholinesterase: Thuốc này có tác dụng tăng cường sự giao tiếp giữa các dây thần kinh và cơ bắp. Từ đó giúp cải thiện sự co cơ, giảm bớt triệu chứng và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Pyridostigmine (Mestinon, Regonal) là loại thuốc ức chế cholinesterase thường được sử dụng.
  • Corticosteroid: Một loại thuốc Corticosteroid như prednisone (Rayos) thường được sử dụng để ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thuốc có tác dụng làm giảm sản xuất kháng thể bất thường, ngăn kháng thể tấn công vào mô khỏe mạnh. Ngoài ra Corticosteroid còn là một loại thuốc chống viêm mạnh, giúp trị viêm và giảm đau hiệu quả. Thuốc này chỉ được dùng trong thời gian ngắn để tránh gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Nhóm thuốc này có tác dụng thay đổi hoạt động của hệ thống miễn dịch. Từ đó góp phần giảm nhẹ triệu chứng và ngăn nhược cơ thêm nghiêm trọng. Thuốc ức chế miễn dịch có thể được sử dụng đồng thời với Corticosteroid để tăng hiệu quả. Thường mất vài tháng để nhóm thuốc này phát huy tác dụng. Những loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng gồm:
    • Tacrolimus
    • Methotrexate
    • Mycophenolate
    • Azathioprine...

Thuốc ức chế miễn dịch
Thuốc ức chế miễn dịch giúp thay đổi hoạt động của hệ thống miễn dịch, giảm nhẹ triệu chứng

2. Liệu pháp tiêm tĩnh mạch

Liệu pháp tiêm tĩnh mạch thường được chỉ định trong thời gian ngắn đối với những trường hợp sau:

  • Các triệu chứng đột ngột xấu đi
  • Thực hiện trước khi phẫu thuật hoặc trước khi áp dụng những cách chữa khác để tăng hiệu quả điều trị.

Một số lựa chọn:

  • Kháng thể đơn dòng: Nếu không đáp ứng với phương pháp khác, người bệnh được truyền tĩnh mạch một loại kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như Rituximab (Rituxan) và eculizumab (Soliris). Trong đó các protein được thiết kế sinh học sẽ được đưa vào cơ thể. Những protein này có khả năng ngăn chặn hoạt động quá mức của hệ miễn dịch.
  • Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg): Phương pháp này bao gồm việc truyền tĩnh mạch các kháng thể của người hiến tặng cho bệnh nhân, trong thời gian từ 2 - 5 ngày. IVIg có thể giúp giảm triệu chứng, điều trị cơn nhược cơ và nhược cơ toàn thân.
  • Trao đổi huyết tương (plasmapheresis): Phương pháp này giúp loại bỏ những kháng thể bất thường ra khỏi máu. Trong quy trình trao đổi huyết tương, máu trong cơ thể sẽ được chuyển qua một máy loại bỏ kháng thể bất thường. Điều này giúp lọc máu và giảm các triệu chứng. Tuy nhiên hiệu quả của IVIg chỉ kéo dài vài tuần, bệnh nhân cần lặp đi lặp lại để duy trì kết quả. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khó tiếp cận tĩnh mạch.

3. Phẫu thuật

Bệnh nhân thường được phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức, ngay cả khi không có bất thường ở tuyến này. Cắt bỏ tuyến ức sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh nhược cơ.

Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể loại bỏ tuyến ức thông qua phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật mở. Trong phẫu thuật mở, đoạn giữa xương ức được tách ra để mở ngực ở vị trí trung tâm, sau đó cắt bỏ tuyến ức. Những trường hợp phẫu thuật nội soi sẽ có vết mổ nhỏ hơn.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức được thực hiện nhằm giảm các triệu chứng của bệnh nhược cơ

4. Chăm sóc và điều trị tại nhà

Biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà rất cần thiết đối với bệnh nhân bị nhược cơ. Duy trì lối sống lành mạnh và chăm sóc tốt có thể giúp đối phó với các triệu chứng. Đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.

  • Dùng dụng cụ và thiết bị điện

Nên dùng bạn chải đánh răng bằng điện và những dụng cụ điện khác để hạn chế tiêu hao nhiều năng lượng.

  • Thiết bị hỗ trợ

Lắp thanh vịn hoặc lan can trong nhà, đặc biệt ở những nơi cần hỗ trợ như bậc thang và bồn tắm. Điều này giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn, nhất là khi nhược cơ làm ảnh hưởng đến các chi.

Ngoài ra cần giữ cho lối đi của bạn luôn thông thoáng, không có vật cản để tránh vấp ngã.

  • Thay đổi thói quen ăn uống

Cần điều chỉnh thói quen ăn uống khi bị nhược cơ. Nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ nhiều nhóm thực phẩm. Ngoài ra nên chú ý đến một số vấn đề sau:

    • Dành thời gian nhai thức ăn, nghỉ ngơi giữa những lần nhai.
    • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn một bữa ăn lớn.
    • Ăn những loại thức ăn mềm. Tránh thức ăn quá cứng, quá dai để không mất nhiều sức lực.
    • Tăng cường bổ sung protein và carbohydrate thông qua chế độ ăn uống lành mạnh. Những thành phần dinh dưỡng này giúp bạn có nhiều năng lượng hơn và tránh mệt mỏi.

Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tăng cường bổ sung protein và carbohydrate để cải thiện bệnh

  • Miếng che mắt

Đeo một miếng che mắt để giảm việc nhìn đôi. Miếng che nên được chuyển từ mắt này sang mắt kia một cách định kỳ.

  • Luôn lên kế hoạch cho những hoạt động

Hãy liên kế hoạch cho những hoạt động của bạn. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, tránh tiêu hao nhiều năng lượng và hạn chế mệt mỏi.

  • Tăng cường sức mạnh cơ bắp và giảm mệt mỏi

Một số bước dưới đây sẽ giúp giảm triệu chứng của nhược cơ, tăng cường sức mạnh cơ bắp và giảm mệt mỏi:

    • Nếu cảm thấy quá nóng, hãy chườm lạnh lên cổ và trán.
    • Không nên ra ngoài khi thời tiết nắng nóng. Bởi nhiệt độ cao sẽ khiến các triệu chứng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
    • Nên giải quyết sớm những công việc mà bạn cảm thấy mệt mỏi nhất. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
    • Thường xuyên nghỉ giải lao và chợp mắt trong ngày. Điều này cho phép cơ thể được phục hồi và giảm mệt mỏi.

Chườm lạnh lên cổ và trán để ngăn các triệu chứng thêm nghiêm trọng
Chườm lạnh lên cổ và trán để ngăn các triệu chứng thêm nghiêm trọng do thời tiết nắng nóng

Phòng ngừa

Không có cách để ngăn ngừa chứng nhược cơ. Tuy nhiên việc phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh lý này.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến tôi bị nhược cơ?

2. Phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng của tôi là gì?

3. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào phương pháp điều trị?

4. Cần thay đổi lối sống như thế nào để cải thiện bệnh?

5. Nhận biết các biến chứng bằng những dấu hiệu nào?

6. Có những cách nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?

7. Tôi cần điều trị trong bao lâu để kiểm soát triệu chứng?

Bệnh nhược cơ cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn biến chứng, giảm bệnh và các triệu chứng liên quan. Mặc dù không thể chữa khỏi nhưng những phương pháp thích hợp có thể giúp kiểm soát bệnh. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn.