Ngón Chân Hình Búa

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Ngón chân hình búa (Hammer toe) là một dị tật khiến ngón chân cong xuống hoặc uốn cong bất thường. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến ngón chân thứ hai và thứ ba, có thể xuất hiện khi mới sinh.

Tổng quan

Ngón chân hình búa (Hammer toe) còn được gọi là ngón chân co rút - một dị tật khiến ngón chân uốn cong bất thường hoặc cong xuống, tương tự như cái búa. Biến dạng ảnh hưởng đến khớp giữa của ngón chân. Ở ngón cái, biến dạng gây uốn cong khớp gần móng chân nhất.

Ngón chân hình búa
Ngón chân hình búa là một dị tật khiến một vài ngón chân uốn cong bất thường

Trong giai đoạn đầu, ngón chân hình búa giữ được sự linh hoạt, có thể di chuyển được ở các khớp. Theo thời gian, ngón chân không cử động được và cần phải phẫu thuật.

Biến dạng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ngón chân nào trên bàn chân. Tuy nhiên nó thường xảy ra ở chân thứ hai và thứ ba. Biến dạng thường do thói quen mang giày chật và bệnh lý nhưng cũng có thể do biên dạng bẩm sinh.

Phân loại

Ngón chân hình búa được phân thành 3 loại dựa trên mức độ co cứng của khớp ảnh hưởng.

  • Ngón chân hình búa linh hoạt: Các ngón chân uốn cong bất thường nhưng vẫn có thể cử động ở khớp. Loại này được cho là giai đoạn đầu của bệnh với biến dạng vẫn đang phát triển trên các ngón chân bị ảnh hưởng.
  • Nửa cứng: Ngón chân ảnh hưởng bắt đầu cứng lại, ảnh hưởng đến chuyển động nhưng không hoàn toàn.
  • Ngón chân hình búa cứng nhắc: Loại này có các mô mềm và dây chằng đã bị siết chặt khiến ngón chân cứng nhắc, không thể di chuyển được nữa.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ngón chân hình búa xảy ra khi khớp giữa của ngón chân bị uốn cong bất thường hoặc cong xuống dưới. Tình trạng này thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Biến dạng bàn chân bẩm sinh

Một số biến dạng bẩm sinh khiến khớp ngón chân bị uốn cong bất thường. Trong đó bàn chân phẳng khiến cơ thể cố gắng ổn định bàn chân ảnh hưởng trên một vòm phẳng khi di chuyển. Điều này có thể dẫn đến biến dạng của các ngón chân với khớp uốn cong hình búa.

Ngón chân hình búa cũng phổ biến ở những người có vòm chân cao. Tình trạng này khiến các gân duỗi chế ngự các cơ bắp, sau cùng dẫn đến biến dạng ngón chân.

  • Mang giày không vừa vặn

Mang giày quá chật (hẹp), mang giày cao gót hoặc quá ngắn so với bàn chân khiến các ngón chân bị chèn ép và không nằm thẳng. Khi các ngón chân cong trong thời gian dài, cơ ở ngón chân có xu hướng ngắn lại hoặc co rút. Điều này dẫn đến biến dạng ngón chân hình búa, ngón chân bị cong ngay cả khi không mang giày.

Ngoài ra những đôi giày chật hẹp buộc các ngón chân phải vào một vị trí bất thường. Điều này khiến cho cơ bắp của ngón chân không thể kéo dài ra. Từ đó làm tăng nguy cơ phát triển các biến dạng như ngón chân búa, Bunion...

Mang giày không vừa vặn
Mang giày không vừa vặn khiến các ngón chân bị chèn ép dẫn đến biến dạng hình búa

  • Chấn thương ngón chân

Tổn thương ngón chân như gãy xương hoặc đứt gân có thể phát triển thành ngón chân hình búa. Tuy nhiên tình trạng này ít khi xảy ra nếu được điều trị tốt.

  • Sưng ngón chân cái

Chứng sưng ngón chân cái (Bunion) hoặc những vấn đề khác của chân buộc ngón chân cái quay vào trong và hướng về các ngón chân nhỏ hơn, đẩy những ngón chân còn lại ra ngoài.

  • Mất cân bằng các cơ của ngón chân

Các cơ của ngón chân hoạt động theo cặp. Nếu một cơ yếu nhiều hơn so với cơ còn lại, chúng sẽ làm cong ngón chân. Khi sự uốn cong vẫn tiếp diễn, gân và dây chằng ngón chân sẽ thắt chặt khiến tình trạng uốn cong trở thành vĩnh viễn.

Ngoài ra gân và các khớp của ngón chân chịu nhiều áp lực khi các cơ không cân bằng. Theo thời gian, sự mất cân bằng của cơ có thể dẫn đến những biến dạng của ngón chân, chẳng hạn như ngón chân hình búa và ngón chân vồ.

  • Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường gây biến dạng ngón chân hình búa và tăng nguy cơ gặp biến chứng. Vết loét hoặc ngón chân bị chai ở bệnh nhân bị tiểu đường cho thấy sự gia tăng áp lực lên ngón chân.

Ngoài ra lưu lượng máu kém và bệnh thần kinh do đái tháo đường có thể gây nhiễm trùng các vết chai và vết loét, tăng nguy cơ mất bàn chân hoặc ngón chân. Tuy nhiên điều này có thể được ngăn ngừa nếu lượng đường trong máu được kiểm soát tốt và bệnh nhân thay đổi giày.

Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ biến dạng ngón chân hình búa và các biến chứng liên quan

  • Nguyên nhân khác

Ngón chân hình búa cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

    • Bệnh thần kinh cơ
    • Những tổn thương khớp, cơ hoặc/ và thần kinh
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Viêm xương khớp
    • Đột quỵ
    • Hội chứng đau vùng phức tạp
    • Chứng mất điều hòa của Friedreich
    • Bệnh Charcot–Marie–Răng. Đây là một bệnh lý thần kinh vận động và cảm giác di truyền, liên quan đến hệ thần kinh ngoại biên. Bệnh lý này được đặc trưng bởi tình trạng mất dần cảm giác chạm và các mô cơ trên những bộ phận khác nhau của cơ thể.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Tiền sử gia đình: Biến dạng phổ biến hơn ở những người được sinh ra trong gia đình có ngón chân hình búa.
  • Vết chai: Những vết chai dày lên do ma sát kéo dài và lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ phát triển biến dạng.
  • Đi giày mũi nhọn: Những đôi giày mũi nhọn có thể làm thu hẹp không gian của những ngón chân và tăng nguy cơ biến dạng.
  • Giới tính: Phụ nữ thường có nhiều nguy cơ hơn so với nam giới.
  • Tuổi tác: Người lớn tuổi thường có nhiều khả năng phát triển biến dạng hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Ngón chân hình búa được đặc trưng bởi sự uốn cong bất thường của ngón chân. Tình trạng này có thể nhẹ hoặc nặng kèm theo những dấu hiệu và triệu chứng khác. Cụ thể:

  • Một hoặc hai ngón chân uốn cong xuống
  • Khớp ảnh hưởng trở nên cứng nhắc
  • Chuyển động của khớp ngón chân bị hạn chế
  • Đi lại khó khăn hoặc cảm giác khó chịu
  • Đau, thường ở khớp và đầu ngón chân cong
  • Đau khi cố gắng di chuyển, duỗi ngón chân ảnh hưởng hoặc/ và các ngón xung quanh
  • Đau khi đi lại hoặc mang giày
  • Không có khả năng uốn cong bàn chân
  • Không có khả năng ngọ nguậy những ngón chân
  • Ngón chân giống như móng vuốt
  • Sưng hoặc đỏ ở khớp
  • Viêm hoặc có cảm giác nóng rát
  • Có một vết chai trên đầu ngón chân hoặc trên đầu khớp giữa của ngón chân do cọ xát với mặt đất hoặc với giày
  • Vết loét hở (hiếm gặp)

Ngón chân uốn cong xuống
Ngón chân uốn cong xuống, trở nên cứng nhắc, đau, đi lại khó khăn hoặc cảm giác khó chịu

Những triệu chứng của ngón chân hình búa ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian. Điều này diễn ra nhanh hơn ở những người mang những đôi giày không có khả năng hỗ trợ hoặc có tình trạng căng gân.

Bác sĩ thường nhận ra ngón chân hình búa ngay lập tức khi kiểm tra ngón chân và xem xét các triệu chứng. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể thử chạm, di chuyển bàn chân và ngón chân. Điều này giúp đánh giá mức độ cứng nhắc và xem các khớp phản ứng như thế nào.

Sau khi khám lâm sàng, các xét nghiệm bổ sung được chỉ định để đánh giá chi tiết hơn. Cụ thể:

  • Chụp X-quang: X-quang cung cấp hình ảnh của xương và những cấu trúc dày đặc khác ở bàn chân. Điều này giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán và đánh giá mức độ biến dạng.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này được thực hiện để xem liệu tiểu đường có phải là nguyên nhân của ngón chân hình búa hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Ban đầu ngón chân vẫn có thể duỗi ra. Theo thời gian, gân và khớp của ngón chân hình búa bị siết chặt khiến ngón chân bị cong vĩnh viễn. Điều này khiến phần đầu và khớp giữa của ngón chân cọ xát với giày hoặc mặt đất. Từ đó hình thành những vết chai.

Thay vì phân bố áp lực lên đệm mỡ trên ngón chân, ngón chân búa gây ra những áp lực dư thừa lên xương đầu ngón chân. Điều này tạo ra những vét chai và vết loét, phổ biến hơn ở những người bị tiểu đường.

Điều trị

Điều trị bảo tồn được áp dụng trong giai đoạn đầu của ngón chân hình búa, khi ngón chân ảnh hưởng vẫn còn linh hoạt. Những trường hợp có ngón chân bị kẹt ở tư thế uốn cong có thể được cân nhắc phẫu thuật để sửa chữa biến dạng.

1. Điều trị không phẫu thuật

Trong giai đoạn đầu của ngón chân hình búa, người bệnh được hướng dẫn một số phương pháp không phẫu thuật. Những phương pháp thích hợp có thể giúp giảm triệu chứng và ngăn biến dạng thêm nghiêm trọng.

  • Thay đổi giày dép

Thay đổi giày dép có thể ngăn ngón chân hình búa thêm nghiêm trọng. Nên mang giày xăng đan hoặc hở mũi. Giày phải vừa vặn, đế thấp hoặc đế bằng, gót dưới 5cm.

Ngoài ra giày dép được lựa chọn phải có hộp ngón chân rộng và sâu, đảm bảo đủ không gian cho ngón chân dài và cong. Điều này giúp giảm bớt áp lực và cơn đau. Không nên mang những đôi giày chật, ngắn hơn so với chiều dài chân và có đế quá cao.

Nên mang giày xăng đan hoặc hở mũi
Nên mang giày xăng đan hoặc hở mũi, giày dép vừa vặn, đảm bảo đủ không gian cho ngón chân dài và cong

  • Dùng đá bọt hoặc dũa

Sau khi tắm nước ấm, dùng đá bọt hoặc dũa để giảm vết chai hoặc kích thước vết chai lớn trên đầu ngón chân búa. Sau đó bôi một lớp mỏng chất làm mềm để giúp dưỡng ẩm, da mềm mại và dẻo dai hơn.

Khi đi giày, hãy sử dụng miếng đệm silicon trên khu vực ảnh hưởng để tránh hình thành vết chai. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng đúng cách.

  • Bài tập

Thường xuyên thực hiện những bài tập cho bàn chân và ngón chân có thể mang đến nhiều lợi ích. Các bài tập giúp làm mạnh và tăng cường các cơ của bàn chân, cơ cử động ngón chân. Ngoài ra việc luyện tập còn giúp duy trì sự dẻo dai, cải thiện sự linh hoạt và giảm cứng khớp ngón chân.

Một số bài tập hữu hiệu gồm:

Bài tập cuốn khăn

Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho những ngón chân và sự linh hoạt.

    • Đặt khăn trên sàn
    • Nhẹ nhàng duỗi ngón chân bằng tay hoặc duỗi tự nhiên
    • Nhặt khăn dưới chân và dùng những ngón chân để vò nát nó.

Xòe và di chuyển ngón chân

Bài tập này giúp ngăn ngừa tình trạng co rút khiến biến dạng nghiêm trọng hơn và cứng nhắc.

    • Hãy mở rộng bàn chân và ngón chân
    • Nhẹ nhàng cuộn ngón chân, xòe ngón chân, di chuyển bàn chân, di chuyển từng ngón chân.
  • Dùng miếng lót giày

Sử dụng miếng lót giày hoặc dụng cụ chỉnh hình tùy chỉnh. Chúng hoạt động như một miếng đệm lót, giúp giảm đau và kiểm soát chức năng của chân. Ngoài ra miếng lót giày hoặc dụng cụ chỉnh hình còn có khả năng điều chỉnh biến dạng ở những người có vòm cao và bàn chân phẳng.

  • Miếng lót đệm

Dùng miếng lót đệm hoặc băng dán xung quanh ngón chân búa có thể giúp giảm đau và giảm bớt áp lực lên những ngón chân.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được đề nghị khi:

  • Cơn đau nghiêm trọng, các phương pháp không phẫu thuật không giúp ích gì
  • Ngón chân hình búa cứng nhắc, làm gián đoạn những hoạt động hàng ngày.

Phẫu thuật khi điều trị bảo tồn không giúp ích
Phẫu thuật khi ngón chân hình búa gây đau và cứng nhắc, điều trị bảo tồn không giúp ích

Những kỹ thuật thường được áp dụng gồm:

  • Kéo dài gân

Nếu có ngón chân hình búa linh hoạt, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật kéo dài gân. Điều này giúp điều chỉnh gân gây mất cân bằng khớp và giữ cho ngón chân thẳng hàng.

  • Chuyển gân

Phẫu thuật chuyển gân cho những người có ngón chân hình búa linh hoạt. Trong thủ thuật, gân ở dưới ngón chân được chuyển lên đầu ngón chân. Điều này kéo khớp ảnh hưởng vào vị trí thẳng.

  • Hợp nhất khớp

Nếu khớp ngón chân bị cứng, phẫu thuật hợp nhất sẽ được chỉ định. Trong thủ thuật này, bác sĩ loại bỏ một phần xương nhỏ và nhô ra trên ngón chân, sau đó căn chỉnh khớp để ngón chân có thể duỗi ra hoàn toàn.

Chốt thép, tấm kim loại, ghim hoặc/ và dây được chèn vào để giữ cho xương cố định đến khi lành lại. Điều này giúp xương phát triển và hợp nhất với nhau.

Hầu hết trường hợp phẫu thuật đều thành công, hiếm khi có rủi ro. Tuy nhiên một số người có thể bị nhiễm trùng, cứng khớp, tổn thương thần kinh hoặc chảy máu bất thường sau mổ.

Thường mất từ 4 - 6 tuần để vết thương lành lại. Trong thời gian này, người bệnh cần hạn chế sử dụng ngón chân ảnh hưởng cho đến khi nó lành lại. Ngoài ra có thể nâng cao chân thường xuyên để giảm sưng và đau.

Phòng ngừa

Những biện pháp có thể giúp ngăn ngừa ngón chân hình búa gồm:

  • Mang những đôi giày vừa vặn, đủ chỗ để các ngón chân có thể duỗi ra tự nhiên. Không mang giày chật, giày quá ngắn, có mũi nhọn buộc các ngón chân nằm ở vị trí không thoải mái.
  • Tránh mang giày cao gót để hạn chế những vấn đề về lưng và ngón chân.
  • Mang giày hoặc miếng lót chỉnh hình ở những người có biến dạng bàn chân, chẳng hạn như vòm cao hoặc bàn chân bẹt.
  • Thường xuyên thực hiện các bài tập cho bàn chân và ngón chân, tập xòe ngón chân, cuộn ngón chân và di chuyển từng ngón chân. Lặp lại nhiều lần có thể tăng cường các cơ, ngăn ngừa co rút dẫn đến ngón chân hình búa.

Thường xuyên thực hiện các bài tập cho bàn chân  và ngón chân
Thường xuyên thực hiện các bài tập cho bàn chân và ngón chân dể ngăn ngừa co rút dẫn đến ngón chân hình búa

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến ngón chân của tôi bị biến dạng?

2. Ngón chân hình búa có tự biến mất hay không?

3. Tôi có cần phẫu thuật hay không?

4. Mất bao lâu để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật?

5. Rủi ro có khả năng nhất khi phẫu thuật là gì?

6. Sau diều trị, tôi có thể chơi thể thao hoặc hoạt động thể chất bình thường không?

7. Cần hạn chế những gì khi có ngón chân búa?

Ngón chân hình búa không thể tự khỏi, có xu hướng tồi tệ hơn theo thời gian. Tuy nhiên việc điều trị sẽ ngăn biến dạng thêm tồi tệ, giảm nhẹ các triệu chứng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra và xem xét những lựa chọn phù hợp nhất.