Bệnh Nghẹt Mũi

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Nghẹt mũi thường là triệu chứng của viêm mũi và những bất thường trong cấu trúc mũi, chẳng hạn như polyp mũi. Điều này khiến người bệnh có cảm giác đầy ở mũi, khó thở bằng mũi. Tùy thuộc vào nguyên nhân, nghẹt mũi thường xuất hiện cùng với chảy nước mũi sau và sổ mũi.

Tổng quan

Nghẹt mũi là tình trạng tắc nghẽn đường thở bằng mũi, xảy ra khi những màng nhầy và mạch máu trong đường mũi và xoang sưng lên. Tình trạng này khiến người bệnh khó thở bằng mũi, có cảm giác đầy ở mũi hoặc mặt.

Nghẹt mũi
Nghẹt mũi xảy ra màng nhầy và mạch máu trong đường mũi và xoang sưng lên dẫn đến tắc nghẽn

Hầu hết trường hợp bị tắc nghẽn nhẹ, có thể tự khỏi hoặc được khắc phục nhanh bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên tình trạng này có thể lặp lại thường xuyên cho đến khi nguyên nhân được chữa khỏi hoàn toàn.

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị nghẹt mũi. Mặc dù vậy tình trạng này dễ xảy ra hơn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn từ 25 - 64 tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nghẹt mũi xảy ra do nhiều nguyên nhân. Mũi chứa những sợi lông mũi (mọc phía trước mũi) và lông vi mao có cấu trúc giống như những sợi tóc nhỏ. Chúng có tác dụng loại bỏ phấn hoa, vi khuẩn, dị vật, những hạt bụi lớn... để những tác nhân không tiến sâu vào bên trong và gây hại cho hệ hô hấp.

Khi xì mũi hoặc hắt hơi, các chất kích thích và chất gây dị ứng sẽ bị tống ra bên ngoài. Tuy nhiên một số trường hợp có lông mũi và lông mao không loại bỏ được hết các chất kích thích.

Khi tác nhân không được loại bỏ, mô lót bên trong mũi bắt đầu viêm và sưng lên. Điều này khiến hệ thống miễn dịch phản ứng lại bằng cách tăng tiết chất nhầy, giúp rửa sạch tác nhân xâm nhập. Tuy nhiên mô mũi sưng lên có thể ngăn chất nhầy thoát ra ngoài. Cả hai điều này khiến tình trạng tắc nghẽn xảy ra và làm trầm trọng hơn mức độ nghẹt mũi.

Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp của những tình trạng dưới đây:

Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng thường gây nghẹt mũi kèm theo những triệu chứng khác như hắt hơi và ngứa mũi

  • Viêm mũi dị ứng: Tình trạng viêm xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc kích thích trong môi trường. Cụ thể như phấn hoa, nấm móc, mạt bụi, lông thú cưng... Bệnh làm tăng tiết dịch nhây và gây tắc nghẽn đường thở.
  • Viêm mũi không dị ứng: Viêm mũi không dị ứng xảy ra khi người bệnh có một số bệnh lý được gây ra bởi virus hoặc tiếp xúc với những chất kích ứng. Chẳng hạn như khói thuốc, thức ăn cay nóng, khói sơn. Tình trạng viêm làm tăng tiết chất nhầy, khiến dịch tích tụ trong các mô mũi và các mô sưng lên. Từ đó gây tắc nghẽn.
  • VA và amidan phì đại: VA và amidan là những tuyến nằm phía sau đường mũi, giúp chống lại vi trùng. Tuy nhiên chúng có thể sưng lên do nhiễm trùng hoặc viêm dẫn đến nghẹt mũi.
  • Nhiễm trùng xoang (viêm xoang): Viêm xoang làm tăng tiết dịch mũi. Dịch mũi nhiều và đặc quánh (do nhiễm trùng) cùng với tình trạng viêm sưng mô lót khiến dịch nhầy không thể thoát ra ngoài. Điều này dẫn đến sự ứ đọng, dịch nhầy tràn vào hốc mũi. Từ đó gây ra tình trạng tắc nghẽn và nghẹt mũi.
  • Thay đổi nội tiết tố: Nghẹt mũi có thể xảy ra ở những người có nội tiết tố thay đổi, chẳng hạn như đang mang thai hoặc trải qua tuổi dậy thì.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây nghẹt mũi. Chẳng hạn như:
    • Thuốc giảm đau
    • Thuốc điều trị huyết áp cao
    • Thuốc trầm cảm
    • Thuốc chống co giật
    • Thuốc điều trị rối loạn cương dương
  • Mang thai: Nghẹt mũi thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất. Tình trạng này xuất hiện do sự mất cân bằng nội tiết tố và tăng cung cấp máu khi mang thai. Những thay đổi làm ảnh hưởng đến màng mũi, gây khô, viêm và chảy máu. Từ đó dẫn đến nghẹt mũi.
  • Nguyên nhân khác:
    • Hen suyễn
    • Polyp mũi
    • Khối u xoang
    • Bất thường về cấu trúc mũi như phì đại cuốn mũi hoặc lệch vách ngăn mũi
    • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
    • Phơi nhiễm hóa chất
    • Chất kích thích trong môi trường
    • Không khí khô hoặc lạnh
    • Cảm lạnh thông thường, cúm
    • Rượu bia
    • Thức ăn, đặc biệt là những món ăn cay nóng
    • Bệnh u hạt kèm theo viêm nhiều mạch
    • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
    • Suy giảm khả năng vận động có thể khiến cơ thể khó đào thải chất nhầy hơn khi nằm xuống. Điều này dẫn đến sự tắc nghẽn.
    • Một số bệnh lý như xơ nang và rối loạn vận động đường mật (rối loạn túi mật) làm giảm vận chuyển chất nhầy và gây tắc nghẽn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Khi bị nghẹt mũi, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

  • Cảm thấy đầy ở mũi hoặc mặt
  • Không thể hít hoặc xì mũi
  • Khó thở hoặc không thể thở được bằng mũi

Nghẹt mũi khiến người bệnh khó thở hoặc không thể thở được bằng mũi
Nghẹt mũi khiến người bệnh khó thở hoặc không thể thở được bằng mũi, cảm thấy đầy ở mũi hoặc mặt

Triệu chứng ở trẻ em:

  • Chán ăn hoặc giảm cảm giác thèm ăn
  • Khó ăn
  • Khó thở
  • Nghẹn chất nhầy
  • Khó ngủ hoặc gián đoạn giấc ngủ

Tùy thuộc vào nguyên nhân, nghẹt mũi thường đi kèm với những triệu chứng sau:

  • Nhức đầu
  • Đau mũi
  • Ho
  • Hắt xì
  • Chảy nước mũi sau
  • Sổ mũi
  • Chảy dịch nhầy mủ xuống cổ họng

Nghẹt mũi được phát hiện khi kiểm tra mũi và họng, hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh. Hầu hết các trường hợp không cần phải xét nghiệm.

Tuy nhiên nếu nghẹt mũi kéo dài hoặc có nguyên nhân phức tạp, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện để nắm rõ tình trạng, cụ thể:

  • Nội soi mũi: Ống nội soi có camera và đèn được đưa vào sâu bên trong mũi để kiểm tra đường mũi và xoang. Điều này giúp nhìn thấy những bất thường bên trong mũi, chẳng hạn như polyp.
  • Nuôi cấy vi trùng: Bệnh nhân có thể được nuôi cấy vi trùng để kiểm tra vi khuẩn cụ thể trong cổ họng. Khi thực hiện, bác sĩ sử dụng tăm bông dài quẹt vào sau cổ họng, sau đó mang đi nuôi cấy vi trùng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Nếu có vật cản trong mũi, người bệnh sẽ được yêu cầu chụp CT. Điều này giúp xác định vật cản trong khoang mũi hoặc các xoang quanh mũi, chẳng hạn như khối u ung thư, polyp, lệch vách ngăn mũi.

Biến chứng và tiên lượng

Nghẹt mũi là một tình trạng lành tính, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nhiều trường hợp bị nghẹt mũi liên tục trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên tránh tiếp xúc chất gây kích ứng, chăm sóc mũi đúng cách và dùng thuốc có thể giảm bớt và ngăn nghẹt mũi tái phát.

Điều trị

Điều trị nghẹt mũi dựa vào nguyên nhân. Tránh tiếp xúc tác nhân và một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể làm dịu các triệu chứng. Những trường hợp nặng cần dùng thuốc để điều trị.

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Những biện pháp chăm sóc dưới đây có thể giúp làm dịu triệu chứng của bạn:

Xông mũi
Xông mũi với nước nóng giúp thư giãn, lưu thông đường mũi và giảm tình trạng tắc nghẽn

  • Xông mũi: Hít hơi nước từ bát nước nóng có thể giúp lưu thông đường mũi, giảm tắc nghẽn. Khi thực hiện, trùm một chiếc khăn lên đầu và bao phủ bát nước, hướng mặt về phía hơi nước bốc lên. Hít hơi nước trong khi tắm nước ấm cũng có thể giúp thư giãn và giảm nghẹt mũi.
  • Xịt hoặc rửa nước muối: Dùng nước muối dạng xịt hoặc rửa vài lần mỗi ngày. Nước muối có tác dụng kháng viêm, chống nhiều trùng, rửa trôi chất nhầy và chất kích thích. Từ đó làm sạch đường mũi và các xoang, phòng ngừa và điều trị nghẹt mũi. Ngoài ra thường xuyên rửa mũi bằng nước muối còn giúp dưỡng ẩm bên trong mũi.
  • Dùng máy tạo độ ẩm: Dùng máy tạo độ ẩm trong nhà hoặc nơi làm việc giúp bổ sung độ ẩm cho không khí. Từ đó làm dịu đường mũi bị viêm và phá vỡ chất nhầy. Tuy nhiên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng máy tạo độ ẩm cho bệnh nhân bị hen suyễn.
  • Gối cao đầu: Hãy thử nằm trên một chiếc gối cao đầu khi ngủ. Biện pháp này có thể kích thích chất nhầy ra khỏi đường mũi.
  • Sử dụng bóng hoặc máy hút mũi: Nếu trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, hãy sử dụng bóng hút mũi hoặc máy hút mũi để làm sạch đường mũi. Thiết bị này giúp loại bỏ lượng chất nhầy còn sót lại trong mũi. Khi thực hiện, nhỏ một vài giọt nước muối vào một bên mũi. Sau đó nhẹ nhàng hút mũi.
  • Uống nhiều chất lỏng: Uống nhiều nước (chẳng hạn như nước lọc, nước canh và nước ép trái cây) có thể giúp phá vỡ sự tắc nghẽn.

2. Thuốc

Nếu nghẹt mũi kéo dài hoặc do bệnh lý mãn tính, người bệnh được dùng thuốc điều trị để giảm bớt triệu chứng. Những loại thuốc thường được sử dụng:

  • Thuốc kháng histamin: Người bệnh có thể được kê thuốc kháng histamin đường uống hoặc xịt mũi chứa histamin. Thuốc có tác dụng làm dịu phản ứng của hệ thống miễn dịch và điều trị dị ứng. Khi dùng có thể giúp hạn chế kích ứng, giảm ngứa mũi, nghẹt mũi, sổ mũi và nhiều triệu chứng khó chịu khác.
  • Thuốc xịt mũi corticosteroid: Thuốc corticosteroid dạng xịt thường được dùng cho những bệnh nhân bị nghẹt mũi do viêm hoặc polyp mũi. Thuốc có tác dụng điều trị viêm, làm dịu niêm mạc, giảm sưng nề và hạn chế nghẹt mũi. Ngoài ra corticosteroid còn có tác dụng làm co polyp trong đường mũi và xoang.
  • Corticosteroid đường uống: Viên uống corticosteroid được dùng trong điều trị viêm mũi gây tắc nghẽn dai dẳng. Thuốc giúp tăng hiệu quả điều trị viêm và giảm nhanh những triệu chứng liên quan.
  • Thuốc xịt Ipratropium bromide: Thuốc này được dùng để điều trị sổ mũi.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu bị nhiễm trùng do vi khuẩn, thuốc kháng sinh được dùng để điều trị viêm nhiễm. Điều này giúp khắc phục nguyên nhân, hạn chế tắc nghẽn.
  • Thuốc thông mũi: Viên uống, thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt thông mũi được dùng cho những trường hợp tắc nghẽn nghiêm trọng. Thuốc có tác dụng điều trị tắc nghẽn, làm thông đường mũi. Tuy nhiên thuốc thông mũi chỉ được dùng trong vài ngày.

3. Phẫu thuật

Nếu tắc nghẽn dai dẳng do polyp trong đường mũi hoặc xoang và dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Phương pháp này giúp loại bỏ polyp, mở thông đường mũi và xoang. Từ đó giảm tích tụ chất nhầy và nghẹt mũi.

Nếu có khối u trong mũi, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để xác định u lành hay ác tính. Sau đó đề nghị phẫu thuật để loại bỏ.

Phẫu thuật cũng được chỉ định cho những bệnh nhân bị lệch vách ngăn mũi. Điều chỉnh vách ngăn giúp giảm các triệu chứng, bao gồm cả nghẹt mũi.

Phòng ngừa

Nghẹt mũi xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên hầu hết đều được ngăn ngừa bởi những biện pháp dưới đây:

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh
Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh để ngăn ngừa cảm lạnh và cúm dẫn đến tắc nghẽn đường mũi

  • Tránh cảm lạnh và cúm bằng cách giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, không tiếp xúc gần với những người đang cúm hoặc những loại nhiễm trùng khác.
  • Nếu bị dị ứng, cần tránh tiếp xúc với những chất kích ứng và chất gây dị ứng trong môi trường. Cụ thể như khói bụi, nấm mốc, chất hóa học, bụi gỗ, khói thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo...
  • Không hút thuốc và tránh hít khói thuốc lá.
  • Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để duy trì sức khỏe.
  • Ăn uống đầy đủ và lành mạnh. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung các vitamin và khoáng chất.
  • Tránh căng thẳng và lo lắng. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây rối loạn nội tiết tố.
  • Không sử dụng kéo dài các thuốc thông mũi. Bởi điều này làm nặng hơn mức độ nghẹt mũi trong tương lai (tắc nghẽn phục hồi).
  • Điều trị tốt những tình trạng nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng xoang, viêm họng, viêm amidan và những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà và nơi làm việc để bổ sung độ ẩm trong mùa khô. Điều này giúp làm dịu niêm mạc mũi, giảm viêm mũi và nghẹt mũi.
  • Thường xuyên rửa sạch đường mũi và xoang bằng nước muối sinh lý. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và phòng ngừa nghẹt mũi.
  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể, sức đề kháng và khả năng chống bệnh.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày để duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ tắc nghẽn đường mũi.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân gây nghẹt mũi của tôi là gì?

2. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?

3. Khi nào cần phẫu thuật? Lựa chọn phù hợp và rủi ro?

4. Cách chăm sóc để điều trị và ngăn ngừa nghẹt mũi là gì?

5. Bệnh lý của tôi là tạm thời hay vĩnh viễn?

6. Tôi cần tránh những gì khi điều trị?

7. Tôi cần dùng thuốc trong bao lâu?

Nguyên nhân gây nghẹt mũi thường nhẹ và tạm thời. Tuy nhiên một số trường hợp có thể gây tắc nghẽn dai dẳng và tái phát thường xuyên. Điều trị thường dựa vào nguyên nhân. Áp dụng các biện pháp chăm sóc và dùng thuốc khi cần thiết sẽ sớm khắc phục tình trạng.