Bệnh Nám Da

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Nám da là một dạng rối loạn sắc tố da phổ biến. Trong đó những đốm giống như tàn nhang hoặc những mảng màu nâu / xám xanh xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là mặt. Tình trạng này vô hại và có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp.

Tổng quan

Nám da là một dạng rối loạn da, được đặc trưng bởi những mảng da màu nâu sẫm, nâu nhạt và/ hoặc xám xanh trên da. Những mảng này thường tập trung ở mặt và cẳng tay, có dạng phẳng, đôi khi xuất hiện ở dạng đốm tương tự như tàn nhang.

Nám da
Nám da là một dạng rối loạn da với những mảng da đổi màu xuất hiện trên mặt và nhiều vị trí khác

Nám da thường ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai nên còn được gọi là mặt nạ thai kỳ. Tình trạng này không gây hại nhưng làm giảm tính thẩm mỹ.

Những triệu chứng của nám da thuyên giảm vào mùa đông và nặng hơn vào mùa hè. Mới phát thường đậm, sau đó nhạt dần theo thời gian hoặc khi có phương pháp điều trị.

Phân loại

Nám được chia thành 3 loại dựa trên độ sâu của sắc tố, bao gồm:

  • Nám biểu bì: Nám biểu bì có những vết nám màu nâu sẫm, đường viền rõ rệt, dùng ánh sáng đen có thể phát hiện nhanh tình trạng. Loại nám này có thể đáp ứng tốt với điều trị.
  • Nám da: Nám da xuất hiện với những vết nám màu nâu nhạt hoặc hơi xanh, không có hoặc có đường viền mờ, không có thay đổi khi kiểm tra dưới ánh sáng đen. Loại nám này không đáp ứng tốt với điều trị.
  • Nám hỗn hợp: Đây là loại phổ biến nhất trong 3 loại nám. Nám hỗn hợp sẽ có những mảng da màu nâu hoặc hơi xanh, biểu hiện ở dạng hỗn hợp khi chiếu ánh sáng đen. Loại nám này có một số phản ứng với điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Những nguyên nhân dưới đây có thể gây nám da:

  • Thay đổi nội tiết tố

Nám da thường liên quan đến nội tiết tố. Rối loạn nội tiết tố khiến hàm lượng sắc tố melanin tăng nhanh trong cơ thể. Từ đó gây ra tình trạng nám da.

Tình trạng này thường gặp ở những nhóm đối tượng sau:

    • Phụ nữ mang thai
    • Giai đoạn dậy thì
    • Tiền mãn kinh
    • Thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai làm thay đổi nội tiết tố

So với những nguyên nhân khác, nám da do rối loạn nội tiết tố dễ khắc phục hơn. Sau khi nội tiết tố được ổn định, những vết nám sẽ nhanh chóng mất đi.

  • Di truyền

Một số nghiên cứu cho thấy, tiền sử gia đình bị nám da sẽ làm tăng nguy cơ cho con cái. Nguyên nhân này chiếm 30% các trường hợp.

  • Tiếp xúc ánh nắng mặt trời

Melanin được sản sinh khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Điều này khiến nhiều vết nám hình thành trên cơ thể và ngày càng lan rộng.

Ngoài nám, thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời còn gây khô da, lão hóa da sớm và ung thư da. Nguyên nhân là do tia UV trong ánh nắng có khả năng phá vỡ những cấu trúc dưới da và các tế bào.

Thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời
Thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời làm tăng quá trình sản sinh melanin và gây nám da

  • Phản ứng viêm

Phản ứng viêm do tiếp xúc chất kích thích, sau thủ thuật hoặc điều trị những bệnh lý về da có thể làm tăng tốc độ sản sinh melanin. Điều này gây ra những vết nám tập trung ở những vùng có tổn thương trước đó.

  • Kích ứng da

Lạm dụng mỹ phẩm, sử dụng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp... có thể gây kích ứng, làm hao mòn và giảm khả năng tự bảo vệ của da. Điều này khiến da dễ tổn thương và tăng nguy cơ hình thành những vết sạm nám.

  • Thuốc

Một số loại thuốc làm tăng mức độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Từ đó làm tăng nguy cơ phát triển những vết sạm nám và tàn nhang.

Tình trạng này phổ biến hơn khi sử dụng kéo dài những loại thuốc dưới đây:

    • Thuốc chống loạn thần
    • Thuốc kháng sinh
    • Thuốc lợi tiểu
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
    • Thuốc hạ đường huyết
    • Retinoids
  • Căng thẳng

Căng thẳng, stress kéo dài làm tăng tốc độ lão hóa da, làm rối loạn nội tiết tố. Từ đó khiến da kém đàn hồi, tăng nhạy cảm, hình thành hoặc làm nặng hơn mức độ nám da.

Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở những người thường xuyên suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, thay đổi tâm lý bất thường, có thời gian nghỉ ngơi và sinh hoạt không hợp lý.

Căng thẳng quá mức và kéo dài
Căng thẳng quá mức và kéo dài dẫn đến rối loạn nội tiết tố, lão hóa da và nám da

  • Chế độ ăn uống không phù hợp

Những người có thói quen uống nhiều rượu bia, ăn nhiều thực phẩm cay nóng, ít uống nước... sẽ là giảm khả năng bảo vệ da với những yếu tố bên ngoài. Điều này khiến da khô sạm, lão hóa và có những vết nám.

Ngoài ra nám da cũng xảy ra ở những người có dinh dưỡng không hợp lý, không bổ sung các loại vitamin thiết yếu, không ăn nhiều trái cây và hoa quả.

  • Một số nguyên nhân khác
    • Hút thuốc lá và sử dụng những chất kích thích
    • So với nam giới, nữ giới có nhiều nguy cơ hơn (chiếm 90% trường hợp nám da)
    • Nhiễm độc thủy ngân, chì hoặc corticoid
    • Sự lão hóa da
    • Dị ứng da tại chỗ
    • Bệnh lý tuyến giáp
    • Người da màu có nguy cơ cao hơn
    • Tiếp xúc nhiều với màn hình LED từ máy tính xách tay, tivi, máy tính bảng, điện thoại di động...
    • Phản ứng quang độc với đồ trang điểm (mỹ phẩm)
    • Một số loại xà phòng thơm làm nặng hơn tình trạng nám da.
    • Estrogen/ Diethylstilbestrol. Diethylstilbestrol là dạng tổng hợp của hormone estrogen, được dùng phổ biến trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Triệu chứng và chẩn đoán

Nám da được nhận biết thông qua những mảng đổi màu xuất hiện trên da. Những mảng tối hơn màu da thông thường thường xuất hiện rải rác ở trên mặt và đối xứng ở cả hai bên mặt.

Ngoài ra những mảng đổi màu còn xuất hiện ở cánh tay, cổ và nhiều khu vực khác trên cơ thể tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

Những vị trí bị ảnh hưởng:

  • Vai và cánh tay trên
  • Trán, má, mũi và môi trên
  • Hai bên má
  • Trên má và mũi
  • Trên đường viền hàm
  • Tất cả các bên ở cổ, thường gặp ở những người trên 50 tuổi.

Những mảng đổi màu do nám da không kèm theo những triệu chứng khác và không gây tổn hại về thể chất.

Nám da làm xuất hiện những mảng da màu nâu sẫm, nâu nhạt hoặc màu xám xanh trên da
Nám da làm xuất hiện những mảng da màu nâu sẫm, nâu nhạt hoặc màu xám xanh trên da

Trong quá trình thăm khám, vùng da tổn thương sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng bằng những phương pháp sau:

  • Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ thường quan sát và sờ vùng da bị nám. Ngoài ra bệnh nhân có thể được đặt một số câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh và thói quen.
  • Kiểm tra đèn Wood: Khi chiếu lên da, ánh sáng của đèn Wood có khả năng phát hiện tình trạng nhiễm trùng do nấm và vi khuẩn. Đồng thời xác định có bao nhiêu lớp da ảnh hưởng bởi nám.
  • Sinh thiết: Trong nhiều trường hợp, sinh thiết da được thực hiện để xem liệu có tình trạng nghiêm trọng nào khác hay không. Trong quá trình này, một mảnh da nhỏ của vùng da ảnh hưởng sẽ được lấy ra và thử nghiệm.

Thông qua kiểm tra có thể xác định nhanh tình trạng nám da, đánh giá mức độ nghiêm trọng và định hướng điều trị.

Biến chứng và tiên lượng

Nám da vô hại đối với sức khỏe. Tuy nhiên những mảng da tối màu rải rác ở nhiều vị trí trên cơ thể, kích thước lớn nhỏ khác nhau làm giảm tính thẩm mỹ.

Nám da do rối loạn nội tiết tố thường dễ điều trị hoặc tự biến mất khi nội tiết tố đã ổn định. Nám do do những nguyên nhân khác khó điều trị hơn, những mảng da tối màu xuất hiện dai dẳng, cần chữa trị tích cực với những giải pháp phù hợp.

Điều trị

Phương pháp điều trị được chỉ định dựa vào nguyên nhân và mức độ nám da. Dưới đây là một số lựa chọn điều trị tốt nhất:

1. Thuốc / kem bôi

Kem bôi ngoài da chứa vitamin C, hydroquinone, corticosteroid hoặc axit azelaic có thể được sử dụng trong điều trị nám da. Những sản phẩm này sử dụng chất ức chế tyrosinase để ngăn chặn sự hình thành hắc tố. Từ đó ngăn hình thành sắc tố mới cũng như những vết nám khác. Ngoài ra liệu pháp tại chỗ còn có tác dụng làm mờ vết nám hiệu quả.

Những sản phẩm thường được sử dụng gồm:

Dùng kem bôi chứa Axit azelaic
Dùng kem bôi chứa Axit azelaic giúp ngăn chặn sự hình thành hắc tố, làm mờ nám da hiệu quả

  • Axit azelaic: Axit azelaic được dùng ở dạng kem, gel hoặc lotion. Sản phẩm này được thoa 2 lần/ ngày, an toàn cho phụ nữ mang thai.
  • Cysteamine: Kem Cysteamine mang đến hiệu quả làm mờ vết nám nhanh chóng.
  • Hydrocortisone: Đây là một loại corticosteroid tại chỗ. Những sản phẩm chứa Hydrocortisone đều có khả năng làm mờ màu do nám gây ra.
  • Hydroquinone: Thuốc Hydroquinone thường được sử dụng dưới dạng lotion hoặc kem bôi. Thuốc được dùng để bôi trực tiếp vào những mảng nám vào ban đêm, sử dụng trong vòng 2 - 4 tháng.
  • Alpha hydroxyacid tại chỗ: Loại này thường được dùng để làm bong những sắc tố biểu bì. Alpha hydroxyacid tại chỗ hoạt động bằng cách loại bỏ lớp da bề mặt.
  • Chiết xuất đậu nành: Những sản phẩm chứa hiết xuất đậu nành có khả năng làm giảm sự chuyển màu từ hắc sắc tố đến những tế bào da.
  • Methimazole: Methimazole có thể được dùng ở dạng thuốc uống hoặc kem chống tuyến giáp. Thuốc này có khả năng trị nám kháng hydroquinone.
  • Axit tranexamic: Trong nhiều trường hợp, Axit tranexamic được dùng ở dạng kem bôi, thuốc uống hoặc thuốc tiêm để chữa nám.
  • Tretinoin: Tretinoin bôi ngoài da giúp làm mờ vết nám. Tuy nhiên sản phẩm này có thể gây viêm da và không an toàn cho phụ nữ mang thai.

Kem bôi cần được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu. Bởi thành phần của các sản phẩm có khả năng gây kích ứng da. Đặc biệt kem bôi chứa corticosteroid có thể gây teo da và mỏng da; hydroquinone và tretinoin gây viêm da.

2. Lột bỏ sắc tố

Lột bỏ sắc tố là phương pháp điều trị phổ biến cho những vết nám ở vùng má. Phương pháp này có thể giúp loại bỏ vết nám một cách nhanh chóng.

Trong khi điều trị, kem bôi chứa acid (chẳng hạn như salicylic acid hoặc alpha hydroxy acid) sẽ được sử dụng để tác động lên da. Các hoạt chất giúp làm mỏng và loại bỏ lớp da cũ. Đồng thời tăng tốc độ tái tạo làn da mới sáng mịn. Từ đó làm mờ nám hiệu quả.

Trong nhiều trường hợp, retinoids sẽ được hướng dẫn sử dụng với liều lượng thích hợp. Chất này giúp trẻ hóa làn da và làm mờ nám hiệu quả. Tuy nhiên retinoids có nhiều phản ứng phụ nên không được sử dụng cho những phụ nữ đang mang thai.

3. Sử dụng ánh sáng cường độ cao

Nếu nám da ở mức độ năng, bác sĩ có thể sử dụng ánh sáng cường độ cao để tác động lên những vùng da bệnh. Ánh sáng này có khả năng loại bỏ hàm lượng sắc tố melanin tích tụ dưới da. Từ đó làm mờ vết nám.

Thông thường phương pháp điều trị nám da bằng ánh sáng cường độ cao sẽ được thực hiện liên tục từ 10 - 20 tuần. Hầu hết bệnh nhân có vết nám mờ hoặc mất đi sau quá trình điều trị. Tuy nhiên chúng có thể tái phát nếu có yếu tố nguy cơ.

4. Biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu bị nám da, hãy áp dụng những biện pháp dưới đây để hỗ trợ chữa nám:

Sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài
Sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài để bảo vệ da, hỗ trợ điều trị nám hiệu quả

  • Sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài. Thoa lại kem chống nắng mỗi 2 giờ.
  • Che chắn kỹ lưỡng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Tránh những phương pháp điều trị nội tiết tố và kiểm soát sinh sản. Chẳng hạn như sử dụng thuốc tránh thai và những phương pháp liên quan đến estrogen.
  • Tránh căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực. Nên giữ tâm trạng thoải mái, dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
  • Tránh tiếp xúc nhiều với màn hình LED để không làm nặng hơn mức độ nám da.
  • Không trang điểm nếu cảm thấy khó chịu cho làn da.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Tránh những loại thuốc có thể gây nên hoặc làm nặng hơn tình trạng nám da.
  • Tránh dùng xà phòng thơm, tẩy lông, những sản phẩm chăm sóc da có khả năng gây dị ứng.

Phòng ngừa

Nhiều nguyên nhân gây nám da không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên nguy cơ sẽ giảm nếu áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nên che chắn kỹ lưỡng.
  • Bảo vệ làn da khỏi tác động từ tia UV bằng cách bôi kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp (SPF ít nhất 30), không tiếp xúc ánh nắng có mật độ tia UV cao. Kem chống nắng nên được bôi sau mỗi 2 giờ.
  • Ngủ đủ giấc, dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan. Tránh căng thẳng và lo âu để không gây rối loạn nội tiết tố.
  • Tránh sử dụng thuốc tránh thai dài ngày hoặc những phương pháp liên quan đến estrogen. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng những phương pháp điều trị nội tiết tố và kiểm soát sinh sản.
  • Tránh tiếp xúc nhiều với màn hình LED từ màn hình máy tính, điện thoại di động...
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Tránh những loại thuốc có thể gây nên tình trạng nám da.
  • Tránh dùng những sản phẩm làm sạch và chăm sóc da có khả năng gây dị ứng.
  • Không sử dụng những sản phẩm dưỡng da có chứa những thành phần gây kích ứng, sản phẩm không rõ nguồn gốc.
  • Thực hiện chế độ ăn uống thân thiện với da, bổ sung đầy đủ vitamin, omega-3 với nhiều rau xanh và trái cây tươi. Ngoài ra nên uống nhiều nước lọc mỗi ngày. Điều này giúp làm chậm quá trình lão hóa, da căng tràn sức sống và mịn màng hơn, giảm nguy cơ bị nám.
  • Thăm khám với bác sĩ da liễu khi có những vấn đề về da. Tránh tự ý sử dụng thuốc, sản phẩm dưỡng da không rõ nguồn gốc để điều trị nám da hoặc những tình trạng khác.

Xây dựng chế độ ăn uống thân thiện với da, nhiều vitamin và omage-3
Xây dựng chế độ ăn uống thân thiện với da, nhiều vitamin và omage-3 để tăng sức khỏe làn da, ngăn ngừa nám da

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?

2. Những phương pháp điều trị nám da phổ biến và tốt nhất là gì?

3. Điều trị nám da trong bao lâu?

4. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng của tôi?

5. Kem chống nắng / sản phẩm dưỡng da nào phù hợp với tôi?

6. Có điều gì cần tránh khi chữa nám da không?

7. Rủi ro và lợi ích từ phương pháp được đề nghị?

Nám da là một tình trạng thường gặp ở phụ nữ, xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tùy thuộc vào tình trạng những vết nám có thể tự khỏi hoặc cần điều trị trong thời gian dài. Để đạt hiệu quả nhanh, tốt nhất nên điều trị sớm và dựa trên chỉ định của bác sĩ.