Bệnh Nấm Bẹn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Nấm bẹn là một bệnh bấm da phổ biến, đặc trưng bởi những tổn thương ở bẹn và mông do nhiễm nấm. Bệnh lý này không quá nguy hiểm và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh có thể gây khó chịu lâu ngày.

Tổng quan

Bệnh nấm bẹn (hay hắc lào) là thuật ngữ chỉ những tổn thương ở vùng bẹn và mông do một loại vi nấm cạn gây ra. Bênh khởi phát với những nốt da đỏ có kích thước khác nhau. Sau đó là những tổn thương dạng sẩn và mụn nước kèm theo cảm giác ngứa ngáy.

Bệnh nấm bẹn
Bệnh nấm bẹn là những tổn thương ở vùng bẹn và mông do nấm, có thể lan rộng xuống đùi

So với phụ nữ, nấm bẹn phổ biến hơn ở nam giới trưởng thành. Đặc biệt là những người thường xuyên đổ nhiều mồ hôi, làm việc trong môi trường nóng ẩm.

Bệnh không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và tính mạng. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh có xu hướng kéo dài, dễ tái phát và gây ra nhiều phiền toái.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh nấm bẹn xảy ra khi người bệnh bị nhiễm nấm da ở vùng bẹn hoặc/ và vùng mông. Những loại thường gặp thuộc nhóm Dermatophytes. Trong đó phổ biến nhất là Trychophyton và Epidermophyton.

Khi xâm nhập, nấm da nhanh chóng ăn mòn những tế bào sống trên da và tiết keratinase. Đây là một loại enzym có khả năng loại bỏ các chất keratin. Từ đó gây ra những tổn thương da với lớp vảy cứng hoặc/ và mụn nước.

Những yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Nam giới
  • Thanh thiếu niên và trung niên
  • Làm việc trong môi trường nóng bức và ẩm ướt, thường xuyên ra nhiều mồ hôi
  • Bơi lội
  • Vệ sinh thân thể kém
  • Mặc quần áo bó sát hoặc ẩm ướt
  • Dùng chung dụng cụ cá nhân (như khăn tắm) hoặc tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị bệnh
  • Lây truyền từ động vật nuôi

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh nấm bẹn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, bao gồm:

Nấm bẹn gây ra những mảng hồng ban bờ uốn lượn
Nấm bẹn gây ra những mảng hồng ban bờ uốn lượn, nổi mụn nước kèm theo cảm giác ngứa ngáy

  • Vùng da ở bẹn và mông có những mảng hồng ban bờ uốn lượn
  • Xuất hiện những nốt da đỏ trong giai đoạn đầu, thường có kích thước nhỏ
  • Xuất hiện những tổn thương dạng sẩn và mụn nước trong giai đoạn tiến triển. Những mụn nước có kích thước nhỏ thường xuất hiện ở bờ của những tổn thương.
  • Ngứa ngáy khó chịu ở vùng bẹn, mông và đùi ngay cả khi không phát hiện những dị vật gây ngứa
  • Khu vực tổn thương có những mảng da màu đỏ hồng kèm ngứa
  • Những mảng da tổn thương có xu hướng đóng vảy theo thời gian và màu da xung quanh đậm hơn
  • Những mảng da có nấm ký sinh thường có kích thước từ 1 cm đến vài cm.

Những vùng da bị ảnh hưởng thường bao gồm:

  • Bẹn - rãnh giữa đùi và bộ phận sinh dục
  • Vùng da ở đùi và bộ phận sinh dục. Thường gặp ở những người có tổn thương nặng.

Những bước giúp chẩn đoán bệnh nấm bẹn gồm:

  • Khám lâm sàng: Bệnh nấm bẹn dễ dàng được phát hiện thông qua kiểm tra thực thể (vùng tổn thương) và liệt kê các triệu chứng.
  • Soi tươi: Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm nấm và xác định loại nấm cụ thể.

Biến chứng và tiên lượng

Nhìn chung bệnh nấm da có tiên lượng tốt, giảm nhanh khi được điều trị đúng cách. Bệnh hầu như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay đe dọa tính mạng của người bệnh.

Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh gây ra nhiều phiền toái, tổn thương da kèm theo ngứa ngáy tạo cảm giác khó chịu.

Ở những trường hợp trì hoãn điều trị hoặc điều trị không tốt, tình trạng nhiễm nấm có thể lan rộng sang nhiều vùng da khác của cơ thể. Chẳng hạn như bộ phận sinh dục.

Nấm bẹn khiến người bệnh có tâm lý không thoải mái, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh da liễu khác.

Điều trị

Bệnh nấm da được chữa bằng thuốc kháng nấm. Thuốc này được dùng ở dạng uống hoặc bôi ngoài da, liệu trình từ 1 - 4 tuần. Nhóm thuốc kháng nấm có tác dụng tiêu diệt nhanh những loại nấm cư trú trên da. Đồng thời giúp làm sạch vùng da tổn thương và giảm nhanh các triệu chứng.

Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:

Sử dụng dung dịch cồn BSI
Sử dụng dung dịch cồn BSI giúp làm nhạt những mảng da đỏ và giảm ngứa ngáy hiệu quả

  • Dung dịch cồn BSI: Dung dịch này có chứa các thành phần gồm acid salicylic, lode và acid benzoic. Khi sử dụng, dung dịch cồn BSI có thể giúp giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy, làm nhạt những mảng da đỏ.
  • Thuốc Antimycose: Salicylic acid dưới dạng cồn và Benzoic acid là những hoạt chất chính trong thuốc Antimycose. Những hoạt chất này có khả năng làm bông tróc lớp sừng da, trị nấm da và vảy nến, chống tiết bã nhờ, giảm ngứa ngáy.
  • Dung dịch ASA: Trong điều trị nấm men, dung dịch ASA thường được sử dụng để làm sạch bề mặt, giảm ngứa, làm mất nước những tế bào da nhiễm nấm. Ngoài ra dung dịch ASA còn giúp làm dịu vùng da bị ảnh hưởng, chống viêm. Đồng thời loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn nấm.
  • Kem bôi chứa miconazole nitrate: Một loại thuốc bôi chứa miconazole nitrate như Miconazol thường được dùng trong điều trị nấm da. Thuốc này có tác dụng kháng vi nấm men và những loại nấm ngoài da thông thường. Ngoài ra Miconazol còn có tác dụng kháng khuẩn.
  • Kem chứa steroid nhẹ: Nếu nấm da bị chàm hóa hoặc bị viêm, bệnh nhân được dùng thuốc kháng nấm kết hợp với kem chứa steroid nhẹ. Thuốc này có tác dụng kháng viêm, giảm ngứa và đỏ da hiệu quả. Tuy nhiên những loại kem chứa steroid không được dùng quá 7 ngày. Sau khi ngừng sử dụng, bệnh nhân cần tiếp tục dùng kem kháng nấm.

Những điều cần lưu ý khi điều trị:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
  • Dùng liên tục 1 - 4 tuần dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Khi da lành, bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc theo hướng dẫn, ít nhất 2 tuần nữa. Điều này giúp ngăn bệnh tái phát.
  • Lấy một lượng kem vừa đủ, thoa rộng ra ngoài vùng da bình thường, cách vết ban khoảng 4 - 6cm.
  • Không dùng Corticoid kéo dài bởi việc ngưng thuốc có thể khiến bệnh bùng phát mạnh mẽ hơn. Nguyên nhân là do thuốc này làm ức chế miễn dịch tại chỗ, da yếu, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển.
  • Bôi thuốc đúng cách để tránh gây bỏng da, bệnh lây lan và tăng mức độ ngứa ngáy.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp phòng ngừa nấm bẹn và ngăn tái nhiễm:

Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ mỗi ngày và giữ vùng bẹn luôn khô ráo
Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ mỗi ngày và giữ vùng bẹn luôn khô ráo để phòng ngừa bệnh nấm bẹn

  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ mỗi ngày, giữ cho vùng bẹn luôn khô ráo và thoáng mát. Nhất là sau khi bơi lội.
  • Sinh sống và làm việc trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Tránh những nơi nóng bức và ẩm ướt.
  • Không mặc quần áo bó sát, quần lót quá chật hoặc ẩm ướt. Bởi điều này có thể tăng ma sát, làm tổn thương da vùng bẹn và tạo điều kiện cho nấm.
  • Thay quần lót ít nhất 1 lần/ ngày hoặc thường xuyên hơn nếu tiếp xúc với nước bẩn hoặc tăng tiết mồ hôi. Nên lau khô vùng bẹn trước khi mặc quần áo.
  • Không sử dụng chung dụng cụ cá nhân với người khác, chẳng hạn như khăn tắm.
  • Không tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị bệnh để tránh lây nhiễm.
  • Nếu có dấu hiệu nhiễm nấm hoặc da đỏ và ngứa ngáy bất thường, người bệnh cần thăm khám để được hướng dẫn điều trị triệt để.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh của tôi được chữa như thế nào?

2. Loại thuốc nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?

3. Tôi nên làm gì để ngăn nấm bẹn lây lan?

4. Rủi ro và lợi ích khi dùng thuốc chữa nấm bẹn là gì?

5. Điều gì xảy ra nếu tôi ngừng dùng thuốc hoăc không điều trị?

6. Điều trị nấm bẹn kéo dài trong bao lâu?

7. Cần tránh những gì khi điều trị bệnh?

Bệnh nấm bẹn không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh thường dữ dội, gây khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống. Vì vậy người bệnh cần điều trị sớm và đúng cách để khắc phục bệnh và ngăn tình trạng nhiễm nấm lây lan.