Lãng Tai

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Lãng tai thường do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến người lớn tuổi bị mất thính lực theo thời gian. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả hai tai. Đôi khi người bệnh bị suy giảm thính lực đột ngột do một số nguyên nhân khác.

Tổng quan

Lãng tai còn được gọi là nghe kém, thường gặp ở những người lớn tuổi. Bệnh thể hiện cho tình trạng suy giảm thính lực đột ngột hoặc từ từ và tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian.

Lãng tai
Lãng tai là tình trạng suy giảm thính lực đột ngột hoặc từ từ, thường gặp ở người lớn tuổi

Ở người lớn tuổi, lãng tai do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, thường ảnh hưởng đến cả hai bên tai. Ở những người trẻ hơn, tình trạng này có thể xảy ra do thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, bệnh tật hoặc sử dụng một số loại thuốc.

Khi bị lãng tai,người bệnh nên được khám và điều trị sớm để tránh điếc tai hoặc suy giảm thính lực mãn tính. Từ đó làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt.

Phân loại

Chứng lãng tai (nghe kém) được phân thành 3 loại, bao gồm:

  • Giảm thính lực dẫn truyền: Loại này liên quan đến những vấn đề ở tai ngoài và tai giữa.
  • Giảm thính lực tiếp nhận: Loại này xảy ra khi có những vấn đề liên quan đến tai trong.
  • Giảm thính lực hỗn hợp: Loại này liên quan đến tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Dựa vào khả năng nghe, lãng tai cũng được phân thành 3 cấp độ dưới đây:

  • Cấp độ I (nhẹ): Khó nghe thấy người khác đang nói gì khi có tiếng ồn xung quanh.
  • Cấp độ II (trung bình): Thường xuyên yêu cầu người khác phải nói chậm, nói to hoặc lặp lại câu nói khi giao tiếp.
  • Cấp độ III (nặng): Không thể nghe khi nói chuyện bình thường. Bệnh nhân cần phải sử dụng máy trợ thính hoặc cấy ốc tai để nghe được rõ hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Những nguyên nhân gây lãng tai thường gặp gồm:

  • Lão hóa

Lãng tai thường gặp ở những người lớn tuổi. Quá trình lão hóa tự nhiên khiến những dây thần kinh thính giác bị suy yếu và giảm chức năng, giảm lượng tế bào lông chuyển ở cấu trúc tai. Điều này làm giảm khả năng tiếp nhận và dẫn truyền thông tin của tai. Từ đó dẫn đến nghe kém.

  • Tiếp xúc tiếng ồn

Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn là nguyên nhân gây suy giảm thính lực ở những người trẻ tuổi hơn. Khi tiếp xúc với âm thanh to có cường độ lớn và kéo dài (> 85 decibel), cấu trúc trong tai sẽ bị tổn thương dẫn đến đau tai, suy giảm thính lực hoặc điếc vĩnh viễn.

Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn
Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn dẫn đến đau tai, giảm thính lực nghiêm trọng hoặc bị điếc

  • Bệnh lý

Suy giảm thính lực thường là kết quả của một số bệnh lý dưới đây:

    • Nhiễm trùng tai hoặc xương
    • Viêm tai giữa
    • Viêm tai trong
    • Viêm màng não
    • Khối u phát triển bất thường
    • Rách màng nhĩ

Trong đó nhiễm trùng không được điều trị có thể dẫn đến sự tích tụ của dịch mủ trong ống tai. Từ đó làm giảm thính lực. Ngoài ra viêm và dịch mủ tích tụ lâu ngày cũng làm rách hoặc thủng màng nhĩ. Từ đó dẫn đến sự suy giảm thính lực.

Lãng tai cũng thường gặp ở những người bị tiểu đường, huyết áp và bệnh lý tim mạch. Nguyên nhân là do những bệnh lý này có thể làm giảm lưu lượng máu đến tai và gây suy giảm thính lực theo thời gian.

  • Thuốc

Lãng tai có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị khi dùng kéo dài. Cụ thể như:

    • Thuốc kháng sinh
    • Thuốc lợi niệu
    • Thuốc điều trị rối loạn cương dương
    • Thuốc điều trị bệnh sốt rét
    • Aspirin
    • Thuốc hóa trị liệu
  • Vệ sinh tai không đúng cách

Tích tụ ráy tai có thể dẫn đến bít ống tai và giảm khả năng nghe rõ. Ngoài ra việc cố gắng lấy hết ráy tai hoặc lấy ráy tai không đúng cách có thể làm tổn thương màng nhĩ và ống tai trong. Từ đó dẫn đến tình trạng suy giảm thính lực.

  • Chấn thương

Chấn thương trong lúc vệ sinh tai hoặc tai nạn có thể làm thủng màng nhĩ. Ngoài ra thính lực cũng mất hoặc suy giảm ở những người bị chấn thương gây nứt sọ não.

  • Di truyền

Một số gen có thể khiến tai của bạn dễ bị tổn thương hơn do quá trình lão hóa và âm thanh.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ lãng tai:

  • Trên 65 tuổi
  • Tiền sử nhiễm trùng tai trong và chấn thương
  • Có tiền sử gia đình bị mất thính lực
  • Mắc bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp
  • Hút thuốc
  • Vấn đề với lưu thông máu

Triệu chứng và chẩn đoán

Khi bị lãng tai, người bệnh sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

Nghe kém hơn bình thường
Lãng tai khiến bạn nghe kém hơn bình thường, thường xuyên yêu cầu người khác nói lại hoặc đọc môi

  • Nghe kém hơn bình thường, cảm thấy âm thanh nhỏ hơn và khó nghe rõ
  • Thường xuyên nghe sai hoặc không hiểu người khác đang nói gì
  • Nghe không đúng âm thanh phát ra
  • Thường xuyên yêu cầu người khác nói lớn hơn hoặc nói chậm, tăng âm lượng thiết bị (như điện thoại, TV hoặc radio) lớn hơn bình thường
  • Cảm thấy khó khăn khi giao tiếp
  • Thường xuyên yêu cầu người khác nói lại vì không nghe rõ
  • Không nghe được khi người khác nói thì thầm
  • Khó nghe hoặc cảm nhận được những loại âm thanh nhỏ
  • Đọc môi khi người khác nói chuyện
  • Khó phát ra âm vực cao hơn
  • Ù tai ở một hoặc cả hai bên tai
  • Tự ti và lo lắng.

Để chẩn đoán và đánh giá lãng tai, bệnh nhân sẽ được thực hiện một số thử nghiệm và xét nghiệm dưới đây:

  • Khám sức khỏe: Người bệnh được khám trong tai và kiểm tra tiền sử bệnh. Điều này giúp tìm kiếm những nguyên nhân có thể gây lãng tai. Chẳng hạn như nhiễm trùng và sự tích tụ của ráy tai.
  • Đo thính lực đồ: Trong quá trình này, người bệnh được nghe âm thanh ở những tần số và cường độ khác nhau. Âm thanh hướng qua tai nghe đến từng tai với những mức thấp. Điều này giúp xác định mức độ suy giảm thính lực và tìm kiếm âm thanh thấp nhất mà bạn có thể nghe.
  • Xét nghiệm sàng lọc: Bác sĩ tiến hành kiểm tra phản ứng của tai với những âm thanh. Khi thực hiện, một bên tai tai được bịt lại trong khi nghe âm thanh với nhiều âm lượng khác nhau.
  • Kiểm tra âm thoa: Âm thoa là một loại nhạc cụ, được dùng để phát hiện nhanh tình trạng mất thính giác và vị trí tổn thương tai.

Biến chứng và tiên lượng

Lãng tai làm giảm chất lượng cuộc sống và gây khó chịu khi giao tiếp. Điều này làm tăng nguy cơ trầm cảm, đặc biệt là người lớn tuổi.

Ngoài ra sự suy giảm thính lực còn gây ra một số vấn đế dưới đây:

  • Cảm thấy tự ti và bị tách biệt khỏi những người xung quanh
  • Suy giảm nhận thức (mất khả nang tư duy)
  • Tăng nguy cơ té ngã
  • Mất an toàn do không thể phản ứng với những cảnh báo và tính hiệu.

Lãng tai làm suy giảm nhận thức và tăng nguy cơ trầm cảm ở người lớn tuổi
Lãng tai làm suy giảm nhận thức, tăng nguy cơ té ngã và trầm cảm ở người lớn tuổi

Điều trị

Điều trị lãng tai phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Dựa vào tình trạng, một trong những phương pháp dưới đây có thể được chỉ định:

  • Loại bỏ ráy tai: Nếu bị suy giảm thính lực do tắc nghẽn ráy tai, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ ráy tai bằng những dụng cụ chuyên dụng.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân bị suy giảm thính lực cho nhiễm trùng lặp đi lặp lại và có chất lỏng tích tụ trong tai. Trong quá trình này, một ống nhỏ sẽ được đặt tại màng nhĩ để giúp thoát dịch trong tai.
  • Máy trợ thính: Những người bị lãng tai thường được hướng dẫn sử dụng máy trợ thính để cải thiện khả năng nghe. Thiết bị này làm cho tiếng ồn to hơn và hướng âm thanh vào trong. Từ đó giúp người bệnh nghe rõ hơn.
  • Cấy ghép ống tai điện tử: Bác sĩ có thể yêu cầu cấy ghép ống tai điện tử nếu máy trợ thính thông thường không mang đến nhiều lợi ích. Khi được cấy ghép, thiết bị này sẽ đi xung quanh những phần không hoạt động của tai trong. Sau đó kích thích dây thần kinh thính giác và giúp bạn nghe rõ hơn.

Phòng ngừa

Một số nguyên nhân gây lãng tai không được ngăn ngừa. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm khi thực hiện những bước dưới đây:

Sử dụng nút bịt tai để bảo vệ thính giác
Tránh xa tiếng ồn lớn, giảm âm lượng, sử dụng nút bịt tai để bảo vệ thính giác và ngăn lãng tai

  • Tránh xa tiếng ồn lớn.
  • Nếu làm việc ở những nơi có nhiều tiếng ồn, cần sử dụng nút bịt tai hoặc nút tai bằng nhựa để đôi tai của bạn được bảo vệ.
  • Tránh nghe nhạc lớn và thường xuyên. Chỉ nghe nhạc hoặc một số âm thanh khác với âm lượng vừa đủ. Điều này giúp ngăn ngừa những tổn thương cho tai.
  • Giảm âm lượng trên radio và TV.
  • Thường xuyên kiểm tra thính giác để sớm phát hiện một số bất thường liên quan. Việc điều trị sớm sẽ giúp bạn ngăn ngừa mất thêm thính lực.
  • Thường xuyên làm sạch ráy tai.
  • Vệ sinh tai đúng cách và tránh những chấn thương có thể làm tổn thương tai của bạn.
  • Ngủ đủ giấc nhằm duy trì sức khỏe tổng thể và hoạt động của não bộ.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ chất và thường xuyên tập thể dục. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung vitamin và các khoáng chất, giảm đường và chất béo kém lành mạnh.
  • Tránh thuốc lá và những chất kích thích khác.
  • Điều trị tốt những bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ lãng tai, chẳng hạn như các tình trạng nhiễm trùng ở tai, tiểu đường, bệnh tim và cao huyết áo.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến các triệu chứng xảy ra?

2. Có điều gì khác gây ra các triệu chứng của tôi?

3. Mức độ suy giảm thính lực của tôi như thế nào?

4. Phương pháp điều trị nào được áp dụng?

5. Chứng lãng tai có thể được điều trị bằng thuốc hay không?

6. Tôi nên làm gì để ngăn mất thính lực thêm?

7. Tôi có thể phục hồi thính lực hoàn toàn không?

Lãng tai thường gặp ở người lớn tuổi do lão hóa. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những người trẻ hơn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Suy giảm thính lực cần được điều trị sớm để ngăn mất thính lực thêm, tránh ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt.