Kinh Nguyệt Không Đều

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Kinh nguyệt không đều thường do sự thay đổi nồng độ hormone và dùng thuốc. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể do một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cần được kiểm tra và điều trị sớm.

Tổng quan

Kinh nguyệt không đều là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới đến và đi vào những thời điểm không mong muốn. Tình trạng này thường là dấu hiệu của những bất thừng trong cơ thể, chẳng hạn như mất cân bằng nội tiết tố hoặc những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến khả năng sinh sản.

Kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều do những nguyên nhân khiến kinh nguyệt đến và đi vào thời điểm không mong muốn

Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ trước đến ngày đầu tiên của chu kỳ tiếp theo, trung bình là 28 ngày. Tuy nhiên chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi một chút về độ dài.

Một chu kỳ được coi là đều đặn nếu kéo dài từ 24 đến 38 ngày. Một chu kỳ kinh nguyệt được coi là không đều nếu chu kỳ đến sớm hơn hoặc muộn hơn và thời gian giữa những chu kỳ liên tục thay đổi, kinh nguyệt đến vào những thời điểm không mong muốn.

Phân loại

Dưới đây là những hình thức của kinh nguyệt không đều:

  • Chậm kinh: Kinh nguyệt đến trễ.
  • Kinh sớm: Kinh nguyệt xảy ra sớm hơn bình thường, có thể từ 3 - 7 ngày hoặc mỗi tháng có kinh 2 lần.
  • Rong kinh: Kinh nguyệt nặng và kéo dài trên 7 ngày.
  • Kinh thưa: Thời gian giữa những chu kỳ kinh nguyệt có thể từ 2 đến 5 tháng hoặc lâu hơn.
  • Vô kinh: Vô kinh là tình trạng kinh nguyệt ngừng hoàn toàn. Điều này cũng có thể xảy ra nếu nữ giới không có kinh trong vòng 3 năm kể từ khi ngực phát triển, ở tuổi 15 hoặc 16.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều. Bao gồm:

1. Thay đổi nội tiết tố

Thay đổi nội tiết tố là một trong những nguyên nhân phổ biến của kinh nguyệt không đều. Trong đó sự dư thừa của hormone estrogen hoặc hormone progestin làm thay đổi niêm mạc tử cung và gây chảy máu nhiều. Điều này thường liên quan đến một số vấn đề sau:

  • Căng thẳng
  • Sắp mãn kinh hoặc mới bắt đầu có kinh nguyệt
  • Sau khi sinh con

Thay đổi nội tiết tố
Thay đổi nội tiết tố làm rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt chậm hoặc gây chảy máu nhiều

2. Thuốc men

Một số loại thuốc có thể khiến kinh nguyệt không đều. Chẳng hạn như:

  • Thuốc tránh thai hoặc một liệu pháp kiểm soát nội tiết tố khác
  • Thuốc chống viêm
  • Steroid
  • Thuốc chống đông máu

3. Đặt vòng tránh thai

Kinh nguyệt nhiều có thể là tác dụng phụ của biện pháp đặt vòng tránh thai.

4. Điều kiện y tế

Có nhiều bệnh lý khiến nữ giới có kinh nguyệt không đều, bao gồm:

  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung khiến kinh nguyệt ra nhiều bất thường, chuột rút hoặc đau bụng kinh dữ dội vào trước và trong chu kỳ kinh nguyệt. Bệnh lý này xảy ra khi những mô nội mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung, chẳng hạn như ống dẫn trứng và buồng trứng.
  • Rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến yên: Những rối loạn xảy ra ở tuyến giáp hoặc tuyến yên, tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) và tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) làm thay đổi nội tiết tố. Điều này khiến kinh nguyệt không đều.
  • Rối loạn chảy máu: Những người bị rối loạn chảy máu hoặc đông máu thường có kinh nguyệt không đều, nữ giới bị chảy máu kinh nguyệt nặng.
  • Ung thư: Kinh nguyệt không đều có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư tử cung và ung thư buồng trứng. Những loại ung thư này có khiến nữ giới bị trễ kinh hoặc chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.
  • Hội trứng buồng trứng đa nang: Ở nữ giới có hội trứng buồng trứng đa nang, một lượng lớn androgens (nội tiết tố nam) sẽ được tạo ra bởi buồng trứng. Hormone này làm trì hoãn hoặc ngăn cản quá trình rụng trứng. Từ đó khiến kinh nguyệt không đều hoặc ngừng kinh nguyệt hoàn toàn.
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): PID là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở hệ thống sinh sản của phụ nữ, gồm buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung. Bệnh xảy ra do vi khuẩn, thường liên quan đến nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Khi không được điều trị, vi khuẩn nhanh chóng lây lan đến tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Từ đó gây ra những triệu chứng của nhiễm trùng vùng chậu, bao gồm: Đau vùng chậu, chu kỳ kinh nguyệt không đều, tăng tiết dịch âm đạo và dịch tiết có mùi hôi.
  • Suy buồng trứng nguyên phát: Những người bị suy buồng trứng nguyên phát sẽ có buồng trứng hoạt động không bình thường ở độ tuổi dưới 40. Tình trạng này dẫn đến kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh. Suy buồng trứng nguyên phát thường do một số bệnh tự miễn dịch hoặc các phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị.

Suy buồng trứng nguyên phát
Suy buồng trứng nguyên phát khiến nữ giới có kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh

5. Lối sống không lành mạnh

Một số thói quen hàng ngày hoặc những hoạt động đột ngột có thể làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể như:

    • Căng thẳng quá mức
    • Đột ngột tăng hoặc giảm cân quá mức
    • Tập thể dục hoặc lao động gắng sức.

6. Cho con bú

Cho con bú có thể làm ức chế sự rụng trứng và ngừng kinh nguyệt. Tình trạng này được gọi là chứng vô kinh tiết sữa.

7. Rối loạn ăn uống

Chứng cuồng ăn, chán ăn và rối loạn ăn uống đều có khả năng gây rối loạn kinh nguyệt. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở những người đã giảm cân nghiêm trọng.

Một số triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của chứng rối loạn ăn uống, bao gồm:

  • Hạn chế tối đa lượng calo hoặc thức ăn
  • Cắt bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm một cách không cần thiết.
  • Nhịn ăn, sau đó ăn uống vô tội vạ
  • Ăn một lượng lớn thức ăn khi không đói.

8. Nguyên nhân khác

Dưới đây là những nguyên nhân ít gặp hơn:

    • Mang thai ngoài tử cung
    • Sảy thai
    • Phẫu thuật vùng chậu
    • Tắc nghẽn hoặc có sẹo trong tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng
    • Nhiễm trùng do virus
    • Polyp
    • U nang buồng trứng
    • U xơ tử cung
    • Mang thai

Triệu chứng và chẩn đoán

Khi kinh nguyệt không đều, nữ giới sẽ có những dấu hiệu dưới đây:

Chu kỳ ít hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày
Nữ giới có chu kỳ kinh nguyệt không đều sẽ có chu kỳ ít hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày

  • Thời gian giữa những chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày
  • Dòng chảy kinh nguyệt nhẹ hơn hoặc nặng hơn bình thường
  • Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày
  • Thời gian giữa những chu kỳ kinh nguyệt thay đổi liên tục hoặc hơn 9 ngày. Cụ thể như chu kỳ bình thường là 28 ngày, lần tiếp theo có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 37 ngày và lần tới là 29 ngày.
  • Có đốm máu hoặc chảy máu ở những chu kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục và sau khi mãn kinh.
  • Chảy máu ồ ạt (rong kinh), cần thay nhiều băng vệ sinh trong vòng một giờ hoặc mỗi giờ 1 lần.
  • Chảy máu kinh kèm theo buồn nôn, nôn, chuột rút và đau bụng dữ dội.

Kiểm tra triệu chứng có thể giúp nhận biết kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên bệnh nhân cần được xét nghiệm thêm để xác định nguyên nhân. Những xét nghiệm thường được áp dụng:

  • Siêu âm vùng chậu: Siêu âm giúp kiểm tra các cơ quan vùng chậu. Từ đó giúp phát hiện chảy máu bất thường do một số khối u như polyp, u nang buồng trứng và u xơ tử cung.
  • Nội soi tử cung: Xét nghiệm này giúp bác sĩ nhìn vào bên trong tử cung. Từ đó giúp phát hiện những tổn thương hoặc khối u có thể gây chảy máu bất thường.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Trong khi nội soi, một mẫu mô từ niêm mạc tử cung có thể được lấy ra để kiểm tra. Điều này giúp phát hiện tế bào tiền ung thư, sự mất cân bằng nội tiết tố và lạc nội mạc tử cung.

Biến chứng và tiên lượng

Kinh nguyệt không đều là một vấn đề nghiêm trọng, cần được kiểm tra nguyên nhân và điều trị. Về cơ bản, chảy máu bất thường có thể do một số bệnh ung thư, lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang và nhiều bệnh lý khác. Khi không được điều trị, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng dưới đây:

  • Vô sinh
  • Ung thư tiến triển và tử vong

Ngoài ra kinh nguyệt không đều còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác, bao gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố nữ
  • Lão hóa sớm
  • Nhan sắc xuống cấp, da dẻ xanh xao và khô ráp, nhiều trường hợp có lỗ chân lông to, tàn nhang và nổi mụn
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Thay đổi tâm trạng
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp
  • Suy giảm trí nhớ
  • Giảm khả năng mang thai và sinh con
  • Mất máu do có kinh kéo dài.

Điều trị

Dựa vào nguyên nhân, kinh nguyệt không đều có thể được điều trị bằng những biện pháp tại nhà, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

1. Điều trị tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể giúp nữ giới có kinh nguyệt đều đặn một cách tự nhiên, giảm những triệu chứng khó chịu, bao gồm:

  • Tập yoga

Yoga được chứng minh là có khả năng phòng ngừa và điều trị hiệu quả những vấn đề về kinh nguyệt. Những bài tập này giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm căng thẳng, ổn định nội tiết tố cũng như làm giảm lượng hormone khiến kinh nguyệt không đều.

Mặt khác những bài tập yoga có thể giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả, giảm trầm cảm và lo lắng. Đồng thời cải thiện chất lượng đời sống cho nữ giới.

Tập yoga
Tập yoga giúp giảm đau bụng kinh, giảm lượng hormone khiến kinh nguyệt không đều

  • Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục có thể giúp duy trì sức khỏe và khả năng sinh sản cho nữ giới. Việc luyện tập đều đặn mỗi ngày giúp nữ giới đạt được cân nặng ở mức hợp lý, cải thiện sức khỏe tổng thể. Đồng thời giảm những triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt không đều do hội chứng buồng trứng đa nang.

  • Duy trì cân nặng hợp lý

Cân nặng ít hơn hoặc dư thừa quá mức có thể khiến kinh nguyệt không đều. Ngoài ra những người béo phì thường có kinh nguyệt nặng hơn và đau bụng kinh nhiều hơn.

Chính vì thế nữ giới cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Hãy tăng cường luyện tập và có chế độ dinh dưỡng khoa học để giảm cân khi cần thiết.

  • Gừng

Nếu có kinh nguyệt không đều, bạn có thể thêm gừng vào món ăn hoặc trà để điều trị. Loại thảo dược này có tác dụng giảm đau, kháng viêm và giảm lượng máu mất đi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Một số nghiên cứu cho thấy, dùng gừng trước kỳ kinh 7 ngày có thể giảm những triệu chứng liên quan đến chứng tiền kinh nguyệt, cả về tâm trạng, hành vi và thể chất.

  • Quế

Quế chứa những hoạt chất giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, điều trị những triệu chứng liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra loại thảo dược này cũng giúp giảm chảy máu kinh, đau bụng kinh, cảm giác buồn nôn và nôn do đau bụng kinh nguyên phát.

  • Bổ sung vitamin

Nếu có kinh nguyệt không đều, hãy tăng cường bổ sung vitamin D và B. Vitamin D có tác dụng đều hòa kinh nguyệt, điều trị rối loạn kinh nguyệt ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Vitamin B có khả năng làm giảm những triệu chứng tiền kinh nguyệt. Đặc biệt vitamin B6 có khả năng giảm trầm cảm tiền kinh nguyệt.

  • Ăn dứa

Dứa chứa nhiều bromelain. Đây là một loại emzyme có khả năng điều hòa kinh nguyệt và làm mềm niêm mạc tử cung. Ngoài ra loại emzyme này còn có tác dụng giảm đau và chống viêm.

2. Thuốc

Thuốc thường là phương pháp điều trị đầu tiên cho những bệnh nhân có kinh nguyệt không đều. Những loại thuốc thường được dùng:

Thuốc tránh thai nội tiết tố
Thuốc tránh thai nội tiết tố được dùng khi bị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung và buồng trứng đa nang

  • Thuốc tránh thai nội tiết tố: Thuốc này được chỉ định cho những trường hợp có kinh nguyệt không đều hoặc chảy máu nhiều do u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang. Thuốc có tác dụng điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, giảm các triệu chứng.
  • Axit tranexamic: Nếu bị chảy máu kinh nguyệt nặng, axit tranexamic sẽ được chỉ định. Thuốc này có tác dụng kiểm soát chảy máu. Thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu uống 1 viên axit tranexamic vào đầu chu kỳ kinh nguyệt.
  • Thuốc giảm đau: Nếu nếu kinh nguyệt bất thường kèm theo chuột rút hoặc đau bụng từ nhẹ đến trùng bình,người bệnh có thể dùng Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Đây là những loại thuốc giảm đau không kê đơn.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây chảy máu bất thường là do vi khuẩn gây nhiễm trùng, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng. Thuốc được dùng dựa trên nguyên nhân để loại bỏ vi khuẩn.
  • Liệu pháp nội tiết tố: Nếu tiền mãn kinh là nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều, liệu pháp nội tiết tố sẽ được áp dụng để cải thiện. Liệu pháp nội tiết tố gồm thuốc uống giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời giảm những triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng và khô âm đạo.
  • Thuốc chủ vận hormone giải phóng Gonadotropin: Nếu có u xơ tử cung gây chảy máu nhiều, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc chủ vận hormone giải phóng Gonadotropin, Thuốc có tác dụng thu nhỏ kích thước của u xơ, giảm chảy máu hoặc làm ngừng kinh tạm thời.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi kinh nguyệt không đều do những nguyên nhân phức tạp như u xơ tử cung. Tùy thuộc vào tình trạng, mong muốn mang thai và tuổi tác, một trong những kỹ thuật sau sẽ được thực hiện:

  • Cắt bỏ u xơ tử cung: Phương pháp này loại bỏ u xơ tử cung. Từ đó giúp điều trị chảy máu bất thường.
  • Cắt bỏ nội mạc tử cung: Để chảy máu ít hơn trong chu kỳ kinh nguyệt, mô nội mạc tử cung sẽ bị loại bỏ. Trong đó nhiệt hoặc lạnh được sử dụng để phá hủy những mô lót trong tử cung. Từ đó giúp giảm chảy máu. Tuy nhiên thủ thuật này khiến bạn không thể mang thai trong tương lai.
  • Thuyên tắc động mạch tử cung: Để ngăn u xơ phát triển, bác sĩ có thể tiến hành thuyên tắc động mạch tử cung. Phương pháp này bao gồm việc cắt nguồn cung cấp máu cho tử cung và u xơ tử cung. Từ đó phá hủy cấu trúc của nó.
  • Cắt bỏ tử cung: Phẫu thuật cắt bỏ tử cung là phương pháp điều trị cuối cùng cho kinh nguyệt không đều.Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân có tổn thương nghiêm trọng. Trong đó những mô nội mạc tử cung dư thừa ở vùng chậu hoặc bụng sẽ bị loại bỏ.

Phòng ngừa

Để duy trì kinh nguyệt đều đặn, nữ giới có thể áp dụng những biện pháp dưới đây:

Thực hiện chế độ ăn và luyện tập khoa học
Thực hiện chế độ ăn và luyện tập khoa học để giảm cân hoặc duy trì cân nặng hợp lý

  • Không đột ngột giảm cân hoặc tăng cân quá mức. Ngoài ra nên duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân bằng chế độ ăn và luyện tập khoa học ở những người thừa cân.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, nên tập ít nhất 30 phút mỗi buổi. Điều này giúp duy trì sức khỏe, giữ cân nặng hợp lý và giảm nguy cơ kinh nguyệt không đều.
  • Tránh tập thể dục với cường độ cao và tập thể dục kéo dài.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và không uống nhiều rượu bia.
  • Ăn uống khoa học và đầy đủ dinh dưỡng. Nên lựa chọn những loại thực phẩm lành mạnh với cơ thể.
  • Tập yoga để cải thiện tâm trạng, giảm stress và giảm lượng hormone khiến kinh nguyệt không đều.
  • Tránh căng thẳng quá mức bằng những kỹ thuật thư giãn hiệu quả như ngồi thiền và yoga.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh những hoạt động gắng sức,
  • Thuốc tránh thai và những biện pháp tránh thai khác nên được sử dụng theo hướng dẫn.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng và tránh hội chứng sốc độ bằng cách thay băng vệ sinh mỗi 4 - 6 giờ khi có kinh.
  • Khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện những bất thường có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi có kinh nguyệt không đều?

2. Tình trạng của tôi được điều trị như thế nào?

3. Phương pháp nào được đề nghị?

4. Tình trạng của tôi có phải là tạm thời hay không?

5. Tôi nên làm gì để kinh nguyệt đều đặn?

6. Khả năng sinh con của tôi có bị ảnh hưởng không?

7. Tình trạng của tôi có thể tái phát trong tương lai không?

Nhiều nguyên nhân khiến bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Trong đó có những nguyên nhân phức tạp, ảnh hưởng trực đến đến sức khỏe và khả năng sinh sản, cần được điều trị ngay. Vì vậy nữ giới cần đi khám ngay khi có những triệu chứng.