Bệnh Huyết Trắng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh huyết trắng là bệnh phụ khoa thường gặp ở những người trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh thể hiện cho những dấu hiệu bất thường của huyết trắng, chủ yếu liên quan đến nhiễm trùng nấm men, vi khuẩn và trùng roi.

Tổng quan

Bệnh huyết trắng là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm nhiễm vùng kín làm tăng tiết và thay đổi đặc tính của huyết trắng. Huyết trắng còn được gọi là khí hư hoặc dịch tiết âm đạo. Đây là chất dịch nhầy được tiết ra ở âm đạo, hình thành thông qua sự thẩm thấu của huyết tương từ những mao mạch ở vùng âm đạo.

Bệnh huyết trắng
Bệnh huyết trắng là sự tăng tiết và thay đổi đặc tính của huyết trắng, chủ yếu do nhiễm trùng

Huyết trắng thường không có mùi, màu trắng sữa và trong, giống như lòng trắng trứng. Nó hoạt động như một chất bôi trơn và giữ ẩm, giúp cân bằng môi trường vi sinh trong âm đạo và ngăn sự tấn công của những vi sinh vật có hại.

Tuy nhiên sự nhân lên của nấm hoặc vi khuẩn gây hại, nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài đều gây ra tình trạng viêm nhiễm vùng kín. Điều này làm thay đổi chức năng và tính chất của huyết trắng, được gọi là bệnh huyết trắng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh huyết trắng xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Nhiễm nấm Candida albicans

Nhiễm nấm Candida albicans là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh huyết trắng, còn được gọi là nhiễm trùng nấm men. Bệnh xảy ra khi có sự phát triển quá mức của nấm Candida, dẫn đến kích ứng, rát bỏng, tăng tiết dịch và ngứa ngáy ở âm đạo và âm hộ.

Nhiễm trùng nấm men thường liên quan đến thói quen mặc đồ lót ẩm ướt, chật và không thoáng khí, hệ miễn dịch kém, dùng kháng sinh trong thời gian dài và vệ sinh cơ thể kém.

Khi bị nhiễm nấm Candida albicans, người bệnh sẽ có dấu hiệu ngứa ngáy, tấy đỏ vùng âm đạo, đau khi quan hệ, khí hư ra nhiều, vón cục và dính vào thành âm đạo. Khí hư thường không có mùi hôi.

  • Nhiễm Trichomonas

Bệnh huyết trắng xảy ra sau khi bị nhiễm trùng roi Trichomonas. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, xảy ra khi nữ giới quan hệ không an toàn với người bị nhiễm trùng roi Trichomonas.

Loại nhiễm trùng này khiến khí hư ra nhiều hơn bình thường, dịch tiết có bọt và loãng, có màu vàng hoặc xanh kèm theo ngứa rát âm đạo.

Nhiễm Trichomonas
Nhiễm Trichomonas qua hoạt động tình dục là nguyên nhân phổ biến gây bệnh huyết trắng

  • Tạp trùng, vi khuẩn

Viêm nhiễm do tạp trùng hoặc vi khuẩn thường khiến huyết trắng chuyển sang màu xám hoặc vàng, có mùi hôi tanh và loãng. Bệnh thường liên quan đến những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, phản ứng dị ứng với một số chất trong sản phẩm vệ sinh phụ nữ, thụt rửa vào sâu bên trong âm đạo.

Viêm nhiễm cũng xảy ra ở những người sử dụng kháng sinh kéo dài làm giảm vi khuẩn tốt, gây mất cân bằng trong môi trường âm đạo. Từ đó dẫn đến bệnh huyết trắng.

  • Bệnh lý liên quan đến tử cung

Khí hư bất thường thường là dấu hiệu của những bệnh lý ở cổ tử cung. Bao gồm:

    • Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Những người có bệnh lý này thường sẽ có khí hư ra nhiều, có mùi hôi tanh, màu sữa đục, dính thành từng mảng kèm theo ngứa ngáy khó chịu. Ngoài ra người bệnh còn có dấu hiệu đau và chảy máu khi quan hệ tình dục.
    • U xơ tử cung: U xơ cổ tử cung gây rong kinh, chảy máu ấm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt và nhiều triệu chứng khác. Ngoài ra người bệnh còn có dấu hiệu tăng tiết dịch âm đạo, khí hư có mủ hoặc lẫn máu khi bị u xơ cổ tử cung kèm theo nhiễm khuẩn.
    • Polyp tử cung: Đây là những khối u lành tính phát triển ở niêm mạc tử cung. Chúng làm tăng tiết âm đạo, đau khi quan hệ. Ngoài ra những trường hợp này còn bị chảy máu nặng trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Nguyên nhân khác

Bệnh huyết trắng cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

    • Tăng sản nội mạc tử cung, xảy ra do tăng hormone estrogen
    • Căng thẳng, stress. Những trường hợp này thường có dịch tiết âm đạo màu vàng trong và loãng như váng sữa.
    • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ hoặc không đúng cách
    • Mặc quần lót chật hoặc ẩm ướt
    • Mất cân bằng nội tiết tố. Thường do căng thẳng, mang thai, dùng thuốc tránh thai kéo dài...

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh huyết trắng gồm:

  • Huyết trắng ra nhiều
  • Màu sắc huyết trắng thay đổi, có thể là màu vàng, trắng đục hoặc màu xanh
  • Dịch tiết có thể loãng như nước hoặc vón cục và có màu trắng đục như phô mai
  • Huyết trắng có thể không có hoặc có mùi hôi tanh khó chịu
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Khó chịu hoặc đau khi đi tiểu
  • Đau âm ỉ vùng bụng dưới
  • Ngứa rát âm đạo.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, người bệnh có thể bị chảy máu âm đạo bất thường, rong kinh và nhiều triệu chứng khác.

Huyết trắng ra nhiều, màu sắc thay đổi, loãng hoặc vón cục
Huyết trắng ra nhiều, màu sắc thay đổi, loãng hoặc vón cục, đôi khi có mùi hôi khó chịu

Bệnh huyết trắng được chẩn đoán bằng cách kiểm tra triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, soi bên trong âm đạo và cổ tử cung. Điều này có thể tìm ra những bất thường.

Ngoài ra người bệnh được xét nghiệm dịch tiết âm đạo. Trong đó tăm bông được dùng để lấy một mẫu dịch tiết và phân tích trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng.

Đôi khi bệnh nhân được xét nghiệm Pap, sinh thiết mô tử cung hoặc siêu âm nếu có nghi ngờ tăng tiết dịch âm đạo do khối u hoặc những bệnh lý nghiêm trọng khác.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh huyết trắng thường không nghiêm trọng, điều trị y tế bằng thuốc có thể giúp kiểm soát nhanh tình trạng. Khi không được chữa trị, sự tăng tiết dịch nhầy âm đạo kèm theo ngứa ngáy và đau rát có thể gây khó chịu, ẩm ướt, ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng.

Mặt khác việc không điều trị có thể khiến nhiễm trùng lan rộng và gây ra nhiều biến chứng dưới đây:

  • Viêm tử cung
  • Viêm tử cung
  • Viêm buồng trứng
  • Tăng nguy cơ vô sinh và ung thư cổ tử cung
  • Dọa sảy thai hoặc sinh non ở phụ nữ mang thai.

Điều trị

Điều trị bệnh huyết trắng dựa vào nguyên nhân. Hầu hết trường hợp được dùng thuốc khắc phục nguyên nhân. Một số trường hợp khác có thể được điều trị bằng thủ thuật.

1. Thuốc

Những loại thuốc được chỉ định ở bệnh nhân bị huyết trắng bệnh lý:

Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được dùng trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn và ký sinh trùng

  • Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân được chỉ định thuốc kháng sinh khi có nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc tạp khuẩn. Thuốc điều trị nhiễm trùng bằng cách cân bằng lại môi trường trong âm đạo và loại bỏ vi khuẩn. Ngoài ra một loại kháng sinh như Metronidazole hoặc Tinidazolecũng được dùng trong điều trị bệnh huyết trắng do Trichomonas. Thuốc này thường được sử dụng một liều duy nhất, liều lượng 2g. Đôi khi Metronidazole 500 mg được dùng để thay thế với liều 2 lần/ ngày, điều trị trong 7 ngày.
  • Thuốc kháng nấm: Thuốc kháng nấm được chỉ định cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng nấm men. Thuốc giúp điều trị bệnh huyết trắng bằng cách loại bỏ tác nhân gây bệnh là nấm. Thuốc kháng nấm thường được dùng ở dạng gel hoặc kem bôi.
  • Thuốc kháng virus: Nếu bị nhiễm trùng do virus, thuốc kháng virus sẽ được dùng.

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân được sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín phù hợp để tăng hiệu quả và tốc độ điều trị.

2. Thủ thuật

Hiếm khi bệnh nhân có huyết trắng bệnh lý được phẫu thuật điều trị. Phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân có polyp tử cung hoặc u xơ tử cung làm tăng tiết dịch âm đạo, điều trị bảo tồn không hiệu quả. Trong đó khối u sẽ được cắt bỏ bằng phẫu thuật mở qua bụng, nội soi bụng hoặc thông qua nội soi bằng đường âm đạo và cổ tử cung.

Phòng ngừa

Bệnh huyết trắng có thể được ngăn ngừa bằng nhiều biện pháp, bao gồm:

Luôn giữ cho vùng kín sạch sẽ và khô ráo
Luôn giữ cho vùng kín sạch sẽ và khô ráo là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh huyết trắng

  • Luôn giữ cho vùng kín sạch sẽ và khô ráo.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày. Dùng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ để làm sạch vùng kín 2 lần mỗi ngày.
  • Làm sạch vùng kín trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Thường xuyên làm sạch và thay băng vệ sinh vào những ngày đèn đỏ.
  • Mặc đồ lót làm từ chất liệu thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt (chẳng hạn như cotton).
  • Mặc quần lót vừa vặn. Tránh mặc quần lót chật, bí bách hoặc ẩm ướt.
  • Không mặt quần áo quá chật.
  • Thay quần lót 2 - 3 lần mỗi ngày.
  • Tránh thụt rửa âm đạo.
  • Không dùng những sản phẩm có khả năng gây phản ứng dị ứng hoặc kích ứng ở âm đạo. Chẳng hạn như chất khử mùi vùng kín, chất diệt tinh trùng, bao cao su chứa chất gây kích ứng, xà phòng có mùi thơm...
  • Đảm bảo quan hệ tình dục an toàn. Cụ thể: Chung thủy với một bạn tình không bị nhiễm bệnh, dùng bao cao su khi quan hệ, tránh giao hợp với những người có bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để đánh giá sức khỏe, kịp thời phát hiện và điều trị những bệnh phụ khoa.
  • Tránh căng thẳng, nên duy trì lối sống vui vẻ và hạnh phúc.
  • Nghỉ ngơi điều độ, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và ăn uống đủ chất. Nên ăn nhiều hơn những loại trái cây, rau xanh và các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất khác.
  • Ăn nhiều sữa chua chứa men vi sinh. Điều này giúp giữ cân bằng cho môi trường âm đạo, tăng vi khuẩn có lợi, giảm nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến huyết trắng bệnh lý.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến tôi có nhiều huyết trắng?

2. Phương pháp điều trị cụ thể là gì?

3. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?

4. Tôi có thể gặp tác dụng phụ từ phương pháp chữa bệnh không?

5. Điều gì xảy ra nếu bệnh huyết trắng không được chữa?

6. Tôi cần tránh những gì khi điều trị?

7. Cách tốt nhất để ngăn ngừa tái phát là gì?

Bệnh huyết trắng xảy ra do nhiều nguyên nhân, thường không quá nghiêm trọng. Việc dùng thuốc có thể giúp giảm nhanh triệu chứng, ngăn nhiễm trùng tái phát. Tốt nhất người bệnh nên sớm thăm khám và chữa bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Kết hợp chăm sóc vùng kín đúng cách để khắc phục bệnh hiệu quả.