Hội Chứng Trói Buộc Tủy Sống

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Hội chứng trói buộc tủy sống (TCS) là một nhóm rối loạn thần kinh dẫn đến dị tật tủy sống. Tình trạng này xảy ra khi tủy sống gắn vào ống sống một cách bất thường.

Tổng quan

Hội chứng trói buộc tủy sống (TCS) là thuật ngữ chỉ một rối loạn thần kinh hiếm gặp dẫn đến dị tật cột sống. Trong đó tủy sống bị buộc hoặc dính vào các mô xung quanh cột sống. Điều này khiến tủy sống không thể di chuyển tự do trong ống sống và ngăn nó phát triển liên tục.

Hội chứng trói buộc tủy sống (TCS)
Hội chứng trói buộc tủy sống (TCS) xảy ra khi tủy sống bị buộc hoặc dính vào các mô xung quanh cột sống

Theo thời gian, tủy sống bị căng và dài bất thường. Điều này dẫn đến những thương tổn cho dây thần kinh và đau đớn dữ dội. Những triệu chứng sẽ trầm trọng hơn theo thời gian.

Hội chứng trói buộc tủy sống thường thấy ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra ở người lớn. Những trẻ mắc hội chứng TCS cần được xác định và điều trị sớm để kiểm soát bệnh, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hội chứng trói buộc tủy sống xảy ra khi tủy sống có điểm bất thường, bị buộc hoặc dính vào các mô xung quanh cột sống. Hầu hết các trường hợp liên quan đến tật nứt đốt sống. Có hai tình trạng gồm thoát vị lipomyelomeningocele và thoát vị màng não tủy (myelomeningocele).

  • Myelomeningocele: Đầu dưới của tủy sống đối diện với đĩa đệm của đốt sống thắt lưng thứ nhất và thứ hai (kí hiệu L1 và L2). Ở những trẻ bị thoát vị màng não tủy, tủy sống có bất thường, không tách khỏi da ở lưng.
  • Lipomyelomeningocele: Bệnh lý này khiến chất béo lưu trữ trong tủy sống đan xen với chất béo trong túi cùng và làm hạn chế chuyển động của tủy sống.

Hầu hết các trường hợp liên quan đến tật nứt đốt sống
Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng trói buộc tủy sống liên quan đến tật nứt đốt sống

Nguyên nhân khác:

  • Nhiễm trùng
  • Đầu cuối sợi dày hoặc/ và chật
  • Chấn thương cột sống nghiêm trọng
  • Khối u
  • U mỡ (sự tăng trưởng chất béo lành tính)
  • Phát triển mô sẹo sau phẫu thuật tủy sống
  • Xoang da bẩm sinh
  • Diastematomyelia (tách tủy sống)
  • Phẫu thuật cột sống nhiều lần.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hội chứng trói buộc tủy sống có những triệu chứng thường bắt đầu trong giai đoạn sơ sinh và phát triển. Ở một số trường hợp, các triệu chứng không xuất hiện cho đến khi trưởng thành.

Những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến gồm:

  • Biến dạng bàn chân và cột sống
  • Khó khăn khi đi lại
  • Thay đổi dáng đi hoặc dáng đi bất thường
  • Xuất hiện những tổn thương ở lưng dưới:
    • Khối u lành tính
    • Những mảng lông
    • Lúm đồng tiền
    • U mạch máu
    • Khối u mỡ
    • Mụn thịt dư
  • Tê ở chân hoặc lưng
  • Đau chân hoặc đau lưng dữ dội, thường lan đến vùng sinh dục hoặc trực tràng
  • Vẹo cột sống
  • Teo cơ (mất khối lượng cơ)
  • Xuất hiện những u nang chứa đầy chất lỏng trong tủy sống
  • Tiết niệu bất thường, chẳng hạn như bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ

Vẹo cột sống
Vẹo cột sống, khó khăn khi đi lại, thay đổi dáng đi hoặc dáng đi bất thường là triệu chứng thường gặp

Những triệu chứng khởi phát ở người lớn thường bao gồm:

  • Đau dữ dội ở lưng dưới, lan xuống háng, đáy chậu và chân
  • Yếu cơ
  • Tê hai bên
  • Mất cảm giác và cử động ở chi dưới
  • Vấn đề kiểm soát ruột
  • Rối loạn tiết niệu (bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ)

Người bệnh sẽ được thăm khám bởi một chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa về não và thần kinh tủy sống. Trong khi thăm khám, bác sĩ kiểm tra bệnh sử, thể chất và các triệu chứng gần đây. Điều này có thể giúp phát hiện những bất thường liên quan đến hội chứng trói buộc tủy sống.

Ngoài ra những xét nghiệm hình ảnh sẽ được sử dụng để xác nhận chẩn đoán và đánh giá tổn thương.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Những phát hiện trong hình ảnh MRI thường là tiêu chẩn vàng để chẩn đoán hội chứng trói buộc tủy sống. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh chi tiết của tủy sống, mạch máu, dây thần kinh và những cấu trúc xung quanh. Từ đó xác định những dị dạng hoặc tổn thương của tủy.
  • Chụp tủy đồ: Thuốc nhuộm được tiêm vào màng cứng bao quanh tủy sống. Sau đó sử dụng tia X để chụp ảnh. Hình ảnh thu được có thể giúp phát hiện những điểm có tủy sống bị buộc hoặc dính vào mô khác ở cột sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bệnh nhân thường được chụp CT sau khi chụp tủy. Điều này giúp xem thuốc nhuộm tương phản chảy quanh tủy sống và vị trí có bất thường.
  • Siêu âm: Siêu âm thường được sử dụng cho trẻ nhỏ. Trong đó sóng âm thanh tần số cao được sử dụng để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Điều này giúp xem liệu tủy sống có bị buộc hay không hoặc nó di chuyển như thế nào trong ống sống.

Biến chứng và tiên lượng

Rối loạn tiến triển theo tuổi tác. Tuy nhiên hội chứng trói buộc tủy sống không ảnh hưởng đến tuổi thọ khi được điều trị. Ngoài ra việc điều trị càng sớm càng có khả năng hồi phục hoàn toàn. Ở một số trường hợp, các triệu chứng như tê, yếu hoặc/ và khả năng kiểm soát về cử động không biến mất hoàn toàn.

Nếu phẫu thuật điều trị không diễn ra sớm, hội chứng trói buộc tủy sống có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, cụ thể như:

  • Suy giảm chức năng vận động và cảm giác
  • Tê liệt phần thân dưới
  • Mất hoàn toàn chức năng ruột và bàng quang

Điều trị

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hội chứng trói buộc tủy sống. Ngoài ra người bệnh sẽ được áp dụng thêm biện pháp khác để hỗ trợ điều trị.

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật cần được thực hiện sớm hoặc khi những triệu chứng bắt đầu xấu đi. Đối với trẻ em, việc phẫu thuật sớm có thể ngăn bệnh thêm nghiêm trọng và đảo ngược các triệu chứng.

Phẫu thuật
Phẫu thuật giúp giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh, đảo ngược các triệu chứng

Tùy thuộc vào nơi tủy sống bị buộc và mức độ nghiêm trọng, một trong những kỹ thuật dưới đây có thể được thực hiện:

  • Tháo dây cột sống: Bác sĩ rạch một đường ở lưng dưới. Sau đó nhẹ nhàng loại bỏ các mô sẹo, tách tủy sống khỏi ống sống bằng cách di chuyển nhẹ nhàng hoặc cắt hoàn toàn khỏi lớp mỡ cột sống. Sau cùng bác sĩ vá lại vùng phẫu thuật để ngăn mất dịch não tủy và mất máu.
  • Phẫu thuật cắt bỏ bản sống: Phương pháp này giúp giải phóng tủy sống khỏi mô. Trong khi thực hiện, bác sĩ loại bỏ mô từ phần dưới của tủy sống hoặc một số phần xương (chẳng hạn như gai xương). Điều này giúp tiếp cận khu vực xung quanh tủy sống, thêm không gian cho ống sống. Từ đó giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh.
  • Phẫu thuật cắt xương đốt sống: Người lớn có thể được phẫu thuật cắt xương đốt sống, đặc biệt là những trường hợp thất bại sau thủ thuật tháo dây buộc. Trong đó một phần cột sống được loại bỏ để rút ngắn cột sống. Điều này gián tiếp làm giảm sức căng lên tủy sống. Sau khi phẫu thuật cắt xương đốt sống, tủy sống vẫn được cố định vào cột sống, ngăn những biến chứng sau phẫu thuật dẫn đến tổn thương tủy sống.

Phẫu thuật hội chứng trói buộc tủy sống có tỉ lệ thành công cao. Tuy nhiên do những triệu chứng nghiêm trọng xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng, khoảng 10 - 20% trẻ em cần phẫu thuật nhiều hơn một lần.

Vài tuần sau khi phẫu thuật thành công, trẻ có thể trở lại hoạt động bình thường. Một số trẻ cần vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Những bài tập sẽ giúp kích thích quá trình chữa lành, cải thiện sức mạnh cơ bắp và lấy lại chức năng vận động.

2. Thuốc

Một số thuốc sẽ được dùng để điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các thuốc dưới đây có thể được dùng:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
  • Thuốc ức chế COX-2
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc chống động kinh

3. Vật lý trị liệu

Bệnh nhân được vật lý trị liệu sau phẫu thuật để phục hồi chức năng. Những bài tập thích hợp sẽ được hướng dẫn để tăng cường cơ bắp, cải thiện vận động và giúp người bệnh sinh hoạt bình thường.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp cải thiện vận động sau phẫu thuật, người bệnh sinh hoạt bình thường

Phòng ngừa

Không có cách phòng ngừa hội chứng trói buộc tủy sống. Tuy nhiên việc điều trị kịp thời có thể tăng khả năng phục hồi hoàn toàn, đảo ngược các triệu chứng và không ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân. Vì vậy bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện triệu chứng hoặc dấu hiệu bất thường nào.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Cần thực hiện những xét nghiệm nào?

2. Các lựa chọn điều trị cho hội chứng trói buộc tủy sống là gì?

3. Tôi/ con của tôi có khả năng phục hồi hoàn toàn hay không?

4. Triệu chứng có thể quay trở lại sau khi điều trị hay không?

5. Có cần vật lý trị liệu không?

6. Sẽ mất bao lâu để điều trị?

7. Tôi/ con của tôi có thể sống cuộc sống bình thường không?

Hội chứng trói buộc tủy sống có tủy sống bị buộc hoặc dính vào các mô xung quanh cột sống. Điều này dẫn đến dị tật cột sống, gây nhiều triệu chứng và biến chứng nặng nề. Tuy nhiên điều trị sớm có thể ngăn bệnh tiến triển và đảo ngược triệu chứng. Do đó người bệnh cần được khám và chữa trị sớm.