Hội Chứng Ống Cổ Chân

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Hội chứng ống cổ chân còn được gọi là hội chứng đường hầm cổ chân (Tarsal Tunnel Syndrome). Tình trạng này xảy ra khi có áp lực lặp đi lặp lại khiến dây thần kinh chày bị tổn thương.

Tổng quan

Hội chứng ống cổ chân (hội chứng đường hầm cổ chân) là thuật ngữ chỉ tổn thương dây thần kinh chày do áp lực lặp đi lặp lại ở cổ chân. Đây là một dây thần kinh nằm ở mắt cá chân, chạy qua đường hầm cổ chân (lối đi trong mắt cá chân được tạo từ xương và dây chằng).

Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng ống cổ chân xảy ra khi có chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh chày

Hội chứng đường hầm cổ chân xảy ra khi sử dụng bàn chân và mắt cá chân quá mức. Bệnh thường gặp ở những người tập thể dục thường xuyên hoặc luyện tập cường độ cao, đặc biệt là khi có bàn chân bẹt.

Hội chứng ống cổ chân gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, thường bao gồm đau đớn như kim châm kèm theo tê và yếu ở bàn chân. Khi được điều trị tốt, các triệu chứng sẽ nhanh chóng thuyên giảm hoặc mất đi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hội chứng ống cổ chân xảy ra khi dây thần kinh chày bị chèn ép hoặc tổn thương. Điều này thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Lạm dụng khớp cổ chân và bàn chân
  • Bàn chân phẳng (bàn chân bẹt). Nguyên nhân là do bàn chân bẹt có thể kéo căng dây thần kinh chày
  • Vòm cao
  • Chấn thương
    • Bong gân mắt cá chân (chấn thương dây chằng mắt cá chân)
    • Gãy xương
  • Các khối bất thường, có thể là những khối u, u nang hạch hoặc u mỡ gần dây thần kinh chày
  • Sự tăng trưởng xương lành tính, chẳng hạn như gai xương trong đường hầm cổ chân
  • Giãn tĩnh mạch trong màng bao quanh dây thần kinh chày. Điều này dẫn đến sự chèn ép và làm tổn thương dây thần kinh
  • Sưng gân
  • Các tình trạng toàn thân
    • Suy giáp
    • Viêm khớp
    • Bệnh tiểu đường khiến dây thần kinh dễ bị tổn thương và chèn ép hơn.

Bong gân mắt cá chân
Bong gân mắt cá chân là một trong những chấn thương dễ làm phát triển hội chứng ống cổ chân

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Dị tật chân
  • Loạn dưỡng phản xạ giao cảm
  • Mang giày chật và nén ở chân
  • Mang thai
  • Vận động viên hoặc những người có công việc cần đứng, đi bộ hoặc chạy nhiều
  • Viêm màng hoạt dịch.

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ chân có thể từ nhẹ đến nặng. Bao gồm:

  • Đau nhói
    • Đau lan tỏa đến vòm và lòng bàn chân
    • Đau dọc theo dây thần kinh chày sau
    • Đau quanh hoặc trong mắt cá chân
    • Đau lan lên phía sau ống chân, lan xuống vòm, gót chân và đến các ngón chân
    • Cơn đau sắt nét, cảm giác điện giật hoặc kim châm
    • Đau khi điều khiển ô tô, tồi tệ hơn khi hoạt động, giảm bớt khi nghỉ ngơi
  • Cảm giác nóng và lạnh ở bàn chân
  • Có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran
  • Sưng bàn chân và vùng mắt cá chân
  • Tê ở lòng bàn chân
  • Yếu cơ
  • Dấu hiệu Tinel dương tính.

Các triệu chứng (đặc biệt là đau) thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm, khi đứng hoặc tập thể dục; cải thiện khi nghỉ ngơi. Ngoài ra các triệu chứng có thể bắt đầu đột ngột hoặc tiến triển dần dần.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu mô tả các triệu chứng của bạn, vị trí ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh và những chấn thương trước đó.

Nếu có nghi ngờ mắc hội chứng ống cổ chân, người bệnh được thực hiện các thử nghiệm cần thiết và xét nghiệm bổ sung, bao gồm:

Ngứa ran hoặc đau khi chạm vào dây thần kinh chày
Hội chứng đường hầm cổ chân gây ngứa ran hoặc đau khi chạm vào dây thần kinh chày

  • Kiểm tra Tinel: Trong quá trình này, bác sĩ chạm nhẹ vào dây thần kinh chày. Những người mắc hội chứng đường hầm cổ chân sẽ có dấu hiệu ngứa ran hoặc đau.
  • Điện cơ đồ (EMG): EMG sử dụng xung điện để đo chức năng của cơ bắp và dây thần kinh. Điều này giúp phát hiện những bất thường liên quan đến dây thần kinh chày.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cung cấp hình ảnh chi tiết của mô mềm và xương bên trong cơ thể. Điều này giúp bác sĩ dẽ dàng hơn trong việc xác định tổn thương thần kinh, chấn thương cơ xương và các khối gây áp lực lên dây thần kinh chày.
  • Chụp X-quang: Bệnh nhân có thể được chụp X-quang để kiểm tra tổn thương hoặc sự phát triển của gai xương trong ống cổ chân.

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng ống cổ chân cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Các triệu chứng thường biến mất sau khi nguyên nhân cơ bản được khắc phục, chẳng hạn như u mỡ hoặc gai xương.

Nếu có bệnh lý mãn tính (chẳng hạn như viêm khớp), hội chứng đường hầm cổ chân ít có khả năng biến mất hoàn toàn. Những trường hợp này cần phải điều trị tích cực và kiểm soát các triệu chứng lâu dài.

Khi không được điều trị, hội chứng đường hầm cổ chân có thể khiến dây thần kinh bị tổn thương vĩnh viễn và không thể đảo ngược. Điều này khiến người bệnh đau đớn, khó khăn khi đi lại, thực hiện các hoạt động thường ngày hoặc tập thể dục.

Ngoài ra người bệnh có thể gặp những biến chứng sau:

  • Teo cơ do thiếu vận động lâu ngày
  • Tàn phế.

Điều trị

Điều trị dựa trên mức độ ảnh hưởng của hội chứng ống cổ chân. Các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng thuốc và biện pháp chăm sóc tại nhà. Đôi khi người bệnh cần phải phẫu thuật.

1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà

Triệu chứng của hội chứng ống cổ chân có thể được kiểm soát bằng những biện pháp tại nhà. Dưới đây là một số bước giúp giảm sưng và đau hiệu quả.

Nghỉ ngơi và nâng cao chân giúp giảm viêm và sưng hiệu quả
Nghỉ ngơi và nâng cao chân giúp thúc đẩy quá trình chữa lành, giảm viêm và sưng hiệu quả

  • Nghỉ ngơi: Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi trong vài ngày hoặc vài tuần. Điều này giúp giảm áp lực lên vùng ảnh hưởng và dây thần kinh chày. Từ đó giảm đau, ngăn ngừa chấn thương thêm và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
  • Chườm đá: Dùng túi nước đá hoặc rau củ đông lạnh đặt lên cổ chân tối đa 20 phút, 2 - 3 lần/ ngày. Nhiệt độ thấp giúp đóng băng bàn chân, giảm lưu thông máu tạm thời. Đồng thời giảm sưng và đau.
  • Nén: Nẹp quanh mắt cá chân hoặc dùng băng thun hỗ trợ. Thiết bị này giúp giữ cho cổ chân ở vị trí đúng, giảm chấn thương thêm và giảm chèn ép lên dây thần kinh. Từ đó giúp giảm đau hiệu quả.
  • Nâng cao: Nâng cao cổ chân nên được thực hiện sao bước nén. Bất cứ khi nào có thể, hãy đặt vài chiếc gối bên dưới sao cho cổ chân cao hơn tim. Biện pháp này giúp giảm viêm và sưng hiệu quả.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nếu đau không giảm, hãy thử dùng NSAID không kê đơn, như Ibuprofen hoặc Naproxen. Thuốc này giúp giảm đau và viêm.

2. Điều trị không phẫu thuật

Nếu hội chứng ống ở chân ở mức độ nhẹ và vừa, bác sĩ có thể đề xuất những phương pháp điều trị không phẫu thuật, bao gồm:

  • Bó bột hoặc nẹp

Người bệnh cần bất động hoàn toàn nếu hội chứng ống cổ chân ở mức độ nặng và có tổn thương thực thể đối với dây thần kinh. Những trường hợp này sẽ được yêu cầu bó bột hoặc nẹp.

Bất động hoàn toàn giúp giảm kích thích vùng ảnh hưởng. Đồng thời thúc đẩy quá trình lành lại của dây thần kinh, các mô xung quanh và khớp.

Đối với những người có bàn chân bẹt, việc mang nẹp có thể giúp giảm áp lực lên bàn chân. Từ đó giúp giảm đau và ngăn tổn thương thêm cho dây thần kinh.

  • Dụng cụ chỉnh hình và giày chỉnh hình

Bệnh nhân được thiết kế một miếng lót chuyên dụng và giày phù hợp. Miếng lót giày có thể giúp giữ cho bàn chân ở vị trí đúng, hỗ trợ và duy trì hình vòm thích hợp.

Ngoài ra dụng cụ này cũng giúp hạn chế những chuyển động có thể gây đau, kích ứng thêm cho dây thần kinh và mô xung quanh. Từ đó làm dịu các triệu chứng.

Đối với giày chỉnh hình, nó có thể giúp giảm căng thẳng cho dây thần kinh và giữ cho bàn chân không bị lăn vào trong.

  • Tiêm thuốc chống viêm

Tiêm thuốc chống viêm (như corticosteroid) và thuốc gây tê cục bộ cho những trường hợp rất đau hoặc có khả năng tàn phế. Khi được tiêm trực tiếp vào dây thần kinh, thuốc này có thể giúp giảm sưng, viêm và đau nhanh chóng.

Tiêm thuốc chống viêm
Tiêm thuốc chống viêm trực tiếp vào dây thần kinh để giảm sưng, viêm và đau nhức

  • Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu thích hợp có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng ống cổ chân. Khi thực hiện hững bài tập này giúp kéo dài bàn chân và cổ chân từ từ, tăng cường các mô liên kết và mở không gian khớp. Từ đó giảm chèn ép dây thần kinh chày và giảm đau.

Một số bài tập thích hợp gồm:

Nâng gót chân

    • Sử dụng lưng ghế để hỗ trợ, nhấc gót chân và đứng trên những ngón chân
    • Giữ trong 5 giây, lặp lại 15 lần
    • Khi bàn chân khỏe hơn, hãy cố gắng đứng trên mỗi bàn chân bị thương.

Bài tập thăng bằng

    • Đứng cạnh một chiếc ghế, với bàn chân bị thương cách xa ghế nhất
    • Đứng trên bàn chân bị thương và hơi cong đầu gối
    • Từ từ cúi người về phía trước từ thắt lưng
    • Vươn tay về phía trước xa ra khỏi ghế
    • Lặp lại 15 lần, 2 bộ
    • Vươn tay xa nhất từ ghế qua người, hướng về phía ghế
    • Lặp lại 15 lần, 2 bộ.

Căng bắp chân

    • Đứng và quay mặt vào tường, đặt hai bàn tay lên tường ngang tâm mắt
    • Đặt bàn chân bị thương hơi lùi về phía sau, gót chân phẳng trên mặt đất, chân còn lại hướng về phía trước và đầu gối cong
    •  Xoay bàn chân vào trong một chút
    • Nhẹ nhàng dựa vào tường sao cho bắp chân căng ra sau, giữ trong 15 - 30 giây
    • Quay lại vị trí ban đầu, lặp lại 3 lần.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật hội chứng đường hầm cổ chân khi những phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được phẫu thuật mở hoặc nội soi.

  • Phẫu thuật mở: Trong quá trình này, bác sĩ sẽ tạo một lỗ mở từ phía sau mắt cá chân đến vòm bàn chân. Sau đó tiến hành cắt dây chằng. Điều này giúp giải phóng đường hầm cổ chân, ngăn dây chằng chèn ép vào dây thần kinh.
  • Phẫu thuật nội soi: Một số trường hợp được giải nén bằng phẫu thuật nội soi. Khi thực hiện, bệnh nhân được gây tê cục bộ, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở mắt cá trong. Sau đó dùng dao đẩy và giải phóng võng mạch cơ gấp. Điều này giúp giảm áp lực lên dây thần kinh chày.

Phẫu thuật mang đến hiệu quả điều trị cao. Đặc biệt những người được chẩn đoán sớm và người trẻ tuổi sẽ có tỉ lệ thành công và kết quả tốt hơn sau phẫu thuật.

Phòng ngừa

Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn cho hội chứng ống cổ chân. Tuy nhiên các biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh. Cụ thể:

Nghỉ ngơi giữa những bài tập
Nghỉ ngơi giữa những bài tập, không lạm dụng bàn chân và mắt cá chân để ngăn hội chứng ống cổ chân

  • Không lạm dụng bàn chân và mắt cá chân. Nên nghỉ ngơi giữa những bài tập. Điều này giúp khớp cổ chân được thư giãn, giảm nguy cơ chấn thương và chèn ép dây thần kinh chày.
  • Tránh lặp đi lặp lại những chuyển động có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh chày.
  • Thường xuyên duỗi bàn chân và mắt cá chân để thư giãn và mở rộng đường hầm cổ chân.
  • Luôn khởi động trước khi tập luyện và chơi thể thao. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương dẫn đến sự chèn ép.
  • Giữ cân nặng an toàn và kiểm soát những tình trạng có thể gây ra những vấn đề ở cổ chân và mắt cá chân.
  • Nếu cần thiết, hãy mang nẹp và dụng cụ chỉnh hình theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Mang giày dép phù hợp, vừa vặn và có miếng lót hỗ trợ bàn chân. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có bàn chân bẹt.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Có những phương pháp nào giúp kiểm soát tình trạng?

2. Tôi có thể tự điều trị tại nhà hay không?

3. Luyện tập như thế nào phù hợp?

4. Tôi có thể trở lại những hoạt động thể chất hay không?

5. Mất bao lâu để điều trị khỏi?

6. Tôi cần tránh những gì khi điều trị?

7. Lợi ích và những hạn chế khi phẫu thuật là gì?

Hội chứng ống cổ chân có thể gây tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn, đau mãn tính và tàn tật. Chính vì thế mà bệnh lý này cần được phát hiện sớm và điều trị. Vì vậy cần liên hệ với bác sĩ khi bị đau hoặc có bất thường.