Hội Chứng Khoang

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Hội chứng khoang thường gặp ở những người bị chấn thương và luyện tập gắng sức. Tình trạng này làm hạn chế lưu lương máu, ngăn cơ và dây thần kinh nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy cần thiết. Từ đó gây đau đớn và nhiều vấn đề nguy hiểm.

Tổng quan

Hội chứng khoang là tình trạng đau đớn dữ dội, xảy ra khi có áp lực tăng cao trong cơ đến mức nguy hiểm. Áp lực làm giảm lưu thông máu, khiến cơ và dây thần kinh không nhận được oxy và chất dinh dinh dưỡng cần thiết.

Hội chứng khoang
Hội chứng khoang là tình trạng đau đớn dữ dội do tăng áp lực tăng trong cơ đến mức nguy hiểm

Khoang là thuật ngữ chỉ một nhóm cơ, mạch máu và dây thần kinh. Mỗi ngăn có một màng bọc mỏng nhưng chắc chắn, giúp bao phủ và giữ cho các cơ ở vị trí đúng.

Tuy nhiên hoạt động gắng sức hoặc một chấn thương nghiêm trọng (như gãy xương) có thể gây chảy máu hoặc sưng tấy trong khoang. Vì màng cơ không giãn ra, sự sưng tấy và chảy máu có thể tạo ra những áp lực nghiêm trọng lên cơ và dây thần kinh. Tình trạng này được gọi là áp lực ngăn

Hội chứng khoang thường xảy ra ở cẳng chân nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bàn chân, cánh tay, mông và bụng. Tình trạng này cần được điều trị khẩn cấp để tránh gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Phân loại

Hội chứng khoang được phân thành hai loại gồm: Cấp tính và mãn tính.

  • Cấp tính: Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp, có thể gây chết mô. Điều này dẫn đến tổn thương cơ vĩnh viễn (tàn tật), tê liệt và tử vong. Hội chứng khoang cấp tính thường liên quan đến một chấn thương nghiêm trọng khiến người bệnh cực kỳ đau đớn.
  • Mãn tính: Tình trạng này còn được gọi là hội chứng khoang gắng sức, thường gặp ở những người gắng sức trong hoạt động thể thao hoặc lao động. Hội chứng khoang mãn tính không phải là một trường hợp cấp cứu, có thể khỏi khi nghỉ ngơi.

Hội chứng khoang cấp tính
Hội chứng khoang cấp tính là một tình trạng y tế khẩn cấp, thường liên quan đến chấn thương nghiêm trọng

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hội chứng khoang xảy ra khi có tình trạng sưng tấy và chảy máu xảy ra trong khoang. Do màng cơ không giãn để nhường chỗ, sự sưng tấy và chảy máu nhanh chóng làm tăng áp lực lên các dây thần kinh, mao mạch và cơ trong khoang.

Áp lực trong khoang làm gián đoạn lưu thông máu, khiến cơ và dây thần kinh không được cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này gây đau đớn dữ dội, chết mô dẫn đến những thương tật vĩnh viễn và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Những nguyên nhân gây hội chứng khoang thường gặp:

+ Cấp tính

Hầu hết những trường hợp cấp tính liên quan đến một chấn thương nặng. Cụ thể như:

  • Gãy xương
  • Cơ bắp bị bầm tím nặng nề
  • Lưu lượng máu quay trở lại đột ngột sau khi tắc nghẽn tuần hoàn. Tình trạng này xảy ra khi bác sĩ sửa chữa mạch máu bị hỏng và tắc nghẽn trong vài giờ. Ngoài ra nằm quá lâu cũng có thể dẫn đến tắc mạch (tắc nghẽn trong khi ngủ)
  • Đau thương

Nguyên nhân khác:

  • Băng bó quá chặt
  • Sử dụng steroid đồng hóa

+ Mãn tính

Tập thể dục gắng sức là nguyên nhân gây hội chứng khoang mãn tính. Tình trạng này thường gặp ở những người lặp đi lặp lại các chuyển động, chẳng hạn như đạp xe đạp, bơi lội, diễu hành và chạy đường dài.

Hội chứng khoang mãn tính không nguy hiểm. Việc ngừng tập thể dục và nghỉ ngơi có thể giúp khắc phục tình trạng này.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hội chứng khoang cấp tính có những triệu chứng đột ngột và rất nghiêm trọng, cần được điều trị khẩn cấp. Ngược lại những trường hợp mãn tính sẽ có những triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, có thể tự khỏi.

Những triệu chứng thường xảy ra trong vài giờ sau khi bị chấn thương hoặc có sự kích động. Tuy nhiên các triệu chứng cũng có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng 48 giờ đầu.

+ Cấp tính

  • Đau đớn rất dữ dội, đau sâu và dai dẳng, đặc biệt là khi căng cơ trong khoang. Đau không giảm khi sử dụng NSAID
  • Có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran ở trong hoặc dưới da (dị cảm)
  • Cơ căng, phồng hoặc sưng tấy rõ rệt
  • Căng cứng (cảm giác chi cứng như gỗ hoặc sờ nắn sâu)
  • Tê hoặc liệt (triệu chứng muộn)
  • Giảm khả năng cử động chi bị ảnh hưởng do áp suất tăng cao
  • Xanh xao và mất mạch (hiếm gặp)

+ Mãn tính (gắng sức)

  • Đau hoặc chuột rút khi tập thể dục
  • Đau biến mất khi dừng hoạt động
  • Khó di chuyển bàn chân
  • Cảm giác như bàn chân đập xuống khi chạy
  • Cơ bắp phồng lên

Đau hoặc chuột rút khi tập thể dục
Hội chứng khoang gắng sức gây đau hoặc chuột rút khi tập thể dục, khó di chuyển bàn chân, cơ bắp phồng lên

Hội chứng khoang cấp tính cần được thăm khám và điều trị khẩn cấp. Trong quá trình này, bệnh nhân được kiểm tra triệu chứng, hỏi về chấn thương và bệnh sử. Bác sĩ cũng có thể sờ và ấn nhẹ để tìm kiếm những dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn như ấn vào gân để đảm bảo gân không bị viêm.

Để xác nhận chẩn đoán, những kỹ thuật dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang để loại trừ xương bị gãy do căng thẳng.
  • Đo áp suất khoang: Nếu nghi ngờ hội chứng khoang, người bệnh sẽ được đo áp lực khoang ở chi bị ảnh hưởng. Khi thực hiện, bác sĩ chèn một cây kim vào cơ. Kim được gắn vào máy sẽ cho kết quả đo áp suất. Đối với hội chứng khoang mãn tính, bệnh nhân sẽ được đo áp lực trong khoang trước và sau khi tập thể dục.

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng khoang mãn tính có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi. Trong khi đó hội chứng khoang cấp tính là một tình trạng nghiêm trọng, cần được điều trị ngay lập tức. Nếu áp lực trong khoang không được giảm nhanh, người bệnh sẽ gặp những biến chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Hoại tử mô (chết các mô)
  • Co rút cơ (cứng và biến dạng)
  • Chứng co cứng Volkmann ở chi bị ảnh hưởng
  • Thương tật vĩnh viễn
  • Tổn thương cơ và dây thần kinh vĩnh viễn (diễn ra trong vòng 24 giờ)
  • Hội chứng đau vùng mãn tính
  • Tiêu cơ vân
  • Suy thận
  • Cắt cụt chi
  • Tử vong

Điều trị

Điều trị hội chứng khoang cấp tính và mãn tính như sau:

1. Hội chứng khoang cấp tính

Cần loại bỏ bất kỳ lực ép bên ngoài nào, chẳng hạn như băng bó hoặc bó bột chỉnh hình trên chi bị ảnh hưởng. Điều này có thể giảm 65% áp lực trong khoang. Tiếp theo cần cắt lớp đệm để giảm thêm 10 - 20% áp lực trong khoang và đặt chân trên mức tim.

Trong trường hợp tình trạng lâm sàng không cải thiện, bệnh nhân cần thực hiện một thủ tục được gọi là phẫu thuật cắt bỏ cân mạc. Trong đó bác sĩ sẽ tạo một vết mổ đủ lớn, cắt da và màng bao phủ để giải nén tất cả các khoang. Phẫu thuật sẽ được thực hiện dưới hình thức gây mê cục bộ hoặc toàn thân.

Một số bệnh nhân có tình trạng sưng tấy nghiêm trọng đến mức không thể đóng lại vết mổ sau khi giải nén. Khi sưng tấy giảm bớt (trong vòng 7 ngày), vết mổ sẽ được sữa chữa. Trường hợp này có thể cân nhắc sử dụng một mảnh ghép da.

Phẫu thuật cắt gân
Phẫu thuật cắt gân bao gồm việc tạo một vết mổ đủ lớn để giải nén tất cả các khoang

2. Hội chứng khoang mãn tính

Hầu hết các trường hợp có triệu chứng giảm nhanh khi giảm hoặc dừng tập thể dục. Những biện pháp không phẫu thuật khác cũng được thực hiện để thúc đẩy quá trình chữa lành. Hiếm khi phẫu thuật cần thiết.

+ Điều trị không phẫu thuật

Đối với hội chứng khoang mãn tính, những phương pháp điều trị không phẫu thuật dưới đây có thể giúp ích:

  • Nghỉ ngơi. Giảm tập thể dục và những hoạt động có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng.
  • Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen để giảm đau và viêm.
  • Dùng miếng đệm sưởi hoặc túi chườm làm ấm vùng bị ảnh hưởng. Biện pháp này giúp thư giãn, giảm đau và nới lỏng màng cơ trước khi tập thể dục. Tuyệt đối không chườm lạnh vì điều này có thể khiến màng cơ ở vùng ảnh hưởng bị co thắt nhiều hơn.
  • Tránh sử dụng những thiết bị có khả năng tạo áp lực lên vùng ảnh hưởng, điển hình như nẹp, bó bột và băng quá chật.
  • Đào tạo chéo với các hoạt động có tác động thấp. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực.
  • Thay đổi bề mặt vận động. Một số người cảm thấy các triệu chứng nặng hơn khi hoạt động thể chất trên nền bê tông, sân cỏ nhân tạo...
  • Thay đổi việc chạy bằng gót chân sang chạy bằng mũi chân có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.

+ Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ gân được thực hiện cho những trường hợp sau:

  • Các triệu chứng vẫn tồn tại sau điều trị bảo tồn
  • Không muốn từ bỏ những hoạt động có thể gây ra các triệu chứng

Trong thủ tục này, bác sĩ tạo một vết cắt đủ lớn để mở màng cơ. Từ đó giải nén và tạo nhiều không gian cho các cơ sưng lên. Phẫu thuật thường mang đến hiệu quả tốt nhất cho khoang bên và khoang trước, kết quả thường khó dự đoán hơn khi giải nén ở khoang sau.

So với vết mổ ở hội chứng khoang cấp tính, vết mổ trong điều trị hội chứng khoang mạn tính ngắn hơn. Tuy nhiên quá trình thực hiện là như nhau.

Phòng ngừa

Những biện pháp dưới đây có thể giúp ích, giúp giảm nguy cơ phát triển hội chứng khoang cấp tính và mãn tính:

Không nẹp hoặc bó bột quá chặt
Không nẹp, băng bó hoặc bó bột quá chặt, cần nới lỏng ngay khi có dấu hiệu bất thường

  • Không nẹp, băng bó hoặc bó bột định hình quá chặt. Thông báo với bác sĩ và điều chỉnh nẹp/ bó bột ngay khi có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là khi phần cơ thể đó vẫn đau và sưng sau khi dùng thuốc giảm đau.
  • Nếu có những dấu hiệu liên quan đến hội chứng khoang cấp tính (sau chấn thương hoặc tai nạn), cần điều trị sớm để ngăn các biến chứng.
  • Không đột ngột tăng cường độ luyện tập hoặc tập quá nhiều. Nên tăng dần thời gian, tần suất và cường độ theo thời gian. Ngoài ra nên dành nhiều thời gian làm quen khi bắt đầu một chương trình luyện tập hoặc một bộ môn mới.
  • Thay đổi tư thế cơ thể khi tập thể dục. Chẳng hạn như thay đổi dáng đi khi chạy.
  • Khởi động và điều hòa trước và sau khi tập thể dục. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương và hội chứng khoang.
  • Thường xuyên tập thể dục để cải thiện sức bền và tính linh hoạt.
  • Không tập luyện quá sức cơ bắp. Nên dành thời gian để nghỉ ngơi giữa những buổi tập.
  • Mang giày phù hợp với các hoạt động.
  • Tập luyện trên bề mặt mềm hơn. Điều này giúp cơ thể thoải mái và dễ dàng thực hiện các hoạt động thể chất hơn.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?

2. Phương pháp điều trị tốt nhất là gì?

3. Tôi có thể gặp những biến chứng nào? Làm gì để ngăn ngừa?

4. Hội chứng khoang có quay trở lại không?

5. Sẽ mất bao lâu để điều trị?

6. Tôi có thể trở lại các hoạt động thể chất hay không?

7. Tôi có cần tiếp tục theo dõi sức khỏe sau điều trị không?

Hội chứng khoang có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Những trường hợp cấp tính cần được điều trị y tế khẩn cấp để ngăn phát triển các biến chứng nghiêm trọng, giảm nguy cơ cắt cụt chi và đe dọa đến tính mạng. Tốt nhất nên đến bệnh viện ngay khi có bất thường.