Hoại Tử Xương

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Hoại tử xương xảy ra khi nguồn cung cấp máu bị gián đoạn khiến mô xương chết đi. Ban đầu có thể không có triệu chứng. Nhưng khi bệnh tiến triển, người bệnh bị đau khớp tăng dần, có thể dẫn đến xẹp xương hoặc bề mặt khớp gần đó.

Tổng quan

Hoại tử xương còn được gọi là hoại tử vô mạch (AVN), hoại tử vô trùng hoặc nhồi máu xương. Đây là tình trạng mô xương bị chết do gián đoạn nguồn cung máu. Điều này tạo ra những vết nứt nhỏ và khiến xương bị gãy.

Hoại tử xương
Hoại tử xương là tình trạng mô xương bị chết (hoại tử) do gián đoạn nguồn cung máu

Gãy xương hoặc trật khớp làm ngừng hoặc giảm lưu lượng máu đến một phần xương. Hầu hết trường hợp có hoại tử vô mạch tiến triển từ vài tháng đến nhiều năm trước khi xương bị gãy hoặc xẹp, dẫn đến viêm xương khớp (giai đoạn IV).

Hoại tử xương thường xảy ra ở những đầu xương dài của khớp chịu trọng lượng, chẳng hạn như chỏm xương đùi và xương chày (xương ống chân). Một người thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Đau và các triệu chứng khác xuất hiện dần dần. Hầu hết bệnh nhân cần phẫu thuật điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hoại tử xương xảy ra khi có sự gián đoạn cung cấp máu cho một phần xương. Điều này khiến xương không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết.

Những nguyên nhân có thể gây ra sự gián đoạn lưu lượng máu:

  • Chấn thương: Chấn thương khớp hoặc xương (chẳng hạn như gãy hở hoặc trật khớp) có thể làm hỏng những mạch máu gần đó. Điều này khiến lưu lượng máu đến xương bị giảm sút. Ngoài ra cục máu đông có thể gây tắc nghẽn tuần hoàn hoặc làm co mạch máu, tăng áp lực trong xương.
  • Điều trị ung thư: Các phương pháp điều trị ung thư liên quan đến bức xạ có thể khiến những mạch máu bị tổn thương và gây suy yếu xương.
  • Chất béo tích tụ trong mạch máu: Những mạch máu nhỏ cung cấp máu đến xương bị ngăn chặn bởi chất béo (lipid). Điều này làm giảm lưu lượng máu đến xương.
  • Bệnh lý: Gián đoạn cung cấp máu đến xương có thể liên quan đến một số bệnh lý, chẳng hạn như viêm tụy, bệnh Gaucher, nhiễm HIV/AIDS, bệnh giảm áp, thiếu máu hồng cầu hình liềm và một số loại ung thư, điển hình như bệnh bạch cầu.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Sử dụng corticosteroid liều cao: Hoại tử xương thường gặp ở những người sử dụng corticosteroid liều cao, điển hình như Prednisone. Theo chuyên gia, loại thuốc này có khả năng làm tăng nồng độ lipid trong máu và khiến lưu lượng máu đến xương giảm sút. Ngoài ra tổn thương xương liên quan đến steroid thường tồi tệ hơn khi sử dụng steroid liều cao lặp đi lặp lại.
  • Sử dụng rượu quá mức: Uống nhiều rượu hoặc đồ uống có cồn mỗi ngày trong nhiều năm có thể làm tăng nguy cơ hoại tử vô mạch. Nguyên nhân là do loại thức uống này có khả năng khiến chất béo tích tụ trong mạch máu, gây phì đại tế bào mỡ trong tủy xương hoặc tắc mạch máu.
  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống: Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn, gây tổn thương mô lan rộng do viêm, trong đó có mạch máu.
  • Chấn thương nghiêm trọng: Một chấn thương nghiêm trọng của xương hoặc khớp sẽ làm gián đoạn việc cung cấp máu cho xương.
  • Sử dụng Bisphosphonate: Sử dụng lâu dài Bisphosphonate hoặc những loại thuốc tăng mật độ xương có thể làm tăng nguy cơ hoại tử xương hàm. Đặc biệt là những người sử dụng Bisphosphonate lâu dài trong điều trị ung thư, chẳng hạn như ung thư vú di căn và đa u tủy.
  • Một số phương pháp điều trị y tế: Cấy ghép nội tạng, đặc biệt là ghép thận thường góp phần gây hoại tử vô mạch.
  • Yếu tố khác: Hút thuốc lá, mắc bệnh tiểu đường, loãng xương khiến một số phụ nữ lớn tuổi (đôi khi nam giới) mắc chứng hoại tử vô mạch tự phát ở đầu gối (SPONK)

Trừ khi nguyên nhân là bệnh lupus và chấn thương, nam giới có nhiều khả năng bị hoại tử xương hơn phụ nữ. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở những người có độ tuổi từ 30 - 60 tuổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Người bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của hoại tử xương. Khi bệnh tiến triển, mọi người có thể bắt đầu cảm thấy đau dần dần. Đặc điểm nhận biết:

Bắt đầu cảm thấy đau dần dần khi bệnh tiến triển
Cảm thấy đau dần dần khi bệnh tiến triển, đau nhẹ hoặc nặng, tăng khi đặt trọng lượng lên khớp ảnh hưởng

  • Đau thường xảy ra ở xương thuộc khớp chịu trọng lượng
  • Đau có thể nhẹ hoặc nặng, thường tăng dần theo thời gian
  • Đau từng cơn xuất hiện và giảm bớt khi tăng áp lực lên xương, sau đó loại bỏ áp lực
  • Nếu ảnh hưởng đến khớp hông (hoại tử vô mạch chỏm xương đùi), đau xảy ra ở háng, đôi khi ở mông hoặc đùi
  • Thường bắt đầu cảm thấy đau khi đặt trọng lượng lên khớp ảnh hưởng
  • Khi bệnh tiến triển nặng, những cơn đau xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi (nằm nghỉ)

Ngoài đau xương và khớp, những triệu chứng khác cũng tiến triển dần theo theo thời gian, bao gồm:

  • Cứng khớp
  • Xẹp đầu xương khiến cơn đau tăng đột ngột
  • Mất phạm vi chuyển động
  • Đi khập khiễng nếu hoại tử vô mạch ở đầu gối hoặc ở hông
  • Khó khăn khi đứng, leo cầu thang hoặc đi lại
  • Viêm khớp

Một số người bị hoại tử vô mạch hai bên, điển hình như hai bên hông hoặc đầu gối. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở vai, hàm, tay và chân nhưng ít phổ biến hơn.

Bệnh nhân được khám sứ khỏe và hỏi về bệnh sử, sau đó kiểm tra vùng đau. Bác sĩ có thể ấn nhẹ, nhẹ nhàng uốn cong và duỗi thẳng khớp bị ảnh hưởng. Điều này có thể phát hiện cơn đau xương khu trú (đau giới hạn) ở một vùng nhỏ và các triệu chứng khác của hoại tử vô mạch.

Để chắc chắn hơn về chẩn đoán, một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh sẽ được đề nghị, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Trong giai đoạn đầu của hoại tử vô mạch, hình ảnh X-quang thường không cho thấy tổn thương của xương. Khi bệnh tiến triển, tia X được sử dụng để đánh giá và theo dõi sự tiến triển của bệnh, phát hiện gãy xương hoặc xẹp xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI giúp phát hiện hoại tử vô mạch trong giai đoạn rất sớm, trước khi các triệu chứng xảy ra. Kỹ thuật này cũng cho biết mức độ tổn thương và bao nhiêu xương bị ảnh hưởng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT cung cấp hình ảnh đa chiều của xương, giúp phát hiện và đánh giá tổn thương. Tuy nhiên CT có độ nhạy cảm kém hơn so với MRI.
  • Quét xương (chụp xạ hình xương): Trước khi chụp ảnh, bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch một lượng chất phóng xạ vô hại. Chất này nhanh chóng di chuyển đến những nơi có xương bị tổn thương hoặc đang lành, sau đó hiển thị trên hình ảnh. Quét xương giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong xương và tìm thấy bất kỳ xương nào bị ảnh hưởng.
  • Xét nghiệm chức năng xương: Xét nghiệm này có thể được thực hiện để đo áp lực bên trong xương bị đau và phát hiện bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Điều trị bảo tồn chỉ giúp làm chậm diễn tiến, không thể ngăn hoại tử xương phát triển. Hầu hết mọi người cần phẫu thuật điều trị, thường trong vòng 3 năm. Điều này có thể bao gồm phẫu thuật thay khớp. Khi không được điều trị, tổn thương do hoại tử vô mạch sẽ trầm trọng hơn. Sau cùng gây ra những biến chứng sau:

  • Gãy xương
  • Xẹp đầu xương gần khớp hoặc xương sụp đổ
  • Xương mất hình dạng mịn màng và gây viêm khớp nặng, chẳng hạn như viêm xương khớp.

Viêm xương khớp nặng
Viêm xương khớp nặng là biến chứng thường gặp do hoại tử xương phát triển

Tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm được chẩn đoán. Người bệnh sẽ có ít khả năng điều trị tốt hơn nếu:

  • Trên 50 tuổi
  • Hơn 1/3 vùng chịu trọng lượng của xương đã chết
  • Tổn thương đi qua phần cuối của xương
  • Được chẩn đoán khi đang ở giai đoạn III hoặc cao hơn
  • Tiền sử lâu dài về điều trị bằng cortisone

Điều trị

Điều trị phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh, nguyên nhân của hoại tử xương, xương nào bị tổn thương và có bao nhiêu thiệt hại. Quá trình điều trường diễn ra liên tục và thay đổi theo diễn tiến, gồm điều trị không phẫu thuật để giảm đau ngắn hạn đến phẫu thuật ngay để cải thiện lâu dài.

Việc điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa sự sụp đổ, ngăn tổn thương thêm, cắt giảm cơn đau và cho phép bệnh nhân sử dụng khớp ảnh hưởng.

1. Thuốc

Trong giai đoạn đầu, hoại tử xương được điều trị bằng thuốc. Một vài loại thuốc có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh, bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen hoặc Naproxen natri (Aleve) được dùng để giảm đau do hoại tử vô mạch. Những loại thuốc này có khả năng ngăn viêm và giảm đau nhanh chóng. Nếu triệu chứng không giảm, một loại thuốc chống viêm không steroid mạnh hơn sẽ được sử dụng.
  • Thuốc giãn mạch: Thuốc giãn mạch thường được dùng trong điều trị hoại tử vô mạch, chẳng hạn như Iloprost (Ventavis). Thuốc này giúp mở rộng mạch máu, tăng lưu lượng máu đến  xương bị ảnh hưởng. Từ đó ngăn tổn thương thêm tồi tệ.
  • Chất làm loãng máu: Nếu hoại tử vô mạch liên quan đến rối loạn đông máu, bệnh nhân được dùng chất làm loãng máu nhằm ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong mạch nuôi dưỡng. Trong đó Warfarin (Jantoven) là loại thường được sử dụng.
  • Thuốc hạ cholesterol: Cholesterol và chất béo tích tụ làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng. Việc sử dụng thuốc hạ cholesterol có thể ngăn chặn tình trạng này, cải thiện lưu lượng máu đến và ngăn hoại tử vô mạch thêm nghiêm trọng.

2. Sử dụng nạng

Bệnh nhân được yêu cầu nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động thể chất hoặc đi lại bằng nạng trong vài tháng. Việc giảm trọng lượng lên khớp có thể giúp giảm đau, làm chậm quá trình tổn thương xương. Điều này cũng giúp ngăn ngừa gãy xương.

Đi lại bằng nạng trong vài tháng
Đi lại bằng nạng trong vài tháng để làm chậm quá trình tổn thương xương và ngăn ngừa gãy xương

3. Vật lý trị liệu

Để tiếp tục sử dụng khớp ảnh hưởng, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập về phạm vi chuyển động. Những bài tập này có tác dụng cải thiện phạm vi và duy trì chuyển động linh hoạt của khớp.

4. Kích thích điện

Kích thích điện là phương pháp sử dụng dòng điện để khuyến khích cơ thể phát triển xương mới và khỏe mạnh, thay thế xương bị tổn thương. Phương pháp này có thể được thực hiện thông qua các điện cực gắn trên da hoặc áp dụng trực tiếp vào vùng bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật.

5. Phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật cần được thực hiện để điều trị hoại tử xương. Dựa vào mức độ phức tạp, bác sĩ có thể chỉ định một trong những thủ thuật dưới đây:

  • Giải nén lõi

Khi thực hiện, bác sĩ tiến hành khoan các lỗ nhỏ (lõi) trên xương bị ảnh hưởng. Điều này giúp giảm áp lực và cho phép các mạch máu mới hình thành. Từ đó cải thiện lưu lượng máu đến xương bị ảnh hưởng.

Ngoài ra việc loại bỏ một phần bên trong xương còn giúp giảm đau và kích thích sản xuất mô xương khỏe mạnh. Để thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, phương pháp giải nén lõi thường được thực hiện kết hợp với tiêm hoặc ghép xương.

Giải nén lõi
Giải nén lõi giúp kích thích sản xuất mô xương khỏe mạnh và cho phép các mạch máu mới hình thành

  • Ghép xương

Ghép xương là phương pháp sử dụng mô xương khỏe mạnh để thay thế cho xương bị hư hỏng. Mảnh ghép là một đoạn xương khỏe mạnh từ bộ phận khác của cơ thể.

  • Ghép xương có mạch máu

Ghép xương có mạch máu thường được thực hiện cho những bệnh nhân bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi. Trong quy trình này, bác sĩ tiến hành loại bỏ phần xương có nguồn cung cấp máu kém từ hông. Sau đó xương giàu mạch máu từ một vị trí khác sẽ được lấy ra và lắp đầy vào mô xương bị loại bỏ. Hầu hết bệnh nhân sử dụng mảnh ghép là xương mác.

  • Cắt xương (định hình lại xương)

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt bỏ một mảnh xương nhỏ ở phía trên hoặc phía dưới khớp chịu trọng lượng. Sau đó thay đổi sự liên kết của nó. Điều này giúp chuyển trọng lượng ra khỏi xương bị tổn thương, giảm bớt căng thẳng cho xương hoặc khớp. Cắt xương và định hình lại cũng giúp trì hoãn việc thay khớp.

  • Thay khớp

Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc xương bị xẹp, người bệnh sẽ được phẫu thuật thay khớp. Trong đó các mặt khớp giả, được làm bằng nhựa hoặc kim loại sẽ được sử dụng để thay thế cho những bộ phận bị tổn thương của khớp.

Thay khớp
Thay khớp nhân tạo nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc xương bị xẹp

  • Hút và cô đặc tủy xương

Hút và cô đặc tủy xương là một thủ thuật mới, có thể được áp dụng trong điều trị hoại tử xương ở hông giai đoạn đầu. Trong quá trình thực hiện, một mẫu xương hông chết được lấy ra, sau đó tiến hành chèn vào vị trí của nó các tế bào gốc được lấy từ tủy xương. Điều này sẽ giúp kích thích xương mới phát triển.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp giảm nguy cơ hoại tử xương gồm:

  • Hạn chế uống rượu.
  • Không hút thuốc lá vì thuốc lá làm thu hẹp các mạch máu và giảm lưu lượng máu.
  • Giữ mức cholesterol thấp bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn ít chất béo và tập thể dục.
  • Theo dõi việc sử dụng steroid. Thông báo với bác sĩ nếu từng sử dụng steroid liều cao trong quá khứ hoặc hiện tại. Khi sử dụng steroid liều cao lặp đi lặp lại, tổn thương liên quan đến steroid sẽ trở nên trầm trọng hơn.
  • Nếu phải dùng Corticosteroid để điều trị bệnh mãn tính, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giảm liều lượng.

Hạn chế uống rượu
Tránh uống nhiều rượu trong thời gian dài để giảm nguy cơ hoại tử xương tiến triển

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị hoại tử xương?

2. Cách điều trị tốt nhất cho tình trạng của tôi là gì?

3. Các biến chứng điều trị là gì?

4. Tôi có cần phẫu thuật hay không?

5. Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh?

6. Tiên lượng của tôi như thế nào?

7. Tôi có một tình trạng khác, có những cách nào giúp kiểm soát đồng thời?

Hoại tử xương xảy ra lưu lượng máu giảm sút, xương không nhận được oxy và chất dinh dưỡng. Điều này khiến xương chết đi và tăng nguy cơ sụp đổ. Ngay khi có triệu chứng, người bệnh cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ để ngăn những biến chứng nghiêm trọng.