Bệnh Ho

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Ho là một dạng trạng thái rối loạn sức khỏe phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Đây là cơ chế sinh lý tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ dị vật ra khỏi đường thở. Bản chất của ho không nguy hiểm, ngược lại còn đem lại lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, trường hợp ho dai dẳng kéo dài không khỏi cần phải thận trọng và thăm khám điều trị sớm để ngăn ngừa hệ lụy biến chứng. 

Bệnh ho
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm tống dị vật và làm sạch đường hô hấp

Tổng quan

Ho là trạng thái thở ra một phát mạnh, có thể do chủ động (khi hắng giọng) hoặc ho thụ động. Cơn ho xảy ra khi các tế bào trong đường hô hấp bị kích thích quá mức, khiến phổi phải đẩy không khí ra ngoài đột ngột dưới áp lực và tốc độ cao.

Theo các tài liệu y học, ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ dị vật bên trong và làm sạch đường hô hấp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp ho là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa hoặc thậm chí tim mạch.

Phân loại

Dựa vào thời gian phát bệnh, ho được phân làm 2 dạng chính gồm:

  • Ho cấp tính: Là những cơn ho chỉ kéo dài dưới 3 tuần và tự thuyên giảm hoặc đáp ứng với các biện pháp cải thiện tích cực trong vòng 2 tuần.
  • Ho mạn tính: Là những cơn ho kéo dài trên 3 - 8 tuần, tái đi tái lại thường xuyên và ngày càng có xu hướng tăng nặng được gọi là ho mạn tính.

Dựa vào tính chất và đặc điểm, ho có các dạng phổ biến sau:

Bệnh ho
Ho được phân chia làm nhiều dạng tùy theo tính chất, nguyên nhân và thời gian gây ho

  • Ho khan: Là cơn ho xảy ra do đường thở bị kích ứng bởi các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, virus, vi khuẩn... Cơn ho này chỉ đơn thuần là ho khan và không kèm theo dịch đờm, chất nhầy.
  • Ho có đờm: Là cơn ho có kèm theo dịch đờm. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà dịch có màu trắng, xanh, vàng hoặc nâu, đặc hoặc lỏng, nhiều hoặc ít... Phần lớn những trường hợp ho có đờm là do mắc các bệnh lý đường hô hấp dưới như viêm/ hen phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, lao phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính...
  • Ho ra máu: Đây là dạng ho cực kỳ nguy hiểm và là một trong những triệu chứng nghiêm trọng của một số bệnh lý đã diễn tiến đến giai đoạn nặng. Chẳng hạn như tổn thương các động mạch phổi, bệnh lao, giãn phế quản, thuyên tắc mạch phổi, ung thư phổi...

Ngoài ra, ho được phân loại rất nhiều kiểu ho, dựa theo thời gian hoặc âm thanh phát ra khi ho như:

  • Ho gà
  • Ho về đêm
  • Ho hen
  • Ho thóc
  • Ho khó thở tức ngực
  • ...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh ho như:

Bệnh ho
Nhiễm virus, vi khuẩn, hít phải dị vật hoặc dùng thuốc tùy tiện là nguyên nhân phát sinh các cơn ho bất thường

  • Virus, vi khuẩn: Dạng ho do nhiễm virus, vi khuẩn còn được gọi là nhiễm trùng đường hô hấp, thường là cảm lạnh hoặc cảm cúm. Hầu hết các trường sẽ thuyên giảm sau khi dùng thuốc kháng sinh.
  • Có dị vật trong đường hô hấp: Sự xuất hiện của các dị vật trong đường hô hấp như khói bụi, khói thuốc lá, mùi hóa chất... gây kích thích đường thở, hình thành phản xạ ho để tống các dị vật này ra ngoài, làm thông thoáng đường hô hấp.
  • Hen suyễn: Bệnh lý này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ và đặc trưng với những cơn ho dai dẳng, âm thanh khò khè đặc trưng.
  • Hút thuốc lá: Phần lớn các trường hợp ho mạn tính thường bắt nguồn từ thói quen nghiện hút thuốc lá. Bởi trong khói thuốc lá chứa các chất vô cùng độc hại gây tổn thương cổ họng, đặc biệt là phổi.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như ức chế men chuyển angiotensin để trị bệnh tim hoặc huyết áp có thể phát sinh tác dụng phụ là gây ho. Tình trạng này không quá nguy hiểm, chỉ cần ngưng dùng thuốc cơn ho sẽ ngưng lại.

Ngoài các nguyên nhân trên, ho còn là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc các bệnh lý khác như:

  • Cổ họng bị kích ứng do hội chứng chảy dịch mũi sau;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD);
  • Bị tổn thương dây thanh quản;
  • Bệnh viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan;
  • Các bệnh lý nhiễm trùng như ho gà, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản cấp...;
  • Chứng suy tim, thuyên tắc mạch phổi, bệnh phổi kẽ;
  • Các bệnh về tinh thần, tâm lý

Triệu chứng và chẩn đoán

Khi bị ho, người bệnh thường gặp các triệu chứng điển hình sau:

Bệnh ho
Người bị ho thường kèm theo cảm giác đau rát họng, khó nuốt, mệt mỏi, khó thở, đau đầu...

  • Ho dai dẳng, liên tục, thường xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng hoặc về đêm
  • Khô họng, khô miệng
  • Cảm giác đau rát, ngứa ngáy cổ họng
  • Khó nuốt, dễ sặc
  • Ợ hơi, ợ chua, trào ngược thức ăn khi ho
  • Sốt nhẹ hoặc cao
  • Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu
  • Tức ngực, khó thở, thở khò khè

Đây là những triệu chứng lâm sàng cơ bản ở một người mắc bệnh ho, dựa vào những tiêu chuẩn này cộng với thời gian phát bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá chẩn đoán mức độ ho. Sau đó, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ho, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ho như:

  • Chụp X quang phổi: giúp quan sát tổn thương trong phổi, phế quản để đánh giá mức độ và nguyên nhân gây ho.
  • Nội soi: Tiến hành nội soi phế quản hoặc nội soi đường tiêu hóa nhằm phát hiện tổn thương, xác định nguyên nhân gây ho.
  • Xét nghiệm dịch đờm (AFB): Mẫu dịch đờm được lấy và mang đi xét nghiệm để phân tích, tìm kiếm yếu tố vi khuẩn, virus, xác định chính xác nguyên nhân gây nhiễm trùng. Phương pháp này chủ yếu được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh lao phổi.
  • Đo phế dung ký: Bệnh nhân sẽ thở vào ống chuyên dụng có khả năng phân tích và xác định xem đường thở có gặp tổn thương hay bị tắc nghẽn hay không. Phương pháp chẩn đoán này thường được áp dụng cho trường hợp nghi ngờ bị khí phế thủng hoặc hen suyễn.

Biến chứng và tiên lượng

Ho là một trong những triệu chứng phổ biến và khá đơn giản trong việc điều trị, có đến 85% trường hợp chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp ho kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe. Điển hình như:

Bệnh ho
Ho kéo dài không được can thiệp điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe

  • Biến chứng tại phổi: ho quá mức có thể gây tràn khí trung thất, vỡ phế nang hoặc tràn khí màng phổi...
  • Biến chứng tai mũi họng: gây tổn thương thanh quản, kích thích cổ họng, khàn giọng, đổi giọng, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dai dẳng...
  • Biến chứng toàn thân: Gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể, biếng ăn, sụt cân, suy nhược thần kinh, stress, căng thẳng...
  • Một số ảnh hưởng khác: ho đến mức nôn ói, thoát vị rốn, bẹn, són tiểu, són phân, đau nhức xương sườn, sa cơ quan sinh dục, sinh non, vỡ niêm mạc mũi, vỡ mạch máu kết mạc mắt...

Có thể thấy, ho kéo dài không điều trị sớm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, thậm chí cả tính mạng của người bệnh trong những trường hợp mắc bệnh nặng. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong điều trị, tốt nhất nên thăm khám càng sớm càng tốt để được điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Điều trị

Bản chất của ho chỉ là triệu chứng của bệnh, nên chỉ cần tập trung điều trị nguyên nhân chính, cơn ho sẽ dần biến mất. Tùy theo nguyên nhân và mức độ ho mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị ho phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể.

1. Điều trị bằng thuốc

Dựa vào đặc tính và nguyên nhân gây ho để dùng loại thuốc phù hợp.

Bệnh ho
Thuốc chống ho, kháng sinh, kháng histamin, loãng đờm... là những loại thuốc trị ho được sử dụng phổ biến

  • Thuốc kháng histamine, thuốc chống xung huyết cho những trường hợp ho kèm theo sổ mũi do đường thở bị kích ứng.
  • Thuốc xịt giảm viêm và khai thông đường thở, thường dùng cho người bị hen suyễn.
  • Thuốc kháng sinh cho người bị ho do nhiễm khuẩn, tác dụng chính là diệt khuẩn, làm sạch họng, phổi, giảm cơn ho hiệu quả.
  • Các loại thuốc ức chế phản xạ ho như Codein, Dextromethorphan...
  • Nhóm thuốc hỗ trợ làm tan đờm, làm loãng đờm như Bromhexin, Acetylcystein, Carbocystetin, Eprazinon, Ambroxol...

Lưu ý khi dùng thuốc:

  • Tuân thủ các chỉ định dùng thuốc do bác sĩ yêu cầu.
  • Liều dùng thuốc nên bắt đầu từ liều thấp nhất và tăng dần theo khả năng đáp ứng.
  • Thời gian sử dụng thuốc càng ngắn càng tốt để giảm thiểu thấp nhất tác dụng phụ ngoài ý muốn.
  • Đối với các loại thuốc trị ho không nên dùng quá 5 ngày, không tự ý kéo dài thời gian dùng hoặc kết hợp với bất kỳ loại thuốc nào khác để hạn chế rủi ro.

2. Chăm sóc tại nhà cải thiện cơn ho

Ngoài dùng thuốc theo chỉ định, để cải thiện cơn ho và các triệu chứng kèm theo, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực bằng các biện pháp dưới đây:

  • Rửa mũi, súc họng và vệ sinh lưỡi hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9%.
  • Xông mũi hoặc chườm ấm để làm loãng dịch đờm, hỗ trợ giảm ho hiệu quả hơn.
  • Uống nước ấm pha mật ong vào buổi sáng sớm hàng ngày giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể.
  • Thực đơn ăn uống đủ chất, ưu tiên những món dễ tiêu hóa như cháo, cơm nát, rau củ luộc, hấp, trái cây tươi, sữa tươi...
  • Kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn nhiều dầu mỡ, quá ngọt, quá mặn..
  • Tập thể dục, vận động thể chất tích cực, nhẹ nhàng vừa sức giúp phát huy nguồn năng lượng tích cực, nâng cao miễn dịch đẩy lùi bệnh nhanh hơn.
  • Giữ ấm cơ thể, nhất là vào mùa lạnh để giảm bớt những cơn ho cảm cúm, cảm lạnh.

Phòng ngừa

Chủ động phòng ngừa ho cũng là giải pháp phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến triệu chứng ho tốt nhất, duy trì sức khỏe ổn định.

Bệnh ho
Vệ sinh mũi họng giúp làm sạch đường hô hấp giúp phòng ngừa các bệnh lý gây ho hiệu quả

  • Giữ vệ sinh đường hô hấp bằng cách súc họng mũi thường xuyên, nhất là sau khi từ bên ngoài về nhà.
  • Che chắn mũi họng kỹ lưỡng khi đến những nơi công cộng bằng cách đeo khẩu trang hoặc kính râm chắn bụi.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá để phòng ngừa ho và cũng chính là cách tốt nhất giúp ngăn ngừa bệnh phổi.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh kịp thời, tránh nguy cơ sốc nhiệt và gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tự nhiên, tăng nguy cơ bị ho.
  • Khuyến khích bạn nên thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời, vận động tích cực bằng những bộ môn nhẹ nhàng, vừa sức nhằm tăng cường miễn dịch chống lại bệnh tật.
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ lọc và duy trì độ ẩm cho không khí, đảm bảo tốt cho đường thở, không có dị vật gây ho.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt nên tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C và uống nhiều nước để tăng cường miễn dịch tự nhiên.
  • Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ các tác nhân dị ứng phát sinh cơn ho.
  • Đối với trẻ nhỏ muốn phòng ngừa các bệnh có liên quan đến ho, bố mẹ cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế tiêm chủng để cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị ho là gì?

2. Tiên lượng bệnh ho của tôi nặng hay nhẹ? Có nguy hiểm hay không?

3. Biện pháp chẩn đoán phù hợp đối với dạng ho của tôi là gì?

4. Phương pháp điều trị ho tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

5. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không tiếp nhận điều trị?

6. Các loại thuốc trị ho tôi cần sử dụng? Thuốc có gây tác dụng phụ không?

7. Quá trình điều trị bệnh ho bằng thuốc mất bao lâu thì khỏi?

8. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị bệnh ho?

9. Chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp giúp hỗ trợ điều trị ho?

10. Tôi có cần tái khám sau điều trị khỏi bệnh hay không? Khi nào cần tái khám?

Bản chất của cơn ho là tốt, giúp loại bỏ chất dị ứng và bảo vệ đường hô hấp. Tuy nhiên, cơn ho càng phức tạp, kéo dài càng dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Người bệnh cần hết sức thận trọng, không nên chủ quan, bỏ qua triệu chứng, tốt nhất hãy đến bệnh viện để thăm khám chuyên khoa, chẩn đoán và được tư vấn áp dụng phương pháp điều trị tốt nhất ngay trong giai đoạn đầu.