Bệnh Hẹp Niệu Đạo

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Hẹp niệu đạo ở nam giới thường liên quan đến mô sẹo và co thắt niệu đạo. Tình trạng này xảy ra khi ống dẫn nước tiểu bị thu hẹp, cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Từ đó gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Tổng quan

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể từ bàng quang. Ống dẫn này đủ rộng để nước tiểu tự do chảy qua.

Hẹp niệu đạo là tình trạng ống dẫn nước tiểu bị thu hẹp, thường do mô sẹo hoặc co thắt niệu đạo. Tình trạng này khiến dòng nước tiểu bị hạn chế, khó làm rỗng bàng quang.

Hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo thường do mô sẹo hoặc co thắt niệu đạo làm hẹp ống dân nước tiểu

Bệnh thường ảnh hưởng đến nam giới. Việc không điều trị có thể dẫn đến viêm, nhiễm trùng và nhiều vấn đề khác ở đường tiết niệu.

Phân loại

Hẹp niệu đạo ở nam giới được phân thành 2 loại:

  • Hẹp niệu đạo sau: Niệu đạo sau từ lỗ bàng quang đến niệu đạo trước, dài khoảng 1 - 2 inch, qua cơ sàn chậu và tuyến tiền liệt. Hẹp sau chủ yếu do chấn thương vùng chậu, điển hình như gãy xương chậu.
  • Hẹp niệu đạo trước: Niệu đạo trước dài từ 9 - 10 inch, là phần xuôi dòng từ niệu đạo sau. Hẹp trước thường do chấn thương niệu đạo, chấn thương trực tiếp từ dương vật và tiền sử đặt ống thông tiểu.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây hẹp niệu đạo thường bao gồm:

  • Co thắt niệu đạo: Viêm mô hoặc mô sẹo làm co thắt niệu đạo. Từ đó làm hẹp không gian của ống dẫn nước tiểu.
  • Mô sẹo: Những mô sẹo hình thành làm thu hẹp niệu đạo. Điều này thường là kết quả của những vấn đề sau:
    • Đưa một dụng cụ y tế vào niệu đạo, chẳng hạn như ống nội soi
    • Sử dụng ống thông nước tiểu (ống dài luồn qua niệu đạo để dẫn lưu bàng quang)
    • Chấn thương. Thường gặp ở những người chấn thương niệu đạo, chấn thương xương chậu, va đập vào vùng gần bìu hoặc ngã vào thanh xe đạp
    • Xạ trị
    • Ung thư tuyến tiền liệt hoặc niệu đạo
    • Phẫu thuật loại bỏ hoặc giảm tuyến tiền liệt mở rộng
    • Phẫu thuật lỗ tiểu thấp ở trẻ em nam. Đây là một thủ thuật điều chỉnh niệu đạo kém phát triển
    • Cấy ghép dương vật
  • Nguyên nhân khác: Dưới đây là những nguyên nhân ít gặp hơn, bao gồm:
    • Phì đại tuyến tiền liệt
    • Khối u nằm gần niệu đạo
    • Nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại hoặc tiến triển dai dẳng
    • Những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như bệnh chlamydia và bệnh lậu

Nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại
Nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại dẫn đến co thắt và hẹp niệu đạo

Những yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Nam giới. Nam giới có nguy cơ hẹp niệu đạo cao hơn phụ nữ. Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
  • Có một hoặc nhiều bệnh lây truyền quan đường tình dục.
  • Viêm niệu đạo dẫn đến sưng và kích thích ở niệu đạo.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hẹp niệu đạo gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng.

Dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất:

  • Dòng chảy nước tiểu yếu hoặc chảy ngắt quãng
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Thường xuyên đi tiểu hoặc đột ngột muốn đi tiểu
  • Bắt đầu và dừng dòng nước tiểu thường xuyên
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Có cảm giác không thể làm rỗng bàng quang sau khi đi tiểu
  • Tiểu không tự chủ (không có khả năng kiểm soát nước tiểu)
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Có máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch
  • Tiết dịch niệu đạo
  • Đau vùng bụng dưới hoặc vùng xương chậu
  • Sưng và đau dương vật
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Không thể đi tiểu. Những trường hợp này cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Đau vùng bụng dưới hoặc vùng xương chậu, đau khi đi tiểu
Đau vùng bụng dưới hoặc xương chậu, đau khi đi tiểu, dòng nước tiểu yếu là những biểu hiện thường gặp

Trong quá trình thăm khám, người bệnh được kiểm tra triệu chứng và xem xét toàn bộ tiền sử bệnh. Điều này giúp phát hiện nguyên nhân cơ bản. Chẳng hạn như di vật hoặc chấn thương làm ảnh hưởng đến niệu đạo.

Ngoài ra các xét nghiệm cũng được chỉ định nhằm đánh giá mức độ hẹp niệu đạo và nguyên nhân. Các xét nghiệm thường bao gồm:

  • Nội soi niệu đạo: Ống nội soi mỏng được đưa vào trong và chiếu sáng niệu đạo. Điều này giúp phát hiện tình trạng hẹp niệu đạo.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh như CT, MRI và siêu âm được thực hiện để kiểm tra niệu đạo cùng những cấu trúc xung quanh.
  • Chụp niệu đồ ngược dòng: Thuốc nhuộm tương phản được đưa vào niệu đạo. Sau đó sử dụng tia X để kiểm tra.

Biến chứng và tiên lượng

Hẹp niệu đạo thường có tiên lượng tốt. Những phương pháp điều trị có thể cải thiện kích thước niệu đạo và cắt giảm các triệu chứng.

Nếu không được điều trị, hẹp niệu đạo có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Biến chứng ở niệu quản và thận: Nước tiểu ứ đọng ở bàng quang gây ra tình trạng tắc nghẽn ngược dòng. Điều này khiến nước tiểu bị đẩy lên thận dẫn đến nhiễm trùng niệu quản và nhiễm trùng thận. Ngoài ra tình trạng tắc nghẽn nước tiểu ngược dòng còn làm giãn niệu quản, giãn đài bể thận và suy thận.
  • Rò rỉ nước tiểu: Nước tiểu ứ trệ lâu ngày không có lối thoáng dẫn đến rò rỉ qua da tại vùng da bìu và tầng sinh môn. Điều này dẫn đến viêm, nhiễm trùng, tạo thành ổ áp xe và túi thừa bàng quang. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận.
  • Sỏi tiết niệu: Nước tiểu ứ đọng lâu ngày dẫn đến sự kết tinh của những khoáng chất. Từ đó hình thành sỏi tiết niệu.
  • Vấn đề tình dục: Hẹp niệu đạo có thể gây ra những vấn đề về tình dục. Chẳng hạn như xuất tinh sớm, liệt dương và vô sinh.

Hẹp niệu đạo có thể tái phát ngay cả khi được điều trị. Những trường hợp này được yêu cầu phẫu thuật để khắc phục.

Điều trị

Điều trị hẹp niệu đạo dựa vào nguyên nhân, triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Những phương pháp điều trị cụ thể gồm:

  • Nghỉ ngơi và theo dõi: Những trường hợp nhẹ được yêu cầu nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi. Ngoài ra cần theo dõi và kiểm tra thường xuyên để xem liệu những triệu chứng có lành lại hay không.
  • Dùng thuốc kháng sinh: Nếu hẹp niệu đạo do nhiễm trùng, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng trước khi áp dụng những phương pháp khác. Thuốc này giúp điều trị những loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Đặt ống thông trên mu: Nếu bị bí tiểu, người bệnh được đặt ống thông trên mu để dẫn lưu nước tiểu ra ngoài từ bàng quang. Thay vì vào trong qua lỗ niệu đạo, ống thông này đi vào bàng quang qua vùng bụng ở phía trên xương mu.
  • Nong niệu đạo: Đây là phương pháp điều trị phổ biến cho chứng hẹp niệu đạo. Phương pháp này sử dụng những thiết bị đặc biệt (bóng trên ống thông hoặc que nong) để chèn và mở rộng chỗ hẹp. Ống nong thường có kích thước tăng dần giúp mở rộng niệu đạo từ từ. Sau đó đặt ống thông niệu đạo để giúp vết thương phục hồi và nước tiểu được lưu thông dễ dàng.
  • Đặt stent niệu đạo: Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân bị hẹp niệu đạo hoặc/ và hẹp niệu quản. Khi thực hiện, một stent kim loại được sử dụng đưa vào vị trí hẹp. Từ đó giúp làm rộng đoạn hẹp ra.
  • Cắt niệu đạo: Ống nội soi chuyên biệt hoặc tia laser được sử dụng để đưa vào trong và loại bỏ đoạn niệu đạo bị hẹp. Sau đó nối những đoạn niệu đạo bình thường và đặt ống thông cho đến khi vết thương lành lại.
  • Phẫu thuật mở: Phẫu thuật tạo hình niệu đạo được chỉ định cho những bệnh nhân bị hẹp niệu đạo với đoạn hẹp ngắn. Trong khi thực hiện, bác sĩ cắt bỏ đoạn hẹp và nối hai đoạn niệu đạo bình thường. Nếu bị hẹp niệu đạo với đoạn hẹp dài, bác sĩ rạch đoạn hẹp, loại bỏ toàn bộ những tổ chức mô để mở rộng niệu đạo. Sau đó tiến hành đặt ống thông niệu đạo cho đến khi ổn định. Ống thông sẽ được rút ra khi vết thương lành, dòng nước tiểu mạnh và dễ dàng bài xuất.

Phẫu thuật mở
Phẫu thuật mở tạo hình niệu đạo hoặc loại bỏ toàn bộ tổ chức mô để mở rộng niệu đạo

Phòng ngừa

Hẹp niệu đạo không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên những cách đơn giản có thể giúp giảm nguy cơ. Bao gồm:

  • Nếu phải sử dụng ống thông tiểu, hãy sử dụng ống thông tiểu có kích thước nhỏ và thạch bôi trơn. Ngoài ra ống thông tiểu nên được sử dụng trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
  • Sử dụng bao cao su để ngăn ngừa những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
  • Không quan hệ với bạn tình có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Nếu đang hoạt động tình dục, hãy thường xuyên xét nghiệm những bệnh lý lây truyền quan đường tình dục.
  • Loại bỏ chấn thương vùng chậu bằng cách thận trọng trong những hoạt động sinh hoạt. Ngoài ra nên mặc những thiết bị bảo vệ khi chơi thể thao.

Sử dụng bao cao su khi quan hệ
Phòng ngừa những bệnh lý nhiễm trùng bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị hẹp niệu đạo do đâu?

2. Phương pháp điều trị nào phổ biến và tốt nhất?

3. Rủi ro và lợi ích đạt được từ phương pháp điều trị?

4. Khi nào cần phẫu thuật hẹp niệu đạo?

5. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật và chi phí?

6. Điều trị trong bao lâu?

7. Có cần kiêng quan hệ khi điều trị hay không?

Bệnh hẹp niệu đạo xảy ra khi ống thông tiểu bị thu hẹp, thường do mô sẹo và co thắt niệu đạo. Tình trạng này được can thiệp bằng nhiều phương pháp. Sau điều trị, niệu đạo có thể mở rộng và trở về trạng thái bình thường, các triệu chứng được cắt giảm.