Bệnh Hẹp Bao Quy Đầu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu quá chật, không thể tuột khỏi phần đầu dương vật. Tình trạng này thường xảy ra tự nhiên. Tuy nhiên nó cũng có thể liên quan đến sẹo hoặc bệnh lý. Bao quy đầu chật thường cải thiện theo thời gian mà không cần điều trị.

Tổng quan

Bao quy đầu có cấu tạo từ da ở mặt ngoài và niêm mạc ở mặt trong. Nó bao quanh, bảo vệ và giữ cho phần đầu dương vật (còn gọi là quy đầu) được ẩm, ấm, mềm mại và nhạy cảm. Ngoài ra các tuyến trong niêm mạc bao quy đầu tiết chất nhờn cần thiết cho quá trình kích thích và hoạt động tình dục.

Hẹp bao quy đầu là thuật ngữ thể hiện cho tình trạng bao quy đầu không thể rút lại hoặc tuột khỏi phần đầu dương vật. Tình trạng này phổ biến ở những bé trai không được cắt bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu xảy ra khi bao quy đầu không thể tuột khỏi phần đầu dương vật

Đa số trẻ mới sinh bị hẹp bao quy đầu sinh lý. Tuy nhiên bao quy đầu có xu hướng tách ra khỏi quy đầu khi trẻ 3 tuổi mà không cần can thiệp. Nguyên nhân là do dương vật có khả năng tự nong rộng bao quy đầu khi được vệ sinh chăm sóc hàng ngày.

Ở một số trường hợp khác, hẹp bao quy đầu do sẹo hoặc bệnh lý, chỉ bộc lộ một lỗ tiểu nhỏ. Điều này khiến trẻ gặp nhiều khó khăn đi tiểu, nước tiểu dễ đọng vào kẽ của bao quy đầu. Từ đó gây viêm nhiễm. Hẹp bao quy đầu có triệu chứng sẽ được điều trị.

Phân loại

Hẹp bao quy đầu được phân thành 2 loại, bao gồm:

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý: Trẻ mới sinh có bao quy đầu không tuột. Tình trạng này xảy ra trong suốt quá trình phát triển bình thường của trẻ. Hẹp bao quy đầu sinh lý thường tự khỏi theo thời gian mà không cần can thiệp.
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Bao quy đầu không tuột do sẹo và nhiều bệnh lý. Chẳng hạn như dùng sức tuột bao quy đầu gây sẹo, viêm quy đầu bạch sản xơ hóa, bệnh sừng hóa dẫn đến xơ teo bao quy đầu... Bao quy đầu chật do bệnh lý cần được điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hẹp bao quy đầu sinh lý là một tình trạng tự nhiên, không rõ nguyên nhân. Điều này thường tự khỏi theo thời gian mà không cần điều trị.

Hẹp bao quy đầu có thể xảy ra nếu buộc phải tuột khỏi phần đầu dương vật nhưng chưa sẵn sàng. Việc cố gắng thực hiện thường gây tổn thương da và để lại sẹo. Từ đó gây khó khăn cho hoạt động rút lại của bao quy đầu trong tương lai. Hẹp bao quy đầu sinh lý

Hẹp bao quy đầu bệnh lý xảy ra do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là những lý do khiến tình trạng này phát triển:

  • Vệ sinh không đúng cách: Vệ sinh không sạch sẽ hoặc không đúng cách dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm bao quy đầu. Điều này khiến bao quy đầu không thể tụt xuống như bình thường. Mặt khác việc cố gắng làm sạch kỹ lưỡng có thể gây đau đớn hoặc khó chịu.
  • Bệnh da liễu: Một số bệnh da liễu có thể làm ảnh hưởng đến dương vật, gây viêm hoặc hẹp bao quy đầu. Chẳng hạn như:
    • Bệnh vảy nến
    • Eczema
    • Lichen xơ hóa. Đây là một tình trạng da xảy ra do mất cân bằng nội tiết tố hoặc phản ứng miễn dịch bất thường.
  • Sẹo: Những mô sẹo có thể giữ cho bao quy đầu dính vào đầu dương vật. Điều này thường gặp ở những trẻ có bao quy đầu tụt xuống quá sớm.
  • Nhiễm trùng: Bao quy đầu chật thường do nhiễm trùng ở bao quy đầu hoặc dương vật. Điều này có thể bao gồm những bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI).

Triệu chứng và chẩn đoán

Hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ và nam giới trưởng thành có thể có những triệu chứng khác nhau, bao gồm:

+ Đối với trẻ nhỏ

  • Bao quy đầu không tuột khỏi quy đầu
  • Quy đầu không lộ khi đi tiểu tiện hoặc khi dương vật cương cứng
  • Tia nước tiểu rất nhỏ và yếu
  • Khó tiểu
  • Tiểu đau khiến trẻ quấy khóc
  • Nước tiểu và chất cặn bã tích lại nhiều dẫn đến viêm, sưng phồng và đau đớn.

Bao quy đầu không tuột khỏi quy đầu, quy đầu không lộ khi đi tiểu
Trẻ em bị hẹp bao quy đầu có bao quy đầu không tuột khỏi đầu dương vậy và quy đầu không lộ khi đi tiểu

Đối với hẹp bao quy đầu sinh lý, các triệu chứng thường chỉ kéo dài đến khi trẻ được 3 - 6 tuổi. Theo thời gian, bao quy đầu lỏng dần. Đôi khi tình trạng này kéo dài đến năm 17 tuổi.

+ Đối với nam giới trưởng thành

  • Bao quy đầu luôn bao trọn quy đầu, không tụt xuống, chỉ lộ một phần quy đầu
  • Bao quy đầu không thể trở lại như cũ khi tuột ra được
  • Đau đớn khi dùng tay tuột bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu dễ dàng được nhận thấy thông qua triệu chứng lâm sàng và kiểm tra thực thể. Trong quá trình này bác sĩ có thể quan sát và thử tuột bao quy đầu bằng tay để đánh giá.

Nếu có nghi ngờ viêm nhiễm, bệnh nhân có thể được kiểm tra nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng.

Biến chứng và tiên lượng

Hẹp bao quy đầu thường tự khỏi. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể kéo dài và gây ra một số vấn đề dưới đây:

  • Paraphimosis. Đây là tình trạng bao quy đầu tuột và mắc kẹt phía sau đầu dương vật, không thể thu gọn lại được
  • Gây bệnh nam khoa khi không vệ sinh sạch sẽ
    • Nhiễm trùng/ viêm bao quy đầu
    • Ung thư dương vật
    • Viêm quy đầu
    • Viêm niệu đạo
  • Dương vật không được phát triển toàn diện gây mất thẩm mỹ bộ phận sinh dục
  • Khó khăn khi vệ sinh bộ phận sinh dục
  • Khó khăn khi tiểu và đau đớn
  • Cản trở hoạt động tình dục, gây đau và khó chịu

Điều trị

Có hai phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng hẹp bao quy đầu. Bao gồm nong bao quy đầu và phẫu thuật cắt bao quy đầu. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc.

1. Thuốc

Hầu hết các trường hợp không cần dùng thuốc. Tuy nhiên một vài loại có thể sử dụng ở những bệnh nhân bị hẹp bao quy đầu bệnh lý, bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc này được dùng cho những trường hợp liên quan đến nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm bao quy đầu, viêm quy đầu... Thuốc có tác dụng loại bỏ vi khuẩn gây viêm, từ đó giảm các triệu chứng.
  • Thuốc mỡ chống nấm: Những trường hợp nhiễm nấm có thể được chỉ định thuốc mỡ chống nấm để điều trị.
  • Thuốc mỡ steroid: Thuốc mỡ steroid có thể được sử dụng để làm mềm bao quy đầu. Điều này giúp bao quy đầu dễ dàng hơn trong việc rút vào. Khi dùng, dùng một lượng nhỏ thuốc bôi vào bao quy đầu và khu vực xung quanh quy đầu. Sử dụng 2 lần/ ngày từ 1 - 2 tuần.

Lưu ý: Các thuốc chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

2. Nong bao quy đầu

Nong bao quy đầu là phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ. Phương pháp này được áp dụng tại nhà, giúp bao quy đầu tuột khỏi đầu dương vật khi trẻ lớn hơn.

Nong bao quy đầu được áp dụng cho trẻ trên 4 tuổi
Nong bao quy đầu được áp dụng cho trẻ trên 4 tuổi, giúp bao quy đầu tuột khỏi đầu dương vật

Hướng dẫn thực hiện:

  • Dùng ngón tay tóm nhẹ vào bao quy đầu
  • Nhẹ nhàng đưa bao quy đầu lên và xuống, sang trái và sang phải
  • Thực hiện mỗi ngày một chút khi tắm. Sau vài ngày bao quy đầu có thể dần nong ra.

Lưu ý:

  • Không nong bao quy đầu quá mạnh.
  • Nong bao quy đầu được thực hiện dễ dàng hơn khi đang ngâm mình dưới nước.
  • Đối với bé trai dưới 4 tuổi, không nên cố gắng nong bao quy đầu. Bởi điều này có thể hình thành sẹo và ảnh hưởng đến quá trình tụt xuống của bao quy đầu trong tương lai.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện nếu có biểu hiện tiểu khó, viêm nhiễm tấy đỏ hoặc một vài biểu hiện bất thường khác để được điều trị kịp thời.

3. Phẫu thuật cắt bao quy đầu

Phẫu thuật cắt bao quy đầu được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Trẻ từ 10 tuổi có bao quy đầu chật, không hiệu quả khi áp dụng biện pháp nong bao quy đầu
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý
  • Có dấu hiệu tắc nghẽn bao quy đầu
  • Hẹp bao quy đầu ở nam giới trưởng thành

 Chống chỉ định:

  • Nhiễm trùng tại chỗ
  • Đang bị hẹp niệu đạo, lỗ tiểu thấp hoặc vùi dương vật
  • Có bệnh lý toàn thân nặng hoặc rối loạn đông máu.

Quy trình thực hiện:

  • Sát khuẩn khu vực cần mổ
  • Tiêm thuốc giảm đau tĩnh mạch ở bao quy đầu
  • Bác sĩ định hình vết cắt bao quy đầu, dùng kìm y tế tách vùng da bao quy đầu với dương vật. Sau đó đánh dấu giới hạn
  • Loại bỏ lớp da thừa ở bao quy đầu, không làm ảnh hưởng đến vùng khoái cảm
  • Cầm máu và khâu vết mổ bằng chỉ tự tiêu
  • Quấn gạc ở đầu dương vật bảo vệ vết khâu.

Phẫu thuật cắt bao quy đầu
Quy trình phẫu thuật cắt bao quy đầu đơn giản, thường được thực hiện trong vòng 15 - 20 phút

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn dùng thuốc và vệ sinh vùng kín hàng ngày. Thông thường vết cắt sẽ phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật 1 tuần.

Phẫu thuật cắt bao quy đầu mang đến hiệu quả cao, xâm lấn tối thiểu, vết cắt nhỏ, mảnh, không gây đau đớn, không chảy máu, không để lại sẹo xấu hay biến chứng.

Tuy nhiên một vài trường hợp có thể bị phù nề, tụ máu, xuất huyết khó cầm, tổn thương quy đầu, dính bao quy đầu... Nhưng trường hợp này cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để kịp thời xử lý.

Để đảm bảo hiệu quả và tránh biến chứng, tốt nhất nên phẫu thuật cắt bao quy đầu ở những cơ sở y tế uy tín.

Phòng ngừa

Hẹp bao quy đầu không được phòng ngừa hoàn toàn. Hầu hết các trường hợp có bao quy đầu chật tự nhiên, không rõ nguyên nhân và thường tự khỏi.

Đối với hẹp bao quy đầu bệnh lý, cần điều trị tốt và kịp thời các tình trạng nhiễm trùng và bệnh lý khác ở bao quy đầu hay quy đầu. Ngoài ra không nên cố gắng tác động vào bao quy đầu khi trẻ quá nhỏ (dưới 4 tuổi). Điều này có thể hình thành sẹo và khiến bao quy đầu bị hẹp trong tương lai.

Khám và điều trị tốt các tình trạng nhiễm trùng
Khám và điều trị tốt các tình trạng nhiễm trùng để phòng ngừa bao quy đầu chật do bệnh lý

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp nào tốt nhất cho chứng hẹp bao quy đầu của tôi?

2. Hẹp bao quy đầu quan hệ có thai không?

3. Vì sao cần cắt bao quy đầu?

4. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Chi phí như thế nào?

5. Điều gì xảy ra nếu tôi khi nong / cắt bao quy đầu?

6. Lợi ích và rủi ro khi điều trị là gì?

7. Tôi nên làm gì nếu có bất thường sau phẫu thuật?

Hẹp bao quy đầu là một tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể tự cải thiện theo thời gian và không cần can thiệp. Tuy nhiên một số trường hợp khởi phát do bệnh lý và không được tự khỏi. Vì vậy người bệnh cần đến bệnh viện nếu bao quy đầu chật do bệnh lý hoặc kèm theo những triệu chứng bất thường.