Gãy Xương Cẳng Chân

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Gãy xương cẳng chân là tình trạng nứt hoặc gãy một trong các xương ở cẳng chân. Tình trạng này thường là kết quả của một chấn thương thể thao, tai nạn xe cộ và té ngã. Điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí của vết thương.

Tổng quan

Gãy xương cẳng chân là thuật ngữ chỉ tình trạng gãy một hoặc cả hai xương ở cẳng chân trong cùng một chấn thương, gồm xương chày (xương ống chân) và xương mác. Hai xương này hình thành nên cẳng chân từ đầu gối đến mắt cá chân.

Gãy xương cẳng chân
Gãy xương cẳng chân là tình trạng gãy xương chày và xương mác ở cẳng chân

Trong cẳng chân, xương chày lớn (dày) hơn và dài hơn, có đầu dưới (đầu xa) là một phần của khớp mắt cá chân và đầu trên (đầu gần) là một phần của đầu gối. Xương mác có kích thước nhỏ hơn và nằm gần bên ngoài cơ thể hơn so với xương chày.

Té ngã hoặc tai nạn có thể khiến xương chày hoặc/ và xương mác bị gãy. Vết gãy có nhiều kiểu, có thể ở thân, đầu xa hoặc đầu gần của xương. Tùy thuộc vào tình trạng, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau.

Phân loại

Gãy xương cẳng chân được phân thành nhiều loại, bao gồm:

+ Phân loại theo cơ chế chấn thương

  • Gãy xương phức hợp: Có thể nhìn thấy vết gãy hoặc vết nứt của xương qua da do lực tác động mạnh hoặc/ và một chấn thương nghiêm trọng. Chẳng hạn như tai nạn ô tô.
  • Gãy xương do căng thẳng: Gãy xương xảy ra khi có một hoạt động hoặc một thứ gì đó gây căng thẳng lặp đi lặp lại hoặc quá nhiều áp lực lên xương. Điều này tạo ra một vết nứt nhỏ trong một xương.
  • Gãy xương do giật: Vết gãy hình thành khi một mảnh xương nhỏ ở cẳng chân gắn vào gân hoặc dây chằng bị kéo và tách ra khỏi phần chính của xương.

+ Gãy xương hở và kín

  • Gãy xương hở: Xương gãy đâm xuyên qua da hoặc có vết thương sâu đến xương. Loại gãy xương này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và cần nhiều thời gian hơn để lành lại.
  • Gãy xương kín: Vùng da quanh xương gãy vẫn còn nguyên vẹn, ít nghiêm trọng và ít có khả năng gây nhiễm trùng hơn.

+ Theo hình dạng và kiểu dáng của đường gãy

  • Vết nứt ngang: Vết gãy ngang hình thành theo chiều ngang vuông góc với xương.
  • Gãy xương xiên: Xương gãy có đường chéo và gãy hoàn toàn.
  • Gãy xương từng đoạn: Một trong hai xương ở cẳng chân bị gãy ở ít nhất hai nơi, khiến một đoạn xương bị tách biệt hoàn toàn do gãy.
  • Gãy xương vụn: Xương bị gãy ở ít nhất hai nơi hoặc xương vỡ thành những mảnh vụn.
  • Gãy xương xoắn ốc: Vết gãy xảy ra khi một xương bị gãy do chuyển động xoắn tạo ra một đường gãy bao quanh xương, xương gãy hoàn toàn.

Gãy xương xoắn ốc
Gãy xương xoắn ốc xảy ra khi một xương bị gãy do chuyển động xoắn

+ Phân loại theo mức độ di lệch

  • Gãy xương không di lệch: Những mảnh xương gãy ổn định, không bị lệch trong quá trình gãy.
  • Gãy xương di lệch: Những mảnh xương di chuyển xa, tạo thành một khoảng trống giữa những xương gãy. Đôi khi gập góc hoặc chồng ngắn.

+ Phân loại theo vị trí giải phẫu

  • Gãy xương đầu gần: Vết gãy ở đầu gần nối với đầu gối.
  • Gãy xương đầu xa: Vết gãy ở gần mắt cá chân.
  • Gãy thân: Vết gãy hình thành ở bất kỳ vị trí nào thuộc phần thân của xương.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Những nguyên nhân của gãy xương cẳng chân gồm:

  • Ngã
  • Tai nạn ô tô
  • Chấn xương trong thể thao
    • Một cú đánh trực tiếp hoặc ngã
    • Duỗi chân vượt quá giới hạn tự nhiên khi chơi thể thao
  • Bạo hành trẻ em, đặc biệt là khi gãy xương xảy ra trước khi trẻ biết đi
  • Căng thẳng do hoạt động quá mức hoặc lực lặp đi lặp lại gây ra những vết nứt nhỏ ở các xương chịu trọng lượng của cơ thể.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Chơi các môn thể thao cần lặp đi lặp lại những chuyển động gây căng thẳng cho chân, chẳng hạn như bóng rỗ, múa ba lê, chạy đường dài
  • Chơi những môn thể thao va chạm như bóng đá và khúc côn cầu
  • Các tình trạng gây yếu xương do loãng xương, ung thư xương...
  • Người lớn trên 50 tuổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào kiểu gãy, vị trí và các tổn thương đi kèm, triệu chứng gãy xương cẳng chân có thể bao gồm:

  • Nghe thấy tiếng kêu răng rắc khi xương gãy
  • Đau đớn đột ngột, nghiêm trọng hơn khi cử động hoặc di chuyển chân
  • Biến dạng chân rõ rệt
  • Không thể cử động chân
  • Không thể chịu trọng lượng lên chân ảnh hưởng
  • Xương gãy chọc qua da hoặc có vết thương sâu đến xương, chảy nhiều máu (nếu gãy xương hở)
  • Bầm tím hoặc da đổi màu
  • Sưng tấy
  • Dịu dàng
  • Trẻ dừng đi và khóc không rõ nguyên nhân.

Gãy xương cẳng chân được phát hiện nhanh thông qua kiểm tra triệu chứng. Sau khi thảo luận về chấn thương, bác sĩ quan sát các dấu hiệu bên ngoài (sưng, vết bầm tím, biến dạng chân), ấn nhẹ hoặc yêu cầu bệnh nhân cử động để kiểm tra xương gãy, đánh giá phạm vi và những chuyển động gây đau. Bác sĩ cũng có thể hỏi về tiền sử bệnh để xác định một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như loãng xương.

Những xét nghiệm bổ sung:

Chụp X-quang
Chụp X-quang cho thấy hình ảnh của các xương bị gãy, kiểu gãy và vị trí

  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp xác định xương gãy, vị trí và kiểu gãy. Kỹ thuật này cũng cho thấy những mảnh xương bị dịch chuyển như thế nào.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hiếm khi bệnh nhân cần sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI). Kỹ thuật này cung cấp toàn cảnh về tổn thương xương và những mô mềm xung quanh nó. Hơn nữa MRI giúp xác định xem liệu mô liên kết và mô có bị ảnh hưởng từ xương gãy hay không, thường liên quan đến gãy xương do giật.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): So với chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về các xương ở cẳng chân và những mô xung quanh.

Biến chứng và tiên lượng

Gãy 2 xương cẳng chân thường nghiêm trọng, gãy di lệch hoặc gãy xương hở. Chấn thương này có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

+ Biến chứng sớm

  • Choáng chấn thương
  • Sốc mất máu
  • Tắc mạch máu do mỡ
  • Chèn ép khoang
  • Tổn thương mạch máu
  • Tổn thương thần kinh

+ Biến chứng muộn

  • Ngắn chi (nếu vết gãy ảnh hưởng đến đĩa tăng trưởng ở đầu gối)
  • Cứng khớp
  • Rối loạn dinh dưỡng do bất động lâu dài
  • Ngón chân vuốt
  • Nhiễm trùng xương
  • Gãy lại
  • Viêm khớp sau chấn thương.

Điều trị

Gãy xương cẳng chân cần được sở cứu, nắn chỉnh và cố định đúng cách.

1. Sơ cứu gãy xương cẳng chân

  • Nằm hoặc ngồi để giảm trọng lượng lên chân ảnh hưởng
  • Bất động chi. Không cố gắng đi lại hoặc nắn chỉnh
  • Gọi cấp cứu và đánh giá tình trạng
  • Cầm máu bằng băng vô trùng hoặc vải sạch
  • Dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống sốc nếu cần thiết
  • Cố định tạm thời gãy xương
    • Nằm trên sàn với tư thế thoải mái
    • Đặt 1 nẹp ở mặt trong của cẳng chân, đầu trên giữa đùi, dầu dưới qua khỏi gan chân 1cm
    • Đặt 1 nẹp ở mặt ngoài của cẳng chân, đầu trên giữa đùi, dầu dưới qua khỏi gan chân 1cm
    • Dùng băng bạc hoặc vải mỏng lần lượt lót vào hai lòi cầu xương đùi, hai mắt cá chân, bốn đầu nẹp, chỏm xương mác
    • Băng vết thương mu chân bằng kiểu băng số 8, bắt đầu ở cổ và bàn chân
    • Băng vết thương vùng khoeo kiểu băng số 8, bắt đầu ở đầu gối
    • Băng ở đùi bằng kiểu băng tròn, bắt đầu ở giữa đùi
    • Quấn băng kiểu vòng tròn qua hai cổ chân để giữ cho chúng được cố định với nhau, hỗ trợ cẳng chân.

Sơ cứu gãy xương cẳng chân
Sơ cứu gãy xương cẳng chân để ngăn gãy xương thêm di lệch và hạn chế các biến chứng

2. Điều trị y tế

Những phương pháp điều trị cụ thể cho gãy xương cẳng chân:

+ Bó bột

Chỉ cần bất động bằng nẹp hoặc bó bột nếu các mảnh xương gãy không di lệch nhiều và vết gãy ở mức độ nhẹ. Phương pháp này giúp các mảnh xương gãy được giữ ở vị trí thích hợp cho đến khi nó lành lại hoàn toàn.

Bó bột cũng được thực hiện cho những trường hợp đã nắn chỉnh (giảm đóng hoặc giảm mở) gãy xương cẳng chân. Điều này giúp bất động tạm thời, giữ cho các xương ở vị trí chính xác đến khi xương lành.

+ Nắn chỉnh kín (giảm đóng)

Nắn chỉnh kín cho những trường hợp nghiêm trọng hơn. Phương pháp này giúp sắp xếp lại xương gãy bằng một số thao tác, không cần phẫu thuật. Để giúp bạn không cảm thấy đau khi thực hiện, bác sĩ tiến hành gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ làm tê khu vực xung quanh vết gãy

Nắn chỉnh cho gãy xương cẳng chân thường bao gồm hai kỹ thuật:

  • Nắn và kéo chân: Gây tê ổ gãy, sau đó nắn hoặc/ và kéo xương. Hầu hết bệnh nhân được nắn chỉnh gãy xương trên khung kéo, áp dụng kiểu Boehler và tạ từ 7 - 14kg. Kỹ thuật này giúp điều chỉnh xương, giảm xoay cẳng chân và ngắn chi.
  • Kéo tạ: Nếu gãy xương cẳng chân di lệch nhiều hoặc gãy xương không vững, bệnh nhân sẽ được kéo tạ. Kỹ thuật này giúp phục tình trạng di lệch chồng ngắn, di lệch ngang và chân xoay ngoài. Trong khi thực hiện, đinh Steimann hoặc Kirschner được gắn xuyên qua xương gót chân. Sau đó sử dụng tạ có trọng lượng thích hợp để kéo liên tục trên giàn Braun.

Sau nắn chỉnh, bệnh nhân được bó bột vài tháng và tập vật lý trị liệu khi xương lành.

+ Phẫu thuật

Đối với gãy xương cẳng chân, các phương pháp dưới đây có thể được thực hiện:

  • Cố định bên trong

Trong quá trình giảm mở và cố định bên trong, bác sĩ sẽ sắp xếp lại các xương về đúng vị trí. Sau đó đóng đinh nội tủy hoặc dùng vít và tấm kim loại để cố định chúng vào đúng vị trí. Điều này giúp những mảnh xương gãy có thể lành lại và phát triển lại với nhau.

Nếu mảnh xương gãy quá nhỏ so với những thiết bị cố định khác, ghim và dây sẽ được sử dụng đồng thời với thanh hoặc tấm kim loại để cố định chúng. Những mảnh ghép kim loại có thể được lấy ra sau khi xương lành.

Cố định bên trong
Sắp xếp các xương về đúng vị trí và cố định bên trong để các xương lành lại đúng cách

  • Cố định bên ngoài

Bác sĩ tiến hành đặt vít vào xương ở hai bên vết gãy. Sau đó các vít được nối với nẹp hoặc giá kim loại đỡ bên ngoài cơ thể và xung quanh cẳng chân. Phương pháp này giúp ổn định tạm thời vết gãy, cho phép vết gãy xương và mô mềm bị thương có thời gian lành lạnh trước khi phẫu thuật cố định bên trong.

Hiếm khi biến chứng do phẫu thuật xảy ra. Tuy nhiên một số trường hợp có thể gặp những biến chứng sau:

  • Xương không liền nhau
  • Nhiễm trùng xương
  • Hội chứng khoang cấp tính (ACS)
  • Xương gãy không thẳng hàng trong khi lành lại
  • Tổn thương các mô mềm xung quanh vết thương.

Người bệnh có thể bắt đầu di chuyển trở lại sau vài tuần. Để có thể phục hồi hoàn toàn, vật lý trị liệu sẽ được thực hiện.

Phòng ngừa

Một số lời khuyên có thể giúp giảm nguy cơ gãy hai xương cẳng chân, bao gồm:

  • Mang giày và mặc thiết bị bảo hộ phù hợp khi chơi thể thao.
  • Luôn luôn đeo dây an toàn.
  • Dùng những thiết bị thích hợp ở nhà để dễ dàng iếp cận mọi thứ. Không nên đứng trên các vật dụng không chắc chắn, chẳng hạn như bàn hoặc ghế.
  • Đảm bảo không gian làm việc và nhà cửa không có sự bừa bộn. Điều này giúp giảm nguy cơ té ngã.
  • Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp mọi người duy trì sức khỏe xương tốt.
  • Thường xuyên kiểm tra mật độ xương nếu trên 50 tuổi.
  • Nếu gặp khó khăn khi đi lại hoặc có khả năng té ngã cao, hãy dùng khung tập đi hoặc gậy.
  • Tăng cường bổ sung canxi và vitamin D từ các loại thực phẩm. Điều này giúp giữ cho xương chắc khỏe, giảm nguy cơ gãy xương do xương yếu.

Ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung canxi và vitamin D
Ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung canxi và vitamin D để tăng chất lượng xương, giảm gãy xương

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Xương nào của tôi bị gãy?

2. Tôi bị gãy xương cẳng chân loại nào, vị trí và mức độ nghiêm trọng?

3. Tôi có cần phẫu thuật không?

4. Mất bao lâu để chân của tôi có thể phục hồi hoàn toàn?

5. Khi nào tôi có thể đi lại và vận động bình thường?

6. Tôi có thể tiếp tục hoạt động thể chất hoặc chơi thể thao hay không?

7. Tôi có thể đi bộ trên xương mác hoặc xương ống chân bị gãy hay không?

Gãy xương cẳng chân cần được nắn chỉnh và cố định đúng cách để xương gãy có khả năng liền lại nhanh chóng, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy ngay sau khi có chấn thương, cần sơ cứu và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.