Gãy Trên Lồi Cầu Xương Cánh Tay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là một dạng gãy xương thường gặp ở trẻ em từ 5 - 12 tuổi. Tình trạng này chủ yếu xảy ra do lực tác đông trực tiếp hoặc ngã trên khuỷu tay dang rộng.

Tổng quan

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là tình trạng nứt hoặc gãy lồi cầu xương cánh tay (vùng hành xương ở đầu dưới của xương cánh tay). Vết gãy nằm ngoài khớp, cách nếp khuỷu 3 - 4 cm, nằm trên lồi cầu và ròng rọc, ngang qua hố khuỷu ở mặt sau hoặc/ và hố vẹt ở mặt trước.

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là vết gãy tại vùng hành xương ở đầu dưới của xương cánh tay

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay thường gặp ở những trẻ có độ tuổi từ 5 - 12 tuổi, đặc biệt là những trẻ trên 8 tuổi. Chấn thương này xảy ra khi có lực tác động trực tiếp lên khuỷu tay (như va đập hoặc đánh mạnh) và ngã với khuỷu tay dang rộng.

Phân loại

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay được phân thành nhiều loại. Bao gồm:

+ Dựa trên cơ chế chấn thương

  • Gãy duỗi

Ngã với bàn tay chống xuống nền cứng, khuỷu tay duỗi tạo một lực truyền xuống từ trọng lượng cơ thể qua xương cánh tay. Cùng với lực từ dưới truyền lên qua hai xương cẳng tay, lồi cầu xương cánh tay chịu nhiều áp lực và bị gãy. Gãy duỗi chiếm 97,7% ở trẻ em.

Gãy duỗi được phân thành 3 dạng:

    • Khi có một lực đủ lớn, đầu trên xương quay đẩy đầu dưới di lệch ra sau.
    • Xương cánh tay có đầu dưới di lệch ra sau, vào trong hoặc xoay trong; đầu nhọn của phần trên di lệch ra phía trước.
    • Xương cánh tay có đầu dưới di lệch ra sau, ra ngoài hoặc xoay ngoài; đầu ngọn của phần trên di lệch ra trước.

Gãy duỗi thường kèm theo tổn thương thần kinh và mạch máu, đôi khi có gãy hở, cần phẫu thuật để điều trị. So với gãy gấp, gãy duỗi thường gặp hơn (chiếm 60% trường hợp gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ dưới 15 tuổi).

  • Gãy gấp

Gãy gấp xảy ra khi người bệnh ngã chống khuỷu tay với khuỷu tay đang trong tư thế gấp, mỏm khuỷu đẩy đầu gãy dưới của xương cánh tay lệch ra trước và gấp ở khuỷu. Chấn thương này rất hiếm gặp.

+ Dựa trên phân độ theo giải phẫu bệnh

Phân độ của Gartland

  • Kiểu gãy duỗi có 3 độ:
    • Độ I: Gãy không di lệch
    • Độ II: Gãy di lệch nhưng chưa tách rời, phần vỏ xương ở phía sau còn dính nhau
    • Độ III: Gãy di lệch hoàn toàn, hai đầu xương gãy tách rời (không cài vào nhau), đầu dưới lệch ra sau và ra ngoài hoặc lệch ra sau vào trong.
  • Kiểu gãy gấp có 3 độ:
    • Độ I: Gãy xương không di lệch hoặc di lệch rất ít, lồi cầu và thân xương cánh tay tạo thành một góc không quá 10 - 15 độ
    • Độ II: Gãy xương di lệch nhưng không tách rời hoàn toàn, vỏ xương phía trước còn dính vào nhau.
    • Độ III: Gãy di lệch hoàn toàn.

Phân độ của Marion và Lagrange

  • Độ I: Gãy vỏ trước xương cánh tay
  • Độ II: Xương cánh tay bị gãy hoàn toàn nhưng không di lệch
  • Độ III: Xương cánh tay bị gãy hoàn toàn và di lệch nhưng chưa tách rời hoàn toàn, hai diện gãy vẫn còn tiếp xúc với nhau
  • Độ IV: Gãy hoàn toàn và di lệch, hai đầu xương gãy không còn tiếp xúc và cách xa nhau.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay do những nguyên nhân sau:

Ngã chống tay xuống nền cứng với khuỷu tay duỗi
Ngã chống tay xuống nền cứng với khuỷu tay duỗi là nguyên nhân phổ biến nhất

  • Nguyên nhân gián tiếp: Ngã chống tay xuống nền cứng với khuỷu tay duỗi quá mức. Tình trạng này gây gãy xương kiểu duỗi, thường gặp ở trẻ em.
  • Nguyên nhân trực tiếp: Chấn thương trực tiếp vào mặt sau của khuỷu, khuỷu tay ở tư thế gấp khiến cho đầu dưới di lệch ra trước. Tình trạng này dẫn đến gãy gấp, thường gặp ở người lớn.

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay phổ biến nhất ở những trẻ có độ tuổi từ 5 - 12 tuổi. Tình trạng này cũng thường gặp hơn ở trẻ em nam so với trẻ em gái.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của gãy trên lồi cầu xương cánh tay:

  • Có cảm giác bật ra hoặc búng tay ngay tại thời điểm bị thương
  • Đau nhức nhiều ở khuỷu tay. Đay có thể khởi phát muộn sau chấn thương vài giờ do thiếu máu cục bộ cơ
  • Mất chức năng của chi trên bị ảnh hưởng
  • Sưng
  • Bầm tím ở mặt trước của khuỷu tay do đầu gãy trên đâm thọc làm tổn thương cơ cánh tay trước
  • Mất cơ năng
  • Có dấu nhát rìu ở phía sau khuỷu tay
  • Trũng da ở phía trước, xảy ra khi đầu nhọn của đoạn gãy trên đội vào da, gây khó khăn cho việc kéo nắn
  • Đau khu trú vùng trên lồi cầu và tràn dịch khớp khuỷu nếu gãy xương ít di lệch
  • Lạo xạo xương và cử động bất thường
  • Không thể cử động hoặc duỗi thẳng khuỷu tay
  • Thay đổi màu sắc và độ ấm của da
  • Biến dạng ở khuỷu tay
    • Đoạn gãy trên đâm thọc làm tổn thương cơ cánh tay trước
    • Nhìn thấy chiều dài chi gãy ngắn hơn bên lành
  • Tê hoặc yếu cánh tay và bàn tay.

Để chẩn đoán gãy trên lồi cầu xương cánh tay, bệnh nhân được hỏi về cơ chế chấn thương, bệnh sử và khu vực ảnh hưởng. Sau đó bác sĩ cẩn thận kiểm tra cánh tay và khuỷu tay, quan sát, sờ nắn mỏm khuỷu, mỏm trên lồi cầu ngoài và mỏm trên lồi cầu trong. Bước này giúp tìm kiếm những dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến gãy xương.

Bệnh nhân cũng được kiểm tra những cử động bất thường, khám tổn thương thần kinh và mạch máu. Đồng thời tìm kiếm những dấu hiệu thần kinh cảm giác và thần kinh vận động.

Sau kiểm tra lâm sàng, bệnh nhân được chụp X-quang khuỷu tay ở tư thế thẳng và bên, trước và nghiêng. Hình ảnh thu được có thể cho thấy đường gãy, thể gãy, mức độ di lệch. Kỹ thuật này cũng giúp tìm kiếm những khiếm khuyết ở mặt trước và mặt sau của hai đầu xương gãy, hướng di lệch của đầu gãy trên và dưới.

X-quang khuỷu tay
X-quang khuỷu tay cho thấy đường gãy, thể gãy, mức độ di lệch của những mảnh xương gãy

Nếu nghi ngờ tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh, những kỹ thuật dưới đây cũng được thực hiện:

  • Chụp mạch
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Biến chứng và tiên lượng

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay có thể gây ra nhiều biến chứng gồm:

+ Biến chứng sớm

  • Tổn thương dây thần kinh, chẳng hạn như liệt dây thần kinh trụ do gãy gấp; liệt dây thần kinh giữa, dây thần kinh quay và thần kinh liên cốt trước do gãy duỗi
  • Tổn thương động mạch cánh tay
  • Nhiễm trùng do gãy xương hở
  • Hội chứng khoang do sưng và tổn thương mạch máu

+ Biến chứng muộn

  • Vẹo khuỷu ra ngoài hoặc vào trong
  • Viêm xương khớp
  • Viêm cơ hóa can
  • Hội chứng Volkmann

Một số biến chứng từ phẫu thuật có thể xảy ra, bao gồm:

+ Biến chứng sớm

  • Nhiễm trùng chân đinh
  • Chèn ép bột
  • Tổn thương thần kinh và mạch máu

+ Biến chứng muộn

  • Phì đại lồi cầu ngoài
  • Liệt trụ muộn
  • Khuỷu vẹo trong hoặc vẹo ngoài
  • Cứng khớp
  • Hoại tử ròng rọc
  • Xương chậm lành hoặc không lành

Mất từ 4 - 6 tháng để xương lành và trở lại hoạt động sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên quá trình hồi phục hoàn toàn thường mất đến 1 năm.

Điều trị

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay cần được sơ cứu và điều trị đúng cách. Điều này giúp giảm nguy cơ phát triển các biến chứng và tăng khả năng phục hồi hoàn toàn.

+ Sơ cứu

Sơ cứu gãy trên lồi cầu xương cánh tay gồm các bước:

  • Dừng mọi hoạt động, gọi nhân viên y tế ngay sau khi chấn thương xảy ra.
  • Dùng thuốc giảm đau thường hoặc gây tê ổ gãy (do nhân viên y tế thực hiện)
  • Cầm máu bằng băng gạc vô trùng
  • Che chắn vết thương nếu có gãy xương hở
  • Bất động xương gãy bằng nẹp tre hoặc gỗ và băng, bất động cánh cẳng bàn tay và khuỷu gấp 90 độ. Có thể giữ khuỷu tay gấp 90 độ, dùng vải treo cẳng tay lên cổ, sau đó ép cánh tay vào thân bằng băng buộc hoặc vải.

+ Điều trị y tế

Điều trị gãy trên lồi cầu xương cánh tay dựa vào mức độ di lệch và những tổn thương khác.

1. Điều trị không phẫu thuật

Bệnh nhân được điều trị không phẫu thuật khi bị gãy xương độ I và II (gãy trên lồi cầu xương cánh tay không di lệch hoặc di lệch ít), gãy độ III có thể nắn chỉnh được (phân độ của Marion và Lagrange).

Dựa vào tình trạng, bệnh nhân có thể chỉ cần bó bột hoặc nắn chỉnh kín (giảm đóng), sau đó bó bột.

Giảm đóng và bó bột
Giảm đóng và bó bột nếu gãy trên lồi cầu xương cánh tay không di lệch hoặc di lệch ít

  • Bó bột

Bệnh nhân chỉ cần bó bột nếu gãy xương không di lệch. Phương pháp này giúp giữ cánh tay và khuỷu tay ở đúng vị trí, ngăn những mảnh xương gãy di lệch thêm. Đồng thời tạo điều kiện cho xương lành lại đúng cách và phục hồi.

    • Gãy độ I: Dùng nẹp bột phía sau để cố định xương gãy trong 3 tuần, khuỷu tay gấp 90 độ và cẳng tay sấp
    • Gãy độ II: Bó bột cánh cẳng bàn tay có rạch dọc.

Trong khi bó bột, bệnh nhân được chụp X-quang định kỳ để theo dõi và đánh giá sự lành lại của xương.

  • Nắn chỉnh kín (giảm đóng)

Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân bị gãy trên lồi cầu xương cánh tay độ III (gãy di lệch) có thể nắn chỉnh được. Trong thủ thuật giảm đóng, bác sĩ thực hiện một số thao tác để đưa đoạn xương gãy hoặc mảnh gãy về vị trí thích hợp, giữ sự liên kết của hai đầu xương. Điều này giúp xương lành lại và thẳng hàng.

Một số bước cơ bản trong kỹ thuật giảm đóng:

Gãy kiểu duỗi

    • Bệnh nhân ngồi trên ghế đẩu và được gây tê
    • Dùng vòng đai qua nách để cố định vai (bên tay gãy) vào tường
    • Người phụ nắm lấy cổ bàn tay bệnh nhân, ngửa cẳng tay và tiến hành kéo duỗi để giảm di lệch chồng
    • Bác sĩ đứng bên tay gãy, thực hiện các thao tác nắn chỉnh chữa di lệch sang bên. Nắm đầu dưới xương cánh tay bằng hai tay, đẩy đầu ngoại vi ra trước bằng hai ngón tay cái trong khi gấp khuỷu tay và đặt cẳng tay sấp.

Sau khi xương được đặt ở vị trí đúng, tiến hành bó bột cánh cẳng bàn tay rạch dọc, cẳng tay sấp và khuỷu tay gập 90 độ trong 4 tuần.

Gãy kiểu gấp

    • Đặt khuỷu tay ở tư thế duỗi, kéo dọc trục cánh tay
    • Nắn chỉnh di lệch ra ngoài trước để ép đoạn gãy dưới ra sau hoặc nắn chỉnh di lệch vào trong để ép đoạn gãy dưới ra trước
    • Gấp khuỷu từ 5 - 10 độ
    • Ngửa hoặc sấp cẳng tay để sửa chữa di lệch ra ngoài hoặc vào trong
    • Kiểm tra trục chi và so sánh độ dài giữa hai chi.

Sau khi xương được đặt ở vị trí đúng, tiến hành bó bột cánh cẳng bàn tay rạch dọc, khuỷu duỗi và tay hơi sấp. Cố định ở tư thế gấp khuỷu sau 2 tuần.

2. Điều trị phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Gãy xương độ IV
  • Gãy xương phức tạp, kèm theo tổn thương dây thần kinh và mạch máu
  • Thất bại khi nắn chỉnh kín
  • Di lệch thứ phát
  • Xương hình thành can non, không thể nắn chỉnh do trì hoãn điều trị
  • Gãy xương hở

Trong thủ tục này, bác sĩ tạo một vết mổ, tiếp cận và đưa những mảnh xương gãy về đúng vị trí. Sau đó sử dụng những phần cứng bằng kim loại như đinh, tấm và ốc vít để giữ những đoạn hoặc mảnh xương gãy lại với nhau trong khi lành.

Phần lớn trẻ em được cố định bên trong bằng đinh Kirschner xuyên chéo. Trong khi đó người lớn được găm đinh Kirschner, dùng vít xốp, nẹp chữ T hoặc chữ Y để cố định xương gãy.

Giảm mở và cố định bên trong bằng đinh Kirschner xuyên chéo
Giảm mở và cố định bên trong bằng đinh Kirschner xuyên chéo để điều trị gãy xương

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được dùng nẹp hoặc bó bột để cố định vài tháng. Khi xương bắt đầu lành và đau giảm, bác sĩ hướng dẫn các bài tập nhẹ nhàng để sớm cải thiện vận động và giảm nguy cơ cứng khớp. Những bài tập tăng cường sẽ được thêm dần vào chế độ luyện tập cho đến khi tay gãy phục hồi hoàn toàn.

Phòng ngừa

Một số lời khuyên giúp giảm nguy cơ gãy trên lồi cầu xương cánh tay:

  • Thận trọng trong sinh hoạt, chú ý quan sát, không leo trèo để tránh té ngã.
  • Mặc đồ bảo hộ, thực hiện đúng kỹ thuật khi chơi thể thao hoặc có những hoạt động thể chất khác.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Bổ sung canxi và vitamin D để tăng chất lượng, giữ cho xương khỏe và giảm nguy cơ gãy xương.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị gãy xương gì? Có chấn thương khác hay không?

2. Những phương pháp nào sẽ được điều trị?

3. Tôi có khả năng phục hồi hoàn toàn hay không?

4. Quá trình điều trị kéo dài trong bao lâu?

5. Tôi có thể gặp những biến chứng gì? Cách ngăn ngừa?

6. Khi nào tôi có thể phục hồi hoàn toàn?

7. Tôi có thể trở lại hoạt động thể chất của mình hay không?

Những trường hợp gãy trên lồi cầu xương cánh tay cần được sơ cứu, điều trị sớm và đúng cách. Điều này giúp xương gãy liền nhanh và phục hồi, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng. Vì vậy cần khám và hỏi ý kiến bác sĩ khi có chấn thương.