Bệnh Dị Ứng Thời Tiết

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng thời tiết xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với những tác nhân từ môi trường. Bệnh gây nổi mẩn đỏ kèm theo ngứa ngáy khi thời tiết thay đổi đột ngột, tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh.

Tổng quan

Dị ứng thời tiết là sự phản ứng quá mức của cơ thể vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Khi nóng bức, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi khiến da ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến viêm nhiễm hoặc tăng độ nhạy cảm của vùng da ảnh hưởng.

Dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với khí lạnh, nóng hoặc vào thời điểm chuyển mùa

Vào mùa đông, nhiệt độ hạ thấp khiến không khí xung quanh trở nên hanh khô. Điều này làm tăng tính nhạy cảm của da, da khô, nổi mẩn đỏ kèm theo ngứa ngáy. Dị ứng cũng có thể xảy ra khi nhiệt độ thay đổi do trời mưa hoặc có nhiều gió.

Phân loại

Dị ứng thời tiết được phân thành 2 loại gồm cấp tính và mãn tính:

  • Cấp tính: Những triệu chứng của bệnh kéo dài từ 24 giờ đến dưới 6 tuần. Bệnh có những triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng, gồm ngứa ngáy, nổi mẫn đỏ và khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, những triệu chứng dai dẳng và bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng nếu có sốc phản vệ, nhiễm trùng da, tụt huyết áp và phù nề.
  • Mãn tính: Dị ứng thời tiết giai đoạn cấp tính không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Tình trạng này có những triệu chứng kéo dài trên 6 tuần, những đợt bùng phát dễ xảy ra. Hơn nữa dị ứng thời tiết giai đoạn cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh và sức khỏe.

Ngoài ra bệnh dị ứng thời tiết còn được chia thành dị ứng thời tiết nóng và lạnh. Cụ thể:

  • Dị ứng thời tiết nóng: Cơ thể nhạy cảm khi tiết ra nhiều mồ hôi trong điều kiện nắng nóng. Mồ hôi khiến cơ thể ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Từ đó gây viêm nhiễm hoặc xuất hiện những triệu chứng của dị ứng.
  • Dị ứng thời tiết lạnh: Không khí hanh khô khiến làn da khô ráp và dễ kích ứng. Điều này gây ra tình trạng dị ứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Dị ứng thời tiết liên quan đến rối loạn hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch là một hệ thống được tạo từ những tế bào đặc biệt, các mô, protein và cơ quan. Hệ thống này sản sinh các kháng thể chống lại vi trùng và vi sinh vật xâm nhập. Từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh.

Tuy nhiên không ít trường hợp bị rối loạn hệ thống miễn dịch. Khi cơ thể không kịp thích ứng với sự thay đổi thời tiết, hệ miễn dịch rối loạn có thể tạo ra những phản ứng dị ứng với hàng loạt các kháng thể được sản sinh. nhằm chống lại tác nhân. Tuy nhiên các kháng thể tấn công vào chính mô khỏe mạnh của cơ thể, tạo ra những tổn thương trên da.

Những triệu chứng sẽ bùng phát khi cơ thể tiếp xúc với những yếu tố bất lợi trong giai đoạn chuyển mùa, khí hậu hanh khô hoặc quá lạnh. Nguyên nhân cụ thể gây rối loạn hệ miễn dịch vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên điều này có thể liên quan đến di truyền.

Nguy cơ tăng cao ở những người có các yếu tố sau:

  • Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình mắc các bệnh dị ứng, hen suyễn sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng dị ứng thời tiết ở con cái.
  • Tiền sử dị ứng: Một người phản ứng quá mức với thời tiết thường có tiền sử bị dị ứng (như dị ứng thuốc, thực phẩm, phấn hoa...) hoặc có các tình trạng viêm như viêm mũi dị ứng, viêm da tiếp xúc...

Triệu chứng và chẩn đoán

Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng thời tiết gồm:

Da ửng đỏ, nổi mề đay
Da ửng đỏ, nổi mề đay và ngứa ngáy là những triệu chứng thường gặp của bệnh

  • Phát ban dưới dạng da ửng đỏ kèm theo ngứa ngáy
  • Nổi mề đay sau khi tiếp xúc với không khí lạnh hoặc nóng bức chảy mồ hôi
    • Xuất hiện dấu hiệu phù
    • Sưng rộp và tấy đỏ
    • Mảng mề đay dày cộm
    • Mề đay có màu trắng hoặc màu hồng
  • Chàm bội nhiễm
    • Nổi mẩn đỏ có thể kèm theo mụn nước li ti
    • Mụn nước hứa nhiều dịch vàng, sau vỡ sẽ đóng vảy
  • Viêm mũi dị ứng
    • Khô vùng mũi họng
    • Ngứa hoặc khó chịu ở mắt
    • Ngứa ngáy vùng mũi
    • Ngạt mũi
    • Chảy nước mũi
    • Mệt mỏi, kém tập trung
    • Mất ngủ và buồn ngủ ngày
  • Khò khè, khó thở hoặc ho (ít gặp)
  • Nổi mề đay cấp tính ở những trường hợp nặng:
    • Đột ngột nổi mề đay khắp cơ thể
    • Khó thở
    • Tụt huyết áp nhanh
    • Sốc phản vệ và tử vong

Bệnh nhân được chẩn đoán dị ứng thời tiết dựa trên triệu chứng, tiền sử dị ứng của bản thân và gia đình. Hầu hết các trường hợp không cần xét nghiệm cận lâm sàng.

Biến chứng và tiên lượng

Dị ứng thời tiết có đáp ứng tốt với thuốc. Sử dụng loại thuốc phù hợp kết hợp chế độ chăm sóc có thể giảm nhanh các triệu chứng và ngăn những đợt bùng phát của bệnh.

Ở những trường hợp không điều trị, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn nặng hơn dẫn đến nổi mề đay cấp tính. Từ đó làm tăng nguy cơ tụt huyết áp, sốc phản vệ và tử vong bệnh nhân.

Điều trị

Bệnh dị ứng thời tiết chủ yếu được dùng thuốc điều trị kết hợp với những biện pháp chăm sóc. Điều này có thể giúp giảm nhanh những triệu chứng trong đợt bùng phát và giảm bớt những đợt bùng phát tiếp theo.

1. Thuốc

Bệnh dị ứng thời tiết có thể được điều trị bằng những loại thuốc dưới đây:

Thuốc kháng histamin
Dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa và những triệu chứng khác liên quan đến dị ứng

  • Thuốc kháng histamin: Một loại thuốc kháng histamin như Loratadin và Cetirizine thường được sử dụng trong điều trị dị ứng thời tiết. Thuốc này có tác dụng giảm nhanh những triệu chứng liên quan đến dị ứng như ngứa mũi, ngứa da, nổi mề đay... Thuốc kháng histamin hoạt động bằng cách cạnh tranh với histamin tại thụ thể tương ứng, thường mang đến hiệu quả nhanh chóng.
  • Thuốc kháng thụ thể H2: Nếu dị ứng thời tiết gây nổi mề đay nặng, thuốc kháng histamin sẽ được sử dụng kết hợp với thuốc kháng thụ thể H2 như doxepin và cimetidine. Thuốc này hoạt động bằng cách ức chế sự tác động của histamine tại thụ thể histamine H2. Từ đó giảm phản ứng dị ứng và những triệu chứng liên quan.
  • Thuốc Prednisolone: Đây là một loại corticosteroid (thuốc kháng viêm mạnh). Thuốc này được chỉ định trong điều trị dị ứng có nổi mề đay và phù mạch. Thuốc có tác dụng trị viêm và giảm phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch.
  • Corticoid: Trong nhiều trường hợp, thuốc Corticoid được sử dụng để hạn chế diễn tiến kéo dài của bệnh và giúp điều trị phòng ngừa.

2. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Một vài biện pháp chăm sóc tại nhà có thể hỗ trợ giảm nhanh triệu chứng và ngăn những đợt bùng phát kế tiếp của bệnh. Cụ thể:

Chườm ấm khi bị dị ứng thời tiết lạnh
Chườm ấm khi bị dị ứng thời tiết lạnh để làm dịu vết sưng đỏ và ngứa da

  • Chườm ấm / mát: Nếu dị ứng thời tiết nóng, hãy dùng một miếng gạt mát và ướt đặt lên những vùng phát ban. Biện pháp này có thể giúp giảm ngứa và sưng hiệu quả. Ở những trường hợp dị ứng thời tiết lạnh, đặt túi chườm ấm lên vùng ảnh hưởng. Nhiệt độ cao có thể giúp xoa dịu cảm giác ngứa ngáy.
  • Tránh gãi: Tránh gãi lên vùng da đang bị phát ban. Điều này có thể làm tổn thương da, gây trầy xước và tăng mức độ ngứa ngáy.
  • Tránh tiếp xúc với dị nguyên: Mặc quần áo rộng và thoáng mát khi thời tiết nóng. Đồng thời sinh hoạt ở những nơi có không khí mát mẻ, tránh đổ nhiều mồ hôi. Nên giữ ấm khi thời tiết lạnh. Ngoài ra cần tránh tiếp xúc với những dị nguyên như phấn hoa, thuốc lá hoặc khói thuốc lá, nấm móc, khói bụi... Bởi điều này có thể khiến tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Ăn uống phù hợp: Hạn chế tiêu thụ thức uống có cồn như rượu bia để tránh gây ra những phản ứng quá mức cho cơ thể. Nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng từ thực đơn đa dạng, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Điều này giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, cải thiện sức khỏe, giảm những phản ứng bất thường.
  • Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc: Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc. Điều này giúp duy trì sức và tăng đề kháng của cơ thể.
  • Tránh căng thẳng: Một vài nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể khiến những phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế người bệnh cần tránh căng thẳng, luôn giữ tâm trạng thoải mái để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

Phòng ngừa

Những biện pháp làm giảm nguy cơ dị ứng thời tiết:

  • Không tiết xúc với dị nguyên (như nấm móc, khói bụi, phấn hoa, hóa chất, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, lông chó mèo...), đặc biệt là những người có nguy cơ cao.
  • Những người có làn da khô nên thường xuyên thoa kem dưỡng da khi thời tiết lạnh. Điều này giúp cấp ẩm cho làn da, giảm tính nhạy cảm và giảm nguy cơ bùng phát những triệu chứng liên quan đến phản ứng dị ứng.
  • Khi sử dụng điều hòa, nên chỉnh nhiệt độ phù hợp, chênh lệch khoảng 1 - 2 độ so với thời tiết bên ngoài. Không nên chỉnh điều hòa ở nhiệt độ quá thấp.
  • Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, nhất là vào những thời điểm giao mùa.
    • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh.
    • Mặc quần áo rộng rãi, được làm từ chất liệu vải thấm hút mồ hôi và mềm mịn (như cotton) khi tiết nóng.
    • Cần tránh những hoạt động có thể gây đổ nhiều mồ hôi.
    • Hạn chế làm việc lâu hoặc sinh hoạt dưới trời nắng nóng hoặc thời tiết giá lạnh.
  • Không nên sinh sống và làm việc ở những nơi có không khí ngột ngạt hoặc ồn ào náo nhiệt.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, những loại củ quả chứa nhiều vitamin A, C... Các vitamin có thể giúp nâng cao hệ miễn dịch, duy trì sức khỏe tổng thể chống lại những bệnh dị ứng. Ngoài ra nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B6 và B12 để ngăn ngừa đau đầu do dị ứng thời tiết.
  • Uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Hạn chế tiêu thụ những loại thức uống có cồn và không hút thuốc lá.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với cường độ thích hợp nhằm tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Dùng thuốc điều trị dị ứng thời tiết ngay khi có những triệu chứng nhẹ. Những trường hợp nặng hơn hoặc dai dẳng kéo dài nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định
Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, giữ ấm khi thời tiết lạnh để phòng ngừa dị ứng thời tiết

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Triệu chứng của tôi bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

2. Phác đồ điều trị của tôi là gì?

3. Phương pháp điều trị nào mang đến hiệu quả cao?

4. Dùng thuốc điều trị dị ứng kéo dài có tác dụng phụ không?

5. Những biện pháp chăm sóc nào giúp giảm triệu chứng?

6. Điều trị dị ứng thời tiết trong bao lâu?

7. Các cách phòng ngừa bùng phát dị ứng là gì?

Bệnh dị ứng thời tiết thường ở mức độ nhẹ, có đáp ứng tốt với thuốc. Trong nhiều trường hợp khác, các triệu chứng kéo dài, bệnh tiến triển nặng với những triệu chứng nghiêm trọng. Tốt nhất nên chăm sóc cơ thể đúng cách và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát.