Bệnh Dị Ứng Nước

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng nước còn được gọi là mề đay do nước. Đây là một dạng mề đay vật lý hiếm gặp, có tổn thương da ở dạng phát ban kèm theo ngứa ngáy và sưng tấy khi tiếp xúc với nước. Những triệu chứng của bệnh không quá nghiêm trọng nhưng có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Tổng quan

Dị ứng nước (mề đay do nước) là tình trạng nổi mề đay trên da sau khi tiếp xúc với nước. Tình trạng này được đặc trưng bởi những đợt phát ban ngứa và vết sưng lan rộng trên da (mề đay).

Dị ứng nước
Dị ứng nước là tình trạng phát ban ngứa và sưng tấy khi tiếp xúc với nước

Những triệu chứng của bệnh có thể phát triển ngay tập tức hoặc sau vài giờ tiếp xúc với nước. Phát ban thường có kích thước từ 1 - 3mm, trong khi mề đay có thể có kích thước từ vài mm đến vài cm.

Những người bị dị ứng nước có thể có những triệu chứng xảy ra ngay cả khi tiếp xúc với nước mắt và mồ hôi. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở nữ, những người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị dị ứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây dị ứng nước vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên tình trạng này có thể xảy ra do một số cơ chế dưới đây:

  • Nước tương tác với dầu trên da: Sự tương tác giữa nước với một thành phần trong hoặc trên da, bã nhờn hoặc dầu có thể gây nổi mề đay do nước. Cụ thể sự tương tác này kích thích những tuyến sản xuất dầu của da, giải phóng những tế bào dị ứng và histamin (các protein liên quan đến dị ứng). Từ đó gây ra tình trạng phát ban, nổi mề đay và ngứa.
  • Nước hòa tan chất gây dị ứng: Nước có khả năng hòa tan những chất gây dị ứng trên bề mặt da. Điều này khiến chúng khuếch tán vào các mô dẫn đến giải phóng histamine của những tế bào mast hoặc tế bào dị ứng trên bề mặt da. Cuối cùng gây ra những triệu chứng của phản ứng dị ứng.

Những người bị dị ứng nước có thể có các triệu chứng khi tiếp xúc với nước ở mọi nhiệt độ và ở mọi dạng. Cụ thể như:

  • Nước biển
  • Nước máy
  • Nước bể bơi
  • Nước bọt
  • Hồ bơi
  • Nước mắt

Những yếu tố làm tăng nguy cơ nổi mề đay do nước:

  • Phụ nữ thường có nguy cơ cao hơn nam giới
  • Có các tình trạng dị ứng khác
  • Sinh ra trong một gia đình có tiền sử dị ứng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh dị ứng nước gồm:

  • Phát ban da xuất hiện trong vòng 20 - 30 phút sau khi tiếp xúc với nước. Phát ban đỏ thường có kích thước từ 1 - 3mm
  • Nổi mề đay từ vài mm đến vài cm
  • Ngứa da
  • Có cảm giác nóng rát
  • Đỏ da
  • Tổn thương da hoặc viêm nhiễm

Dị ứng nước gây phát ban trong vòng 20 - 30 phút sau khi tiếp xúc nước
Dị ứng nước gây phát ban trong vòng 20 - 30 phút sau khi tiếp xúc với nước, ngứa hoặc có cảm giác nóng rát

Những triệu chứng nghiêm trọng và ít gặp hơn:

  • Thở khò khè hoặc khó thở
  • Khó nuốt
  • Phát ban quanh miệng, môi sưng lên, sưng khoang miệng hoặc sưng cổ họng khi uống nước
  • Sốc phản vệ với những biểu hiện nghiêm trọng gồm:
    • Có cảm giác lâng lâng hoặc yếu ớt
    • Thở khò khè hoặc khó thở
    • Lú lẫn
    • Tim đập loạn nhịp
    • Da ẩm ướt
    • Lo lắng
    • Phát ban
    • Sưng tấy
    • Đau bụng
    • Buồn nôn hoặc nôn
    • Mất ý thức

Những triệu chứng thường xuất hiện ở thân trên, cổ và cánh tay. Mặc dù vậy phát ban có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Phát ban thường biến mất trong vòng 30 - 60 phút sau khi nguồn nước được loại bỏ.

Kiểm tra ban đầu thường bao gồm kiểm tra các phản ứng trên da, mức độ phát ban và tiền sử bệnh. Để hỗ trợ chẩn đoán, một số thử nghiệm có thể được thực hiện, bao gồm:

  • Đặt một miếng vải ấm khoảng 35 độ trên da trong 20 phút. Phản ứng dị ứng trên da có thể cho biết một người có bị dị ứng nước hay không.
  • Ngâm bàn tay hoặc cẳng tay trong nước có nhiệt độ khác nhau. Điều này có thể giúp xác định nhiệt độ có phải là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng hay không.
  • Ngứa ngáy dữ dội khi tiếp xúc với nước nhưng không nổi mề đay có thể là tình trạng ngứa do nước.

Biến chứng và tiên lượng

Dị ứng nước thường không quá nghiêm trọng. Việc cắt bỏ nguồn nước có thể giúp những triệu chứng giảm nhanh và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong một số trường hợp, nổi mề đay do nước gây ra những triệu chứng nặng nề, trăng nguy cơ phát triển các biến chứng như sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng.

Khi không được điều trị, dị ứng nước và các triệu chứng có thể dai dẳng hoặc trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này gây căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do nước rất quan trọng và cần thiết.

Điều trị

Những trường hợp nhẹ có thể không cần điều trị, các triệu chứng có thể giảm nhanh khi loại bỏ nguồn nước. Tuy nhiên để ngăn những đợt bùng phát, bệnh nhân được hướng dẫn dùng thuốc hoặc can thiệp tối thiểu khi cần thiết.

1. Thuốc

Các thuốc được chỉ định trong điều trị dị ứng nước gồm:

Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin thường được sử dụng để giảm sưng và ngứa trong thời gian ngắn

  • Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin được dùng để điều trị những triệu chứng của dị ứng. Thuốc này có tác dụng giảm kích thích, giảm sưng và ngứa trong thời gian ngắn. Trong nhiều trường hợp, thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai được dùng trước khi tiếp xúc với nước để ngăn ngừa phát ban.
  • Thuốc omalizumab (Xolair): Nếu không cải thiện khi sử dụng thuốc kháng histamin. omalizumab (Xolair) sẽ được chỉ định để ngăn ngừa bùng phát. Đây là một kháng thể nhân tạo, có tác dụng làm giảm độ nhạy cảm của dị nguyên với cơ thể. Khi dùng, thuốc omalizumab (Xolair) có khả năng loại bỏ các triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như phát ban và ngứa.
  • Corticosteroid tại chỗ: Kem Corticosteroid có thể được dùng để điều trị các triệu chứng cho phản ứng nặng. Thuốc có tác dụng điều trị viêm, giảm ngứa, sưng và đau hiệu quả.
  • Tiêm Epinephrine: Epinephrine có trong những chiếc bút tiêm tự động, được dùng cho những trường hợp phát ban nặng và không thở được do nước. Thuốc có tác dụng làm tăng huyết áp, giảm nhanh tình trạng phát ban và sưng cổ họng. Ngoài ra tiêm Epinephrine còn giúp mở rộng phổi, ngăn phản ứng dị ứng nghiêm trọng khiến phổi đóng lại.

2. Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) được chỉ định cho những bệnh nhân quá nhạy cảm để ngăn ngừa bùng phát. Phương pháp này sử dụng tia cực tím để làm dày lớp da trên cùng. Điều này giúp ngăn nước thấm dưới da, giảm độ nhạy cảm của da với nước và những đợt bùng phát của bệnh.

3. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giảm bớt các triệu chứng do dị ứng nước. Đồng thời mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh và thúc đẩy quá trình chữa lành.

Đảm bảo da khô hoàn toàn
Đảm bảo da khô hoàn toàn và tránh dị ứng bằng cách vỗ nhẹ vào da bằng khăn bông mềm

  • Dùng khăn bông mềm vỗ nhẹ vào da để thấm nước, đảm bảo da khô hoàn toàn.
  • Giữ nhiệt độ phòng ở mức trung bình, không quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Để lộ những vùng da phát ban hoặc mặc những bộ quần áo rộng rãi. Điều này giúp lưu thông không khí, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương.
  • Ngồi cạnh quạt để làm mát và khô da. Biện pháp này không phù hợp với những người phát ban do cảm lạnh.
  • Dùng thuốc chống ngứa không kê đơn hoặc bôi kem dưỡng da calamine. Điều này giúp cung cấp độ ẩm cho làn da, giảm ngứa, giảm sưng và phát ban. Ngoài ra kem dưỡng da calamine còn giúp giảm nguy cơ bùng phát triệu chứng trong tương lai.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ dị ứng nước và ngăn bùng phát, hãy áp dụng những biện pháp sau:

  • Nên thoa dầu khoáng trên da trước khi tắm. Điều này giúp giảm nguy cơ phát ban do ngứa.
  • Sử dụng những chất tẩy rửa không chứa nước khi tắm. Ngoài ra có thẻ cân nhắc sử dụng dầu gội khô.
  • Rút ngắn thời gian tắm.
  • Mặc quần áo thoáng mát, sạch sẽ, được làm từ chất liệu mềm mịn và có khả năng hút ẩm ra khỏi da.
  • Mặc quần áo bảo hộ, mang găng tay khi rửa chén, dọn dẹp nhà của hoặc thực hiện những hoạt động có thể tiếp xúc lâu với nước.
  • Trước khi tiếp xúc với nước, có thể bôi thuốc kháng histamin không kê đơn như 1% diphenhydramine để giảm nguy cơ phát ban.
  • Giữ ấm cơ thể vào mùa đông, dùng quạt và mặt quần áo thoáng mát vào mùa hè.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, uống thuốc đầy đủ để kiểm soát tốt phản ứng dị ứng, giảm nguy cơ bùng phát.

Bôi 1% diphenhydramine để giảm nguy cơ phát ban
Bôi 1% diphenhydramine hoặc dầu khoáng lên da trước khi tiếp xúc với nước để giảm nguy cơ phát ban

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Những triệu chứng có thể tự khỏi không?

2. Phác đồ điều trị dị ứng nước là gì?

3. Nổi mề đay do nước cần điều trị trong bao lâu?

4. Loại thuốc điều trị hiệu quả nhất là gì?

5. Có những phương pháp điều trị thay thế hay không?

6. Những biện pháp chăm sóc nào nên được thực hiện?

7. Làm cách nào để ngăn ngừa bùng phát?

Dị ứng nước là một dạng mề đay vật lý hiếm gặp. Bệnh gây ra những tổn thương ở dạng phát ban kèm theo ngứa ngáy và sưng tấy. Các triệu chứng thường không quá nghiêm trọng, có thể tự khỏi và giảm nhanh khi dùng thuốc. Liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phù hợp.