Bệnh Dị Ứng Hải Sản

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng hải sản gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như phát ban, nôn mửa, khó thở, ho, sưng phù và đau dạ dày. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch xác định các chất trong một vài loại hải sản là dị nguyên và gây ra những phản ứng để chống lại chúng.

Tổng quan

Dị ứng hải sản là một phản ứng quá mức và không điển hình của hệ thống miễn dịch đối với protein của hải sản, chẳng hạn sản như tôm, cua, mực, sò...

Khi tiêu thụ, hệ thống miễn dịch xác định protein trong hải sản là dị nguyên, sau đó tăng cường sản sinh các kháng nguyên để chống lại các chất gây dị ứng. Điều này dẫn đến những phản ứng dị ứng với các biểu hiện ở đường tiêu hóa và trên da.

Dị ứng hải sản
Dị ứng hải sản là phản ứng không điển hình của hệ thống miễn dịch khi tiêu thụ hải sản

Tùy thuộc vào tình trạng, một số người phản ứng với tất cả động vật có vỏ trong khi một số khác chỉ phản ứng với một hoặc vài loại nhất định. Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi tiêu thụ, có thể ở mức độ nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Phân loại

Bệnh dị ứng hải sản được phân thành những loại dưới đây:

  • Dị ứng động vật có vỏ: Đây là loại phổ biến nhất. Trong đó người bệnh bị dị ứng khi tiêu thụ một hoặc nhiều loại động vật có vỏ. Trong đó động vật giáp xác (như tôm, cua) gây ra nhiều tình trạng dị ứng hơn so với động vật thân mềm (con trai, sò, hàu, mực, bạch tuột...).
  • Dị ứng với cá: Đây là một loại dị ứng hải sản ít gặp hơn. Trong đó người bệnh có những biểu hiện của phản ứng dị ứng khi tiêu thụ cá. Chẳng hạn như cá ngừ (thường gặp), cá hồi, cá da trơn... Một người có thể bị dị ứng với một hoặc nhiều loại cá.

Những người bị dị ứng cá có thể ăn động vật có vỏ và ngược lại. Trong một số trường hợp, người bệnh bị dị ứng với cả hai.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch là nguyên nhân gây dị ứng hải sản. Trong đó hệ miễn dịch bị rối loạn, xác định protein trong một số loại hải sản (chất vô hại) là chất có hại (chất gây dị ứng).

Khi tiêu thụ hải sản, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể immunoglobulin E (IgE) để chống lại những chất gây dị ứng và bảo vệ cơ thể.

Trong lần tiếp xúc tiếp theo, những kháng thể nhận thấy protein trong hải sản và báo hiệu cho hệ thống miễn dịch. Điều này khiến hệ miễn dịch nhanh chóng sản sinh các hóa chất (như histamine) vào máu. Từ đó gây ra những triệu chứng của phản ứng dị ứng.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng hải sản gồm:

  • Tiền sử dị ứng: Nguy cơ tăng cao ở những người có tiền sử gia đình hoặc bản thân bị dị ứng thuộc bất kỳ loại nào.
  • Độ tuổi: Người lớn thường có nguy cơ cao hơn so với trẻ nhỏ.
  • Giới tính: Ở trẻ em, dị ứng phổ biến hơn ở những bé trai. Ở người lớn, dị ứng phổ biến hơn ở phụ nữ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hầu hết các trường hợp có triệu chứng phát triển trong vòng vài phút sau khi ăn hải sản. Những triệu chứng có thể bao gồm:

Buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, ngứa ran trong miệng
Buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, ngứa ran trong miệng là những triệu chứng của dị ứng hải sản

  • Ngứa ran trong miệng
  • Đau bụng
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Tiêu chảy
  • Nghẹt thở, khó thở hoặc thở khò khè
  • Ho
  • Phản ứng da
    • Nổi mề đay hoặc chàm
    • Ngứa ngáy
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Mệt mỏi
  • Sưng mặt, lưỡi, môi, cổ họng (co thắt đường thở), tai, bàn tay hoặc ngón tay

Nhiều trường hợp nặng có thể bị sốc phản vệ. Đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Tình trạng này cần được cấp cứu ngay lập tức.

Những triệu chứng của sốc phản vệ gồm:

  • Sưng cổ họng dẫn đến khó thở
  • Mạch nhanh hoặc yếu
  • Huyết áp giảm nghiêm trọng
  • Chóng mặt cực độ hoặc mất ý thức.

Những triệu chứng khác nhau ở mỗi người khiến quá trình chẩn đoán gặp nhiều khó khăn hơn. Thông thường người bệnh sẽ được kiểm tra triệu chứng và tiền sử dị ứng thông qua một số câu hỏi.

Để có độ chính xác cao, những xét nghiệm về dị ứng sẽ được thực hiện:

  • Thử nghiệm chích da: Khi thực hiện thử nghiệm, bác sĩ nhỏ lên da một chất gây dị ứng. Nếu có dị ứng, ngứa và sưng đỏ sẽ xuất hiện trong vòng 30 phút.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện chất hoặc loại thực phẩm gây dị ứng.

Biến chứng và tiên lượng

Phần lớn các trường hợp có triệu chứng không quá nghiêm trọng, dễ dàng xử lý bằng thuốc. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị sốc phản vệ. Đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng.

Dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ
Những trường hợp dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng

Nguy cơ sốc phản vệ tăng cao ở những trường hợp sau:

  • Cực kỳ nhạy cảm với hải sản (phản ứng dị ứng xảy ra khi có một lượng rất nhỏ động vật có vỏ)
  • Hen suyễn
  • Tiền sử gia đình bị dị ứng nặng
  • Tiền sử sốc phản vệ do thực phẩm.

Điều trị

Những phương pháp điều trị được đề nghị khi bị dị ứng hải sản gồm:

1. Xử lý dị ứng

Khi có triệu chứng của dị ứng hải sản, hãy áp dụng những bước xử lý dưới đây:

  • Ngừng tiêu thụ hải sản: Ngừng tiêu thụ loại hải sản gây dị ứng. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa phản ứng dị ứng và hỗ trợ tốt quá trình điều trị.
  • Kích thích gây nôn: Khi bị dị ứng, hãy nhanh chóng kích thích gây nôn để loại bỏ thức ăn gây dị ứng.
  • Dùng thuốc: Dùng thuốc kháng histamin không kê đơn để giảm nhanh các triệu chứng, như ngứa ngáy.
  • Uống nước mật ong ấm: Khi dị ứng xảy, người bệnh có thể uống một cốc nước mật ong ấm. Mật ong chứa nhiều loại vitamin, có khả năng giảm ngứa và những triệu chứng khó chịu khác của dị ứng.
  • Uống nước chanh ấm: Nếu bị dị ứng tôm, hãy uống một cốc nước chanh ấm. Hàm lượng vitamin C và các chất khác trong chanh có thể giúp giảm tình trạng dị ứng.
  • Uống nhiều nước: Nên uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít nước. Điều này giúp giảm nguy cơ mất nước, thanh lọc cơ thể và thúc đẩy quá trình loại bỏ chất gây dị ứng. Từ đó giúp người bệnh nhanh chóng khỏe lại.
  • Tránh gãi: Không gãi ngứa khi có những triệu chứng trên da. Bởi điều này có thể gây tổn thương da, tăng mức độ phát ban và ngứa ngáy.

2. Điều trị y tế

Đưa bệnh nhân đến bệnh viện nếu bị dị ứng hải sản nghiêm trọng hoặc các triệu chứng không giảm sau khi áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà.

Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu dùng thuốc theo toa để điều trị các triệu chứng. Những loại thuốc có thể được chỉ định gồm:

Dùng thuốc kháng histamin
Dùng thuốc kháng histamin để điều trị những triệu chứng khó chịu của dị ứng như nổi mẩn ngứa

  • Thuốc kháng histamin: Dị ứng hải sản thường được điều trị bằng thuốc kháng histamin, chẳng hạn như clorpheniramin, loratadin... Thuốc này giúp giảm nhẹ tình trạng phản ứng dị ứng, giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy và khó chịu.
  • Kem bôi dịu da: Nếu có những triệu chứng ngoài da, người bệnh sẽ được hướng dẫn sử dụng kem bôi dịu da có chứa sulfat kẽm, methol hoặc phenol. Sản phẩm này có tác dụng làm dịu vùng da ảnh hưởng và chống ngứa hiệu quả.
  • Tiêm Epinephrine (Adrenaline): Bệnh nhân được tiêm Epinephrine (Adrenaline) khẩn cấp nếu có sốc phản vệ với hải sản. Thuốc này có tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm, giảm các triệu chứng của sốc phản vệ.

Phòng ngừa

Tránh ăn loại hải sản bị dị ứng là cách duy nhất để phòng ngừa dị ứng hải sản. Những người có cơ địa quá nhạy cảm có thể phát triển dị ứng ngay cả khi tiêu thụ với một lượng rất nhỏ.

Hãy thận trọng khi ăn uống trong những nhà hàng hải sản. Ngoài ra cố gắng không chạm vào hoặc nấu những loại hải sản mà bạn bị dị ứng.

Tránh ăn loại hải sản bị dị ứng
Tránh ăn loại hải sản bị dị ứng để phòng ngừa bùng phát các triệu chứng của phản ứng dị ứng

Ở những trường hợp không có tiền sử dị ứng, bạn có thể áp dụng những cách sau để giảm nguy cơ:

  • Tốt nhất nên ăn chín uống sôi khi dùng các loại hải sản. Tránh ăn những loại cá hoặc mực chưa chín, tái hoặc còn sống. Đặc biệt là cá mòi, cá thu và cá hồi.
  • Không ăn những loại hải sản đã được chế biến từ lâu.
  • Tránh ăn cua, tôm, sò và hến chết. Đặc biệt không ăn cua chết lâu. Cua chết càng lâu càng sản sinh ra nhiều histamin. Điều này làm tăng nguy cơ dị ứng khi ăn vào.
  • Hải sản chứa hàm lượng cao asen pentavenlent. Vì vậy không nên ăn hải sản cùng với những loại thực phẩm giàu vitamin C. Sự tương tác giữa hai chất này có thể tạo thành asen trioxide (thạch tín). Khi tiêu thụ, bạn có thể bị gây ngộ độc thạch tín cấp tính và bị đe dọa đến tính mạng.
  • Tránh ăn những loại hải sản như ngao, trai, sò... được đánh bắt ở những vùng có thủy triều đỏ. Bởi chúng có thể mang tảo độc và gây ngộ độc khi tiêu thụ.
  • Nên thử từng ít một khi ăn những món hải sản lạ, đặc biệt là trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng dị ứng của tôi có nghiêm trọng không?

2. Loại thuốc nào phù hợp với tình trạng của tôi?

3. Những cách chăm sóc tại nhà có thể ngăn các triệu chứng?

4. Tôi có cần kiêng tất cả các loại hải sản không?

5. Điều trị dị ứng trong bao lâu thì khỏi?

6. Có điều gì cần kiêng khi điều trị không?

7. Điều gì xảy ra nếu tình trạng của tôi không được điều trị?

Dị ứng hải sản là loại dị ứng thường gặp, có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng. Tốt nhất nên xác định thực phẩm gây dị ứng và ngừng tiêu thụ. Nếu có triệu chứng, hãy chữa bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.