Bệnh Dị Ứng Đạm Sữa Bò

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng đạm sữa bò thường gặp ở trẻ nhỏ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể phản ứng thái quá với loại đạm có trong sữa bò hoặc những sản phẩm liên quan. Những triệu chứng của bệnh thường nghiêm trọng, cần nhanh chóng áp dụng những các xử lý thích hợp.

Tổng quan

Dị ứng đạm sữa bò (dị ứng protein sữa bò) là phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch đối với thành phần đạm (protein) trong sữa bò. Đây là một trong những dạng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất.

Dị ứng đạm sữa bò
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng không đặc hiệu của hệ miễn dịch với đạm (protein) trong sữa bò

Bệnh thường gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên người lớn cũng có thể bị ảnh hưởng. Phản ứng dị ứng thường xảy ra ngay sau khi người bệnh uống sữa bò hoặc dùng những sản phẩm được làm từ sữa bò.

Dị ứng đạm sữa bò gây phát ban đỏ, nổi mề đay kèm theo ngứa ngáy, khó thở và nôn mửa. Các triệu chứng của bệnh có thể từ nhẹ đến nặng. Nhiều trường hợp bị sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng.

Phân loại

Bệnh dị ứng đạm sữa bò (CMA = Cows' milk allergy) được phân thành 2 loại, bao gồm:

  • CMA ngay lập tức: Tình trạng này có những triệu chứng bắt đầu trong vòng vài phút sau khi tiêu thụ sữa bò hoặc những sản phẩm của sữa bò.
  • CMA muộn: Bệnh có những triệu chứng bắt đầu trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiêu thụ sữa bò.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trục trặc hệ miễn dịch là nguyên nhân gây dị ứng đạm sữa bò. Hệ thống miễn dịch có chức năng sản sinh kháng thể chống lại vi sinh vật và vi trùng.

Khi bị dị ứng sữa bò, hệ thống miễn dịch xác định một số loại đạm trong sữa bò là có hại. Sau đó kích hoạt sản xuất kháng thể immunoglobulin E (IgE) để chống lại và trung hòa chất gây dị ứng.

Vào lần tiếp theo khi tiếp xúc đạm trong sữa bò, những kháng thể immunoglobulin E (IgE) sẽ nhận ra chất gây dị ứng, báo hiệu cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamine cùng nhiều hóa chất khác. Điều này khiến những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng xuất hiện.

Trục trặc hệ miễn dịch
Kháng thể immunoglobulin E (IgE) kích thích hệ miễn dịch giải phóng histamin dẫn đến dị ứng khi uống sữa bò

Trong sữa bò có hai loại protein chính, bao gồm:

  • Casein: Loại protein này được tìm thấy trong phần rắn của sữa làm đông lại.
  • Whey: Loại protein này được tìm thấy trong phần chất lỏng của sữa sau khi sữa đông lại.

Một người có thể bị dị ứng với một hoặc cả hai loại protein có trong sữa bò. Từ đó gây ra những phản ứng không mong muốn. Thống kê cho thấy, hầu hết bệnh nhân bị dị ứng đạm sữa bò đều có phản ứng với sẽ dê, cừu và trâu.

Phản ứng dị ứng có thể bắt đầu sau khi trẻ tiêu thụ những sản phẩm từ sữa bò hoặc truyền từ khẩu phần ăn của mẹ sang trẻ thông qua sữa mẹ.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng đạm sữa bò:

  • Di truyền: Cha hoặc/ và mẹ bị dị ứng sữa bò sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở con cái.
  • Viêm da dị ứng: Bệnh viêm da dị ứng có khả năng làm tăng nguy cơ dị ứng sữa bò. Đây là một tình trạng viêm da mãn tính thường gặp ở trẻ em.
  • Dị ứng: Một số loại dị ứng khác như dị ứng thời tiết, dị ứng thực phẩm... làm tăng nguy cơ xuất hiện những phản ứng quá mức khi dùng sữa bò.
  • Tuổi tác: Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên một số người trưởng thành có thể bị ảnh hưởng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh dị ứng đạm sữa bò gây ra những triệu chứng dưới đây:

  • Đau bụng, trẻ ưỡn bụng và quấy khóc
  • Trào ngược
  • Bụng chướng
  • Nôn mữa
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Phát ban ngứa đỏ
  • Sưng môi, quanh mắt và mặt
  • Nổi mề đay
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Khò khè
  • Ho kéo dài
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Thiếu máu thiếu sắt
  • Bệnh chàm không cải thiện khi điều trị
  • Sốc phản vệ với những triệu chứng dị ứng nghiêm trọng và xảy ra đột ngột. bao gồm:
    • Lơ mơ
    • Khó thở
    • Thở ồn ào
    • Ho
    • Thở khò khè
    • Sưng miệng hoặc cổ họng dẫn đến co thắt đường thở
    • Trụy mạch
    • Đỏ bừng mặt
    • Ngứa
    • Sốc và tụt huyết áp rõ rệt

Dị ứng đạm sữa bò gây phát ban ngứa đỏ 
Dị ứng đạm sữa bò gây phát ban ngứa đỏ, rối loạn hệ tiêu hóa, sốc phản vệ ở trường hợp nặng

Để chẩn đoán dị ứng protein sữa bò, người bệnh được kiểm tra triệu chứng, tiền sử gia đình và những loại thực phẩm được tiêu thụ trước đó.

Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để kiểm tra nguyên nhân gây bệnh:

  • Xét nghiệm định lượng IgE đặc hiệu với các protein sữa bò (RAST): Xét nghiệm này cho phép đo lượng kháng thể immunoglobulin E (IgE) trong máu để đánh giá phản ứng của hệ thống miễn dịch với sữa bò.
  • Test lẫy da với sữa bò: Cho da tiếp xúc với một lượng protein trong sữa bò. Những người bị dị ứng sẽ có da nổi nốt sần ở vị trí thử nghiệm.

Biến chứng và tiên lượng

Dị ứng đạm sữa bò thường dễ kiểm soát, các triệu chứng không quá nghiêm trọng. Tránh sữa bò và những sản phẩm từ sữa có thể giúp điều trị. Ngoài ra hầu hết trẻ em dị ứng sữa đều hết dị ứng khi lớn lên.

Trong một số trường hợp, dị ứng protein sữa bò có thể gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng
  • Thiếu hụt dinh dưỡng
  • Giảm chất lượng cuộc sống
  • Căng thẳng và lo lắng khi lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Điều trị

Khi bị dị ứng đạm sữa bò, người bệnh cần đến bệnh viện để thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra và đánh giá tình trạng. Dựa trên mức độ nghiêm trọng, những phương pháp điều trị dưới đây sẽ được áp dụng:

1. Tránh sữa bò

Loại bỏ sữa bò và những sản phẩm từ sữa bò khỏi chế độ ăn uống hàng ngày trong một thời gian. Điều này giúp làm dịu triệu chứng và tránh những đợt bùng phát cho đến khi trẻ lớn hơn.

Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Mẹ cần tránh bổ sung đạm từ sữa bò để không truyền sang trẻ thông qua sữa mẹ.

2. Dùng sữa công thức phù hợp

Nếu không có sữa mẹ, có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân, dùng từ 2 - 4 tuần. Sau 4 tuần và những triệu chứng đã khỏi, có thể cho trẻ thử sử dụng lại sữa công thức chứa đạm sữa bò.

Nếu tiếp tục dị ứng, nên duy trì cho trẻ sử dụng công thức sữa thủy phân toàn phần tối thiểu 6 - 12 tháng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn kỹ lưỡng hơn.

Sử dụng công thức sữa thủy phân toàn phần
Sử dụng công thức sữa thủy phân toàn phần để thay thế sữa bò trong thời gian điều trị

3. Thăm khám định kỳ

Những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cần được kiểm tra đánh giá định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng. Điều này giúp xem trẻ nhỏ đã hết dị ứng hay chưa.

4. Tiêm epinephrine (adrenaline)

Trẻ hoặc người lớn bị phản ứng nghiêm trọng (dị ứng protein sữa bò có sốc phản vệ) cần đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Những trường hợp này sẽ được tiêm khẩn cấp epinephrine (adrenaline) để điều trị phản ứng, tránh sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng.

Phòng ngừa

Có nhiều cách giúp giảm nguy cơ dị ứng đạm sữa bò, bao gồm:

Nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ dị ứng

  • Nuôi con bằng sữa mẹ. Bú mẹ hoàn toàn trong 12 tháng đầu đời có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Từ đó giúp trẻ lớn nhanh, hoàn thiện hệ thống miễn dịch và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ dị ứng.
  • Nếu trẻ có nhiều nguy cơ dị ứng và không có sữa mẹ, hãy cho trẻ sử dụng sữa công thức đạm thủy phân. Điều này giúp hạn chế tối đa những phản ứng cho đến khi trẻ lớn hơn.
  • Nếu có tiền sử dị ứng đạm sữa bò, hãy ngừng sử dụng sữa bò và những sản phẩm từ sữa bò để tránh đợt bùng phát. Nên thường xuyên thăm khám để xem dị ứng đã khỏi hoàn toàn hay chưa.
  • Nếu có những triệu chứng bất thường, đến bệnh viện để tiến hành hăm khám và điều trị theo chỉ định.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào gây ra phản ứng dị ứng?

2. Triệu chứng dị ứng có thể tự khỏi không?

3. Có những phương pháp điều trị nào được áp dụng?

4. Làm thế nào để quản lý tốt nhất tình trạng dị ứng?

5. Khi nào nên dùng thuốc điều trị? Rủi ro và lợi ích là gì?

6. Tôi nên dùng loại sữa nào để thay thế?

7. Tôi có thể tiếp tục sử dụng sữa bò trong tương lai không?

Dị ứng đạm sữa bò thường gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Hầu hết các trường hợp không quá nghiêm trọng, triệu chứng giảm khi ngừng sử dụng các sản phẩm từ sữa bò. Tuy nhiên một vài trường hợp có thể ở mức độ nặng, cần được điều trị y tế khẩn cấp. Tốt nhất nên di chuyển đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu dị ứng.