Bệnh Dị Ứng Bụi Bẩn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Dị ứng bụi bẩn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như hắt hơi, sổ mũi, kích hoạt hen suyễn. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể có những phản ứng quá mức khi tiếp xúc với bụi bẩn. Tuy nhiên dị ứng thường được phòng ngừa và kiểm soát tốt.

Tổng quan

Dị ứng bụi bẩn là phản ứng dị ứng với bụi bẩn. Đây là một chất gây dị ứng trong nhà phổ biến nhất. Bụi bẩn là các hạt dạng rắn, có kích thước nhỏ, lơ lửng trong không khí sau đó tụ lại trên một bề mặt.

Dị ứng bụi bẩn
Dị ứng bụi bẩn xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với bụi bẩn

Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch xác định bụi bẩn là chất gây hại. Các triệu chứng phát triển trong vòng vài phút sau khi một người hít phải các hạt bụi bẩn.

Những triệu chứng thường trầm trọng hơn khi quét, phủi hoặc hút bụi. Bởi quá trình làm sạch làm khuấy động những hạt bụi, khiến chúng lơ lửng trong không khí và dễ hít vào hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trục trặc trong hệ thống miễn dịch là nguyên nhân khiến cơ thể nhạy cảm và dị ứng với bụi bẩn. Dị ứng là một phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với những chất vô hại (được gọi là chất gây dị ứng).

Những người bị dị ứng sẽ có phản ứng xấu khi tiếp xúc với bụi bẩn. Trong lần tiếp xúc đầu tiên, hệ miễn dịch sản sinh kháng thể chống lại chất gây dị ứng. Ở những lần tiếp theo, các kháng thể kích thích hệ miễn dịch sản sinh histamin và các hóa chất khác. Điều này gây ra phản ứng dị ứng và làm khởi phát các triệu chứng.

Dị ứng bụi bẩn thường xảy ra ở nơi bạn sinh sống. Những hạt bụi nhỏ có thể bám vào thảm, đồ nội thất, giường. Chúng tạo điều kiện cho những con bọ nhỏ sinh sôi (được gọi là mạt bụi). Khi hít vào hoặc tiếp xúc, những triệu chứng sẽ xuất hiện trong vòng 30 phút.

Một người có nhiều nguy cơ hơn khi có bản thân hoặc gia đình bị một loại dị ứng khác và hen suyễn. Ngoài ra hen suyễn có thể làm nặng hơn các triệu chứng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bụi bẩn gây hắt hơi ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên ở những người bị dị ứng mới có những triệu chứng của phản ứng miễn dịch.

Những triệu chứng của dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng. Chúng thường bao gồm:

Triệu chứng của dị ứng bụi bẩn thường bao gồm ngứa mũi, hắt hơi
Triệu chứng của dị ứng bụi bẩn thường bao gồm ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa họng, khó ngủ....

  • Hắt hơi
  • Ngứa mũi
  • Sổ mũi
  • Ngứa da
  • Nghẹt mũi
  • Ngứa mắt
  • Đỏ và chảy nước mắt
  • Áp lực xoang dẫn đến đau mặt
  • Ho
  • Ngứa ngáy cổ họng
  • Da sưng tấy
  • Phát ban
  • Khó ngủ

Đôi khi những triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện. Điều này thường gặp ở những người hen suyễn bị dị ứng. Cụ thể:

  • Tức ngực hoặc đau ngực
  • Khó thở
  • Khó nói chuyện
  • Thở khò khè
  • Ho
  • Lên cơn hen nặng

Những triệu chứng tăng dần mức độ theo thời gian khi tiếp tục hít phải chất gây dị ứng. Những triệu chứng cũng nghiêm trọng hơn ở những người đang hoặc sau khi dọn dẹp nhà cửa, quét hoặc hút. Bởi điều này có thể làm khuấy động những hạt bụi, khiến bạn dễ dàng hít phải hơn.

Dị ứng bụi bẩn được chẩn đoán dựa vào những triệu chứng, tiền sử bệnh nhân hoặc gia đình bị dị ứng và hen suyễn. Ngoài ra người bệnh được thử nghiệm trên da nhằm xác định dị ứng. Trong đó một lượng rất nhỏ chất gây dị ứng được chính vào một vùng da. Những triệu chứng dị ứng như đỏ và ngứa có thể xuất hiện trong vòng 20 phút.

Trong một số trường hợp, người bệnh được xét nghiệm máu. Xét nghiệm này cho phép kiểm tra số lượng kháng thể đối với chất gây dị ứng.

Biến chứng và tiên lượng

Dị ứng bụi bẩn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên các triệu chứng thường từ nhẹ đến trung bình, tự biến mất sau vài giờ hoặc dễ kiểm soát bằng nhiều phương pháp.

Những triệu chứng có thể nặng hơn ở những người mắc bệnh hen suyễn hoặc thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn. Ngoài ra bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển những biến chứng sau:

  • Hen suyễn
  • Viêm mũi mãn tính
  • Viêm xoang.

Điều trị

Điều trị dị ứng bụi bẩn dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các triệu chứng. Trong đó phản ứng dị ứng thường được kiểm soát bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc.

1. Thuốc

Những loại thuốc thường được dùng trong điều trị dị ứng bụi bẩn gồm:

Thuốc xịt mũi kháng histamine
Thuốc xịt mũi kháng histamine giúp ngăn chặn những phản ứng của histamine thông qua lỗ mũi

  • Thuốc xịt mũi kháng histamine: Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng thuốc xịt mũi kháng histamine để ngăn chặn histamine thông qua lỗ mũi. Thuốc này có khả năng điều trị tốt những triệu chứng của phản ứng dị ứng.
  • Thuốc kháng histamine đường uống: Nhóm thuốc này thường được sử dụng để ngăn chặn phản ứng của histamin. Từ đó giảm nhanh các triệu chứng của dị ứng, bao gồm ngứa, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi...
  • Corticosteroid mũi: Nếu dị ứng bụi bẩn gây sốt cỏ khô, người bệnh sẽ được sử dụng Corticosteroid mũi. Đây là một loại thuốc kháng viêm mạnh, có tác dụng trị viêm, ức chế miễn dịch, giảm đau,ngứa rát và sưng tấy. Thuốc corticosteroid được xịt vào mũi thông qua lỗ mũi giúp giảm nhanh các triệu chứng của dị ứng.
  • Thuốc thông mũi: Bệnh nhân thường được chỉ định một loại thuốc thông mũi để giảm nghẹt mũi tạm thời. Thuốc mang đến hiệu quả nhanh chóng nhưng cần tránh sử dụng kéo dài. Thuốc thông mũi thường được dùng kết hợp với thuốc kháng histamine để tăng hiệu quả điều trị.
  • Chất điều chỉnh Leukotriene: Để giảm những triệu chứng nghiêm trọng hơn, chất điều chỉnh Leukotriene sẽ được chỉ định. Thuốc này tác dụng ức chế phản ứng viêm của Leukotriene, giảm nhanh các triệu chứng của dị ứng.

2. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch (tiêm phòng dị ứng) là phương pháp điều trị dị ứng được áp dụng phổ biến. Trong đó một lượng nhỏ chất dị ứng được tiêm vào cơ thể để tăng sức chịu đựng của hệ thống miễn dịch. Điều này giúp làm giảm các triệu chứng của dị ứng theo thời gian. Một người có thể mất từ 6 -12 tháng để tiêm phòng dị ứng.

3. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể giúp các triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm:

  • Rửa mũi họng: Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch bụi bẩn trong mũi và giảm bớt các triệu chứng của dị ứng. Chẳng hạn như nghẹt mũi, ngứa mũi, ho, hắt hơi, ngứa họng... Ngoài ra nước muối có đặc tính kháng viêm và chống nhiễm khuẩn. Khi dùng có thể giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, giảm độ nhạy cảm của mũi và họng.
  • Tránh xa bụi bẩn: Mang khẩu trang khi dọn dẹp nhà cửa hoặc khi di chuyển ở những nơi có nhiều bụi bẩn. Việc tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng giúp những triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm và ngăn những đợt bùng phát kế tiếp.
  • Lau dọn nhà cửa: Sinh sống trong môi trường sạch sẽ giúp ngăn ngừa và giảm bớt các triệu chứng của dị ứng. Vì vậy nên thường xuyên lau dọn nhà cửa (ít nhất mỗi tuần 1 lần) để tránh bụi bẩn tích tụ và gây phản ứng dị ứng.

Phòng ngừa

Bụi bẩn có thể lơ lửng trong không khí và tụ vào nhiều điểm, dễ hít vào trong quá trình sinh hoạt hoặc làm việc. Để giảm nguy cơ dị ứng bụi bẩn và ngăn ngừa tái phát, hãy áp dụng những biện pháp dưới đây:

Lau dọn nhà cửa mỗi tuần bằng khăn hoặc cây lau nhà ẩm
Lau dọn nhà cửa mỗi tuần bằng khăn hoặc cây lau nhà ẩm để giảm thiểu lượng bụi tích tụ

  • Tránh sinh hoạt là làm việc ở những nơi có quá nhiều bụi bẩn.
  • Đảm bảo nhà cửa (đặc biệt là giường ngủ) được vệ sinh sạch sẽ bằng cách:
    • Lau dọn nhà cửa, giặt giũ ga trải giường và bao gối trong nước nóng ít nhất 1 lần mỗi tuần. Sau đó phơi khô dưới ánh nắng hoặc sấy khô trong máy sấy.
    • Lau nhà bằng khăn hoặc cây lau nhà ẩm có thể ngăn bụi tích tụ và giảm thiểu lượng bụi.
    • Thường xuyên làm sạch rèm cửa, hút bụi thảm và đồ nội thất bọc.
    • Sử dụng ga trải giường chống dị ứng trên nệm và gối.
    • Thường xuyên giặt đồ chơi nhồi bông. Tốt nhất nên mua đồ chơi nhồi bông có thể giặt được.
    • Nên thay thảm bằng sàn gỗ, gạch, nhựa vinyl hoặc vải sơn để giảm nguy cơ tích tụ bụi.
  • Sử dung máy hút ẩm hoặc máy điều hòa không khí. Điều này giúp giữ cho độ ẩm ở mức tương đối và làm sạch không khí trong nhà.
  • Sử dụng bộ lọc không khí dạng hạt (HEPA) hiệu suất cao giúp loại bỏ những chất gây dị ứng ở dạng bụi trong không khí.
  • Mang khẩu trang hoặc mặt nạ chống bụi khi di chuyển ngoài đường, sinh hoạt hoặc làm việc ở những nơi có nhiều bụi bẩn.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Những triệu chứng của tôi do bệnh lý gì?

2. Thuốc điều trị dị ứng bụi bẩn nào được đề nghị?

3. Tôi có nên đợi các triệu chứng tự giảm không?

4. Những biện pháp chăm sóc nào giúp triệu chứng nhanh giảm?

5. Có điều gì cần tránh khi bị dị ứng bụi bẩn?

6. Tôi nên làm gì để ngăn các triệu chứng tái phát?

7. Điều gì xảy ra nếu không chữa trị?

Dị ứng bụi bẩn là một dạng dị ứng phổ biến, xảy ra khi một người quá nhạy cảm hoặc có phản ứng dị ứng với bụi bẩn. Tình trạng này thường không nghiêm trọng, các triệu chứng có thể tự khỏi trong vài giờ hoặc được kiểm soát bằng thuốc. Tuy nhiên cần ngăn ngừa dị ứng tái phát để tránh phát sinh những tình trạng nghiêm trọng hơn.