Còi Xương Thể Bụ Bẫm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Còi xương thể bụ bẫm xảy ra khi cơ thể bị thiếu canxi, vitamin D hoặc/ và phốt pho nghiêm trọng. Tình trạng này khiến xương yếu, mềm, biến dạng và dễ gãy. Bệnh phát triển ở những trẻ cân nặng dư thừa, gây khó khăn cho việc phát hiện bất thường của xương.

Tổng quan

Còi xương thể bụ bẫm (hay còi xương thể bụ) là tình trạng xương yếu, mềm và dễ gãy do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D, canxi hoặc/ và phốt pho lâu ngày. Đây là một dạng nghiêm trọng của bệnh còi xương, xảy ra ở những trẻ có cân năng dư thừa hoặc bị béo phì nhưng thiếu chất.

Còi xương thể bụ bẫm
Còi xương thể bụ bẫm xảy ra khi trẻ ăn nhiều nhưng không nhận đủ vitamin D, canxi hoặc phốt pho cần thiết

Những trẻ bị còi xương thể bụ bẫm có xu hướng ăn nhiều nhưng không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này khiến trẻ trông như đang phát triển bình thường và mập mạp (dư thừa cân nặng). Tuy nhiên xương của trẻ bị yếu, mềm, rất dễ gãy, biến dạng và không phát triển bình thường.

So với những dạng khác, còi xương thể bụ khó phát hiện hơn. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng do điều trị chậm trễ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chứng còi xương thể bụ bẫm xảy ra khi trẻ bị thiếu vitamin D, canxi hoặc phốt pho trong thời gian dài. Tình trạng này thường do những nguyên nhân sau:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được phơi nắng thường xuyên
  • Chế độ ăn uống nghèo nàn, không cân bằng hoặc không đủ dinh dưỡng cần thiết
  • Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ đầy đủ
  • Sữa mẹ bị thiếu chất, không thể cung cấp đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương, chẳng hạn như vitamin D, canxi...
  • Ăn quá mặn hoặc nhiều chất đạm làm tăng khả năng đào thải vitamin D
  • Có một số bệnh lý làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, chẳng hạn như:
    • Viêm đường ruột
    • Xơ nang
    • Bệnh Celiac
    • Vấn đề về thận
    • Chứng rối loạn chuyển hóa. Bệnh lý này khiến cơ thể không thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Chứng rối loạn chuyển hóa thường do ăn dặm quá sớm khiến hệ tiêu hóa gặp vấn đề.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Da sẫm màu: Những người sở hữu làn sa sẫm màu sẽ có nhiều sắc tố melanin hơn. Điều này làm giảm khả năng sản xuất và tổng hợp vitamin D của da từ ánh nắng mặt trời.
  • Mẹ bị thiếu vitamin D khi mang thai: Người mẹ bị thiếu vitamin D nghiêm trọng có thể sinh ra một đứa trẻ bị còi xương hoặc trẻ có chứng còi xương phát triển trong vòng vài tháng sau sinh.
  • Sinh non: Khi sinh non, trẻ có ít thời gian nhận vitamin từ mẹ. Điều này khiến trẻ có lượng vitamin D thấp hơn.
  • Thuốc: Một số thuốc làm giảm khả năng sử dụng vitamin D của cơ thể, chẳng hạn như:
    • Thuốc chống động kinh
    • Thuốc kháng virus dùng trong điều trị HIV
  • Chỉ nuôi con bằng sữa mẹ: Nếu bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ nhỏ nên được bổ sung thêm vitamin D dạng giọt. Sữa mẹ không chứa đủ hàm lượng vitamin D cần thiết để ngăn bệnh còi xương.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị còi xương thể bụ bẫm:

Còi xương thể bụ bẩm làm dày mắt cá chân và cổ tay
Còi xương thể bụ bẩm làm dày cổ tay, chân cong, chậm phát triển chiều cao nhưng cân nặng tăng đều

  • Chậm phát triển chiều cao mặc dù cân nặng tăng đều đặn
  • Chậm mọc răng hoặc có bất thường
  • Tóc rụng nhiều tạo thành hình vành khăn
  • Ngoại hình tròn trịa
  • Biến dạng xương
    • Chân đi chữ bát hoặc chân vòng kiềng
    • Xương sọ mềm, mỏng
    • Vòng đầu phát triển hơn vòng ngực (do khung xương kém phát triển)
    • Lồi hộp sọ và thóp đóng chậm (ít gặp)
    • Dày mắt cá chân và cổ tay
    • Co đầu gối (thường gặp ở những trẻ lớn hơn)
    • Thiếu xương ức
    • Ưỡn cột sống thắt lưng hoặc gù vẹo cột sống
    • Xương chậu có thể bị biến dạng
  • Xương mềm, yếu và dễ gãy (đặc biệt là gãy xương cành tươi)
  • Đau xương
  • Hạ calci máu khiến trẻ thường xuyên co giật hoặc ngất xỉu

Không giống với những dạng còi xương khác, bệnh còi xương thể bụ bẫm khó phát hiện. Những trẻ mắc bệnh lý này trông như đang phát triển bình thường, ăn nhiều và tăng cân đều đặn.

Để chẩn đoán, đầu tiên bác sĩ hỏi về bệnh sử, kiểm tra cân nặng, xem xét những dấu hiệu bất thường ở đầu, ngực, hông và chân (chân vòng kiềng hoặc hình chữ bát). Nếu có nghi ngờ bệnh còi xương, trẻ được thực hiện thêm những xét nghiệm dưới đây:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang trẻ bị còi xương có thể phát hiện:
    • Những biến dạng điển hình của xương, chẳng hạn như chân vòng kiềng, thay đổi hộp sọ, ngực bị biến dạng
    • Các chi và khớp bị to ra
    • Sự mở rộng của những vùng vôi hóa tạm thời
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cho thấy nồng độ canxi huyết thanh thấp và tăng nồng độ phosphatase kiềm trong huyết thanh.
  • Quét mật độ xương: Kỹ thuật này có thể giúp đánh giá tình trạng xương mềm và yếu, phát hiện nguy cơ gãy xương.

Biến chứng và tiên lượng

Nếu còi xương thể bụ bẫm không được điều trị, những dị tật của xương sẽ tồn tại đến hết cuộc đời. Tình trạng này gây ra những hậu quả lâu dài dưới đây:

  • Biến dạng xương dài hoặc cong vẹo vĩnh viễn
  • Vẹo cột sống hoặc cột sống cong bất thường
  • Không phát triển bình thường
  • Khuyết tật răng miệng
  • Viêm phổi
  • Tiêu chảy
  • Gãy xương
  • Tăng nguy cơ thoái hóa khớp trong tương lai
  • Hẹp khung chậu
  • Co giật
  • Tổn thương tim và tử vong.

Biến dạng xương dài hoặc cong vẹo vĩnh viễn
Biến dạng xương dài hoặc cong vẹo vĩnh viễn khi chứng còi xương không được điều trị sớm

Thường mất 6 - 8 tuần để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin D, vài tuần để giảm suy nhược hoặc đau, 6 tháng hoặc lâu hơn để điều trị cong xương.

Điều trị

Để điều trị còi xương thể bụ bẫm và ngăn biến chứng, trẻ cần được bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và phốt pho với hàm lượng cần thiết (theo hướng dẫn của bác sĩ). Dưới đây là những phương pháp hữu hiệu:

1. Bú sữa mẹ

Trẻ cần được bú mẹ trong nửa giờ đầu sau sinh, duy trì đến khi trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi. Để tăng chất lượng sữa mẹ, mẹ cần thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng thực phẩm và đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.

Những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn có thể bắt đầu ăn dặm khi được 6 tháng tuổi hoặc bổ sung thêm vitamin D dạng giọt. Tránh ăn dặm quá sớm.

2. Tắm nắng sáng

Tiếp xúc ánh nắng mặt trời là cách tốt nhất để tổng hợp vitamin D. Dưới ánh nắng mặt trời, 7-dehydro-cholesterol (tiền chất vitamin D) dưới da sẽ được kích hoạt và hình thành vitamin D.

Khi có đủ hàm lượng vitamin D cần thiết, cơ thể dễ dàng hơn trong việc hấp thụ và sử dụng canxi, điều hòa canxi và phốt pho trong máu. Từ đó chữa khỏi chứng còi xương thể bụ bẫm và duy trì sự phát triển khỏe mạnh của xương.

Tắm nắng sáng
Tắm nắng sáng giúp tổng hợp vitamin D, ngăn ngừa và điều trị chứng còi xương

Cho trẻ tắm nắng sáng khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày, trong khung giờ từ 6h30 đến trước 8h sáng. Khi tắm nắng sáng, không nên cho trẻ mặc nhiều quần áo.

3. Xây dựng chế độ ăn phù hợp

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ bị còi xương thể bụ bẫm:

  • Bú sữa mẹ hoàn toàn kết hợp dùng vitamin D dạng giọt
  • Xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ ăn dặm với đầy đủ 4 nhóm chất gồm:
    • Đạm
    • Tinh bột
    • Chất béo lành mạnh
    • Vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin D, canxi và phốt pho
  • Tăng cường bổ sung những nhóm vi chất
  • Không quên thêm chất béo từ mỡ hoặc dầu thực vật vì vitamin D tan trong chất béo. Thiếu chất béo sẽ khiến bệnh còi xương của trẻ nghiêm trọng hơn
  • Đa dạng thực phẩm. Tránh tập trung vào một nhóm thực phẩm nhất định
  • Không nêm nếm quá mặn hoặc bổ sung quá nhiều chất đạm. Ăn quá mặn và nhiều đạm có thể tăng đào thải vitamin D qua nước tiểu.

Khi không cần dùng ở liều cao hơn, bác sĩ nhi khoa sẽ hướng dẫn bổ sung canxi và vitamin D theo tiêu chuẩn hàng ngày. Để giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, nên chia nhỏ khẩu phần ăn. Hạn chế cho trẻ bú hoặc ăn quá no.

4. Thuốc

Để điều trị còi xương thể bụ bẫm, một số thuốc có thể được dùng kết hợp với chế độ ăn uống. Những loại thuốc này chủ yếu là vitamin D dạng giọt, canxi hoặc khoáng chất khác với liều lượng thích hợp.

Dưới đây là 3 loại thường dùng:

Thuốc Aquadetrim
Thuốc Aquadetrim cung cấp vitamin D3, giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh còi xương

  • Aquadetrim: Thuốc Aquadetrim được dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sinh non. Thuốc cũng có tác dụng ngăn ngừa và điều trị loãng xương. Khi sử dụng, Aquadetrim giúp bổ sung hàm lượng vitamin D cần thiết dưới dạng Cholecalciferol (vitamin D3).
  • Ergocalciferol: Thuốc Ergocalciferol cung cấp vitamin D2, giúp điều trị những tình trạng sau:
    • Còi xương thể bụ bẩm do thiếu dinh dưỡng hoặc các chứng rối loạn chuyển hóa
    • Còi xương kháng vitamin D liên kết X
    • Còi xương do phụ thuộc vitamin D
    • Hạ calci huyết thứ phát hoặc liên quan đến thận
    • Hạ phốt pho trong máu
  • Calcinol: Những trẻ bị còi xương thể bụ bẫm do kháng vitamin D hoặc thiếu vitaimin D và canxi sẽ được điều trị bằng Calcinol. Thuốc này cung cấp 250 UI vitamin D3, 180mg nguyên tố calci và 50mg magnesium hydroxyde.

Các thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Cần chú ý đến liều lượng.

5. Giảm cân

Những trẻ bị còi xương thể bụ bẫm sẽ được hướng dẫn giảm cân khoa học, giữ cân nặng ở mức an toàn. Nhu cầu canxi tỉ lệ thuận với cân nặng. Cân nặng dư thừa làm tăng nhu cầu bổ sung canxi của cơ thể, tăng áp lực lên khung xương và khiến bệnh còi xương nghiêm trọng hơn.

6. Phẫu thuật

Còi xương thể bụ bẫm gây biến dạng xương. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp có xương tự thẳng ra khi được điều trị. Chỉ một số trường hợp cần phải phẫu thuật để điều chỉnh.

Phòng ngừa

Bệnh còi xương thể bụ bẫm có thể được phòng ngừa bằng những cách sau:

Cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp tắm nắng sáng mỗi ngày
Cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp tắm nắng sáng mỗi ngày để ngăn ngừa chứng còi xương thể bụ bẩm

  • Nếu đang mang thai, mẹ cần uống bổ sung vitamin D và canxi theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong đó vitamin D thường được dùng với liều 600 - 200 IU mỗi ngày.
  • Trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ đến 18 hoặc 24 tháng. Những trẻ sơ sinh bú mẹ cần được bổ sung thêm vitamin D dạng giọt với liều 400 IU vitamin D/ ngày.
  • Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm. Chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi.
  • Cho trẻ tiếp xúc ánh sáng mặt trời mỗi ngày để cơ thể tạo ta vitamin D cần thiết.
  • Bổ sung nhiều vitamin D tự nhiên, canxi và các thành phần dinh dưỡng khác thông qua chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các nhóm chất cần thiết. Những loại thực phẩm giàu vitamin D gồm cá ngừ, cá hồi, lòng đỏ trứng, dầu cá, sữa, ngũ cốc...

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Các triệu chứng xảy ra do đâu? Mức độ nghiêm trọng của tình trạng?

2. Cần thực hiện những xét nghiệm nào?

3. Những biến chứng có thể gặp là gì?

4. Điều trị còi xương thể bụ bẫm như thế nào? Phương pháp tốt nhất?

5. Tôi nên làm gì để chăm sóc tốt nhất cho trẻ bị còi xương?

6. Mất bao lâu để điều trị?

7. Những biến dạng xương của trẻ có thể chữa khỏi hay không?

8. Chế độ ăn uống cụ thể cho trẻ bị còi xương như thế nào?

Chứng còi xương thể bụ bẫm thường khó phát hiện hơn do trẻ mập mạp và tăng cân đều đặn. Việc điều trị chậm trễ có thể làm tăng nguy cơ phát triển những biến chứng nghiêm trọng. Tốt nhất nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi có bất thường.