Co Giật Cơ Bắp

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Co giật cơ bắp có thể do thiếu hụt chất dinh dưỡng, bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh hoặc một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác. Thông thường bệnh nhân được điều trị bằng thuốc và những biện pháp ngăn ngừa cơn co giật.

Tổng quan

Co giật cơ bắp còn được gọi là rung cơ, thuật ngữ thể hiện cho những chuyển động nhỏ, ngắn và đột ngột trong cơ thể, chẳng hạn như co giật, giật hoặc co thắt. Tình trạng này xảy ra khi các cơ được kích hoạt không chính xác.

Co giật cơ bắp
Co giật cơ bắp là những chuyển động nhỏ, ngắn và đột ngột trong cơ thể, xảy ra do nhiều nguyên nhân

Rung cơ có thể ảnh hưởng đến một cơ đơn lẻ hoặc một nhóm cơ. Trong đó các cơ ở vai, hông, mặt, lưng, tay và chân là những cơ thường bị ảnh hưởng nhất.

Co giật cơ bắp thường do thiếu hụt chất dinh dưỡng và lối sống. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở người khỏe mạnh vào một số thời điểm trong đời. Tuy nhiên ở nhiều trường hợp, co giật cơ bắp là dấu hiệu của nhiều bệnh lý và tình trạng nghiêm trọng.

Phân loại

Co giật cơ bắp được phân thành 4 loại chính, bao gồm:

+ Các hình thức bình thường của giật cơ

Rung giật cơ xảy ra khi có một số quá trình bình thường của cơ thể. Tình trạng này được gọi là giật cơ sinh lý, được phân thành 3 loại nhỏ, gồm:

  • Nấc cụt: Đây là một tình trạng bình thường và xảy ra thường xuyên.
  • Rung giật cơ khi ngủ (giật cơ khi ngủ): Đây là những cử động mạnh và đột ngột của cơ bắp trong khi ngủ hoặc thức dậy.
  • Phản xạ giật mình: Đây là một chuyển động giống như nhảy nhưng không thể kiểm soát. Phản xạ giật mình xảy ra khi bất ngờ hoặc sợ hãi.

+ Động kinh rung giật cơ

Rung giật cơ xảy ra do hoặc cùng với co giật. Tình trạng này có các dạng động kinh khác nhau gây ra những cơn co giật, chẳng hạn như chứng động kinh giật cơ ở trẻ vị thành niên hoặc hội chứng Lennox-Gastaut.

+ Giật cơ thứ phát

Giật cơ thứ phát (giật rung cơ thứ cấp) xảy ra khi rung giật cơ là triệu chứng của một tình trạng khác. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Các bệnh tự miễn dịch: Giật cơ thứ phát thường liên quan đến các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh celiac. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm và làm tổn thương những mô khỏe mạnh của cơ thể.
  • Mất cân bằng hóa học trong máu và cơ thể: Những bệnh lý ở thận và gan, bệnh lý ở tuyến giáp, mất cân bằng điện giải, thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể gây co giật cơ bắp thứ cấp.
  • Bệnh thoái hóa não: Co giật cơ bắp thường do một số bệnh thoái hóa não. Chẳng hạn như chứng mất trí nhớ thể Lewy, bệnh Alzheimer, bệnh mất trí nhớ liên quan đến bệnh Parkinson.
  • Tổn thương não: Tổn thương não làm gián đoạn cách thức hoạt động của những khu vực bị tổn thương của mô não, chẳng hạn như thiếu máu do đột quỵ, tổn thương do thiếu oxy (thiếu oxy não). Tình trạng này gây ra chứng rung giật cơ.
  • Tổn thương dây thần kinh và tủy sống: Những tổn thương ở dây thần kinh và tủy sống làm gián đoạn khả năng giao tiếp bình thường của não đối với các bộ phận của cơ thể. Điều này khiến những bộ phận bị ảnh hưởng hoạt động một cách tự phát, dẫn đến chứng rung giật cơ.
  • Nguyên nhân khác:
    • Nhiễm trùng (nhiễm virus hoặc vi khuẩn tấn công bộ phận trong hệ thần kinh, chẳng hạn như não).
    • Rối loạn di truyền, chẳng hạn như bệnh Krabbe và bệnh Wilson.
    • Thuốc và chất gây nghiện phi y tế, chẳng hạn như rượu, amphetamine, bạch phiến...
    • Thuốc theo toa (thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh, thuốc gây mê, thuốc giảm đau opioid, thuốc chống trầm cảm)
    • Ngộ độc từ kim loại nặng hoặc thuốc trừ sâu như methyl bromide.

+ Giật cơ thiết yếu

Giật cơ thiết yếu là một dạng giật cơ di truyền không gây hại, không nặng hơn theo thời gian. Tuy nhiên việc uống rượu có thể khiến những cử động cơ bắp trở nên tồi tệ hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có hai cách chính gây ra co giật cơ bắp, cụ thể:

  • Giật cơ dương tính: Xảy ra khi các cơ đột ngột co lại
  • Giật cơ âm tính: Xảy ra khi các cơ thư giãn đột ngột.

Co giật cơ bắp được gây ra bởi nhiều điều kiện khác nhau. Tình trạng này chủ yếu do những nguyên nhân không đáng lo ngại, chẳng hạn như lối sống kém lành mạnh. Tuy nhiên chứng rung cơ cũng có thể phát triển từ một tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị y tế.

+ Nguyên nhân phổ biến và ít nghiêm trọng

Căng thẳng và lo lắng
Đau cơ và co giật cơ bắp thường do căng thẳng và lo lắng quá mức

  • Căng thẳng và lo lắng: Căng thẳng hoặc lo lắng thường xuyên có thể gây đau cơ và co giật cơ bắp. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ nào trong cơ thể. Thông thường xoa bóp và ngồi thiền có thể giải quyết và ngăn ngừa co giật cơ do căng thẳng.
  • Hoạt động thể chất: Axit lactic tích lũy trong các cơ thường ảnh hưởng đến cánh tay, chân và lưng.
  • Dùng chất kích thích: Sử dụng quá nhiều chất kích thích, chẳng hạn như caffein có thể khiến bất kỳ cơ bắp nào bị co giật.
  • Mất nước: Ion khử có thể kích thích, khiến các cơ co và giật. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những cơ lớn như cơ bắp chân, cơ đùi, cơ bắp tay, cơ cẳng tay, các cơ ở thân mình.
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Việc cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết có thể dẫn đến co thắt cơ. Đặc biệt là những người bị thiếu hụt vitamin D, vitamin B và canxi. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến bàn tay, bắp chân và mí mắt.
  • Nicotine: Chất nicotine trong thuốc lá có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, gây co giật cơ, thường ảnh hưởng đến các cơ ở chân.
  • Kích ứng: Co thắt cơ xảy ra ở mí mắt hoặc vùng quanh mí mắt do kích ứng.
  • Thuốc: Một số thuốc điều trị có thể gây co thắt cơ bắp và những phản ứng bất lợi khác cho người bệnh. Chẳng hạn như:
    • Estrogen
    • Corticosteroid
    • Thuốc kháng sinh
    • Thuốc huyết áp
    • Thuốc chống động kinh
    • Thuốc gây mê
    • Thuốc giảm đau opioid
    • Thuốc chống trầm cảm
  • Thiếu ngủ và kiệt sức: Co giật cơ bắp thường xảy ra ở những người thiếu ngủ. Khi mệt mỏi và suy sụp, cơ thể có xu hướng cảnh báo bằng cách gây co giật hoặc co thắt cơ. Điều này cũng có thể khiến cơ bắp của bạn đau và yếu. Ngoài ra thiếu ngủ làm thay đổi mức độ của một số chất dẫn truyền thần kinh. Từ đó gây ra tình trạng co thắt cơ.
  • Mất cân bằng điện giải: Mất cân bằng điện giải do tập thể dục cường độ cao, đổ mồ hôi quá nhiều, mất nước do nôn hoặc tiêu chảy có thể khiến cơ bắp co giật.
  • Không đủ nước: Nếu không uống đủ nước, cơ bắt sẽ dễ bị co thắt và co giật.

+ Nguyên nhân ít gặp và nghiêm trọng hơn

Co thắt cơ bắp xảy ra do những bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh, làm hỏng các dây thần kinh kết nối với cơ dẫn đến co giật. Cụ thể:

Chèn ép dây thần kinh cột sống
Chèn ép dây thần kinh cột sống ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát chuyển động cơ bắp

  • Chèn ép dây thần kinh cột sống: Sự chèn ép làm tổn thương những tế bào thần vận động kinh trong tủy sống. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát chuyển động cơ bắp và khiến lưỡi co giật.
  • Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS): Bệnh lý này khiến những tế bào thần kinh chết đi dẫn đến co giật ở bất kỳ cơ nào trên cơ thể. ALS thường gây co giật cơ ở bàn tay và bàn chân.
  • Loạn dưỡng cơ: Đây là một nhóm bệnh di truyền. Trong đó các cơ bị suy yếu và tổn thương theo thời gian. Co giật cơ bắp do loạn dưỡng cơ thường ảnh hưởng đến các cơ ở mặt và cổ hoặc hông và vai.
  • Hội chứng Isaac: Hội chứng này ảnh hưởng đến hoạt động của các dây thần kinh kích thích các sợi cơ. Từ đó gây co giật cơ thường xuyên, chủ yếu ảnh hưởng đến tay và chân.
  • Rối loạn thần kinh cơ: Bệnh lý này làm ảnh hưởng đến chức năng của các sợi cơ, gây cứng, chuột rút và co giật.
  • Bệnh thận mãn tính (CKD): Co thắt cơ xảy ra khi bệnh thận mãn tính làm mất cân bằng chất điện giải và chất lỏng trong cơ thể.
  • Hội chứng serotonin: Serotonin là một chất hóa học trong não tích tụ trong cơ thể, thường tăng cao khi sử dụng một số loại thuốc. Sự tăng cao quá mức của chất này khiến cơ bắp bị co giật trong vòng vài giờ sau khi thay đổi liều lượng hoặc sử dụng một loại thuốc mới. Co thắt cơ thường kèm theo sốt rất cao và nhiều triệu chứng khác.
  • Hội chứng Hoffmann: Hội chứng này được đặc trưng bởi tình trạng yếu cơ và co thắt cơ, ảnh hưởng đến các cơ ở tay, chân và lưỡi.
  • Bệnh thần kinh: Những tổn thương thần kinh có thể dẫn đến đau, tê và co giật cơ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Co giật cơ bắp có những triệu chứng và dấu hiệu sau:

  • Rung giật bó cơ, thường xảy ra đột ngột, trong vòng vài giây hoặc kéo dài
  • Đau cơ
  • Cảm thấy mệt mỏi và suy nhược
  • Mau mệt cơ khi vận động
  • Mất ý thức nếu co giật cơ nghiêm trọng.

Rung giật bó cơ
Rung giật bó cơ, mau mệt cơ, cảm thấy mệt mỏi và suy nhược là những triệu chứng thường gặp

Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được hỏi về bệnh sử, thời điểm bắt đầu triệu chứng, vị trí, tần suất, mức độ co giật, co giật kéo dài bao lâu và những triệu chứng đi kèm. Điều này có thể giúp xác định chứng co giật cơ bắp.

Để xác định nguyên nhân gây bệnh, những xét nghiệm dưới đây có thể được thực hiện:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng thận, tuyến giáp và điện giải.
  • Điện cơ: Đánh giá sức khỏe, hoạt động của cơ và những tế bào thần kinh kiểm soát cơ.
  • Chụp MRI hoặc CT: Kiểm tra những tổn thương mô mềm, xác định nguyên nhân gây co thắt cơ.

Biến chứng và tiên lượng

Co giật cơ bắp chủ yếu do lối sống và một số nguyên nhân không nghiêm trọng khác. Tình trạng này thường thoáng qua và không gây nguy hiểm.

Tuy nhiên co giật cơ cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm, cần sớm khám và điều trị đúng cách. Khi không được điều trị, co giật cơ có thể thường xuyên hơn, làm cứng các gân quanh khớp, cơ ngắn và gây ra nhiều vấn đề khác.

Điều trị

Không cần điều trị co giật cơ bắp. Tình trạng này có xu hướng giảm dần trong vài ngày. Riêng những trường hợp bị rung cơ do bệnh lý nghiêm trọng, người bệnh cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

1. Thuốc

Dựa vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc điều trị dưới đây:

  • Corticosteroid: Thuốc Corticosteroid có tác dụng giảm viêm, đau và ức chế miễn dịch. Thuốc phù hợp với những bệnh nhân bị co thắt cơ do bệnh tự miễn và các tình trạng viêm đau.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc này giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau và giảm co thắt cơ.
  • Thuốc ức chế thần kinh cơ: Rimabotulinumtoxin B (Myobloc) hoặc một loại thuốc ức chế thần kinh cơ sẽ được sử dụng. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoạt động thần kinh trong cơ. Từ đó giảm hoạt động cơ tạm thời và giảm co thắt.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng cho những trường hợp co giật cơ bắp liên quan đến lo âu, trầm cảm hoặc những vấn đề về sức khỏe tâm thần cơ bản. Thuốc có tác dụng an thần, cải thiện giác ngủ và giảm những cơn đau mãn tính.

Sử dụng thuốc dựa trên tình trạng cụ thể để điều trị co giật cơ bắp
Sử dụng thuốc dựa trên tình trạng cụ thể để điều trị co giật cơ bắp và nguyên nhân gây bệnh

2. Biện pháp khắc phục tại nhà

Việc thay đổi lối sống có thể giữ cho cơ bắp và các dây thần kinh hoạt động tốt và khỏe mạnh. Điều này giúp ngăn ngừa và điều trị chứng co giật cơ bắp. Cụ thể:

  • Ngủ đủ giấc và ngủ sớm.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Những người bị co giật cơ do thiếu dinh dưỡng nên tăng cường bổ sung vitamin B, vitamin D và canxi từ các loại thịt, cá, trứng...
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi. Cần bổ sung thêm nước và điện giải khi tập thể dục, đổ nhiều mồ hôi, đang trong giai đoạn mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.
  • Tập thể dục với cường độ và thời gian thích hợp, không luyện tập gắng sức. Ngoài ra nên khởi động kỹ lưỡng trước khi luyện tập.
  • Tránh rượu, giảm lượng caffein tiêu thụ hoặc hạn chế trong giai đoạn điều trị co giật cơ bắp.
  • Kiểm soát căng thẳng và không lo lắng quá mức. Nên thường xuyên ngồi thiền và tập yoga để cải thiện tâm trạng, giảm co thắt cơ do căng thẳng.

Phòng ngừa

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn nhưng những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ co giật cơ bắp. Bao gồm:

  • Ngủ đủ giấc: Đảm bảo ngủ đủ 7 - 9 tiếng mỗi đêm và nên ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe, giúp cơ thể chữa lành và hồi phục. Ngoài ra ngủ đủ giấc cũng giúp các dây thần kinh có thời gian nghỉ ngơi, tránh gây ra những bất thường.
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng: Ăn nhiều trái cây tươi, rau quả, ngủ cốc nguyên hạt để bổ sung các vitamin và carbohydrate. Những thành phần này giúp tạo năng lượng, chống mệt mỏi và co thắt cơ. Ngoài ra bạn cũng cần tiêu thụ protein với một lượng vừa phải từ các nguồn nạc, đậu phụ và thịt gà.
  • Hạn chế lượng caffein: Không nên tiêu thụ caffein quá mức, đặc biệt là những người có tiền sử co giật cơ bắp.
  • Từ bỏ thuốc lá: Không hút thuốc lá để tránh nicotine kích thích hệ thần kinh trung ương.
  • Uống đủ nước: Uống đủ 2 lít nước mỗi. Nên uống nhiều nước hơn khi tập thể dục, ra nhiều mồ hôi, nôn và tiêu chảy.
  • Tập thể dục đều dặn: Nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, thực hiện những bài tập tăng cường cơ bắp với cường độ và thời gian thích hợp. Để tránh chấn thương, cần khởi động kỹ lưỡng trước khi luyện tập, dành thời gian nghỉ giải lao và làm quen với một môn thể thao mới.
  • Đổi thuốc: Nếu co giật cơ do thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc đổi một loại thuốc khác, ít tác động đến cơ hơn.
  • Kiểm soát căng thẳng: Luôn suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng và lo lắng quá mức để phòng ngừa co giật cơ bắp. Để giảm căng thẳng trong cuộc sống, nên thường xuyên ngồi thiền, tập thái cực quyền hoặc yoga. Những kỹ thuật thư giãn sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Kiểm soát căng thẳng
Kiểm soát căng thẳng bằng thiền định và yoga giúp giảm nguy cơ co giật cơ bắp

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến tôi bị co giật cơ bắp?

2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?

3. Nếu không điều trị y tế, tình trạng của tôi có thể tự khỏi hay không?

4. Phương pháp điều trị nào phù hợp nhất?

5. Những các tự chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?

6. Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc điều trị?

7. Tôi nên làm gì để ngăn ngừa những cơn co thắt tái phát?

Co giật cơ bắp thường chỉ thoáng qua và không nghiêm trọng. Hầu hết mọi người có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu co thắt cơ do nguyên nhân nghiêm trọng, hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị chuyên sâu.