Bệnh Chốc Lở

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Chốc lở những tổn thương da ở dạng lở loét và phồng rộp do nhiễm trùng vi khuẩn. Các triệu chứng thường tập trung ở mặt, chân và cánh tay. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến những trẻ từ 2 - 5 tuổi, có thể khỏi nhanh khi dùng kháng sinh.

Tổng quan

Bệnh chốc lở là một dạng nhiễm trùng da chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổn thương xuất hiện ở dạng phồng rộp, mụn nước và vết loét màu đỏ trên da.

Bệnh chốc lở
Bệnh chốc lở là tình trạng nhiễm trùng gây ra những tổn thương phồng rộp và vết loét màu đỏ trên da

Các triệu chứng thường tập trung ở mặt, bàn chân và bàn tay. Vết loét có xu hướng vỡ trong 1 tuần, sau đó đóng vảy vàng kèm theo cảm giác khó chịu.

Chốc lở xảy ra khi có sự lây nhiễm của vi khuẩn (thường là tụ cầu khuẩn) trên những lớp ngoài của da (biểu bì). Nhiễm trùng thường bắt đầu từ những vết côn trùng cắn, vết cắt nhỏ, phát ban do chàm hoặc một số bệnh ngoài da khác.

Phân loại

Bệnh chốc lở được phân thành những loại dưới đây:

1. Chốc lở không bọng nước

Đây là bệnh chốc lở giai đoạn đầu và phổ biến nhất. Bệnh được đặc trưng bởi những vết loét ngứa kèm theo sưng hạch, không có bọc nước.

Những giai đoạn của bệnh gồm:

  • Một hoặc nhiều vết loét ngứa phát triển trên da và nhanh chóng vỡ ra
  • Nơi vết loét vỡ có da đỏ hoặc thô
  • Sưng các hạch gần vết loét
  • Đóng vảy màu vàng trên vết loét
  • Da lành lại và không để lại sẹo.

2. Chốc lở bọng nước

Loại này thường gặp ở trẻ sơ sinh, được đặc trưng bởi những mụn nước lớn, bên trong chứa đầy chất lỏng và không có mẩn đỏ.

Những giai đoạn của bệnh chốc lở bọng nước:

  • Xuất hiện một hoặc nhiều mụn nước trên da, bên trong mụn nước chứa đầy dịch. Không xuất hiện mẩn đỏ ở những vùng da xung quanh
  • Những mụn mềm và vỡ ra
  • Xuất hiện những vết loét đóng vảy
  • Vết loét lành lại mà không để lại sẹo.

Chốc lở bọng nước
Chốc lở bọng nước làm phát sinh một hoặc nhiều mụn nước lớn trên da

3. Ecthyma

Ecthyma là giai đoạn nghiêm trọng hơn của bệnh chốc lở. Trong đó tình trạng nhiễm trùng đi sâu hơn vào da tạo thành những vết loét sâu và hở.

Những giai đoạn của bệnh gồm:

  • Trên da xuất hiện những vết phồng rộp đau đớn, sau đó biến thành những vết loét sâu và hở
  • Có lớp vỏ dày phát triển trên da và có vết đỏ xung quanh
  • Da lành và để lại những vết sẹo.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh chốc lở, phổ biến nhất gồm:

  • Staphylococcus aureus (S. aureus hoặc staph): Chiếm 80% trường hợp chốc lở không bọng nước.
  • Liên cầu khuẩn nhóm A (strep): Chiếm 10% trường hợp chốc lở không bọng nước.

Nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan khi tiếp xúc gần với đối tượng bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn thường xâm nhập vào qua vết thương nhỏ (vết cắt, vết cắt côn trùng) và phát ban (thường do chàm)

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn nhanh chóng phát triển khiến lớp ngoài cùng của da bị viêm và nhiễm trùng.

Vi khuẩn gây chốc lở cũng có thể xâm nhập khi gãi ngứa da do thủy đậu, ghẻ lở, chàm, nhiễm trùng hình xăm. Những tổn thương da nhỏ hoặc trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Vi khuẩn Staphylococcus aureus
Vi khuẩn Staphylococcus aureus là nguyên nhân gây chốc lở thường gặp, chiếm 80% trường hợp

Những yếu tố nguy cơ của bệnh gồm:

  • Tuổi: Bệnh thường xảy ra ở những trẻ có độ tuổi từ 2 - 5 tuổi. Ngoài ra nguy cơ cũng tăng cao ở những người lớn tuổi.
  • Tiếp xúc gần: Tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn khi tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc da kề da với trẻ bị chốc lở. Thường xảy ra trong khi chơi thể thao hoặc quá trình chăm sóc trẻ.
  • Thời tiếp ấm và ẩm: Thời tiết ấm áp và ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Bệnh lý: Nguy cơ tăng cao ở những người có các tình trạng y tế dưới đây:
    • Viêm da dị ứng
    • Tiểu đường
    • Suy giảm hệ thống miễn dịch.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh chốc lở gồm:

  • Xuất hiện những vết loét màu đỏ
  • Những vết loét nhanh chóng vỡ ra, chảy dịch màu vàng hoặc nâu
  • Đóng một lớp vỏ (vảy) sau khi vỡ mụn nước
  • Phát ban chốc lở gây đỏ da, có thể lan rộng và khô ráp
  • Sưng hạch bạch huyết gần khu vực bị ảnh hưởng.

Những vết loét đỏ thường hình thành quanh mũi và miệng. Chúng cũng có thể xuất hiện trên cánh tay, chân, bàn tay, bàn chân và những bộ phận khác trên cơ thể.

Nếu bị chốc lở do vi khuẩn Staph, người bệnh có thể gặp những triệu chứng dưới đây:

  • Đỏ da xung quanh mụn nước đỏ
  • Mụn nước chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, dịch bên trong sau cùng chuyển sang màu đục
  • Mụn nước rò rỉ và dễ vỡ
  • Vùng da ảnh hưởng sần sùi và sáng bóng
  • Đóng vảy sau vỡ mụn nước với lớp vỏ màu nâu vàng.

Chốc lở do vi khuẩn Staph
Chốc lở do vi khuẩn Staph gây đỏ da xung quanh mụn nước đỏ, mụn nước rò rỉ và dễ vỡ

Bệnh chốc lở thường được chẩn đoán dựa trên hình dạng và đặc trưng của vết loét. Để xác định nguyên nhân, sinh thiết da có thể được thực hiện.

Trong xét nghiệm, một mẫu da được lấy ra và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp xác định loại vi khuẩn và kháng sinh thích hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Hiếm khi bệnh chốc lở gây biến chứng. Triệu chứng và khả năng lây nhiễm được kiểm soát nhanh bằng thuốc kháng sinh. Vết loét thường được chữa lành trong vòng vài ngày và ít khi để lại sẹo.

Khi chốc lở không được điều trị, một số biến chứng có thể xảy ra, cụ thể:

  • Những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng
    • Hội chứng bỏng da do tụ cầu
    • Nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào)
    • Hội chứng sốc nhiễm độc. Biến chúng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu
    • Viêm cầu thận do vi khuẩn liên cầu lây lan
    • Sốt thấp khớp
  • Phát ban lan rộng và làm tổn thương những lớp da sâu hơn
  • Sẹo hoặc tổn thương da vĩnh viễn

Điều trị

Bệnh chốc lở chủ yếu được điều trị tại chỗ bằng kháng sinh. Ngoài ra cần kết hợp với những biện pháp chăm sóc để ngăn ngừa tổn thương lan rộng.

1. Thuốc kháng sinh

Chốc lở được chữa bằng kháng sinh bôi ngoài hoặc đường uống.

  • Thuốc mỡ kháng sinh

Thuốc mỡ kháng sinh (như mupirocin) được dùng để bôi trực tiếp lên vết loét. Thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây chốc lở và ngăn nhiễm trùng lây lan.

Thông thường kháng sinh mupirocin sẽ được bôi trực tiếp từ 2 - 3 lần/ ngày, điều trị trong vòng 5 - 7 ngày. Trước khi bôi thuốc, nên ngâm nước ấm hoặc đắp vải ướt lên vùng da bệnh khoảng vài phút. Sau đó nhẹ nhàng lau khô và loại bỏ vảy.

Dùng thuốc mỡ kháng sinh mupirocin
Dùng thuốc mỡ kháng sinh mupirocin tiêu diệt vi khuẩn và điều trị bệnh chốc lở

  • Kháng sinh đường uống

Nếu có nhiều chốc lở, kháng sinh đường uống được dùng để điều trị. Thuốc cần được uống theo chỉ định của bác sĩ ngay cả khi vết loét đã lành.

Những loại thường được sử dụng gồm:

    • Sulfamethoxazole (Bactrim™)
    • Clindamycin (Cleocin®)
    • Cephalosporin

2. Điều trị tại nhà

Chăm sóc tại nhà có thể hỗ trợ điều trị chốc lở và thúc đẩy chữa lành tổn thương. Những phương pháp cụ thể gồm:

  • Dùng kháng sinh không kê đơn: Dùng thuốc mỡ hoặc kem kháng sinh không kê đơn để điều trị nhiễm trùng da nhẹ và chưa lan rộng. Kháng sinh này thường chứa bacitracin - một loại kháng sinh polypeptide. Thuốc có tác dụng điều trị nhiễm trùng da do vi khuẩn hoặc ngăn nhiễm trùng.
  • Băng gạc: Sau khi thoa thuốc, dùng gạc y tế che kín khu vực có vết loét. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng và giúp điều trị bệnh tốt hơn.
  • Ngâm da trong nước ấm: Dùng gạc ấm và ẩm đặt lên vùng chốc lở hoặc ngâm vùng da ảnh hưởng trong nước ấm khoảng vài phút. Sau đó nhẹ nhàng thoa vùng da nhiễm trùng để loại bỏ lớp vảy.

Phòng ngừa

Bệnh chốc lở được ngăn ngừa bằng những biện pháp dưới đây:

  • Giữ cho làn da sạch sẽ bằng cách tắm rửa và thay quần áo mỗi ngày. Đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm hoặc đang mắc bệnh chàm.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Có thể dùng chất khử trùng có cồn nếu không có nước và xà phòng.
  • Thường xuyên cắt móng tay để tránh bị trầy xước.
  • Không gãi vết cắt hoặc vết thương.
  • Hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay. Sau đó vứt khăn giấy để tránh nhiễm trùng.
  • Nếu có vết thương do côn trùng cắt hoặc vết cắt, cần nhẹ nhàng rửa những khu vực bị ảnh hưởng. Nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ và nước sạch. Sau đó bôi kháng sinh và dùng băng gạc che phủ nhẹ nhàng.
  • Tránh tiếp xúc da kề da hoặc tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh.
  • Không sử dung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, giường ngủ và quần áo với người bệnh.
  • Giữ sạch khăn trải giường. Thường xuyên giặt khăn tắm, khăn trải giường và quần áo. Tốt nhất nên giặt bằng nước ấm.

Tắm rửa mỗi ngày và giữ cho làn da sạch sẽ
Tắm rửa mỗi ngày và giữ cho làn da sạch sẽ để phòng ngừa nhiễm trùng gây chốc lở

Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người khác:

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị chốc lở bằng xà phòng dịu nhẹ và nước, che phủ vết thương bằng gạc.
  • Tắm rửa mỗi ngày và rửa tay thường xuyên.
  • Không nên gãi và làm tróc vảy không đúng cách. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây lan và tái nhiễm cao hơn.
  • Giặt khăn tắm, khăn trải giường và quần áo mỗi ngày. Dùng xà phòng và nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn.
  • Đeo găng tay khi bôi thuốc mỡ và chăm sóc người bệnh. Sau đó rửa tay thật kỹ.
  • Cắt móng tay để tránh trầy xước do gãi ngứa.
  • Tránh tiếp xúc hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác cho đến khi không còn khả năng lây nhiễm.
  • Cách ly trẻ em trong ít nhất 48 giờ đầu điều trị.
  • Tránh tắm hồ bơi và bồn nước nóng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây lan cho người khác.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Những triệu chứng của tôi xảy ra do đâu?

2. Phác đồ điều trị của tôi là gì?

3. Loại kháng sinh nào an toàn và tốt nhất?

4. Cần cách ly trong bao lâu để phòng ngừa lây nhiễm?

5. Những cách chăm sóc da nào được đề nghị?

6. Quá trình điều trị kéo dài trong bao lâu?

7. Cần tránh những gì trong khi điều trị?

Bệnh chốc lở là bệnh tổn thương da thường gặp, xảy ra khi có nhiễm trùng vi khuẩn tạo nên vết loét và phồng rộp trên da. Bệnh có đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh. Trong khi điều trị, cần chăm sóc da đúng cách để phòng ngừa lây nhiễm.