Chân Vòng Kiềng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Chân vòng kiềng xảy ra khi một hoặc cả hai chân cong ra ngoài dẫn đến dị tật. Điều này thường là một phần bình thường của quá trình phát triển nhưng cũng có thể do bệnh lý. Biến dạng kéo dài nên được điều trị y tế.

Tổng quan

Chân vòng kiềng còn được gọi là dị tật vẹo cổ bẩm sinh - dị tật vẹo trong, thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Tình trạng này xảy ra khi một hoặc cả hai chân cong bị ra ngoài khiến hai đầu gối cách xa nhau.

Chân vòng kiềng
Chân vòng kiềng xảy ra khi chân cong bị ra ngoài khiến hai đầu gối cách xa nhau

Khi phát triển bình thường, chân thẳng và không có dấu hiệu biến dạng. Ở những trẻ có chân vòng kiềng, khi chụm hai chân vào nhau sẽ nhìn thấy một khoảng trống rõ rệt giữa hai cẳng chân và đầu gối.

Hầu hết trẻ em dưới 2 tuổi, chân vòng kiềng là một biến thể bình thường của quá trình phát triển về hình dạng của chân. Khi trẻ lớn hơn, tình trạng này thường tự thẳng ra mà không cần điều trị.

Nếu không tự khỏi sau 2 tuổi, dị tật có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Điều này thường do một căn bệnh tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh còi xương và bệnh Blount. Theo thời gian, chân cong có thể dẫn đến viêm khớp gối và hông.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chân vòng kiềng xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

+ Genu varum sinh lý

Chân vòng kiềng phổ biến ở trẻ sơ sinh, xảy ra do nằm ở vị trí chật chội trong bụng mẹ. Hầu hết trường hợp không cần điều trị. Khi trẻ biết đi, chân của trẻ bắt đầu duỗi thẳng, thường trong thời gian từ 12 - 18 tháng tuổi.

Genu varum sinh lý
Genu varum sinh lý xảy ra do nằm ở vị trí chật chội trong bụng mẹ, chân có thể tự duỗi thẳng lại

+ Chân vòng kiềng do bệnh lý tiềm ẩn

Một số trẻ có chân vòng kiềng không tự khỏi. Tình trạng này xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Bệnh Blount

Trong bệnh Blount, xương ống chân (xương chày) phát triển bất thường với hình dạng cong xuống dưới đầu gối. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi trẻ biết đi.

Các triệu chứng của bệnh Blount có thể xuất hiện sớm nhưng không được chú ý cho đến tuổi thiếu niên. Mặt khác biến dạng chân tiến triển theo thời gian và gây ra những vấn đề về khớp.

Bệnh Blount thường xảy ra ở những người là nữ khi sinh và thừa cân béo phì. Nguy cơ cũng cao hơn ở trẻ em biết đi sớm.

  • Bệnh còi xương

Còi xương xảy ra do thiếu vitamin D kéo dài. Tình trạng này khiến xương mềm, yếu và dễ bị cong.

  • Bệnh Paget

Bệnh Paget ảnh hưởng đến cách xương bị phá vỡ và xây dựng lại. Điều này khiến xương yếu, chân cong tồi tệ theo thời gian và gây ra những vấn đề về khớp khác.

  • Bệnh lùn

Bệnh lùn là một chứng rối loạn phát triển xương, được gây ra bởi một tình trạng được gọi là achondroplasia. Tình trạng này có thể khiến chân cong dần theo thời gian.

  • Nguyên nhân khác

Mặc dù ít gặp hơn nhưng chân vòng kiềng cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

    • Ngộ độc chì
    • Xương không lành lại đúng cách sau gãy xương
    • Loạn sản sợi hoặc xương phát triển bất thường
    • Ngộ độ florua
    • Viêm khớp do hao mòn hoặc viêm xương khớp ở đầu gối

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng phổ biến nhất của chân vòng kiềng gồm:

  • Đầu gối không chạm vào nhau khi đứng và đi, có khoảng cách rõ rệt khi đứng chụm hai bàn chân và mắt cá chân vào nhau
  • Dáng đi vụng về
  • Đi với các ngón chân hướng vào trong và bàn chân xoay vào trong

Dáng đi vụng về, có khoảng cách rõ rệt ở đầu gối
Dáng đi vụng về, có khoảng cách rõ rệt ở đầu gối khi đứng chụm hai bàn chân và mắt cá chân vào nhau

Chân vòng kiềng không ảnh hưởng đến khả năng đi, bò và chạy, thường không gây đau ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên ở tuổi vị thành niên, tình trạng này có thể gây khó chịu ở hông, mắt cá chân hoặc/ và đầu gối.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất kỹ lưỡng. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ tiến hành xem xét các triệu chứng, quan sát, đánh giá mức độ cong ở chân khi trẻ đứng và đi bộ.

Những trẻ dưới 2 tuổi không cần xét nghiệm thêm nếu có độ cong như nhau ở cả hai chân (cong đối xứng) và có sức khỏe tốt. Nếu một chân bị cong nhiều hơn chân kia hoặc chân vòng kiềng không tự khỏi sau 2 tuổi, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang chân.

Chụp X-quang chân ở tư thế đứng giúp định lượng bằng góc hông - đầu gối - mắt cá chân (góc nối giữa trục cơ xương đùi đến tâm của khớp mắt cá chân). Điều này cho phép đánh giá mức độ cong của chân. Hình ảnh thu được sau chụp X-quang cũng có thể cho thấy bệnh còi xương và bệnh Blount.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp chân vòng kiềng là genu varum sinh lý. Tình trạng này gần như luôn luôn tự điều chỉnh một cách tự nhiên. Khi trẻ biết đi, chân sẽ bắt đầu tự duỗi thẳng, thường trong giai đoạn từ 11 đến 18 tháng tuổi. Genu varum sinh lý gần như không nghiêm trọng và không gây ra bất kỳ vấn đề lâu dài nào.

Những trường hợp có chân vòng kiềng do bệnh lý (đặc biệt là Blount) thường không thể tự khỏi và có xu hướng trầm trọng theo thời gian. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn khi bộ, chạy và tham gia vào những hoạt động thể chất.

Tuy nhiên việc điều trị có thể điều chỉnh chân vòng kiềng, trẻ có thể tiếp tục cuộc sống bình thường và năng động.

Điều trị

Không cần điều trị chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Những trường hợp này được theo dõi mỗi 6 tháng cho đến khi tình trạng được giải quyết.

Nhưng nếu có triệu chứng nghiêm trọng và biến dạng tiếp tục sau 2 tuổi, các phương pháp điều trị sẽ được thực hiện. Điều trị chân vòng kiềng dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Có hai phương pháp được sử dụng phổ biến gồm:

1. Nẹp chân

Nẹp chân thường được sử dụng sớm để điều trị bệnh Blount cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dụng cụ này hoạt động bằng cách giải phóng áp lực ở đầu gối, khuyến khích chân phát triển bình thường. Từ đó giúp chỉnh hình đầu gối - mắt cá chân - bàn chân, chân thẳng và chuyển động bình thường.

Nẹp chân
Nẹp chân giúp chỉnh hình đầu gối - mắt cá chân - bàn chân, khuyến khích chân phát triển bình thường

Nếu liên quan đến chứng còi xương, bệnh nhân được yêu cầu tăng cường bổ sung vitamin D và canxi từ chế độ ăn uống, thực hiện song song với quá trình nẹp chân.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định nếu nẹp không hiệu quả. Những kỹ thuật thường được áp dụng:

  • Tăng trưởng có hướng dẫn

Tăng trưởng có hướng dẫn giúp điều chỉnh chân vòng kiềng cho những người trong giai đoạn phát triển. Đây là loại phẫu thuật điều chỉnh được áp dụng phổ biến nhất

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tạo một vết rạch nhỏ. Sau đó sử dụng kim ghim và tấm kim loại để tạm thời trì hoãn sự phát triển ở phía lành của đỉnh xương ống chân. Điều này khuyến khích bên chân bất thường duỗi thẳng và theo kịp sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Sau khi hoàn thành quá trình căn chỉnh, kim ghim và tấm kim loại được gõ bỏ để quá trình tăng trưởng có thể tiếp tục diễn ra bình thường.

  • Cắt xương chày

Phẫu thuật cắt xương được thực hiện cho thanh thiếu niên và người lớn có chân vòng kiềng. Trong đó một hoặc nhiều xương (thường là xương chày) bị cắt để giảm độ cong của chân.

Khi thực hiện, bác sĩ tạo vết rạch lớn trên da. Sau đó tiến hành cắt xương ống chân (xương chày) ngay bên dưới đầu gối. Cuối cùng định hình lại để điều chỉnh, đảm bảo sự thẳng hàng.

Tấm kim loại và đinh vít được đặt bên trong để cố định xương trong khi nó lành lại. Một số trường hợp được định vị bên ngoài của chân bằng khung kim loại.

Phẫu thuật cắt xương chày và cố định trong
Phẫu thuật cắt xương chày và cố định trong giúp điều chỉnh chân vòng kiềng

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được bó bột và sử dụng nạng trong vài tuần. Điều này giúp bảo vệ xương trong thời gian lành lại.

Để phục hồi sức mạnh và phạm vi chuyển động, bệnh nhân được hướng dẫn những bài tập thích hợp. Bác sĩ sẽ thông báo về thời gian phục hồi, thời điểm thích hợp để trở lại những hoạt động bình thường.

Phòng ngừa

Không có cách để ngăn ngừa chân vòng kiềng. Tuy nhiên còi xương (một trong các nguyên nhân của bệnh) có thể được ngăn chặn bằng việc đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi thông qua chế độ ăn uống lành mạnh. Những thành phần dinh dưỡng này sẽ giúp xương khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi/ con tôi có chân vòng kiềng?

2. Tôi/ con tôi có cần phẫu thuật điều chỉnh hay không?

3. Phương pháp nào thích hợp và hiệu quả nhất?

4. Mất bao lâu để chân bé duỗi thẳng ra?

5. Khi nào tôi nên lo lắng khi bé bị chân vòng kiềng?

6. Có điều gì cần lưu ý và tuân thủ hay không?

7. Rủi ro khi phẫu thuật điều trị là gì?

Chân vòng kiềng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và có thể tự khỏi. Đôi khi tình trạng này phát triển do bệnh lý và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Những trường hợp này cần được điều trị sớm để tăng hiệu quả điều chỉnh.